1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Lữ Huy Nguyên: Người chắt chiu thời gian...

03/07/2020
Mỗi khi chiều đến bất cứ ở một vùng đất hay phương trời xa lạ nào, cái làng quê Bắc Ninh, cái hồn quê Bắc Ninh trong thơ Lữ Huy Nguyên lại thức dậy trong tôi khiến tâm hồn được thanh lọc và cao khiết hơn trong ánh sáng lung linh: Dầm dề mưa bắc qua đêm/ Sáng ra bẩy sắc hiện lên cầu vồng. Anh đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng trong tôi vẫn nguyên vẹn và ấm áp nỗi niềm ấy, hồn quê ấy.


Nhà thơ Lữ Huy Nguyên (thứ 2 từ phải sang) tiếp các nhà văn tại NXB Văn học

 

Sâu lắng những câu thơ


 

Đọc thơ Lữ Huy Nguyên, ta thấy anh có cái tâm trong sáng, sống chí nghĩa chí tình với sức đọc sức cảm dồi dào nên thơ anh thường để lại dư vị ngọt ngào sâu lắng:

 

Nghe giọng hát chưa chi mà đã nhớ/ Tôi phải lòng câu hát tự trong nôi

 

(Nghe quan họ trên đất cảng)

 

hoặc là sự hóa thân của tác giả trong tâm hồn nghệ sĩ:

 

Hồn quê tìm ở đâu/ Ở giữa lòng anh đó/ Tôi gặp anh ngày nhỏ/ Ngồi xem anh pha màu

 

(Người vẽ tranh làng Hồ)

 

thức dậy cái náo nức của những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ:

 

Lại tập hành quân ven triền sông Đuống/ Qua bao đồng ta vàng rạ tháng mười/ Khuy áo chị đơm, cơm mùa em xới/ Bát canh cua, mẹ nấu lá mồng tơi

 

(Hành quân)

 

của những phút giây ngẫm ngợi suy tư:

 

Tiếng chim hót sáng trên cành/ Tự bao giờ gió thổi xanh mặt hồ/ Lá vàng với lộc non tơ/ Tôi nâng niu cả hai bờ thời gian

 

(Thời gian)

 

cả sự nhói đau se lòng khi nhớ người thân một đi không trở lại:

 

Cả một đời con chỉ muối cùng dưa/ Trái thị cũng đợi cháu về mới trẩy/ Trái thị chín những năm xưa lên bẩy/ Và trái thị bây giờ, cô vẫn để phần đây.

 

(Thị vườn xưa)

 

của hoài nhớ xứ Bắc khôn nguôi một thuở:

 

Nơi bến sông sóng đong đưa con phà chị tôi chợ Hồ trám đen bùi giấy điệp/ Những ngày Bút Tháp Thiên Thai nửa thế kỷ qua nhanh mùa lá khép/ Lá vàng rơi, lá vàng ơi về cội bến sông nào?

 

(Mặt trời đỏ bây giờ và bến sông xưa)

 

Bởi vậy, thơ Lữ Huy Nguyên hay về biểu cảm câu chữ khi anh nghiêng về thế sự, triết lý lẽ đời tình người mà ít có cái thảng thốt khi viết về tình yêu vốn là lĩnh vực vừa thực lại vừa ảo nữa. Âu cũng là cái tạng của mỗi người làm thơ!

 

Ta hãy nghe nhà thơ Lữ Huy Nguyên tâm sự: “Thơ hay là thơ viết ra chính lòng mình, từ cái trí, cái tâm của mình. Không vay mượn ngôn từ, cấu tứ đến rung cảm cũng phải thật là của mình, cả cách diễn đạt, nghĩa là chống lại sự giả tạo, cải biên, - thói rỏm giả, hoa mỹ, ngôn từ mòn nhàm. Thơ hay phải cộng hưởng được giữa rung động của người viết và người đọc; người nghe... để đạt được sự đồng cảm thành thực. Thơ thấu thị mới mong đạt đến cái thấu tâm, thấu trí. Nhưng khó thay, thơ thường không được như nghĩ. Đừng huyễn tưởng, nhưng cũng đừng tự ti, tự hạ. Thơ hay là thơ có ích, ít ra phải cho một người, trước hết là tác giả, còn sự công nhận là ở thời gian và người đọc” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, 1997). Anh đã từng viết, từng tuân thủ nghiêm ngặt những điều anh từng tâm niệm. Trong danh mục tác phẩm của Lữ Huy Nguyên có mười hai tác phẩm thơ, còn một tập ở dạng di cảo (chưa in). Ngoài khối lượng lớn nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn mà anh còn có thơ in ngần ấy kể cũng đáng ghi nhận lắm chứ.


 

“Làm được việc gì có ích thì cứ làm!”


 

Cảm giác đầu tiên vào những thập niên 70 khi tôi đến thăm Lữ Huy Nguyên - nhà anh ở sau Viện Mắt - phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) là căn nhà chật chội đầy ắp sách vở. Sách trên giá, trong tủ, dưới gầm bàn, gầm ghế... Phải có cách sắp xếp gọn ghẽ đến thế nào của chị Loan (vợ anh) thì mới duy trì sinh hoạt thường nhặt của đời sống cho gia đình mình thời ấy. Mà thấy anh làm việc rất đều đặn. Sách in ra đến mấy cuốn: Trâu lá đa (1971), Năm tháng đi qua (1976), Chiều sâu thành phố (1978)... Mà sách ra thời đó nào có dễ gì? Với tôi là cả một sự kinh ngạc xen lẫn thán phục.

