1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Kỷ niệm 100 năm sinh nhà lý luận, phê bình, dịch giả Vũ Đức Phúc (1920 - 2015): PGS Vũ Đức Phúc Người chiến sĩ xung kích trên trận tuyến văn nghệ

26/12/2020
Phó Giáo sư, nhà văn, nhà hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa Vũ Đức Phúc (12/11/1920 - 29/7/2015), còn có các bút danh Hồng Kỳ, Lãng Bạc, Lê Hậu, Tấn Trung; quê ở làng Ái Mộ, xã Yên Viên, tổng Gia Thụy (nay thuộc huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội). Với 30 năm hoạt động lĩnh vực lý luận phê bình trên các cương vị Phó Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học, PGS. Vũ Đức Phúc thực sự là người chiến sĩ xung kích trên trận tuyến văn nghệ nước nhà.
PGS. Vũ Đức Phúc (Ảnh tư liệu).
 
“Quả đấm thép” của văn học cách mạng
 
Sinh ra trong một gia đình nông dân và buôn bán nhỏ, có tám anh chị em, ông sớm được giác ngộ cách mạng. Từ năm 1939 ông tham gia tổ chức Thanh niên phản đế, từ năm 1943 tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc, đồng thời theo học Trường tư thục Thăng Long, có bằng Tú tài Pháp, Ban Triết học văn chương.
 
Cách mạng tháng Tám thành công, Vũ Đức Phúc tham gia Ủy ban Nhân dân cách mạng tại Gia Lâm và vào Đảng năm 1946. Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, ông được tin cậy giao các nhiệm vụ: Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Ngọc Thụy, Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Võ Giàng (tỉnh Bắc Ninh), tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Tuyên truyền phụ trách Tuyên văn Giáo huấn tỉnh Bắc Ninh. Sau hòa bình lập lại năm 1954, ông làm Trưởng phòng Văn nghệ thuộc Sở Văn hóa Hà Nội; năm 1958 chuyển làm cán bộ tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Văn giáo Trung ương Đảng và tham gia Hội Nhà văn Việt Nam.
 
Từ năm 1959, do yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nền khoa học xã hội mới, ông được điều về công tác tại Viện Văn học thuộc Ban Khoa học xã hội - Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), trải qua các chức vụ: Trưởng phòng Lý luận văn học - Văn học Việt Nam hiện đại, Văn học nước ngoài rồi Phó Viện trưởng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn học. Tính từ ngày về Viện Văn học (1959) đến khi nghỉ hưu (1990), ông đã có đến ba mươi năm dài gắn bó, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển của Viện… 
 
Sát cánh bên thế hệ các nhà nghiên cứu xuất sắc một thời như: Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Vũ Ngọc Phan, Hoàng Ngọc Phách, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Hoàng Trinh,… Vũ Đức Phúc đã xuất bản nhiều công trình lý luận, nghiên cứu, phê bình, tranh luận, dịch thuật, truyện danh nhân nổi tiếng: “Sơ thảo lịch sử Văn học Việt Nam 1930 - 1945” (1964), “Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, 1930 - 1954”, (1971), “Trên mặt trận văn học” (1972), “Bàn về phương pháp nghiên cứu văn học” (1973), “Đi-đơ-rô” (1986), “Bàn về văn học” (2001); cùng nhiều công trình nghiên cứu in chung và khoảng 90 tiểu luận in trên tạp chí Văn học… Phát huy sở trường tiếng Pháp, ông dịch “Thơ ngụ ngôn” của La Fontaine (1957), “Quan thanh tra” của Gogol (1963) và “Tuyển tập truyện” của Voltaire (dịch chung, 1963)...
 
Trong hoạt động nghiên cứu, Vũ Đức Phúc mở rộng phạm vi từ lý luận, phê bình đến văn học sử, từ văn học hiện đại ngược về dân gian đến trung đại, từ văn học Việt Nam đến phương Tây (đặc biệt là văn học Pháp). Một thời trên tạp chí Nghiên cứu Văn học, ông chăm chỉ cập nhật, kịp thời kiểm điểm “Công tác lý luận, phê bình văn học trong tháng” và xác định trận địa, trận tuyến, nhiệm vụ đấu tranh trên mặt trận văn học. 
 
