1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Mạch ngầm trong thơ Uông Thái Biểu

04/09/2019
Tôi biết Uông Thái Biểu vào những năm 90, khi chúng tôi cùng học lớp biên tập văn học tại Trường viết văn Nguyễn Du. Uông Thái Biểu có nụ cười hiền thân thiện, có sự năng động, chăm chỉ của người làm báo viết văn.


 

Tôi biết Uông Thái Biểu vào những năm 90, khi chúng tôi cùng học lớp biên tập văn học tại Trường viết văn Nguyễn Du. Uông Thái Biểu có nụ cười hiền thân thiện, có sự năng động, chăm chỉ của người làm báo viết văn. Bẵng đi hơn 20 năm, chúng tôi mỗi người một phương, mỗi người một công việc và một số phận… Tôi gặp lại Uông Thái Biểu qua tập thơ “Nhớ núi” khi biết anh hiện đang là Trưởng Cơ quan đại diện báo Nhân dân tại khu vực Tây Nguyên. Hơn 20 năm chưa dài, nhưng cũng đủ để mỗi chúng ta tự khẳng định và tìm lại chính mình với khát vọng sống cháy bỏng. Đọc “Nhớ núi” tôi nhận ra điều đó, nhận ra khát khao cuộc sống tự do được ẩn sâu trong những câu chữ khiêm nhường:

 

Còn ai chờ tôi bên thành cổ đìu hiu

Lắng tiếng gươm khua, 

tiếng quân reo thủa trước

Người giữ đất nhớ người đi mở nước

Hương hoa hồi thoảng mãi với hư không…

Và:

Tôi đi tìm tôi, tôi tìm thấy Kỳ Cùng

                                                (Kỳ Cùng)

 

Điều tưởng như xưa cũ, khi ta đi tìm chính mình, lại là dấu chân ta lần trở về nguồn cội. Uông Thái Biểu nói điều đó theo cách riêng của mình với giọng thơ tự sự chân tình đầy ám ảnh: Con trở về với cánh đồng xưa/ Nơi đó cha từng cày lên những thớ đất gân guốc và nhặt lấy hình vẽ mang giấc mơ hạnh phúc/ Giấc mơ ấy mang bóng dáng tổ tiên của cha và của con từ thời tiền sử… Chân thấp chân cao con nghêu ngao khúc đồng dao “nghé ọ”/… 

 

Con quỳ trên đất/ Con quỳ dưới trời/ Con quỳ trước cha/ Bờ sông vẫn lặng như là… bờ sông… 

(Giao mùa) 

Tôi giật mình thảng thốt trước những khát khao réo gào ẩn sâu sau những hình ảnh thơ và câu chữ. Tôi biết anh sẵn sàng làm tất cả để có được cuộc sống hạnh phúc và tự do để được thấy người thân, gia đình, quê hương, đất nước đổi thay, cường thịnh. Khát vọng đó trở đi, trở lại nhiều lần trong thơ anh, ngay cả khi anh tự bạch về mình, nhưng cũng là để bày tỏ khát vọng sống:

 

Tuổi thơ tôi

Cơn gió đi hoang không kịp đợi mùa

Khát tiếng gọi cha

Như ngọn lúa trổ cờ trắng phau đại hạn

Khát mưa…

Và:

Khát một chân trời ở miền xa lắm

Bàn chân trần úp đất rộn ngày

Trăng lưỡi liềm lạnh buốt 

những giêng hai…

                                                                (Khát)

Hình ảnh “ngọn lúa trổ cờ” được đặt bên hình ảnh “trắng phau đại hạn”, dội vào tâm khảm ta cái sức sống mãnh liệt của khát vọng con người. Ở đây ta thấy sự đồng lòng giữa trái tim và trí tuệ đã tạo nên một lực đủ vượt lên tất cả, vượt lên mọi gian khó và thử thách của nghèo đói, bất an, của cái xấu và cái ác trong đời thường. Khát vọng sống trong thơ Uông Thái Biểu không chỉ có nỗi ám ảnh giục ta phải hành động để thực hiện được ước mơ khát vọng tự do hạnh phúc mà còn gieo vào lòng ta một nỗi nhớ về quê hương về thiên nhiên thật đẹp và gần gũi thân thương:

 

 Tôi sinh ra trong ngôi nhà lợp ngói nam

Ba chái hai hồi

Mở mắt nghe con chim chích sâu hót 

cây xoan trước ngõ

Con chim chìa vôi hót cây mít sau vườn…

(Khúc tự tình của người trai chân đất)