 

Lữ Huy Nguyên là người biết chiu chắt thời gian mà dốc lòng cho công việc. Nhiều lần tôi đến thăm anh ở cơ quan thấy anh bận rộn quá sức tưởng tượng: Tiếp cộng tác viên, lo đọc duyệt bản thảo, hoạch định kế hoạch xuất bản cho những năm tới... Anh tâm sự cùng tôi, “Mình vẫn phải lo viết ngoài giờ. Không chỉ có thơ đâu. Thơ đâu dễ viết như thế. Phải có xúc cảm, có ý tưởng mình mới viết được. Làm thơ là bị “giời” đày. Nhưng viết được một câu thơ hay thì cũng thú vị lắm chứ. Mình triển khai nhiều thứ: Viết nghiên cứu, tiểu luận, biên soạn, chân dung văn học... Làm được việc gì có ích thì mình cứ làm”. Tôi hiểu anh - thời gian là vốn quý nhất của đời người, nhất là đối với người hoạt động văn học. 

 

Với Lữ Huy Nguyên, từ những cuốn sách có giá trị văn chương trong nhận diện như: Văn học qua những chặng đường (1993 - 1998), Ấn tượng văn chương (1999)... đến các tổng tập, tuyển tập văn học về các nhà văn lớn Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Xuân Diệu, Ngô Tất Tố, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính... đã cung cấp cho bạn đọc không chỉ bằng khối lượng kiến thức đồ sộ của sức đọc, sức viết mà còn có những đóng góp đáng kể về học thuật của anh. Có thời gian tôi thường từ Hà Bắc về thăm nhà văn Kim Lân ở ngõ Hạ Hồi (tôi quen ông qua họa sĩ Thành Chương - con trai ông). Bấy giờ, Nhà xuất bản Văn học có nhã ý mời ông làm tuyển tập. Ngặt một nỗi, khi biên tập viên đến gặp thì Kim Lân thú nhận ông chẳng giữ được những cái đã in hoặc để thất lạc đâu đó không tìm lại được. Lữ Huy Nguyên lại phải “vào cuộc”, anh vào Thư viện Quốc gia, Thư viện Khoa học - Xã hội... lục tìm tác phẩm của Kim Lân trong các báo Trung Bắc chủ nhật, Tiểu thuyết thứ bảy, tạp chí Văn nghệ, tuần báo Văn nghệ... và Tuyển tập Kim Lân đã ra mắt bạn đọc năm 1996 với độ dày không ngờ: 660 trang. Ngoài cái nghĩa là người cùng quê Bắc Ninh đầy tình nghĩa, cũng phải nhận thấy sự nỗ lực hết lòng của Lữ Huy Nguyên trong sự trân trọng các nhà văn lớp trước. Trước khi anh mất không lâu, tôi lại được nghe anh tâm sự tại phòng làm việc ở Nhà xuất bản Văn học: “Cái mong ước của mình là hoàn thành hai tập về Phan Khôi và Phạm Duy Tốn. Các bố này ở ta ít người biết đến, hoặc hiểu lệch, nhưng không thể không làm được!”. Anh im lặng, mắt đắm vào vòm cây sẫm trong bóng chiều thành phố. Và dự định về hai cuốn sách vẫn còn dang dở. Căn bệnh hiểm nghèo đã cướp anh đi giữa lúc anh đang vào độ sáng tạo sung mãn nhất. Bây giờ khi tôi nhìn lại danh mục tác phẩm của Lữ Huy Nguyên với 50 đầu sách biên khảo - lý luận - phê bình và sưu tầm - tuyển chọn mới thấy anh thật dày công trong lĩnh vực này.

 

Mỗi lần giở lại cuốn Thơ tình tuổi đang yêu do Lữ Huy Nguyên biên soạn (đã được Nhà xuất bản Văn học tái bản nhiều lần) có bài Thao thức của tôi do anh chọn, lại nhớ đến anh. Ai ngờ cái dáng cao gầy, nghiêm nghị trong công việc (anh là Giám đốc Nhà xuất bản Văn học) lại có một tâm hồn đa cảm, gắn bó với một vùng quê xứ Bắc lâu đời đến thế: Hỏi tôi thương nhớ những gì/ Tôi thương nhớ những dầm dề chiều mưa (Tôi trở về thăm)... 

 

Có thể gọi Con sông ồn ào không phải sông sâu (Đừng thêm sợi bạc) đúc kết sự chiêm nghiệm của anh về hành vi sống và sáng tạo. Trong tình hình thơ lạm phát hiện nay có nhiều kẻ phô phang, vốn học ít, không chịu tu chí, ham danh lợi, của loại thơ lạnh tanh, vô hồn, vô cảm hoặc “cao đàm khoát luận” rỗng tuếch thì những suy nghĩ chân thành về nghiệp thơ của Lữ Huy Nguyên vẫn còn có ích, thậm chí rất có ích:

 

Như ngọc tìm biển sâu/ Một đời thơ lặn lội/ Mong gì viết một câu/ Cho đời sau nhớ mãi/ Mong gì viết một bài/ Xứng với tầm thời đại/ Thì hãy viết một đời/ Những câu thơ có ích/ Những câu thơ mồ hôi...

 

(Những câu thơ mồ hôi).

Nguyễn Thanh Kim/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/lu-huy-nguyen-nguoi-chat-chiu-thoi-gian_261460.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)