1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Tình người, tình đời trong 'Trần gian muôn nỗi' của Văn Giá

02/11/2020
(Viết về tập “Trần gian muôn nỗi” của nhà văn Văn Giá do Công ty sách Sống và NXB Văn học phát hành năm 2019)

Với 307 trang sách, 68 mẩu chuyện về người, về đời… trong “Trần gian muôn nỗi” mà Văn Giá đã trải nghiệm hoặc chứng kiến là những khuôn mặt của kỷ niệm, dù xa xôi hay gần gũi nhưng tạo cho tác giả nguồn cảm hứng thật phong phú. Năm tháng qua đi, mọi thứ rồi bị phai mờ theo lớp bụi thời gian, nhưng tình cảm của Văn Giá đối với thế giới con người, cuộc đời còn lưu dấu mãi. Qua cách thể hiện của tác giả, ta thấy một ngọn lửa ấm áp tình người, tình đời bùng cháy, ánh sáng từ ngọn lửa ấm áp ấy có khi từ quá khứ, có khi lại lấp lánh buổi đương thời. Dù cũ hay mới đó vẫn là tình cảm vô cùng trong sáng, rất đỗi thiêng liêng!

 

Bắt đầu với mẩu chuyện “Tết những năm bom đạn”, qua một vài nét chấm phá, không có dụng ý dựng lại chân dung, nhưng hình ảnh ông nội hiện lên thật gần gũi, thân thương. Tuổi thơ của Văn Giá hầu như đã gắn với kỷ niệm về ông - nơi bình yên và ấm áp. Có lẽ vì vậy mà anh đã viết về ông dù chỉ một phần của mẩu chuyện nhưng giàu cảm xúc và chân thành, thật ngọt ngào trong trái tim non trẻ! Đối với Văn Giá, ông nội không những có ảnh hưởng sâu sắc mà còn là người anh vô cùng kính trọng. Dù ông đã đi xa, nhưng mỗi khi chạm đến, hình ảnh ông lại hiện về! 

 

Nhà văn Văn Giá nghĩ về con người, cuộc đời ra sao thì văn anh cũng như thế. Cách viết và quan niệm văn chương của anh đã chi phối, làm nên sự thành công của đời văn. Anh khẳng định một điều: Văn chương hấp dẫn, cuốn hút người đọc không phải là thứ văn chương dài dòng hoa mỹ. Dưới ngòi bút của anh cùng cách nhìn sâu sắc, đa chiều nên những sự việc, sự kiện rất bình thường dù được viết với dung lượng dồn nén vẫn khiến độc giả chất chứa trong lòng.

 

Trong “Trần gian muôn nỗi” của Văn Giá, hình ảnh người mẹ (mà anh gọi là u) cũng được khắc họa hết sức sinh động. Người mẹ của Văn Giá như một “siêu nhân” giữa đời thường, chỉ có hai bàn tay mà bà có thể “thiên biến vạn hóa” nuôi sống cả một gia đình lớn. Mẹ là người đầu tiên thắp lên trong anh ngọn lửa niềm tin và hy vọng. Mẹ cũng là người nhen nhóm, và đốt cháy trái tim anh bằng tình thương và lòng nhân ái bao la. Dưới góc độ quan sát tinh tế, đa chiều, tác giả đã soi thấu những miền cảm xúc làm vỡ òa ra trong lòng độc giả về tình nhân ái, nhân cách sống cao đẹp của mẹ. Anh đã thổi hồn mình và tình thương của mẹ vào những mẩu chuyện đầy tính nhân văn như: “U cho đi học”, “U đi mua áo cho con”, “Củ ráy, nước vôi trong”, “Hàm dưới cá trê” và xuyên suốt “Trần gian muôn nỗi” ở đâu cũng lấp lánh ánh sáng của lòng nhân ái bao la của mẹ. 

 

Cả tập sách như một bản tình ca về tình mẫu tử, tình bà cháu, tình mẹ chồng nàng dâu - lời nhắn gửi với đời: nếu ở phúc đức thì mẹ chồng vẫn được con dâu coi trọng, kính yêu như mẹ đẻ. Chẳng thế mà mỗi lần nhắc đến mẹ chồng, nàng dâu bao giờ cũng nước mắt lưng tròng: “Vợ mình nước mắt đỏ hoe… Nói đến đây mắt vợ lại đỏ hoe.” (U cho tiền). Và biết bao điều Văn Giá viết về người của mình nơi thôn dã, sống chân chất, chu đáo, tinh tế, đàng hoàng và có điểm nhìn thoáng đãng, sâu xa… Xin nhường lại, để bạn đọc được thưởng thức, thừa hưởng khoảng trời xanh trong lòng mẹ!

