1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Sự khởi sắc của CLB thơ Đông Anh nhìn từ một cuộc thi

03/04/2020
Cuộc sống thực tế vốn đã sinh động, Đông Anh còn có một đời sống sáng tác văn học nghệ thuật cũng rất sinh động bởi nó được kế tiếp, kết nối từ mạch nguồn văn hóa truyền thống với bản năng sáng tạo, đổi mới của những con người đang sống, lao động và sinh hoạt trên vùng đất Cố Đô phía bắc sông Hồng. Trong hàng chục năm qua với nhiều cuộc thi thơ, câu đối cấp huyện cùng với những cuộc thi ở cấp các CLB và các ngành khác, đủ thấy qua phong trào, đã làm được một công việc có ích, chắp cánh cho công cuộc xây dựng nếp sống văn hóa, hướng tới những giá trị cao đẹp của vị thế Cố Đô xưa, Đông Anh ngày nay.


Trao giải cho các tác giả đoạt giải cuộc thi “Thơ - Câu đối Tết mừng Đảng - mừng Xuân Canh Tý 2020”.

Cuộc thi “Thơ - Câu đối Tết mừng Đảng - mừng Xuân Canh Tý 2020” do huyện Đông Anh phát động kỳ này tiếp tục là bước đi vững chắc bởi nó có cơ sở từ những cuộc thi trước đó, nó có sắc thái mới bởi một huyện đang có nhiều tiềm năng về kinh tế, văn hóa, đô thị nổi trội. Trên 230 bài thơ và 29 câu đối của 140 tác giả hầu hết là công dân của Đông Anh, đều được đánh giá cao cả về nội dung nghệ thuật lẫn tinh thần của các tác giả.

Điểm mới từ các tác phẩm dự thi lần này đó là: Về số lượng thơ và câu đối đều nhiều hơn kỳ trước, các tác giả phân bổ đều ở 23 xã và 1 thị trấn; về nội dung thì có nhiều bài chuyên sâu về quê hương, ít dàn trải chủ đề nên tính đặc trưng cao hơn; về kỹ năng sáng tác được các tác giả chú trọng bởi chính những nhận biết từ các cuộc thi trước, có một vài tác giả đã tham gia cuộc thi đến ba kỳ. Nhưng cũng cần nói thêm, ở một số tác giả trẻ, có khả năng bứt phá hơn kể cả về chủ đề tư tưởng lẫn phương pháp thể hiện mà ít câu nệ như những tác giả quen thuộc.

Về phần Thơ, tất cả các bài đều thể hiện sự tâm huyết của tác giả và họ khắc họa, ngợi ca vẻ đẹp bản chất của quê hương mình. Thơ dự thi năm nay mở ra nhiều hình vẽ khác nhau, nhiều cung bậc âm thanh và sắc màu đã tạo dựng về một bức tranh mùa xuân trên mảnh đất quê hương truyền thống và đổi mới, rất đáng tự hào. Những tiêu đề bài thơ dự thi phần nào đã kết thành cái bản sắc ấy: Đông Anh, miền đất thiêng/ Chợ Tó chiều cuối năm/ Rau sạch Vân Trì/ Ai về Đông Hội quê tôi/ Truyền thuyết làng Tiên Hội/ Về thăm trường cũ/ Thôn đầu ga/ Cói Hội Phụ/ Bác về Tiên Hội trồng đa/ Nắng mới Mai Lâm/ Đất Xuân Lôi/ Lửa chiều ngày hội bỏ bùa/ Nghe bà kể chuyện làng Vân/ Rối nước Đào Thục/ Về với Cổ Loa, rồi cả về Tương quê, về Nếp hoa vàng, hay còn mãi một truyền thuyết Giếng tiên Đền Sái xưa và nay…

