1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Đinh Công Vỹ - Sống và viết

27/06/2020
Tiến sĩ Đinh Công Vỹ sinh 1945, quê ở thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn (chuyên ngành Hán Nôm), Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1978; công tác tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, bảo vệ Luận án Tiến sĩ Sử học, năm 1991. Kỷ niệm 75 năm tuổi đời, 60 năm cầm bút, ông đã ra mắt bạn đọc cuốn sách Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt (Nxb Thanh niên, năm 2019). Tác phẩm này có thể coi là một tuyển tập tương đối đầy đủ của một đời người say mê cầm bút viết nghiên cứu và sáng tác văn chương. Trong thư ngỏ (viết ngày 20/11/2019), ông có một nguyện vọng nho nhỏ: Cuối năm 2020 sẽ tổ chức sự kiện cá nhân “Kỷ niệm 60 năm cầm bút” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám”. Hiện ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản thơ văn truyền thống và Hán Nôm, Chủ tịch Chi hội Kiều học Hà Nội. Ông là tác giả của 11 tác phẩm về các lĩnh vực văn hóa, văn học, lịch sử và tham gia viết chung hơn 20 đầu sách khác.

Niềm đam mê văn hóa - văn chương - lịch sử dân tộc


 

Không có niềm đam mê lớn khó có thể làm được việc lớn. Tiến sĩ Đinh Công Vỹ luôn luôn tự nhận mình là “người làm vườn” kiên nhẫn đi tìm những hạt ngọc trong di sản văn chương Việt. Muốn hiểu cặn kẽ, chân tơ kẽ tóc văn chương dân tộc, không gì bằng trang bị cho mình một vốn Hán Nôm bài bản, phong phú. Như chúng ta biết, đặc trưng của văn chương dân tộc thời trung đại là “văn sử bất phân” nên Đinh Công Vỹ đã dùi mài kinh sử, gắng sức bảo vệ luận án tiến sĩ sử học. Vì thế khi ông xuất bản tác phẩm Phương pháp làm sử của Lê Quý Đôn (Nxb Khoa học xã hội,1994) khiến nhiều người ngạc nhiên và thán phục. Chưa hết, sau đó ông lại tiếp tục ra mắt Bên lề chính sử (Nxb Văn hóa thông tin, 2005). Như vậy, theo tôi nghĩ, Đinh Công Vỹ đã vận dụng khoa học liên ngành để truy tìm các giá trị (ngọc) trong di sản văn chương Việt. Tác phẩm Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt (có thể chưa phải là cuối cùng) của Đinh Công Vỹ gồm 5 phần lớn, theo thứ tự: I/ Tìm trong các thể loại thơ văn truyền thống, II/ Tìm trong các tác gia văn học có tầm vóc, III/ Tìm trong bạn bè bốn phương tựa để phẩm bình, giới thiệu, IV/ Tìm trong các trung tâm thơ, các CLB thơ nói chuyện, báo cáo, V/ Tìm trong các bài chúc văn tụng đọc trong các ngày lễ trọng thể.

 

Phải nói ngay, một cách công bằng, Đinh Công Vỹ không phải là người “khai sơn phá thạch” các giá trị văn chương cổ điển. Tôi muốn nhấn mạnh về “cách” mà tác giả tiếp cận đối tượng nghiên cứu. Đồng nghiệp đã viết kỹ lưỡng về các nhà cổ điển như: Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Phan Bội Châu,... Tưởng như không còn gì để viết tiếp. Nhưng thực tế có rất nhiều nẻo lối (cách thức/ phương pháp) tiếp cận đối tượng. Cách thức tiếp cận đối tượng nghiên cứu, phê bình của Đinh Công Vỹ đều xuất phát từ phương diện văn hóa. Trong ba phương diện quan trọng của khái niệm/ phạm trù văn hóa (bản sắc - giá trị - ứng xử), tôi thấy Đinh Công Vỹ đã chú ý đặc biệt đến thế ứng xử của vị vua - thi nhân Trần Nhân Tông: “Thông cảm với dân, đồng khổ, đồng cảm nên chúng ta không lạ gì khi thấy một bậc đế vương từng trực tiếp tham gia chiến tranh, ở cương vị người chiến thắng mà vẫn có những câu thơ nóng bỏng ước mơ hòa bình, hợp với đức từ bi hỉ xả của Phật giáo. Những kẻ cường quyền “dãi thây trăm họ làm công một người’, coi chiến tranh như một bậc thang để bước lên đài danh vọng, đi tới vinh quang có thể xem đó làm tấm gương soi (...). Trần Nhân Tông thân dân, thông cảm gắn bó với thế tục nhưng vẫn cao cả thoát khỏi những tục lụy thấp hèn tầm thường”. (Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt, trang 208). Đó chỉ như là một ví dụ điển hình mà tôi dẫn giải để nói về cách thức viết dưới ánh sáng soi đường của văn hóa của Đinh Công Vỹ.