 

Gia đình là chốn bình yên nhất đón ta trở về sau mỗi ngày vất vả mưu sinh. Người vợ là ngọn lửa ấm nồng giữ gìn, vun đắp cho hạnh phúc, cho tổ ấm. Một “đứa nhà quê vụng thối vụng nát” vừa nghèo, vừa “đoảng tính” như Văn Giá mà “vớ được” người vợ Hà Thành đẹp người, đẹp nết quả là phúc “trời ban”. Tác giả là người tế nhị, kín đáo, kiệm lời, không nhiều chữ khi nói về vợ mình. Người vợ chỉ xuất hiện qua điểm nhìn của mẹ chồng, bố chồng, hàng xóm… hay thấp thoáng trong từng trang sách, nhưng hình ảnh chị hiện lên thật đẹp. Cái đẹp của người con gái Hà Nội đảm đang, tháo vát. Cái đẹp của người hiểu biết, chu đáo, lo toan, thảo hiền, ứng xử giỏi. Người vợ ấy lấy chồng nghèo, ở nhà quê nhưng lại yêu tha thiết quê chồng, yêu thương, quý trọng hết thảy người nhà chồng, chắc hẳn người vợ ấy hiểu và yêu chồng sâu nặng! 

 

Viết về những người thầy, người bạn, Văn Giá đã quan sát, phát hiện, nghiên cứu công phu, đầy đặn, những câu chữ của anh viết ra trở nên có hồn và sâu sắc vô cùng. Điều quan trọng là văn của Văn Giá đưa con người đến với nhau bằng tình yêu thương, từ tấm lòng. Những trang viết của anh có cái nhìn xuyên thấu cuộc sống thực tại, được chắt lọc qua lăng kính chủ quan, nhưng hết sức nhân văn của một nhà báo, nhà văn, nhà giáo, nhà phê bình từng trải, giàu chất suy tưởng và đầy lòng bao dung.

 

Viết về những người thầy của mình, Văn Giá không đi chệch khỏi quan niệm tốt đẹp hàng ngàn đời nay của dân tộc - “tôn sư trọng đạo”, thể hiện tình cảm và lòng biết ơn vô hạn của trò đối với thầy. Đó là thứ tình cảm chân thật và thanh khiết, không bất cứ mảy may trục lợi nào. Chính nhân cách cao quý và tài năng của những người thầy đã để lại trong trò Văn Giá những cảm xúc chân thành, và lòng biết ơn sâu sắc. “Đánh chén cùng cụ Mạnh”, “Thầy Trung về Hà Nội”… là một minh chứng. Mỗi câu chuyện đều chứa đựng ý niệm sâu sắc và cũng rất tình người. Dưới ngòi bút của Văn Giá, một nhân cách nhà giáo Lưu Đức Trung hiện lên thật sáng đẹp, tạo ấn tượng sâu đậm để lại trong lòng bạn đọc và bao thế hệ học trò. Thầy Trung “về” chuyến này trông bề ngoài có vẻ bình thản, nhưng bình thản trong cái tất bật bởi phải xếp lịch khi “đám” học trò ai cũng muốn được đón thầy, gặp thầy. Thầy lúc nào cũng ân cần tinh tế, với ai cũng ứng xử chu đáo. Nét hiền hậu, thân thiện được tỏa ra từ mọi cử chỉ, lời nói mà bất kỳ sinh viên nào được học thầy cũng đều nhận thấy. Những người thầy Văn Giá nói đến, như thầy Nguyễn Hoàng Tuyên, thầy Phùng Văn Tửu… đều là những vị đạo cao đức trọng. Có lẽ căn cốt của thầy giáo ngữ văn là ở tình người, lòng nhân hậu, đó cũng là nền tảng nhân văn, là cội nguồn năng lượng sống của các thầy trong thời buổi khó khăn của kinh tế bao cấp, để các thầy tồn tại và dấn thân vào con đường giảng dạy, nghiên cứu khoa học! “Dạy văn dạy nghĩa dạy tình/ dạy văn mà cũng dạy mình dạy ta” (GS Lê Trí Viễn). “Muốn được vậy thì người dạy phải đọc, phải nghiền ngẫm, phải chứng thực từ cuộc sống, rồi từ đấy mới đủ khả năng truyền cho học trò cái kỳ diệu của văn chương” (Vu Gia).