 

Thiên nhiên cùng với quê hương trong thơ Uông Thái Biểu thật gần gũi đáng yêu. Ta nhận ra con người thơ, tâm hồn thơ trong anh thật trong trẻo. Anh nâng niu nụ hoa cuối vườn bằng sự nhẹ nhàng, mềm mại của giọng thơ lục bát hiếm hoi:

Cuối vườn nở muộn chiều nay

Hoa như gió thoảng vương đầy hồn ta

Trời xanh rớt xuống chiều tà

Lặng yên kẻo rụng nụ hoa cuối vườn…

 

(Tầm xuân)

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến thân phận con người trong thơ Uông Thái Biểu, bởi đó là mối quan tâm của anh, là khát vọng sống, khát vọng chia sẻ đồng cảm, đặc biệt là những con người nghèo khó thiệt thòi. Uông Thái Biểu đã phát hiện ra điểm tỏa sáng của những thân phận con người giàu đức hy sinh:



Bên lở bên bồi xưa mẹ hát ru em

Câu ca cũ nép mình dưới tán xà cừ 

bên ngôi đền cổ

Sông cứ đôi bờ

Mình em bên lở

Bồi hồi nhận sóng góp phù sa…

 

(Trung Du)

Đó là những con người “Vui cười xòa mà buồn lặng lẽ khóc” nhưng họ vẫn hy vọng và tin:

Phù sa vẫn mướt nương ngô

Mỵ Nương lặng lẽ ngóng chờ

 

(Ký ức sông)

Thơ Uông Thái Biểu không nhắc nhiều đến tình yêu đôi lứa, phải chăng tình yêu lớn nhất trong anh là nỗi khắc khoải về quê hương đất nước và con người. Dẫu biết sống với khát vọng của con người, thật người, không dễ dàng gì, mà đầy những giông bão và bất trắc:

 

Cả đại dương bao la dữ dội sóng 

và bát ngát gió

Ầm ào bão tố rạo rực khát khao

Hay:

 

Hoang mạc vừa khô những giọt nước 

cuối cùng

Những nốt ghi ta ghì cương

Ngựa hoang rung bờm những câu thơ 

hắc ám

 

(Ký ức sông)

Với Uông Thái Biểu khát vọng sống của anh còn là được trở về quê hương, về núi, về với những con người mà anh trân quý: 

 

Có người đi qua núi

Ngỡ dáng ai thủa nào

Đường xưa xa mấy nỗi

Lối về nương ca dao…

 

(Nhớ núi)

Với tâm hồn nhạy cảm anh chia sẻ cùng con những trải nghiệm của mình với sự chăm chút lo toan cho ngôi nhà bé nhỏ và thân thương:

Có những ngọn gió không mùa con ơi

Thổi từ ngày mai thổi về dĩ vãng

Sẽ có những ngày không mưa không nắng

Con cố vun hạt vui 

Trên những mùa màng buồn…

 

(Đoản thi cho con)

Với thơ ca anh có một niềm tin vào vẻ đẹp về sự tỏa sáng của thơ:

Rất có thể mai này bên cỏ biếc

Có một nụ hoa chống chếnh nở sai mùa

Gieo câu chữ giữa mênh mang trời đất

Thơ một nhành nhắc chuyện 

ngụ ngôn xưa…

 

(Hoa lỡ mùa)

Uông Thái Biểu dấn thân theo khát vọng sống của mình, anh thương những thân phận con người. Từ ngôi nhà lớn của quê hương đất nước anh nhớ và biết ơn nguồn cội, anh chia sẻ với mọi người bằng nụ cười hiền giản dị và anh nhận ra:

 

Có những điều đơn giản

Làm tươi hơn nụ cười

Nhờ những điều đơn giản

Làm yêu hơn cuộc đời

Ôi những điều đơn giản

Đơn giản không giản đơn

Một ngày trôi đơn giản

Ngày ngập tràn yêu thương…

 

(Có những điều đơn giản)

Còn nhiều điều cần nói trong tập thơ này, song tôi chỉ chia sẻ một vài cảm nhận về khát vọng sống được ẩn chứa trong thơ Uông Thái Biểu với tư cách một người bạn văn chương. Tôi nghĩ, con người làm báo, viết văn, làm thơ trong anh sẽ hỗ trợ tích cực cho nhau và hy vọng Uông Thái Biểu sẽ có những tập thơ tiếp theo, những bài thơ tiếp theo làm lay động, ấm lòng bạn đọc. 

 

Nguyễn Thị Minh Thông/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)