1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Lại Hồng Khánh với “Chở đầy thời gian”

23/10/2019
Từ những năm 80 của thế kỉ trước, bạn đọc đã biết đến Lại Hồng Khánh qua những bài thơ, chùm thơ in trên báo. Đến năm 1990, khi tập thơ đầu tay của anh “Trắng câu gọi đò” (NXB Thanh niên) ra đời thì thơ Lại Hồng Khánh được độc giả trong và ngoài tỉnh đón nhận một cách đầy thiện cảm. Năm 2014, tập thơ chân dung “Chở đầy thời gian” tập 1 (NXB Văn học) ra đời và từ đó các tập “Chở đầy thời gian” tiếp theo liên tục được xuất bản. Năm 2019, lần thứ 8 tập “Chở đầy thời gian” được tái bản bổ sung và trở thành một cuốn thơ chân dung đầy đặn với 300 trang in. Đây thực sự là một công trình vừa có ý nghĩa khoa học vừa đậm đà tính văn chương.

Trước hết, tập thơ là tấm lòng trân trọng yêu mến của một nhà thơ, một người lính, một nhà hoạt động chính trị, một người trẻ đối với các bậc tiền bối và cả những bạn hữu, đồng đội cùng thế hệ, cùng trang lứa. Đáp ứng những quy phạm nghiêm ngặt của thơ, nhất là thơ ngắn, Lại Hồng Khánh đã cố gắng khái quát những phẩm chất tiêu biểu, những nét riêng về tài năng, tâm hồn, trí tuệ và những công lao của các nhân vật đóng góp vào lĩnh vực hoạt động của mình.

Trong 260 bài thơ, Lại Hồng Khánh dành những dòng thơ trang trọng thể hiện niềm yêu kính, tri ân các bậc tiền nhân như: Lê Thánh Tông, Trần Quốc Tuấn, Chu Văn An, Tô Hiến Thành, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Dã Tượng, Trần Hưng Đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh… Tác giả cũng ngợi ca những chiến công và phẩm chất cao đẹp của các vị tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Phùng Thế Tài, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, Trung tướng Nguyễn Đức Soát… Các nhà khoa học, các doanh nhân như: Lê Quý Đôn, Bạch Thái Bưởi, Vũ Tuyên Hoàng, Văn Như Cương, Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách, Nguyễn Tài Thu… Với anh đó là những con người “lừng danh đất Việt / Vượt thời gian tên tuổi mãi còn” (Suối nguồn học vấn). Trong sách của mình, anh không quên tặng thơ các nhà thể thao đã mang vinh quang về cho đất nước như: U23 Việt Nam, Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh… Lại Hồng Khánh cũng gửi gắm tình cảm trân quý, yêu mến với các nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, kịch tác gia như: Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Thái Cơ, Trần Tiến, Dương Thụ, Hoàng Long - Hoàng Lân, Đoàn Bổng, Phú Quang, Phan Kế An, Nguyễn Sáng, Võ An Ninh, Tào Mạt, Đào Hồng Cẩm, Lưu Quang Vũ… Hầu như tất cả những con người ở mọi lĩnh vực hoạt động có công đóng góp cho đất nước, cho nhân dân, trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, kinh tế anh đều có thơ đề tặng. Đó không những thể hiện sự hiểu biết rộng rãi của tác giả mà còn là minh chứng cho tấm lòng yêu mến, khâm phục của một người cầm bút với tất cả những con người trong những vấn đề mà mình quan tâm và cảm hiểu.

Tập sách đã dành số lượng trang đáng kể để viết về các nhà nghiên cứu phê bình văn học, các nhà thơ, nhà văn… Số lượng những tác giả trong lĩnh vực này thật đông đảo, phong phú tạo nên một sự hội tụ thật ý nghĩa và thú vị. Có lẽ cũng nhờ đó mà chất văn chương của tập sách được nhiều người quan tâm và bình giá. Nhiều nhà văn, nhà thơ đương thời có tên trong tập sách được tác giả gửi tặng đã thể hiện sự thích thú, cảm mến của mình với tác giả tập sách. Một thống kê cho thấy, nhà thơ Lại Hồng Khánh đã có thơ viết về hầu hết các tác giả tiêu biểu của các thời kì văn chương nước nhà. Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương… đến Tản Đà, Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Hữu Thỉnh, Quang Dũng, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Trọng Tạo, Vân Long, Nguyễn Quang Thiều, Bế Kiến Quốc, Lê Đình Cánh, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trúc Thông…

Nhiều bạn bè thơ văn của tỉnh Hà Tây, Hà Sơn Bình cũ cũng có mặt trong tập sách của anh: Phượng Vũ, Thế Mạc, Dương Kiều Minh, Nguyễn Thị Mai, Thanh Ứng, Tô Thi Vân, Yên Giang, Nguyễn Minh Thắng, Quốc Toản, Trương Trung Phát, Lê Huy Hòa, Quý Tháp, Nguyễn Khắc Kình, Quách Ngọc Thiên, Đào Ngọc Chung, Đặng Hiển, Nguyễn Lương Ngọc, Văn Lừng, Khánh Châm…

Đọc 260 bài thơ chân dung của Lại Hồng Khánh, người đọc dễ nhận ra phương thức tiếp cận phổ biến của anh với các tác giả là những tác phẩm tiêu biểu, những dấu ấn riêng biệt của tác giả đó. Thành công của Lại Hồng Khánh là anh đã khéo chọn tên các tác phẩm (có thể là tập thơ, tiểu thuyết, có khi là tên một bài thơ…) hoặc một dòng thơ, một cụm từ có ý nghĩa của tác giả gắn kết thành những bài thơ có ý nghĩa về đặc điểm sáng tác, phong cách, tâm hồn, tình cảm của nhà văn nhà thơ đó. Đồng thời tác giả cũng gửi gắm vào đó những cảm nhận thầm kín, tinh tế của mình.

