1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Tình quê càng nặng, càng đầy nghĩa nhân

15/11/2019
Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời mình với cả hai tư cách, một bạn đọc bình thường và một nhà làm lý luận, phê bình văn học chuyên nghiệp, tôi được đọc một tập thơ có tên là một thuật ngữ khoa học “Khái niệm” như này của nhà thơ Ngô Đức Hành. Thú thực, khi vừa cầm tập thơ tác giả ký tặng, tôi hơi ngờ ngợ, có chút bối rối và ngỡ ngàng. Thế nhưng,…

Theo tự bạch, nhà thơ Ngô Đức Hành sinh năm 1960, tại làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có thị trấn Nghèn. Có thể nói Can Lộc là một vùng đất địa linh, nhân kiệt với những tên tuổi nổi tiếng.

Ngô Đức Hành là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, ngoài viết báo, ông còn làm thơ, hiện sống và viết tại Hà Nội. Ông đã từng xuất bản các tập thơ:  Duyên thơ (2010), Ví giặm quê mình (2015), Con đường rạ rơm (2017), Ballad đêm (2017) và Khái niệm (2019). Ngoài thơ ra, ông còn có 2 tập bút ký: Con đường xuyên rốn lũ (2006) và Khúc hát nơi đầu sóng (2008). Thơ Ngô Đức Hành ít nhiều đã để lại dấu ấn trong lòng công chúng yêu thích thơ ca, nhất là người miền Trung.

“Khái niệm” là tập thơ thứ 5 của Ngô Đức Hành, quy tụ 50 bài lục bát viết về nhiều đề tài, chủ đề trong các thời điểm và tâm trạng khác nhau. Có lẽ vì thế, nó đã tạo nên sự phong phú, đa dạng mà đối với một tập thơ cần có.

Theo tôi, tập “Khái niệm” của nhà thơ Ngô Đức Hành chưa có những ý tưởng mới lớn lao, táo bạo làm ngỡ ngàng giới chuyên môn cũng như những ai thích săn tìm những vấn đề “đại sự”. Nhưng bù lại tập thơ có được giọng điệu riêng trong cách diễn ngôn về vùng đất Nghệ - Tĩnh, nơi có nhiều đặc trưng văn hóa mang dấu ấn vùng miền rất rõ nét, không trộn lẫn với bất cứ một vùng quê nào trên dải đất hình chữ S, mang tên Việt Nam này.

Nhưng chỉ cần điều này, dù với người khó tính đến mấy cũng không thể nào không ghi nhận được, đó chính là tình yêu quê hương, xứ sở của nhà thơ được thể hiện một cách giản dị và chân thành nhất trong “Khái niệm”. Và đây cũng chính là chủ đề xuyên suốt tập thơ. Tình yêu quê hương với những người thân, các bậc sinh thành, dung dưỡng mình là mẹ cha cùng những người bạn, người hàng xóm, cũng có khi là chính mảnh đất quê hương với những dòng sông, con đò, ruộng đồng, bến bãi,…

Ngay ở bài “Khái niệm I” Ngô Đức Hành đã không ngần ngại định nghĩa quê hương hết sức mộc mạc, cụ thể, nhưng cũng đầy lãng mạn trong thi tứ: quê là đôi mắt em tôi/ là vàng quả duối ngày tôi tặng nàng/ quê là một chuyến đò sang/ người về bên ấy tôi sang bên này… Quê hương là ánh mắt thơ ngây của người con gái tuổi thiếu thời, là sắc vàng quả duối chín mọng được bạn trai hái tặng. Quê hương còn là những chuyến đò ngang dọc chở tuổi thơ về đôi ngả, để họ không còn là của nhau nữa, để vĩnh viễn mối tình “phải lòng mặt” ấy tưởng như nằm ngủ yên trong miền ký ức, mà chỉ nhờ vào những phút giây mặc khải của thi hứng sáng tạo của nhà thơ Ngô Đức Hành, ký ức ấy mới được thức dậy và trở nên lung linh trong tròn đầy tuổi thơ dù cho có đôi chút bùi ngùi, khi mỗi người một ngả. Nhưng nếu không có lối rẽ định mệnh ấy của tình yêu đôi lứa thuở thiếu thời, chắc gì hôm nay người đời đã có được những giây phút thăng hoa để tạo nên những vần thơ rất đáng đọc của thi sĩ Ngô Đức Hành.

