1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Viết về Thăng Long - Hà Nội là một đam mê, như một thứ định mệnh

10/01/2021
Nhận giải thưởng “Thành tựu văn học trọn đời’’ của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2020, nhà văn Hoàng Quốc Hải bày tỏ tình cảm trân trọng và biết ơn đối với việc làm của Ban Chấp hành cùng toàn thể hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải
 
Sức quyến rũ ghê gớm
 
Nhà văn Hoàng Quốc Hải bắt đầu câu chuyện về cái duyên nhận giải thưởng liên tiếp tới ba năm liền từ Hội Văn nghệ Hà Nội vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, khi ông còn công tác tại tạp chí Sáng tác Hà Nội. Và bẵng đi tới nửa thế kỷ, ông trở lại Hà Nội với giải thưởng “Thành tựu văn học trọn đời’’. Từ nhiều kỷ niệm xưa với Hà Nội và cả hoài niệm với Thăng Long để rồi nhà văn dẫn về một tình yêu Hà Nội lặng thầm và bền bỉ trong ông: “Tôi yêu Hà Nội là yêu từ Thăng Long, yêu đến đau lòng, cho nên gần như tất cả những gì tôi viết đều viết về Thăng Long - Hà Nội”. 
 
Thật vậy, nhà văn Hoàng Quốc Hải viết tiểu thuyết lịch sử như là một đòi hỏi tự thân, như là thiên chức của nhà văn chứ không cầu tìm danh, lợi. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu như nhà văn này chưa một lần gửi bất cứ một tác phẩm nào tới bất cứ một cuộc thi nào. Tất cả các giải ông được trao tặng như giải thưởng văn học Hạ Long 1982; giải  Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội 2008… Tất cả đều đến với ông một cách ngẫu nhiên từ Ban tổ chức.
 
Quả vậy, bước vào gia tài văn chương của nhà văn Hoàng Quốc Hải, ngoài một số tác phẩm viết về các vùng đất khác, trong đó có Quảng Ninh - nơi người con của Hải Dương đã từng là phóng viên của tờ báo vùng mỏ và vùng cao su Nam Bộ - thì hẳn rằng nhiều độc giả không khỏi choáng ngợp trước những câu chuyện lịch sử trải dài ngót 400 năm của hai thời đại Lý, Trần dựng xây nền độc lập trên đất Thăng Long. Tất cả được hiển hiện qua ngòi bút tài hoa cùng sức lao động đáng kinh ngạc của nhà văn vào lúc đã ở ngưỡng U50 - U60. 
 
Hai bộ tiểu thuyết lịch sử “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần” của nhà văn Hoàng Quốc Hải
 
Đó là bộ tiểu thuyết “Bão táp triều Trần” ra mắt độc giả năm 2003 (4 tập, viết theo 4 lát cắt)  và năm 2010, gồm 6 tập (gắn kết liền mạch trải dài 175 năm thuộc nhà Trần) với các tập: “Bão táp cung đình”, “Đuổi quân Mông Thát”, “Thăng Long nổi giận”, “Huyết chiến Bạch Đằng”, “Huyền Trân công chúa” và “Vương triều sụp đổ”. Ở đây, nhà văn đã dành hẳn tập “Thăng Long nổi giận” để kể chuyện vua tôi nhà Trần mưu trí, dũng cảm, tài ba chặn đứng vó ngựa giặc Nguyên- Mông bất bại, nhưng buộc chúng phải đại bại ở Đại Việt, ở ngay đất Thăng Long. Từ đó, Thăng Long không còn đơn thuần là một vùng đất vô danh, mà Thăng Long trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, biểu tượng của ý chí dân tộc, biểu tượng của tư duy minh triết Việt. Hơn hết Thăng Long trở thành khát vọng của độc lập, tự do, khát vọng của hòa bình và lòng khoan dung.
Nối tiếp đó là bộ tiểu thuyết “Tám triều vua Lý” gồm 4 tập: “Thiền sư dựng nước”, “Con ngựa nhà Phật”, “Bình Bắc dẹp Nam” và “Con đường định mệnh”. Bộ tiểu thuyết này cùng với bộ “Bão táp triều Trần” vừa  được bổ sung hai tập ra  mắt độc giả vào năm 2010 - đúng dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. “Trong 60 năm sống ở Hà Nội, tôi dành 30 năm để viết gần 7000 trang tiểu thuyết lịch sử gắn liền với Thăng Long. Đúng là Thăng Long vừa có sức hấp dẫn vừa có khả năng quyến rũ đến lạ thường’’.
 
“Cha ông ta …”
 
Thong thả rót tách trà sen đãi khách, nhà văn Hoàng Quốc Hải chậm rãi bảo: Tất cả những gì ông viết về Hà Hội là lấy cảm hứng từ Thăng Long. Cũng bởi, từ đất Thăng Long này gửi lại cho hậu thế nhiều bài học lịch sử rất cần thiết, trong đó không chỉ có vinh quang, mà có cả đắng cay, tủi cực ; không chỉ có thành công mà cũng có nhiều thất bại. Ngay cả thất bại, nếu khôn ngoan vẫn rút ra được những bài học cần thiết cho hôm nay.  
 
