1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân

12/02/2020
“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!/ Vinh quang Tổ quốc chúng ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa/ Vinh quang Hồ Chí Minh, cha của chúng ta ngàn năm sống mãi” (Tố Hữu: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, 5/1954)

Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp  trong văn học nghệ thuật

Trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, nhà thơ Tố Hữu mới chỉ viết có một câu thơ trực tiếp ca ngợi Võ Đại tướng: “Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp”. Cũng thật là hiếm hoi vào thời điểm ấy, cách nay 65 năm. Năm nay (2019) cả nước tưng bừng kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm “chấn động địa cầu”: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (Tố Hữu). NXB Hà Nội vừa ấn hành sách ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân (bằng 3 thứ tiếng Việt - Anh - Hàn Quốc) của tác giả Trần Tuấn (TTX Việt Nam) - một ấn phẩm đẹp cả nội dung và hình thức. Nhưng trong bài báo nhỏ này tôi muốn nói đến hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong văn học (nghệ thuật ngôn từ).

Có thể nói, nhà văn Hữu Mai là người đầu tiên tái hiện chân dung Võ Đại tướng trong cuốn tiểu thuyết lịch sử Không phải huyền thoại (NXB QĐND, 2007; NXB Trẻ tái bản 2010). Nhưng đặc biệt hơn, trong năm 2019, cùng lúc hai nhà văn Vũ Xuân Tửu (với Võ Nguyên Giáp, bản thảo) và Nguyễn Thế Quang (với Đường về Thăng Long, sách in) đều “trình làng” những tác phẩm tâm huyết của đời cầm bút. Cả hai tác phẩm này tác giả đều tự tin tham dự Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Theo tôi, đây chưa phải là những tác phẩm cuối cùng về một nhân vật lịch sử thời hiện đại. Nếu có thể nói thì, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nguồn cảm hứng viết mãi không cùng với văn nghệ sĩ Việt Nam.

Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tiểu thuyết “Đường về Thăng Long”

Mới đây (11/2019) đoàn nhà văn Việt Nam (gồm nhà thơ Bằng Việt và nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng) được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi tham dự Hội nghị Quốc tế văn học tổ chức tại ISLAMABAD (Thủ đô PAKISTAN) với chủ đề “Điểm gặp thẩm mỹ giữa truyền thống và hiện đại”. Khi giao lưu bên lề hội nghị, nhiều đại biểu làm quen với đoàn bằng tiếng Việt: “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, lại có người nói rõ hơn “Việt Nam - Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp”. Có một nhà văn già cho biết, ông đã từng sang Việt Nam và trực tiếp phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông hết sức khâm phục Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp. Đúng là mở mày mở mặt với bạn bè quốc tế. Riêng tôi nghĩ, “Võ Nguyên Giáp một danh từ Việt Nam” (thế giới đã từng nói đến “Điện Biên Phủ một danh từ Việt Nam”).

Sẽ rất khó khăn cho nhà văn khi tái hiện nhân vật lịch sử tầm cỡ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vì cái “khoảng cách sử thi”, như các nhà lý luận đã chỉ ra. Nhưng tác giả đã khéo léo vượt qua cái ranh giới tưởng như nhất thành bất biến này. Bằng cách như là người trong cuộc, ướm mình vào nhân vật mà viết (cùng chịu đựng thử thách, cùng ứng biến vượt qua, cùng chung lưng đấu cật, chia sẻ ngọt bùi đắng cay,…). Ngay chương I, nhân vật chính Võ Nguyên Giáp đã xuất hiện, từ đó cho đến dòng cuối, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm. Như vậy, lồng lộng hình tượng Đại tướng là con người của tinh thần “dĩ công vi thượng”, cao như Thái sơn, dài như Hồng Hà giang. Con người của hành động với trí tuệ mẫn tiệp tuyệt với, tình cảm sâu thẳm vì nước, vì nhân dân: “Vì điều Chính phủ đang làm cũng là nguyện vọng, là ý chí của toàn dân. Chính phủ chỉ thất bại khi làm mất lòng dân, làm trái với nguyện vọng của nhân dân.