Ông thực sự là người chiến sĩ xung kích trên trận tuyến văn nghệ, xác định rõ công tác nghiên cứu văn học dưới sự lãnh đạo của Đảng, chú trọng tìm hiểu, quán triệt đường lối và các nghị quyết của Đảng về công tác văn học. Ông là hiện thân của lòng trung thành, trung trực, kiên định, nhất quán với chính mình trong mọi thời gian, thời cuộc, tình huống, không nhìn trước ngó sau, càng không rẽ ngang rẽ tắt… 
 
Khi xác định hoạt động văn học là công tác, nhiệm vụ, mặt trận, trận địa, trận tuyến đấu tranh, ông tự giác đứng trong đội ngũ để xác lập các tiêu chí, chuẩn mực, một mặt khẳng định nội dung tiến bộ của văn học cách mạng và biểu dương chất lượng thơ Hồ Chủ tịch, Tố Hữu; mặt khác nêu cao tinh thần cảnh giác, triển khai phê phán những gì bị xem là khác lạ, xa lạ, lệch chuẩn, bên lề. Đối với nền văn học hiện đại, ông xác định phẩm chất dòng chủ lưu văn học cách mạng vô sản rồi soi chiếu, đánh giá mặt hạn chế, tiêu cực của các trào lưu hiện thực phê phán, lãng mạn… 
 
Khác biệt hơn, khi trực diện khảo sát các tác giả Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Sĩ, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Hoàng Xuân Hãn, Huy Thông, Nguyễn Thi và những La Fontaine, Voltaire, Diderot, Hugo, Gogol, Zola, ông lại có cái nhìn cởi mở, chuyên sâu, sát đúng đối tượng… Tiếc rằng với số lượng công trình nghiên cứu phong phú, sâu rộng, thể hiện sức mạnh “quả đấm thép” trong từng giai đoạn văn học cách mạng nhưng ông vẫn chưa được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật mặc dù Viện Văn học và gia đình đã có đề nghị trong mấy năm qua.
 
Tận tình dìu dắt thế hệ sau
 
Nhìn rộng ra, trong công tác tổ chức, đào tạo, Vũ Đức Phúc tận tình dìu dắt thế hệ sau và hướng dẫn nhiều luận án tiến sĩ, tạo điều kiện để họ phát triển thành đội ngũ cán bộ nghiên cứu kế cận vững vàng (Phong Lê, Phạm Tú Châu, Lê Thị Đức Hạnh, Trần Thị Băng Thanh…). Đến lớp tôi về Viện Văn học năm 1983, tính ra có đến 7 năm là làm việc cùng cơ quan với ông. Cách xa thế hệ, ông thường không nhớ rõ tên chúng tôi, thường gọi chung “các anh”.
 
PGS. Vũ Đức Phúc hút thuốc nhiều, toàn thuốc cuốn Lạng Sơn, đặt trong cái hộp. Ấn tượng chung, tôi thấy ông say mê chuyên môn. Ông thường lên giọng khá gay gắt mỗi khi bàn chuyện quản lý văn nghệ với những “anh này, anh kia” lệch lạc nhưng lại say sưa khi giảng giải bộ phận văn học siêu hình Lý – Trần “không đáng giá một xèng”, bài thơ “Diễn Trận sơn” của Ngô Thì Sĩ hay lắm, thơ tự dịch Hán sang Nôm của Nguyễn Khuyến độc đáo. Nói xong ông lại cười khinh khích, hích hích, tếch tếch, vang cả phòng, đầy sự hỉ hả, mãn nguyện. Tri thức văn học Pháp của ông xếp loại bậc cao, nghe nói được cụ Đặng Thai Mai khen lắm. Một lần ông đi Pháp về kể rằng có đi thăm các di tích, khu phố cổ, thư viện, trường học hiện đại, ra cả chợ trời đầy các loại hàng, quần áo rẻ lắm và rồi kết luận: “Nhưng nó vẫn là thằng tư bản!”… 
 
Trước khi ông mất một thời gian, tôi cùng nhà báo Kiều Mai Sơn sang thăm, có ghi chép cẩn thận. Đủ chuyện Đông Tây kim cổ, trong Nam ngoài Bắc, lớp già lớp trẻ, đổi cũ đổi mới, anh nọ chị kia. Ông giải thích kỹ bút danh Hồng Kỳ (Cờ đỏ), rồi bảo: “Này, các anh cứ đội cái tay Trotsky Vũ Trọng Phụng lên làm gì? In sách, làm phim, tổ chức kỷ niệm, đặt tên đường làm gì? Này, các anh đừng có làm bừa! Trung ương đang bận nhiều việc nhé! Các ông ấy mà biết thì beng luôn cổ các anh nhé!”… Nói xong, bác lại cười khinh khích, hích hích, tếch tếch, vang cả nhà, đầy sự hỉ hả, mãn nguyện.
 
Người Hà Nội
 
http://nguoihanoi.com.vn/ky-niem-100-nam-sinh-nha-ly-luan-phe-binh-dich-gia-vu-duc-phuc-1920-2015-pgs-vu-duc-phuc-nguoi-chien-si-xung-kich-tren-tran-tuyen-van-nghe_263364.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)