Bộ tiểu thuyết “Tám triều vua Lý” kể chuyện vua Lý Công Uẩn ngay khi dời đô về Thăng Long đã lập tức ban lệnh xá tô thuế, trong khi nhà Lý vừa tiếp thu một tài sản từ Lê Long Đĩnh để lại quá ư nghèo nàn về của cải vật chất còn đạo đức thì suy đồi đến cùng cực. Vậy mà tô thuế vẫn được xá, không phải một lần mà đến ba lần, tính ra trong 18 năm cầm quyền thì có đến 7 năm rưỡi vua Lý Công Uẩn tha tô thuế cho toàn dân. 
 
Rồi thì chuyện triều đình khuyến khích dân khai hoang, vỡ hóa đất rừng, đất bãi.  Khai hoang, vỡ hóa, người dân không chỉ  được làm chủ đất đó, mà còn được miễn tô thuế từ 3 đến 5 năm, tùy theo công sức bỏ ra. Hay chuyện về chính sách “ngụ binh ư nông” giúp cho nhà nước chỉ cần chi mức thấp nhất để huấn luyện quân đội dự bị, nhưng khi nước có giặc thì vẫn có thể huy động cả triệu quân. Chính sách “tam giáo đồng nguyên”: Nho giáo -  Phật giáo - Đạo giáo, trong đó vận dụng xã hội Nho - tâm linh Phật - thiên nhiên Đạo…
 
Nhất là câu chuyện vua Lý Công Uẩn cho thái tử Lý Phật Mã đi khai phá đất rừng  để mở phủ. Nhờ đó mà thái tử học được cách chăn tằm dệt lụa và sau này khi làm vua, ông đã dạy cung nữ dệt gấm để làm triều phục, từ đó không mua gấm nhà Tống nữa. Và cũng chính vua Lý Thái Tông đã đi cày ruộng tịch điền không chỉ để làm gương cho dân mà còn cày ruộng để tự lấy cấy lúa thơm làm đồ cúng giỗ tổ tiên. Đó là lòng hiếu kính tự tâm. Để giữ lệ ấy, sau này từ nhà Lê đến nhà Nguyễn mỗi năm tới ngày giỗ vua Hùng, triều đình gửi về Phú Thọ khoảng 50kg gạo nếp làm xôi cúng Tổ. 
 
Đến bộ “Bão táp triều Trần” nhà văn đã giải mã lịch sử đầy thuyết phục về chuyện sở dĩ nhà Trần hùng mạnh vì đã tiếp thu tất cả các thành tựu của triều đại trước. Cùng với đó là chính sách quân sự cho các vương, hầu lập phủ binh, tức được phép lập quân đội riêng tại các thái ấp. Nhà nước đặc biệt khuyến khích các vương hầu thiết lập tinh binh, tức là quân tinh nhuệ. Đó là tầm nhìn chiến lược của các vua nhà Trần. Vì vậy khi quân Mông - Nguyên xâm lược nhà Trần có tướng giỏi, binh mạnh để cự giặc. Và với mưu lược trên tài kẻ thù, mặc dù thực lực và tiềm lực về mọi mặt, ta thua xa kẻ thù nhưng cả ba lần kẻ thù hùng hổ kéo vào đất ta thì cả ba lần chúng đều đại bại. Và cuối cùng, Nguyên Thánh tổ phải cử sứ qua Đại Việt ta để Tuyên cáo bãi binh. Điều đó có nghĩa là đối phương công nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.
 
Ngoài ra, chuyện nhà Trần đắp đê giữ nước từ nguồn về biển, là công việc trị thủy lớn nhất mọi thời đại, cũng rất đáng lưu tâm. Có một chi tiết tưởng như là nhỏ trong quá trình đắp đê, ấy là nếu chân đê ăn vào ruộng của dân bao nhiêu thì phải trả lại đúng thứ hạng ruộng đó, hoặc trả bằng tiền thì phải trả theo thời giá. Đó là triều đình tôn trọng quyền thiêng liêng về tư hữu tài sản của người dân.
 
“Thời Lý - Trần - người đứng đầu nhà nước thì trí tuệ, nhân ái, khoan dung luôn tôn trọng, yêu thương dân, chăm lo cho dân, vì họ hiểu rằng sự tồn vong của đất nước là phụ thuộc vào người dân. Sức mạnh của đất nước hết thảy phải từ dân. Triều đình tựa như người cầm lái cho con thuyền dân tộc đi đúng hướng mà thôi. Ngay cả triều đình, muốn tồn tại cũng phải dựa vào dân. Suy cho cùng, nếu không có dân cũng chẳng có quốc gia nào được tồn tại.
 
Cách ứng xử với triều đại trước thì tôn trọng các thành quả của họ, và biến nó thành tài sản quốc gia. Đúng là trong lịch sử cổ kim của nhân loại, từ khi nhân loại có tổ chức nhà nước tới nay, thì chưa có một nhà nước nào thân dân, lo cho đời sống người dân như nhà nước của nhà Lý. Tiêu biểu là từ Thái tổ  Lý Công Uẩn” - nhà văn Hoàng Quốc Hải nhấn mạnh.
 
