1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Người say đắm văn chương, người tương tư… thơ ca

14/09/2019
Có lẽ tôi cần giới thiệu với bạn đọc đôi nét về tác giả Nguyễn Thị Thiện - nhân vật mà tôi gọi là “người say đắm văn chương”, hay “người tương tư... thơ ca”.

1. Có lẽ tôi cần giới thiệu với bạn đọc đôi nét về tác giả Nguyễn Thị Thiện – nhân vật mà tôi gọi là “người say đắm văn chương”, hay “người tương tư... thơ ca”. Tác giả Nguyễn Thị Thiện quê ở xã Hương Ngãi, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị vốn là giáo viên dạy văn, từng giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Thất, Hà Nội. Năm 2011, nhận sổ hưu, như lẽ thường tình chị sẽ tham gia các câu lạc bộ dành cho người cao tuổi hay đi du lịch tứ xứ. Nhưng chị có sân chơi riêng của mình vốn đã được chuẩn bị kỹ càng từ trước – văn chương/ thơ ca. 

Là người làm nghề dạy học và hoạt động văn học, tôi đánh giá cao nhiệt tình và năng lực của người đồng nghiệp Nguyễn Thị Thiện. Chị là cộng tác viên của các báo: Giáo dục và thời đại, Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Thủ đô, Người cao tuổi, An ninh Thủ đô, Hà Nội mới cuối tuần, Người Hà Nội, tạp chí Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam)... Tuy tiếp xúc và quen biết chưa lâu, nhưng tôi thực sự quý mến tình người, tình yêu văn chương hiếm thấy của một người phụ nữ đã bước qua tuổi 60. Cổ nhân xưa có câu “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, và tôi thấy thật đúng trong trường hợp này. Tôi cũng biết chị đã từng tiếp xúc và chiếm được cảm tình của các văn nhân có tiếng như: Hồ Phương, Nguyễn Đình Chú, Hữu Thỉnh, Nguyễn Bắc Sơn, Thanh Thảo, Lê Thành Nghị, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nguyễn Sỹ Đại, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Mai... Đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lạc, nay đã hơn 80 tuổi, nhưng tác phẩm nào của Nguyễn Thị Thiện xuất bản, ông cũng có sự chia sẻ kịp thời (viết lời giới thiệu hoặc tham dự ra mắt sách) với cô học trò giỏi giang của mình năm xưa. 

Nguyễn Thị Thiện rất thân thiện và hướng thiện. Chị sống chan hòa, khiêm nhu nên dễ hòa đồng, dễ tạo được mối thiện cảm với người khác, dù chỉ gặp lần đầu. Lưng vốn văn chương của chị tuy chưa đồ sộ, dày dặn được như người khác nhưng khi xuất hiện thì dồn dập, ấn tượng. Chỉ trong vòng 2 năm (2018 - 2019), chị ra mắt liên tiếp 4 tác phẩm: 3 tập bình thơ (Trang thơ - Trang đời, Tình quê tình người tập 1 và tập 2) và 1 tập truyện ngắn Những bài học đắt giá. Mới đây (ngày 18/8/2019), chị còn tổ chức lễ ra mắt sách tại gia cho đứa con tinh thần mới nhất - Tình quê tình người (giới thiệu và bình thơ, tập 2). Hôm đó, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lạc, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, hai nhà thơ nữ Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Mai và tôi cùng bạn bè văn chương đủ các lứa tuổi của cô giáo Nguyễn Thị Thiện cũng đã đến tham dự và góp vui cùng tác giả.

2. Người ta nói trong cuộc sống và công việc biết vận dụng sở trường, hạn chế sở đoản rất quan trọng. Rõ ràng sở trường của Nguyễn Thị Thiện là giới thiệu và bình thơ, nên 3 trong 4 tác phẩm đã công bố của chị gắn liền, dành cho thơ. Hơn 90 bài bình thơ chia đều trong 3 tập sách của Nguyễn Thị Thiện đủ bằng chứng để nói rằng đây là người say đắm... văn chương và là người tương tư... thơ ca. Hãy thử dạo trong khu vườn bình thơ của Nguyễn Thị Thiện, để xem chị đã “chạm” được vào thơ như thế nào? Châm ngôn Pháp có câu “Hãy cho tôi biết những người bạn của bạn tôi sẽ nói đúng về bạn”. Phỏng theo câu đó, tôi nói “Hãy cho tôi biết anh/ chị bình thơ ai tôi sẽ nói được về tạng văn của anh/ chị”.

