1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Đọc sách xưa để nghĩ về hôm nay

12/02/2020
Lược thuật Lễ kỷ niệm 120 năm ngày mất Cử nhân Lê Quả Dục và giới thiệu sách “Lê Quả Dục - tuyển tập thơ văn”)

Nhà thơ Vũ Quần Phương phát biểu trong Lễ kỷ niệm

Thiên Trường - Nam Định là một trong những địa danh nổi tiếng về truyền thống hiếu học. Trên mảnh đất khoa cử này, qua các triều đại phong kiến có tới hàng trăm vị đỗ Đại khoa và hàng ngàn cử nhân. Sự nghiệp thơ văn để lại khá nhiều. Thời hiện đại, người ta mới chỉ chú ý đến trước tác của các vị đại khoa, còn thơ văn của các vị cử nhân thì gần như không được chú ý đến. Đối với các nhà nghiên cứu địa phương do hạn hẹp về điều kiện nên chỉ sưu tầm công bố được trên các trang văn nghệ địa phương những bài thơ văn rời rạc mà người ta cho là có giá trị. Còn lại số nhiều các tác phẩm này đều rơi vào quên lãng.

Tuy nhiên, ở vùng đất Hoành Nha, Giao Tiến, Giao Thuỷ, con cháu dòng tộc Lê Huy Cảnh Trung, chi tổ Lê Huy Lân đã làm được một công việc vô cùng quan trọng là sưu tầm và giới thiệu với đông đảo các bạn đọc cả nước sự nghiệp thơ văn của cụ Cử nhân Lê Quả Dục (1833 - 1899) mệnh quan triều Nguyễn - nhà giáo - nhà thơ yêu nước. Với hơn một trăm bài thơ văn hán nôm được tuyển chọn cùng cảm nhận của các nhà thơ Vũ Quần Phương, Đặng Huy Giang, Quang Hoài, Phạm Trọng Thanh, Đặng Cương Lăng trong tập sách “Lê Quả Dục - tuyển tập thơ văn” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành nhân kỷ niệm 120 năm ngày mất của cụ là một minh chứng cho tấm lòng hiếu nghĩa của các thế hệ cháu chắt, đồng thời cũng là thành công của một hướng đi mới cho việc nghiên cứu sưu tầm đầy đủ những giá trị văn hoá tốt đẹp mà người xưa để lại.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 120 năm ngày mất cử nhân Lê Quả Dục

Cụ Lê Quả Dục - tự Toàn Thanh sinh năm 1833 trong một gia đình nhà nho nghèo, được cha là thầy đồ hướng dẫn đi theo con đường học hành khoa cử. Ông đỗ cử nhân năm 1867 tại trường thi Nam Định. Năm 1883 mới nhận chức quan. Ban đầu làm huấn học Ý Yên, rồi nhiếp chính An Hoá, tri huyện Phong Doanh. 1886 thăng Tri phủ Nho Quan. Ba năm mà từ huấn học thăng lên tri phủ, hoạn lộ như vậy cũng là hanh thông tưởng mấy người có được. Nhưng đến năm 1888, nghĩa là chỉ 5 năm giữ chức quan nơi phủ huyện cho cả một đời nghiên mực, cụ đã từ quan về quê dạy học. Đây là một quyết định dũng cảm của một bậc khoa bảng, thể hiện tiết tháo của một nhà Nho yêu nước không chịu làm tay sai cho kẻ xâm lược. Cụ đã để lại cho con cháu dòng họ và người dân trong vùng một tấm gương yêu nước thương dân. Và hơn nữa, cụ còn để lại một di sản văn hoá đặc sắc, đó là những bài thơ văn về lòng yêu nước, tình gia đình và nghĩa xóm làng mà đương thời đã ghi nhận.

Trong cái nắng hanh hao của mùa đông, vào tuần chạp tổ theo tục lệ cổ truyền của vùng Sơn Nam hạ; các hậu duệ của cụ Cử Lê đã hội tụ đầy đủ trước từ đường long trọng kỷ niệm 120 năm ngày mất của cụ và dâng sách lên trước anh linh người đã khuất. Các vị đại biểu lãnh đạo xã Giao Tiến, lãnh đạo Hội VHNT Nam Định và các nhà văn nhà thơ có bài cảm nhận in trong tập sách đã về dự lễ.

