1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Ra mắt tiểu thuyết lịch sử Nam Đế Vạn Xuân & Triệu Vương Phục Quốc của Nhà văn Phùng Văn Khai

03/08/2020
Nam Đế Vạn Xuân & Triệu Vương Phục Quốc xoay quanh công cuộc đấu tranh giữ nước khởi nghĩa của Triệu Quang Phục và thành lập nên nhà nước Vạn Xuân của Lý Bí… từ đó vẽ lên bức tranh lịch sử của cả một giai đoạn kéo dài gần 60 năm trong thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc của nước ta. Nhà văn Phùng Văn Khai đã phục dựng một giai đoạn lịch sử bằng tư liệu từ chính sử và dã sử, kết hợp với tư duy tiểu thuyết tạo ra cuốn sách với những nhân vật, sự kiện đầy sinh động, hấp dẫn.

Sáng ngày 17/07, Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức ra mắt, giới thiệu cuốn tiểu thuyết lịch sử Nam Đế Vạn Xuân & Triệu Vương Phục Quốc của nhà văn Phùng Văn Khai. Sau tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương được đông đảo bạn đọc ủng hộ nay tác giả tiếp tục giới thiệu quyển tiểu thuyết thứ ba và thứ tư Nam Đế Vạn Xuân & Triệu Vương Phục Quốc. Đây cũng là lời khẳng định của nhà văn Phùng Văn Khai chọn tiểu thuyết lịch sử làm định hướng sáng tác cho mình.

Rất đông bạn bè văn chương và các bạn sinh viên yêu văn chương đã đến dự.

Nam Đế Vạn Xuân (NXB Văn học, 2020) xoay quanh công cuộc khởi nghĩa và thành lập nên nhà nước Vạn Xuân của Lý Bí. Triệu vương phục quốc (NXB Văn học, 2020) khắc hoạ nhân vật Triệu Quang Phục cùng với quá trình đấu tranh giữ nước của ông. Với tư liệu từ chính sử và dã sử, kết hợp với tư duy tiểu thuyết, cả hai cuốn sách được nhà văn Phùng Văn Khai  Phùng phục dựng một giai đoạn lịch sử với những nhân vật, sự kiện đầy sinh động, hấp dẫn và gợi nên những vấn đề thời đại.

 

Tiểu thuyết lịch sử Nam Đế Vạn Xuân & Triệu Vương Phục Quốc nhận được rất lời khen ngợi từ các bạn văn.

Phùng Văn Khai viết tiểu thuyết lịch sử với lòng yêu mến, tôn kính lịch sử. Phùng Văn Khai đã thể hiện sự tiến bộ nhuần nhuyễn trong bút pháp của mình, qua lối kể chuyện hấp dẫn cùng mạch truyện uyển chuyển, với nhiều tình tiết đan xen nhưng vẫn trên một trật tự tuyến tính, không bị đứt gãy. Nghệ thuật đối sánh được tác giả nhuần nhuyễn sử dụng nhằm tô điểm và phản chiếu sự đối lập giữa hai nhân vật, vừa là đối thủ vừa là đối trọng. Một bên là Tiêu Tư, thứ sử Giao Châu đầy cơ mưu gian hùng, đại diện cho thế lực phương Bắc xâm lược bành trướng. Bên kia là Lý Bí, được xây dựng hình tượng văn võ song toàn, khí độ hơn người, có khả năng đồng thanh liên tài, đại diện cho nước Nam bất khuất tự chủ. Cũng qua đó, nhà văn truyền tải lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc một cách hào sảng, sâu sắc.

Nam Đế Vạn Xuân & Triệu Vương Phục Quốc đưa người đọc trở về với quá khứ oai hùng của dân tộc, nơi ý thức tự tôn, tinh thần tự cường, tự chủ, luôn luôn chảy trong mỗi huyết tủy mỗi thực thế Việt. Không những vậy, qua sự luận giải đa chiều của mình, Phùng Văn Khai góp phần thông diễn và đối thoại với nhiều vấn đề lịch sử văn hóa của tiền nhân, kết nối với tình hình thực tại của đất nước. Tác phẩm của anh chính là lịch sử trong thế giới tinh thần của con người hôm nay, là diễn ngôn được tạo tác bằng tư duy và triết học lịch sử hiện đại mang màu sắc cá nhân nhà văn.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng, Phùng Văn Khai đã đem đến những truyện lịch sử trong các tiểu thuyết của mình. Giữa trào lưu viết tiểu thuyết lịch sử của nền văn học hôm nay, Phùng Văn Khai đã đi theo một hướng riêng biệt. Anh đam mê với sử Việt và làm giàu có cho lịch sử bằng những tiểu thuyết của mình.

Có thể thấy, kể từ Phùng Vương, Ngô Vương đến Nam Đế Vạn Xuân gần đây, Phùng Văn Khai đã mạnh dạn mở cho mình một lối đi riêng. Anh không chọn cách “đảo nghịch”, “giải thiêng” lịch sử, càng không kiếm tìm hình thức tự sự độc lạ, mà tập trung nhiều cho tư tưởng chủ đề được khởi sinh từ chính thời đại và nhu cầu của con người hôm nay. Với anh nhiệm vụ của người viết sử dụng văn chương trước hết là hình tượng hóa kí ức, làm sống lại một thời đại đã qua, khơi mở và tiếp tục khơi mở nhiều vấn đề đặt ra từ quá khứ. Dõi theo diễn tiến câu chuyện với hệ thống sự kiện và nhân vật lịch sử được lựa chọn kỹ càng, có chú ý, tiểu thuyết của Phùng Văn Khai phần nào đã bổ khuyết những khoảng trống, khoảng trắng, giải minh những vùng mờ, bị che khuất trong hiểu biết và kinh nghiệm của cộng đồng về quá khứ dân tộc. Lịch sử trong sự lựa chọn của anh luôn là thứ “lịch sử xa”, có khi từ điểm nút khởi đầu: chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, mở đầu cho thời kỳ tự chủ (Ngô Vương); hoàng đế đầu tiên, quốc hiệu đầu tiên, niên hiệu đầu tiên trong tiến trình lịch sử Việt Nam (Nam Đế Vạn Xuân).

Nhà văn Phùng Văn Khai chụp ảnh lưu niệm cùng với nhà báo Bích Ngọc – Trưởng ban điện tử Môi trường & Xã hội.

Nam Đế Vạn Xuân là cuốn mở đầu của bộ tiểu thuyết lịch sử về thời tiền Lý dự kiến bốn cuốn. Với bút lực trường văn của mình, Phùng Văn Khai không giấu giếm dự định hoàn kết 50 năm còn lại của nhà nước Vạn Xuân qua một trường thiên tiểu thuyết tiếp nối.

Rất đông bạn bè văn chương và sinh viên đã đến dự. Nhiều ý kiến khen ngợi và góp ý cho Nam Đế Vạn Xuân & Triệu Vương Phục Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà Phùng Văn Khai chọn những nhân vật kiệt xuất chống giặc ngoại xâm phương Bắc để dựng nên những tác phẩm sống động về họ.

BT/Môi trường & Xã hội

http://moitruongvaxahoi.vn/ra-mat-tieu-thuyet-lich-su-nam-de-van-xuan-trieu-vuong-phuc-quoc-cua-nha-van-phung-van-khai-70835865.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)