Nếu hơn 90 bài bình thơ, bạn đọc chỉ thấy những tên tuổi lạ lẫm, những bài thơ được bình ở mức trung bình thì coi như sự bình thơ “thất bại toàn tập”. Nhưng may mắn cho bạn đọc, trong 3 tác phẩm bình thơ của tác giả Nguyễn Thị Thiện đã lóe sáng những tên tuổi của nền thơ hiện đại Việt Nam: Nguyễn Đình Thi, Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Sỹ Đại, Lê Đình Cánh, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Mai, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Quang Thiều, Đoàn Thị Lam Luyến, Trần Hòa Bình, Vương Trọng, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Lê Thành Nghị, Xuân Quỳnh, Lê Thị Mây, Nguyễn Thị Hồng Ngát,... 

Bước thứ hai để thẩm định người bình thơ, chúng ta sẽ “soi xét” xem tác giả đã lựa chọn phương pháp tiếp cận thơ nào, đã vận dụng hình thức bình thơ nào? Dĩ nhiên chúng ta không đòi hỏi một trình độ chuyên nghiệp bình thơ như Xuân Diệu trước đây, Vũ Quần Phương hiện nay. Đó là lối bình thơ của những nghệ sĩ ngôn từ danh tiếng. Chúng ta cũng không đòi hỏi Nguyễn Thị Thiện bình thơ tài hoa như Chu Văn Sơn (1962 - 2019). Rõ ràng, Nguyễn Thị Thiện bình thơ, theo tôi, có mục đích thực tế trước hết là phục vụ công việc dạy văn ở trường phổ thông. Bởi thế, tác giả hướng tới quảng đại bạn đọc ở cái ngưỡng trong sáng vào đời, chưa lấm bụi trần, chưa qua bể dâu, chưa hận thù ai, còn nhiều những mơ ước,... Tôi nghĩ, đó là một biệt sắc trong công việc bình thơ của Nguyễn Thị Thiện. Tôi nêu một ví dụ nhỏ. Trong Tình quê tình người (giới thiệu và bình thơ, tập 2), tác giả mở đầu liên tục bình các bài thơ Quê hương Việt Nam của Nguyễn Đình Thi (Tình yêu tha thiết và tự hào quê hương đất Việt),  Yêu lắm quê hương của Hoàng Thanh Tâm (Yêu lắm quê em, Bức tranh thủy mặc dòng sông con đò), Phú Thọ quê mình của Trần Thị Phượng (Mến yêu, tự hào Phú Thọ quê mình). Ngẫu nhiên hay tất nhiên? Bạn đọc có thể tự rút ra câu trả lời. Tôi đã hơn một lần nghe thấy, đọc thấy câu: “ở đâu sung sướng ở đó là quê hương”(!?). Vậy nên, đọc bình thơ của Nguyễn Thị Thiện tôi trân trọng hàng đầu ý thức công dân cao cả của tác giả, trân trọng tình cảm “dĩ công vi thượng” của một cô giáo dạy văn, dù đang đương chức hay nghỉ hưu vẫn thực hành nhiệm vụ của một “kỹ sư tâm hồn”. Tôi nghĩ, trong một chừng mực nào đó có thể coi Nguyễn Thị Thiện là một cây bút có ý thức và năng lực chắt chiu, vun vén cái đẹp trong một thế giới hiện thực không thể nói là không hỗn mang.

Sẽ có người hỏi, thế còn truyện ngắn của tác giả Nguyễn Thị Thiện? Như đã viết ở trên, tôi muốn trong bài báo nhỏ chỉ nói về sở trường của tác giả này. Còn truyện ngắn của Nguyễn Thị Thiện? Xin dành cho một bài viết khác sắp tới.

 

Bùi Việt Thắng/Báo Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)