Điểm chung của thơ dự thi qua mấy kỳ và đặc biệt ở kỳ này là lối viết không cầu kỳ. Nhưng chính đó lại là cái hay của thơ bởi nó thật tự nhiên, thật sát với thực tế để tạo sự gần gũi với bạn đọc. Lời thơ của những bài thơ kể trên cũng như nhiều bài thơ khác thường dùng lối thể hiện đầy hình ảnh, đôi khi kết hợp cả hội họa làm chất liệu kết cấu xây dựng bố cục, tạo lập tứ thơ. Nói thế là từ góc nhìn của lời bình chứ thực ra người viết chắc chắn có sự thể hiện tự nhiên và giản dị thôi. Đấy chính là cái đẹp của thơ: Việt Hùng hanh hao cái nắng/ Dịu bay những chiếc lá vàng/ Cánh cò liệng chao quãng vắng/ Bồng bềnh mây dạo đường xanh... đấy là những lời giản dị qua con mắt quan sát quanh Việt Hùng gần như chỉ tác giả thơ mới có. Hay là: Em về với Cổ Loa quê/ Tình người, nghĩa đất nếp nề vẹn nguyên/ Hương chè vị trám khó quên/ Bún cần bỏng chủ, chợ phiên đong đầy. Viết như thế cho một nét, thêm một nét về Cổ Loa thì thật vừa khéo. Còn đây nữa: Về Đông Anh thành cổ bước chân đưa/ Em có tới nghe gió lùa vòm lá/ Phố xen lẫn giữa nết quê đẹp lạ/ Lúa ngô xanh vườn quả trĩu hạt bông… thì thật đầy ắp những hình ảnh miền quê ngoại thành.

Những bài viết có câu, đoạn như thế thì khá nhiều. Tuy nhiên cũng thật đáng tiếc là ở các khổ thơ khác hay bài thơ khác lại không giữ được mạch viết vừa suôn sẻ và vừa thấu đáo hay có kết cấu hợp lý nên lại không đưa vào xếp giải cao được. Vòng chung khảo lấy đó để ghi nhận chất lượng nội dung hơn là chất lượng nghệ thuật. Quả thật, nếu lấy nội dung làm thước đo thứ nhất thì toàn bộ thơ dự thi kỳ này là rất thành công. Như trên chúng tôi đã nêu, đủ mảng đề tài, từ di sản văn hóa, nếp xưa tích cũ đến đất nề quê thói, đến lao động nông nghiệp, nông thôn, thị thành, công nghiệp, dịch vụ và nhất là quan hệ gia đình, xã hội, đền ơn đáp nghĩa và niềm tự hào, lòng mong ước... làm nên một diện mạo về văn hóa và nhân cách Đông Anh ngày nay. Tất nhiên, những bài được giải là được lựa chọn từ loạt bài mà trước hết nó hàm chứa một nội dung viết về quê hương của mình. Có một hạn chế cơ bản là thơ viết chưa sâu và viết không đồng đều cả về nội dung lẫn hình thức của cùng một bài, hay cùng một tác giả.

Thêm một tập “Hương sắc Đông Anh” mới.

Có bài thơ được điểm trung bình cao và xem ra đó là bài có lối viết khá chau chuốt, câu từ chắt lọc hình ảnh, bố cục hợp lý, nội dung hàm súc, nhưng lại rất tiếc vì bài nặng về tâm trạng mà không đáp ứng cao yêu cầu gắn kết quê hương như mục đích của cuộc thi. Trong tập Hương sắc Đông Anh có in bài Hoa sưa này của tác giả trẻ Nguyễn Thị Phương Anh, là bài thơ hay với những câu thơ hay: Tạm biệt em, chẳng hẹn tiết xuân sau/ Bịn rịn luyến lưu đường xưa hoa nắng/ Anh đi rồi… ở nơi nao có vắng/ Bóng dáng em trong khắc khoải muộn sầu. Hay bài Đá của Mạch Quang Bách xứng đáng đứng riêng một chiêm nghiệm nhân sinh, một tâm thế độc lập, có lối viết tốt, song nó cũng không hẳn chịu đứng trong hàng lối. Và một bài đáp ứng được các tiêu chí cần thiết, chọn trao giải Nhất là: Giếng tiên Đền Sái, sau khi khớp tên là của nhà thơ Khang Sao Sáng. Cũng là bài thơ thể hiện tâm trạng khá sâu. Bài có bố cục đủ và gọn. Từ cái thực tại nghĩ về nguồn mạch, từ nguồn mạch để mô phỏng, tạo dựng huyền thoại rồi thi vị hóa lên nhằm kéo cái trừu tượng về với thực tại trách nhiệm cuộc sống, khép lại một vòng tạo hóa thiêng liêng của đất trời Đông Anh. Bài thơ sử dụng từ ngữ và nhịp điệu vừa khớp, đủ sức truyền tải hàm ý về nội dung. Tiếp nối là các bài đạt giải Nhì, Ba như: Cảm xúc một ngày thu của Nguyễn Thị Phương Anh, Đông Anh miền đất thiêng của Nguyễn Đăng Thuyết, bài Sắc màu lễ hội của Lại Duy Bến, bài Chợ Tó chiều cuối năm của Đỗ Văn Hạnh và bài Rau sạch Vân Trì của Nguyễn Quang Khả. Tiếp nữa là loạt bài đạt giải Khuyến khích của 12 tác giả, gồm: Mạch Quang Bách, Tạ Xuân Đại, Ngô Ngọc Thăng, Bùi Huy Hoàn, Ngô Hương Lan, Đặng Việt Cường, Nguyễn Tuấn Tranh, Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Tuấn Tranh, Nguyễn Duy Vượng, Ngô Đăng Trích và Đoàn Trọng Hiếu.

