1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Gánh cong cong cả muộn phiền...

26/06/2020
(Đọc “Độc thoại sen”, NXB Hội Nhà văn, tháng 12 năm 2019)

Tôi không khỏi ngạc nhiên khi đọc Tôi và sen - bài thơ mở đầu của Độc thoại sen. Ngạc nhiên vì bài thơ có kết cấu “cởi” mà vẫn “buộc”, “buộc” mà vẫn “cởi”, “lỏng” mà vẫn “chặt”, “chặt” mà vẫn “lỏng”, “mở” mà vẫn “đóng”, “đóng” mà vẫn “mở”. Làm được thế trong thơ, không phải dễ! Ấy cũng là sự uyển chuyển về mặt hình thức. Nhưng nếu chỉ thiên về hình thức, chỉ duy hình thức mà không có nội dung, thì sự uyển chuyển ấy, xét cho cùng, cũng không có ý nghĩa gì mấy.


Khổ một hay còn gọi là “khổ sen” của tứ thơ là sự nỗ lực tự thân bằng cách “tự bứng mình lên” của hoa sen để ra “khỏi đêm, khỏi ngày, khỏi xa lạ” mà “âm thầm nở/ âm thầm thơm/ âm thầm lan tỏa”. Khổ hai hay là “khổ tôi” của tứ thơ là cuộc đối thoại của người trước hoa sen, trong đó có một câu hỏi đáng chú ý: “Em từ đâu ra?” và hoa sen dẫu thở dài, dẫu không nói, nhưng cũng đã bộc lộ mình: “Cố uống từng giọt sương/ cố ăn từng ngọn gió/ mơ nhụy vàng, hoa trắng, lá xanh”. Cả đời sen hình như chỉ cần có vậy và chỉ cần làm vậy. Sự chia sẻ giữa tôi và sen, sen và tôi nằm ở khổ kết. Cả hai đều muốn “vượt lên định kiến, thói quen sinh lầy” để được “trong như gió, nhẹ như mây” và để “thơm/ trên bầu ngực ánh sáng”. Cái đích hướng tới của sen thật cao cả! Tôi hiểu “định kiến, thói quen sình  lầy” là hướng tới nhằm phủ định một kiểu nói quá quen thuộc của câu ca dao: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Bởi vì trong thực tế, từ bùn đến sen là một cuộc chuyển hóa tài tình của tự nhiên. 

Như vậy, với Tôi và sen, Lê Phương Liên đã có một xuất phát khác về sen, về mối quan hệ giữa người và sen trong sự tương tác, tương sinh và cả hai như cùng bay lên thanh thoát trong gió, trong mây, trong ánh sáng… Và với Tôi và sen, Lê Phương Liên muốn chứng minh thêm: Trong thơ, đề tài chỉ là một cái cớ để người viết nương vào đó mà gửi gắm thông điệp về sự phát hiện, sự trải nghiệm khác lạ của cá nhân mình.

Trong Độc thoại sen, ít nhất sen còn trở đi, trở lại với Lê Phương Liên tới năm lần qua các bài thơ: Tôi và sen, Ngày em sinh, Với em, Heo may nhớ, Sắc… không và Dù đã tàn sen.

Ngoài những câu đã nêu trong Tôi và sen, là những câu: Mẹ đặt tên em loài hoa sinh ra từ bùn sâu nước đọng/ cay đắng ngọt bùi vẫn thẳng dáng trắng trong; Em ngỡ mình là bông sen mọc lên từ bùn đen/ Chỉ hương lành ủ hương cho trà ngọt đắng/ Em ngỡ mình là hoa của nắng/ Dại khờ mơ tưởng chuyện đẩu đâu; Giếng làng sen tàn cánh lụa/ heo may thêu nỗi nhớ mùa; Thản nhiên khóc, thản nhiên cười/ Thản nhiên sen nở giữa trời bão giông.

Rõ ràng, sen là nỗi ám ảnh về thân phận, về cuộc đời, về bản lĩnh sống của Lê Phương Liên như cái tên Phương Liên mà mẹ chị đã đặt cho chị và chị đã mặc định trong câu thơ: Mẹ đặt tên em loài hoa sinh ra từ bùn sâu nước đọng.

Bên cạnh Tôi và sen, Lê Phương Liên còn sở hữu một số bài thơ trọn vẹn, đáng nhớ khác. Đó là Ước, Lối thu, Tự trăng, Con về vin ngọn trầu cong.

Đây là nguyên văn Ước - một tứ thơ nhuần nhuyễn, với một phép đảo chữ đảo nghĩa tài tình, vừa giản dị, vừa sâu sắc:

Em ước mình là nước

Còn anh là mây trôi

Nước từng giọt rơi rơi

Mây một ngày thành nước

Nước một ngày thành mây


 

Cùng đi khắp đó đây

Không ngừng trôi, ngừng chảy

Anh tan vào trong nước

Em tan vào trong mây

Ta tan vào trong nhau.

Và đây nữa là Con về vin ngọn trầu cong:

Con về vin ngọn trầu cong

Nâng trái cau thăm thầm mong bà về


 

Vườn bà, hoa nở mấy bề

Mẫu đơn rực lối cần kề ngày xưa


 

Đường chiều bước tỉnh bước mơ

Như bà, con cũng ngóng chờ chợ phiên


 

Gánh cong cong cả muộn phiền

Áo nâu nâu cả nỗi niềm tóc tơ…

Trong bài thơ này, hai từ “nưng nức” đặt trong “Vườn em nưng nức ru lời biếc xanh” thật đắc địa, làm cho câu thơ có hồn và sống động hẳn lên. Bài thơ tạo dư ba khi có hai câu kết viết theo lối lục bát tài hoa ngỡ khó có thể tài hoa hơn:

 

Gánh cong cong cả muộn phiền

Áo nâu nâu cả nỗi niềm tóc tơ…

 

Ngoài cặp lục bát trên, Lê Phương Liên còn có nhiều cặp lục bát lay gợi, buông bắt tinh tế và nữ tính đáng nhớ, chứng tỏ sở trường làm thơ lục bát của chị. Có thể dẫn chứng: Đò chiều gày nhẳng hoàng hôn/ lam chiều loang những bồn chồn nhớ thương (Lam chiều nhớ mẹ); Hình như lá bớt đòng đưa/ Hình như hoa vẫn còn chưa bớt hồng (Bâng khuâng chiều cuối năm); Tìm về hương bưởi, hương cau/ Đêm nay hoa nhé/ cùng nhau dậy thì (Đêm nay hoa bưởi dậy thì); Cháy lên thôi chút mỹ miều/ Để tro bụi cả những điều viển vông và Đông về chín một mùa thương/ Lá rưng rưng những đoạn trường không nhau (Đông về cởi áo cho cây); Một đời lá lá hoa hoa/ Xanh tươi vàng úa… còn ta với mình (Đời cây)…

Theo tôi, từ Hoa cỏ may đến Độc thoại sen, thơ Lê Phương Liên đã tạo ra một sự đột biến và một bước chuyển về chất rất đáng mừng. Dường như Lê Phương Liên đã ngộ ra một lẽ gì đấy trong thơ và tạo ra một xuất phát mới trong thơ theo cách của chị. 

Đặng Huy Giang/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/ganh-cong-cong-ca-muon-phien_261394.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)