Nếu không kiểm chứng được thì không viết!
 
Nhà văn Hoàng Quốc Hải đặc biệt bày tỏ niềm vui mừng khi thời gian gần đây văn đàn nước nhà xuất hiện thêm nhiều người viết tiểu thuyết lịch sử. Và ưu ái với người viết trẻ, ông luôn sẵn lòng hỗ trợ cũng như chia sẻ kinh nghiệm viết của mình. Theo ông, đối với những vấn đề lịch sử quan trọng, nếu không kiểm chứng được thì không nên viết. Do đó khi đọc tiểu thuyết viết về lịch sử của ông, cho ta độ tin cậy cao. 
 
Nhà văn Hoàng Quốc Hải rất coi trọng những cuộc điền dã. Khi bắt tay vào viết tập “Huyết chiến Bạch Đằng”, ông đã trở đi trở lại vùng đất này tới 3 lần (2016, 2017 và 2018). Ông đi cho kỳ thuộc, cho nhập tâm các địa bàn chủ yếu, nơi chiến trường nổ ra. Ông đi từ Kiếp Bạc đến Vạn Hoa rồi ra ba chẽ Móng Cái, - cày nát các địa bàn thuộc khu vực Bái Tử Long đến Hạ Long quành về Đồ Sơn, rồi sông Hồng, sông Đáy, Cửa Đại, Cửa Thần Phù… Với nhà văn việc điều tra, nắm bắt một cách đầy đủ chiến trường, địa hình như thế nào rất quan trọng để khi diễn tả không bị lúng túng, trái lại còn dẫn dắt người đọc tìm đến các địa điểm để cảm nhận, trải nghiệm. 
 
Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận giải thưởng văn học trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội. Ảnh: Yên Nga.
 
Không chỉ thế, nhà văn còn cho rằng, người viết tiểu thuyết lịch sử trước tiên phải hiểu về lịch sử và tôn trọng những gì sử gia ghi chép. Tuy nhiên, người viết cũng cần hiểu rằng sử gia có thể viết theo nhãn quan của cá nhân và bị chi phối bởi nhà cầm quyền. Bởi vậy, nhà văn vừa phải đặt lòng tin vào lịch sử, nhưng hơn hết nhà văn còn phải biết nghi ngờ lịch sử. Bởi tất cả những sự việc được sử gia chép ghi vào chính sử, chưa hẳn đã là những sự thật lịch sử. Do đó, nhiệm vụ của nhà văn là giải mã lịch sử chứ không phải chép lại chính sử để rồi trở thành nô lệ cho chính sử. 
 
Mặt khác, viết tiểu thuyết lịch sử cần có sự chuẩn bị hết sức chu đáo về nội lực văn hóa. Vì làm cái gì cũng có thể có sai sót nhưng làm về lịch sử dù là tiểu thuyết cũng không được hồ đồ. “Tôi viết tiểu thuyết lịch sử với quan điểm: đứng hẳn về lập trường của dân tộc mình, Tổ quốc mình. Nhưng phải minh bạch, phải tôn trọng đối phương, thắng thua rõ ràng, chứ không phải ta chỉ có thắng, còn địch thì lúc nào cũng thiển cận và chỉ có thua.
 
Nhớ có lần ông Phan Văn Thắng, Tổng biên tập tạp chí Văn hóa Nghệ An hỏi: “Viết tiểu thuyết lịch sử theo anh điều gì cần kiêng kị nhất?”. Tôi trả lời: “Điều  kiêng kị nhất và cũng là điều cấm kỵ nhất đối với người viết có lương tâm là không được đem tà tâm gửi vào lịch sử”. - nhà văn Hoàng Quốc Hải kể.
 
Đến thăm nhà văn Hoàng Quốc Hải trong buổi chiều cuối năm, tôi được thưởng thức chén trà sen tự tay nhà văn pha và được nghe ông trò chuyện suốt hơn hai giờ đồng hồ mà không muốn dứt. Dường như tuổi 83 không hề hiện hữu trong dáng vẻ nhanh nhẹn cũng như giọng nói khỏe khoắn cùng đầu óc minh mẫn và cả trí nhớ tuyệt vời của ông. Ngày ngày, ngoài thời gian tham gia những buổi tọa đàm, hội nghị liên quan đến văn chương, đến Thăng Long hay tiếp độc giả tới nhà, nhà văn Hoàng Quốc Hải lại cặm cụi viết, đôi khi là bài báo đặt hàng len vào những trang bản thảo. Hỏi ông viết gì? Ông cười đáp: - Nhà văn thì viết văn thôi mà…
 
Người Hà Nội
 
http://nguoihanoi.com.vn/nha-van-hoang-quoc-hai-viet-ve-thang-long-ha-noi-la-mot-dam-me-nhu-mot-thu-dinh-menh_263919.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)