Về phần Câu đối. Đây cũng là mảng sáng tác chiếm phần quan trọng. Tổng số câu đối dự giải là 29. Tuy về số lượng không nhiều song sức nặng của mỗi cặp câu đối thì thật đáng được ghi nhận và làm cho Ban giám khảo tập trung khá nhiều thời gian, không kém cạnh phần thơ. Về hình thức, có hai loại thể hiện, bằng chữ quốc ngữ và bằng chữ Hán (có phiên âm kèm nghĩa đen). Tuy bằng hình thức nào thì cũng xuất phát từ việc học và làm theo truyền thống cha ông chúng ta. Năm nay số lượng câu đối bằng Hán nôm có tăng hơn so với kỳ thi trước. Hầu như các câu đối dự giải đều đạt yêu cầu nguyên tắc, niêm luật. Về chủ đề, tập trung ở các lĩnh vực văn hóa, tín ngưỡng và giáo dục. Mỗi chữ đều hàm chứa ý nghĩa sâu rộng và quảng đại, nêu bật hào khí truyền thống, miền đất văn vật linh thiêng tụ hội và phát sáng. Bên cạnh đó, cũng có những câu đối thật giản lược về hình thức và nội dung, song lại khá hay khi nói về làng quê đổi mới và đất nước vào xuân... Thật là, chọn cặp đối này, lại tiếc cặp đối khác. Những câu đối đoạt giải Nhất, Nhì, Ba cũng không tạo được độ chênh lệch cao hay xa mà cái chính lại được ghi nhận ở chỗ dụng chữ. Nhiều khi đọc chữ tạo cho ta cảm giác linh ứng, tạo thế đứng của câu đối; lại biết thừa hưởng của giá trị sáng tạo truyền thống mà vận dụng để tạo mới, tạo đăng đối, lấy vế đối tôn tạo vị thế của ngữ nghĩa chính là xác định được vị thế của câu đối dự thi. 

Có 2 giải Nhì, của hai tác giả: Trần Tiến Tĩnh và Lê Đình Chiến xã Xuân Canh. 3 giải Ba của các tác giả: Nguyễn Hữu Đức, Ngô Đăng Trích, Ngô Quốc Dũng. Và 8 giải Khuyến khích của Trần Thị Ánh Nguyệt, Lại Duy Lực, Phạm Ðức Thiêm, Nguyễn Ðình Khoát, Ngô Vần Hộ, Vương Khắc Côn, Bùi Minh Ðạo, Nguyễn Hữu Chế, tất cả đều rất xứng đáng được ghi danh.

Nhìn về kết quả của cuộc thi năm 2020, có thể khẳng định: Ban tổ chức đã thành công trong việc tiếp nối các cuộc thi sáng tác, huy động được một lực lượng lớn các cây bút chuyên và không chuyên trong toàn địa bàn tham gia tích cực và luôn hướng về kết quả của cuộc thi nhân dịp dầu xuân mới. Chính từ phong trào này, trên cơ sở hàng trăm, vài trăm tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung đã đóng góp đáng kể cho nếp sống sinh hoạt văn hóa cũng như động viên được lực lượng những người yêu thích sáng tạo cổ vũ các hoạt động văn hóa có ích cho xã hội, xây dựng một bức tranh nghệ thuật làm đẹp quê hương…

Một kỳ nữa, chúng ta lại có thêm một tập sáng tác “Hương sắc Đông Anh” mới. Một tập thơ và câu đối chọn các bài chung khảo, thật hay và thật đa dạng. Đây vừa là để ghi nhận thành quả cuộc thi, vừa là tập bổ sung có giá trị vào thành tựu văn học nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội.

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/su-khoi-sac-cua-clb-tho-dong-anh-nhin-tu-mot-cuoc-thi_257647.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)