Chở đầy thời gian tên tập sách cũng chính là tên bài thơ tác giả viết về nhà thơ Quang Dũng, một nhà thơ mà Lại Hồng Khánh rất ngưỡng mộ và có nhiều kỉ niệm với nhà thơ và với những người trong gia đình nhà thơ. Bài thơ có tám dòng lục bát không chỉ kể tên những tác phẩm nổi tiếng của Quang Dũng mà còn chứa đựng trong đó niềm tự hào về một tác giả của “Xứ Đoài mây trắng”, “Hoa lại vàng tháng chạp” rồi/ Cho ai tạc mãi “Mắt người Sơn Tây”/ “Mây đầu ô” những mê say/ Tráng ca “Tây Tiến” chở đầy thời gian” (Chở đầy thời gian).

Bài “Hoa sim” viết về nhà thơ Hữu Loan lại có hướng tiếp cận khác: “Ông dựng lại một chênh vênh “Đèo Cả”/ Để nhớ về “Hoa lúa” đậm hồn quê/ “Tình thủ đô” náo nức những đam mê”/ “Màu tím hoa sim” “nhuốm chiều hoang biền biệt” (Hoa sim). Dòng cuối của bài thơ gợi cho người đọc một niềm nhớ xa xôi khắc khoải về một Hữu Loan trong đời thực…

Viết về nhà thơ Trần Tế Xương, trong khi cảm nhận chất trữ tình ưu thời, thương đời của nhà thơ trào phúng nổi tiếng này, Lại Hồng Khánh vẫn gửi vào những dòng thơ của mình một nụ cười thật cảm phục kín đáo về những ứng xử đời thường của nhà thơ: “Sông lấp” rồi còn vọng tiếng gọi đò/ “Thương vợ” như ông xứng hàng đệ nhất./ Nhà thơ Thành Nam - cùng bao day dứt/ Những phận đời lưu vẻ đẹp văn chương” (Sông lấp)…

Tên tác phẩm của nhà văn sắp xếp không theo trình tự thời gian sáng tác mà được sắp xếp theo cảm nhận của tác giả nhằm mục đích tôn vinh giá trị văn chương của nhà văn… Đó là một phương thức người đọc thường gặp trong cách tiếp cận tác giả của nhà thơ Lại Hồng Khánh. Có những nhà văn, nhà thơ, tác giả tập sách lại tiếp cận theo một hướng khác. Đó là khi phẩm chất nhà thơ trong Lại Hồng Khánh bộc lộ. Anh không trực tiếp nêu tên những tác phẩm của nhà văn mà trình bày ý tưởng của mình bằng cảm xúc của quy luật sáng tạo thi ca. Bài thơ viết về Nguyễn Du “Sóng Tiền Đường” là một bài thơ lục bát đầy đặn ghi lại cảm xúc của anh khi anh có dịp thăm Hàng Châu (Trung Quốc): “Hàng Châu chầm chậm vào thu/ Rừng trong thành phố bất ngờ đón tôi/ Tiền Đường sóng vẫn bồi hồi/ Hai trăm năm lẻ, tên người còn đây.” (Sóng Tiền Đường).

Chân dung của Nguyễn Du được cảm nhận qua số phận nàng Kiều và sự cảm thông chia sẻ của một nhà thơ thế kỉ 21. Sự cảm nhận đó làm cho Đại thi hào Nguyễn Du càng gần gũi với người đương thời: “Sầu đong càng lắc, càng đầy”/ Trái tim thi sĩ tỏ bày cùng ta” (Sóng Tiền Đường). Đó cũng là hướng tiếp cận của Lại Hồng Khánh với nhà thơ Nguyễn Khuyến trong bài “Ao thu”: “Hồn quê dồn lại vào đây cả/ Ngõ trúc vườn Bùi với ao thu/ Tam Nguyên dáng cụ như còn đó/ Ngạo nghễ cao sang đến bây giờ” (Ao thu)…

Đọc kĩ 260 chân dung thơ trong “Chở đầy thời gian” với mỗi người một vẻ, một hướng tiếp cận hợp lý, người đọc cảm nhận được sự cố gắng nỗ lực của Lại Hồng Khánh. Trong một bài viết ngắn không thể dẫn ra được nhiều những dẫn chứng về sự cố gắng đó của Lại Hồng Khánh. Đó là một sự lao động nghệ thuật đáng ghi nhận và biểu dương.

Mỗi con người, nhất là những con người nổi tiếng đều có những hoạt động phong phú trong lĩnh vực của mình. Ngoài những công trình, tác phẩm được người đời biết đến họ đều có những mặt đời sống đa dạng, sâu sắc, muôn màu muôn vẻ. Chân dung mỗi người có thể viết được cả một cuốn sách. Do đó chúng ta dễ nhận ra những điều chưa được thỏa mãn trong 260 bài thơ mà nhà thơ Lại Hồng Khánh trình bày trong tập sách của mình. Đó chỉ là những cảm nhận của cá nhân trong những thời điểm nhất định và cả những chủ quan bằng sự chiêm nghiệm của chính mình.

Tuy nhiên, người đọc cũng dễ dàng cảm thông, chia sẻ và trân trọng những tình cảm yêu quý của nhà thơ Lại Hồng Khánh và những nỗ lực của anh trên con đường tiếp cận văn chương, tiếp cận những thành công của con người, đồng thời hướng tới sự tôn vinh những sáng tạo không ngừng phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc và sự phát triển nước nhà của những con người có tên trong tập sách.

Thanh Ứng/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)