Hình ảnh dòng sông, con đò và bóng dáng người ta lặn lội sớm khuya bên mom sông, tìm cái tép, cái tôm để nuôi con khôn lớn, những mong nuôi hy vọng vào tương lai, luôn hiện về trong tâm trí nhà thơ mỗi khi nhớ đến quê nhà: con đò đưa anh sang sông/ dọc ngang trời đất mênh mông tìm về/ à ơi, tiếng võng bờ tre/ ngóng cha mải miết ngược bè sông Con/…/ à ơi, su (sâu) như đáy lòng/ để sông chảy mãi dùng dằng. Đời anh. (Con đò). Tôi thật sự ấn tượng với hai câu kết của bài thơ. Nó đã nói hộ nỗi lòng của bao người con xuất thân từ những vùng quê phải ly hương để bươn chải, lập nghiệp, sinh kế, đặc biệt là vùng quê Hà Tĩnh, nhưng không lúc nào là không ngoái trông về nguồn cội.

Một trong số những bài trong tập thơ này mà tôi thích đấy là bài: về quê hết cỡ nói cười/ vui như trải chiếu ở nơi sân đình/…/ giòn tan như cắn quả cà/ có tay mẹ muối có bà dãi sương/ cuộc đời rong rẻo muôn phương/ bước chân hăm hở là đường về quê/ quê ơi đọi nác xanh chè/ như hồn sông núi chở che dãi dầu/ có gì nhớ đến bền lâu/ con đường rơm rạ, tìm nhau. Ta về… (Ta về).

Bài thơ tuy không dài, cũng không có gì là lớn lao, mới lạ. Âu cũng là những chuyện quê kiểng, nói mãi, nghe mãi rồi. Nhưng dù sao Ngô Đức Hành vẫn tìm được tiếng nói riêng, bằng giọng điệu mang đậm chất quê hương Nghệ - Tĩnh, rất đỗi mộc mạc, bình dị như chính con người nơi đây đối với nơi chôn rau, cắt rốn của mình. Cái quê miền Trung, có thể nghèo xác xơ về vật chất, nhưng khi nào và ở đâu cũng đầy ắp tình nghĩa xóm làng, quê hương. Những gặp ai cũng muốn mi - choa sang nhà, đọi nác xanh chè, con đường rơm rạ, giòn tan như cắn quả cà/ có tay mẹ muối có bà dãi sương,… chính là cái tình nguyên sơ, nguồn cội nhưng là chất keo đặc biệt, gắn quện từng bước chân và tâm hồn thi sĩ mỗi khi có dịp trở lại quê nhà. Phải là người yêu quê tha thiết từ trong máu thịt như Ngô Đức Hành mới có thể viết được những vần thơ về quê hương như thế và không trộn lẫn với bất cứ ai. Với một người mà luôn cảm thấy: thủy chung như thể câu hò/ tím câu ví giặm anh vò võ mong, thì không yêu quê và nhớ quê sao được.

Nhưng có lẽ tình yêu quê hương Hà Tĩnh của nhà thơ Ngô Đức Hành trong tập “Khái niệm” chỉ được minh định một cách chắc chắn và rõ ràng nhất qua hình tượng phụ thân và mẫu thân khi tuổi đời ông đã luống, với chứng mất ngủ hằng đêm. Đấy cũng là những thời khắc tĩnh lặng để nhà thơ suy nghĩ một cách nghiêm túc nhất về các đấng sinh thành của mình một cách vừa đơn giản, gần gũi, vừa chân thành, mộc mạc, nhưng cũng không kém phần sâu xa, đầy ý vị: chân cha lấm đất quanh năm/ mẹ như dẻ lúa mà thành quê thôi/ bây giờ cha mẹ xa rồi/ con thành côi cút một đời cô đơn/ tủi lòng cha mẹ không còn/ nhìn sương nhớ hạt mưa dầm lưng cha…