 

Con người ta không ai có thể sống thiếu tình bạn. Người bạn tốt giống như những “thiên thần có cánh” cùng ta chia sẻ vui buồn… trong cuộc sống. Trong đời Văn Giá có thể quen biết rất nhiều người, nhưng để có những người bạn như Trần Hòa Bình, Chu Văn Sơn chắc hẳn không nhiều! Những người bạn của Văn Giá sống chân thành, gần gũi, nhân hậu, thực tài, yêu quý cái đẹp và họ rất hiểu nhau. Khi đã hiểu nhau thì linh hồn sẽ sưởi ấm cho nhau! Nếu không hiểu Chu Văn Sơn thì làm sao anh viết về Chu Văn Sơn có hồn như vậy, mặc dù Văn Giá thừa nhận: “Mỗi phận người là một bí ẩn của vũ trụ. Mỗi một người nghệ sĩ càng là một bí ẩn được nhân lên, bởi không chỉ bí ẩn ở con người tiểu sử mà còn bí ẩn ở những tác phẩm của họ đẻ ra. Đương nhiên, Chu Văn Sơn là một bí ẩn như vậy, một bí ẩn có khả năng vẫy gọi, đối thoại và đồng điệu”. Nhờ sự “vẫy gọi, đối thoại và đồng điệu” đó mà Văn Giá đã viết về kẻ sĩ Chu Văn Sơn sâu sắc lạ!

 

Viết về Trần Hòa Bình, ngòi bút Văn Giá thâm sâu, cảm kích, thấu hiểu và hình như hòa lẫn chút xót xa, ngậm ngùi: “Cả cuộc đời của chàng thi sĩ này là những chuyến khởi hành. Đi. Chơi. Và viết”. Theo Văn Giá: “Trần Hòa Bình là người chịu đựng sự quấy quả của người khác phải nói đến mức… phi thường. Mà lúc nào anh cũng tươi như không”. Hãy hình dung Văn Giá khi anh cùng thi sĩ họ Trần uống rượu và được thi sĩ tặng thơ: “Tôi nghe hứng lấy từng lời. Tay cầm chén rượu run run, sánh cả xuống đất. Đã lâu lắm rồi tôi mới run lên như thế. Ôi, ông anh. Ông anh nói hộ bao điều mà tôi không nói được”. Khoan hãy nói con người được tặng thơ tinh tế và nhạy cảm mà hãy xem sức mạnh và sự cảm hóa của thơ hay tác động đến con người kỳ diệu thế nào, nó “khiến vết thương lòng mau khép miệng”. 

 

Dù viết về ai, viết về cái gì Văn Giá đều ý thức được sứ mệnh của ngòi bút là sửa sang cuộc sống, nâng cuộc đời lên…  Ở cái tuổi của Văn Giá, khi đã trải qua và chiêm nghiệm cuộc đời, cảm nhận được sự ấm áp, lạnh lùng của tình người đi qua năm tháng, anh hiểu ra rằng: có vài người bạn tri kỷ còn hơn cả ngàn vạn con người nhưng chỉ dừng lại mức độ xã giao!

 

Từ lao động nghệ thuật công phu, Văn Giá đã quan sát, chiêm nghiệm, bóc tách, cắt lát những mảng nhỏ hiện thực của cuộc sống bề bộn để đem vào trang sách, để cùng yêu thương, trân trọng, hạnh phúc... Những tình tiết, chi tiết, con người trong các mẩu chuyện của anh cứ lấp lánh, sống động, cựa quậy như hiện thực vốn có. Tình yêu thương con người, cuộc đời ở anh tỏa ra một hương tình bát ngát, dệt nên những lời văn đẹp, hấp dẫn. Câu chuyện xảy ra dù ở đâu, nông thôn hay thị thành thì hồn cốt của nó vẫn là vùng đất quen thuộc, thấm đẫm tình người! Văn anh mộc mạc, giản dị, tưng tửng nhưng giàu sức sống, và rất đời! Nếu không trải nghiệm đủ cuộc đời thì không thể tạo nên sức nóng cho lời, cho văn, cho đời sâu đến vậy! 

 

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/tinh-nguoi-tinh-doi-trong-tran-gian-muon-noi-cua-van-gia_262730.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)