Hội trường chăm chú nghe các bài phát biểu của giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Hàm, Thiếu tướng Lê Huy Mai - những hậu duệ đời thứ tư của cụ Cử Lê trình bày thân thế sự nghiệp, điểm một số tác phẩm của cử nhân Lê Quả Dục: 66 năm trọn đời yêu nước thương dân, 5 năm làm quan thanh liêm, mấy năm tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp xâm lược, hơn ba mươi năm nổi danh sự nghiệp văn chương. Cụ là tấm gương trọn vẹn nghĩa tình với gia đình với làng với nước.

Nhẹ nhàng mà khúc triết, nhà thơ Vũ Quần Phương đã phân tích những bài thơ về lòng yêu nước thương dân của cụ Cử: “Thiên niên chính khí sơn câu tại/Dị cảm hành nhân nhất phiến tâm”. Đặc biệt là những phát hiện tương đồng giữa cuộc đời làm quan và từ quan của danh nhân Nguyễn Khuyến và Cử nhân Lê Quả Dục. Hai cụ tuổi xấp xỉ, thi cùng một khoa. Dẫu ra làm quan người trước người sau nhưng cùng từ quan vào cùng thời điểm. Vốn biết rằng học để làm quan nên việc từ quan là rất dũng cảm. Nguyễn Khuyến tài năng thơ xuất chúng nên cả nước biết đến bản lĩnh từ quan của cụ. Cụ Lê Quả Dục thì âm thầm. Nhưng cùng gánh chịu sức nặng của một cuộc giã từ vinh hiển.

Tuy nhiên, có điểm khác biệt: Cụ Nguyễn từ quan nhưng vẫn để con ra làm quan, còn cụ Lê về dạy học và dặn con cháu: “Phụ huấn tự gia đương chức tị/ Mẫu ngôn tại ngoại dụng vô cùng/ Nhân lương lão thiếu chung nhân bảo/ Chí nhập quan thời bất cái dung” (Cha dạy phải biết khi tiến khi lui lúc ở nhà, mẹ khuyên lúc ra ngoài nên lượng sức. Dù còn trẻ hay đã già phải luôn giữ mình để đến khi nhập quan vẫn giữ được vẻ mặt trượng phu). Hiểu được như vậy để thấy nỗi đau, bản lĩnh tiết tháo của tiền nhân, qua đó mà vươn lên trong cuộc sống.

Tự hào về quê hương Nam Định đã có những danh nhân yêu nước thương dân trong lịch sử như cụ Cử Lê, thạc sĩ phê bình văn học Nguyễn Công Thành- Chủ tich Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định đã khẳng định dòng tộc Lê Huy và hậu duệ của Cử nhân Lê Quả Dục cùng các nhà sưu tầm, dịch giả đã làm được một công việc rất nhân văn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Và cao hơn nữa đã trực tiếp bảo quản và khai thác vốn liếng bản sắc gốc di sản văn hoá quê hương góp phần nâng cao đời sống văn hoá ở một vùng Nông thôn mới.

Nâng niu cuốn “Lê Quả Dục - tuyển tập thơ văn” trên tay trong mùi khói trầm thơm ngát quyện với giọng ngâm thơ hào sảng mà tha thiết của các nghệ sĩ đến từ Nhà hát chèo Nam Định đã khiến mọi người rưng rưng tâm tưởng về người đã khuất với lòng kính trọng và biết ơn một bậc sĩ phu yêu nước thương dân, hết lòng với gia đình và quê hương. Khởi nguồn từ nền nếp do cụ Cử truyền lại mà đến hôm nay hậu duệ đã có nhiều người thành đạt với hàng chục giáo sư, tiến sĩ, sĩ quan cao cấp trong quân đội. Có nhiều người giữ trọng trách lớn trong các bộ ban ngành Trung ương và cấp tỉnh.

Kỹ sư Lê Nguyên Hệ - chắt nội của cụ Cử, Trưởng ban Tổ chức buổi giới thiệu sách đã cảm động nói với con cháu dòng tộc: “Hãy cầm sách và đọc lên, để ngấm, để hiểu được chí cả lòng trong, đức nghĩa nhân trong từng câu từng chữ của cụ Tổ.  Từ đó suy nghĩ và sống tốt hơn, phấn đấu tốt hơn vì sự nghiệp chung, xứng đáng với truyền thống gia đình, quê hương, đất nước”.

Lễ kỷ niệm 120 năm ngày mất Cử nhân Lê Quả Dục và giới thiệu sách “Lê Quả Dục - Tuyển tập thơ văn” đã thành công tốt đẹp, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Lê Tiến Nghị/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/doc-sach-xua-de-nghi-ve-hom-nay_256949.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)