Chỉ khi cha mẹ đã về cõi vĩnh hằng, còn con vẫn sống nhờ cõi tạm thì nhà thơ mới thấm được công lao trời biển của mẹ cha. Và như những lời sám hối, dù đã muộn mằn, nhà thơ vẫn tự trách mình sao không làm được nhiều hơn nữa những gì có thể để báo đáp công sinh thành, dung dưỡng khi họ vẫn còn nương nhờ cõi tạm với mình. Để đến giờ, khi kẻ ở người đi, đất trời cách xa đôi ngả, dù cho có tốn bao nhiêu công sức cũng chẳng thể nào tìm lại được cái ngày khi họ còn sống bên nhau: tháng ba ruộng nở hoa cà/ đói no che chở mẹ cha dãi dầu/ quê là tất cả bền lâu/ bóng cha NGÀY ẤY thành câu nằm lòng/ mất mẹ mới thấm long đong/ con tìm NGÀY ẤY thuở trong nôi mềm,… (Đêm không ngủ nhớ mẹ cha).

Có thể nói, so với 4 tập trước đó, “Khái niệm” là tập thơ mà Ngô Đức Hành dành nhiều tình cảm nhất cho quê hương Can Lộc nói riêng và Hà Tĩnh nói chung. Điều ấy được minh chứng bằng việc nhà thơ đã sử dụng thể thơ lục bát truyền thống cho cả tập (50 bài). Ai cũng biết, lục bát là thể thơ thuần Việt, mang âm hưởng dân gian rất rõ nét qua những câu tục ngữ, ca dao, hò vè, ví giặm,… mà các nhà nghiên cứu thường gọi chung là “văn nghệ dân gian” với nghĩa là những lời ca, tiếng hát của người dân lao động. 

Tình yêu quê hương của nhà thơ Ngô Đức Hành còn được thể hiện ở tần số xuất hiện dày đặc các từ “quê”, “quê hương” hay những địa danh của Can Lộc và Hà Tĩnh: về quê hết cỡ nói cười/ vui như trải chiếu ở nơi sân đình/ về quê sống giữa bao tình/ ngàn năm sông chảy như mình với ta (ta về); mùi quê chín giọt mồ hôi/ má em lựng đỏ xa tôi lấy chồng/ quê là đất thở cay nồng/ giữa mùa cháy nắng tồng ngồng cơn mưa (Mùi quê),…

Và điều cuối cùng tôi muốn nói là việc sử dụng nhiều từ, cụm từ địa phương (phương ngữ) mang đặc trưng vùng miền cũng là cách để nhà thơ biểu lộ tình cảm với quê hương, xứ sở của mình. Bởi lẽ khi bạn tiếp xúc trực tiếp với văn bản tác phẩm thơ có chứa những từ vựng ấy, thì nghĩ ngay rằng chỉ có những người ở các vùng quê Can Lộc, Hà Tĩnh mới nói như vậy. Điều đó ít nhiều cũng là sự khác biệt trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của người quê mình với những vùng quê khác. Với nhà thơ đấy không chỉ là sự khác biệt, mà còn là niềm tự hào đối với quê hương giàu truyền thống cách mạng và văn hóa: ngàn Hống; sông La; choa - mi; nác xanh chè; gối thèm rở đêm; ngược bè sông Con; à ơi, su như đáy lòng; cà vâm vâm quả; tím câu ví giặm anh vò võ mong; dãi dầu Ngàn Hống; Vân Chàng lửa đỏ; trái tim chuốt rút,…

Với tư cách là người con của quê hương Can Lộc và với tư cách là một nhà thơ, viết như thế âu cũng là gián tiếp góp một phần làm giàu cho quê hương, cũng như bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Can Lộc, mà không phải ai cũng có thể làm được như Ngô Đức Hành.

Đỗ Ngọc Yên/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/tinh-que-cang-nang-cang-day-nghia-nhan_256637.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)