Vì dân sẽ có dân, có dân là có tất cả” (trang 566). Theo tôi, đây là tư tưởng căn cốt của tác phẩm - tư tưởng về NHÂN DÂN. Nếu nói tinh thần đối thoại lịch sử cũng chính là đối thoại về NHÂN DÂN. Hơn 500 trang sách chỉ tập trung khai thác thể hiện cuộc dấn thân vĩ đại của một thế hệ vàng, suốt đời vì nước vì dân. Tiểu thuyết tiếp cận trang trọng nhiều nhân vật lịch sử tầm cỡ thời đại: Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, và tiếp đến là các học trò xuất sắc của Người như Phạm Văn Đồng, Trường Chinh,… những nhân sĩ trí thức, những bậc túc nho của đất nước như Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên,…Nhưng cần chú ý là, trong Đường về Thăng Long, có thể nói tác giả đã vượt qua được những rào cản về tư tưởng, tình cảm để công bằng khi “chạm” đến các nhân vật lâu nay bị lãng quên một cách vô tình (hay cố ý), vì rất nhiều lý do như Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Vĩnh Thụy, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh,… Nhân vật Võ Nguyên Giáp theo tôi, trở nên “lẻ loi” nếu thiếu mối liên hệ giường cột với các nhân vật lịch sử khác như đã nói. Họ là những thỏi nam châm cực mạnh có sức hút nhau khó cưỡng.

Đọc Đường về Thăng Long, riêng tôi thấy, nhân vật chính Võ Nguyên Giáp có “hào quang”, một hiện tượng hiếm thấy trong các tiểu thuyết lịch sử từ trước tới nay. Nhưng nhân vật này không khiến độc giả “kính nhi viễn chi”, trái lại gần gũi, ruột thịt, thậm chí như có thể tri âm tri kỷ. Tôi cũng đã đọc bản thảo tiểu thuyết lịch sử Võ Nguyên Giáp của Vũ Xuân Tửu, để đối chiếu, so sánh với Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang. Như ai đó nói “mọi sự so sánh đều khập khiễng”. Nhưng nếu không hiểu A làm sao ta biết B (!?). Mỗi người một vẻ, còn vẹn toàn đến mấy phần lại là chuyện khác. Tác giả cũng mạnh dạn đi sâu tái hiện chuyện tình cảm riêng tư của nhân vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp (với “vong linh” của người vợ trẻ đã quá cố Nguyễn Thị Quang Thái, cũng như quan hệ với người phụ nữ khác sau đó). Nhưng không khêu gợi tò mò bằng các “chiêu” câu khách. Nếu có viết về sự “phân thân” của nhân vật cũng chỉ nhằm làm cho nó đầy đặn, sinh sắc, linh hoạt, “mềm hơn”, gần gũi và đời hơn. Nói cách khác là tác giả đã khá thành công khi đi tìm cái gọi là “con người trong con người” (theo quan điểm của nhà bác học Nga M.Bakhtin, tác giả của công trình Lý luận và thi pháp tiểu thuyết đã dịch và giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam).

Thiết nghĩ, phê bình tác phẩm không có nhiệm vụ kể lại nội dung câu chuyện mà chính nhà văn đã kể rất hay bằng ngôn ngữ kể chuyện của mình. Tôi sẽ làm cái việc đẩy cánh cửa đã mở sẵn nếu cứ kể lại trong hơn 500 trang sách nhân vật chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm những gì.

Vĩ thanh

Tôi đồng tình với ý kiến của nhà văn Nguyễn Khắc Phê trong Lời giới thiệu in đầu sách: “Tác giả đã mạnh dạn tái hiện những điều “có thể có thật” - đó là những “khoảng mờ” trong lịch sử hay những riêng tư, thao thức mà chính sử không thể có”. Theo lý thuyết văn học thì cách viết của tác giả trong Đường về Thăng Long, là nương theo phép của “cái khả nhiên” (cái có thể có thực). Toán học còn có “Lý thuyết tập mờ”, huống hồ nghệ thuật/ văn chương (!?).

Bùi Việt Thắng/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-trong-long-dan_256947.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)