Trong quá trình nghiên cứu văn hóa - lịch sử - văn chương, Đinh Công Vỹ rất quan tâm đến phạm trù “Văn hóa tâm linh”. Cũng phải nói ngay rằng, văn hóa tâm linh ở ta lúc này lúc khác từng bị biến tướng, lợi dụng sa vào cõi mê tín, mê lộ, mê man. Tuy không được đưa vào tuyển tập Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt, nhưng Chuyện lạ về 12 con giáp (Nhìn từ góc độ văn hóa tâm linh Đông phương, do Nxb Đà Nẵng ấn hành, năm 2011), là một tác phẩm nghiêm ngắn, thuyết phục bạn đọc trên cơ sở khoa học về tâm linh. Nhà văn Pháp André Malraux đã thuyết phục chúng ta khi khẳng định: “Thế kỷ XX là thế kỷ của tâm linh”. Trong Mở đầu tác phẩm này, tác giả chia sẻ: “Bản thân con giáp đã có những chuyện lạ và có những chuyện không lạ, gắn với tâm linh hoặc không gắn với tâm linh. Nhưng dù thế nào  thì tất cả đều có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp với văn hóa hoặc là một dạng đặc sắc của văn hóa”. Dẫn thêm một ví dụ như thế để nói rằng, tôi tin Đinh Công Vỹ là một nhà nghiên cứu văn hóa thực thụ. Hay nói cách khác, Đinh Công Vỹ tựa hẳn/ xuất phát từ/ vào văn hóa để nghiên cứu các lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn.

 

Trong các phần III và IV của Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt (chiếm đến gần ½ tổng số trang), tôi thấy Đinh Công Vỹ là ngòi bút có tình, viết từ tri âm tri kỷ về nghề văn/ bạn văn, đặc biệt dành nhiều tình cảm cho không gian văn hóa - văn học xứ Đoài mây trắng.


 

Những ước nguyện chân thành


 

Đã ở vào cữ “người thọ bảy mươi xưa nay hiếm” nên Đinh Công Vỹ, có cái tâm cảm thao thức, thấy quỹ thời gian của mình còn ít, như người ta nói ý thức về thời gian chính là phẩm tính của con người thời hiện đại. Đôi lúc ông như cảm thấy: “Buổi hoàng hôn của đời mình” (Thư ngỏ). Ông chia sẻ thành thực với đồng nghiệp, thân hữu và bạn đọc rằng phải gắng gỏi rất nhiều để hoàn thiện những công trình còn dang dở như: Chuyện tình dân dã Việt Nam (dường như là để cân đối và bổ sung cho bộ sưu tập cùng với Chuyện tình kẻ sĩ Việt Nam, Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam đã xuất bản), Truyện ký thời Hùng Vương, Bi kịch các người sáng nghiệp triều Nguyễn,... Ông cũng không ngại ngần mà phô ra cái ước nguyện bình thường của một người bình thường: “Để tôi mong được sống thêm mươi năm nữa mà có thể chăm lo cho con, cháu đang rất gặp khó khăn trong việc nối dõi tông đường, một nỗi đau thắt lòng với trọng trách của người trưởng họ một chi họ Đinh ở thị xã Sơn Tây” (Thư ngỏ).



Một số tác phẩm của Tiến sĩ Đinh Công Vỹ

 

Dân gian có câu: “Nói trước bước không qua”. Nhưng riêng tôi tin, Đinh Công Vỹ sẽ tận hiến và dụng công hoàn thành những gì còn dang dở. Đầu năm con chuột (2020), gặp ông ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám thấy thần sắc tuy đôi phen giảm sút (qua hai lần mổ năm 2019), nhưng chí khí thì vẫn ngút ngàn. Giọng ông vẫn sang sảng khi trình bày các dự án công, tư. Vẫn một túi càn khôn chữ nghĩa, tôi biết năm nay ông còn tiếp tục chu du từ Bắc vào Nam với nhiều dự định nghề nghiệp. Nhà văn Phùng Văn Khai (hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội) chia sẻ: để chuẩn bị viết Nam Đế Vạn Xuân (tiểu thuyết lịch sử về  Lý Bí - xưng vua Lý Nam Đế, dựng nước hiệu Vạn Xuân), anh đã đi đến rất nhiều chùa, đền để sưu tầm tư liệu liên quan đến cổ sử, văn hóa và Phật giáo Việt Nam. Những chuyến đi đó đa phần được sự hỗ trợ tích cực và tối đa của Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, người thành thục Hán Nôm và vốn văn hóa về các di tích lịch sử trên khắp mọi miền đất nước.

 

Tôi hình dung, với Đinh Công Vỹ cuộc sống không bao giờ chán nản. Càng sống, càng đi, càng viết trời càng xanh thêm như một ý thơ sâu thẳm nào đó mà tôi nhập vào tâm khảm mình từ rất lâu. 

 

Bùi Việt Thắng/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/dinh-cong-vy-song-va-viet_261399.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)