1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Đặc sắc Bích Khê

21/11/2019
Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh năm 1915 tại Phước Lộc, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, mất năm 1946 tại Thu Xà, Tư Nghĩa cùng tỉnh. Ông là con thứ chín trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Bố tham gia phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, chị tham gia cách mạng. Bản thân Bích Khê, ngày cách mạng thành công, đang ốm nặng đã xin người nhà khênh giường ra ngõ để ông được chào lá cờ cách mạng đi qua.

Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh năm 1915 tại Phước Lộc, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, mất năm 1946 tại Thu Xà, Tư Nghĩa cùng tỉnh. Ông là con thứ chín trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Bố tham gia phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, chị tham gia cách mạng. Bản thân Bích Khê, ngày cách mạng thành công, đang ốm nặng đã xin người nhà khênh giường ra ngõ để ông được chào lá cờ cách mạng đi qua.

Sinh thời, Bích Khê mới xuất bản có một tập thơ: tập Tinh huyết (1939) Hàn Mạc Tử đề tựa. Hàn Mạc Tử đặc biệt ca ngợi tài cảm thụ trực giác trong thơ Bích Khê. Ông cho đó là một nghệ thuật siêu thần đã đưa thơ tới địa hạt của huyền diệu. Hàn Mạc Tử viết: Ở địa hạt huyền diệu, ta thấy thi nhân chú trọng về âm thanh và màu sắc(...) thi nhân đã sáng tạo được rất nhiều bản ca thần tình diễm ảo.Và nhạc lúc bấy giờ cũng không còn là nhạc nữa. Nó đã bay ra hương, ra hoa, ra thơm, ra mát, ra ngọt, ra ngào, ra gì mê tơi run rẩy, hay âm thầm nức nở, lanh lảnh như giọng cười, mơn man như ân tình đòi hỏi. Quả là những lời bình đẹp như thơ nhưng lại mơ hồ hơn cả thơ. Tiếp nhận được cái hay của thơ Bích Khê quả là không dễ, Hàn nói vậy thì biết vậy. Thơ Bích Khê cảm được, tuy không dễ, mà giải thích rõ ràng thì thật khó. Hình ảnh, âm điệu thơ ông có sức hấp dẫn rất mê hoặc, đọc rồi dư vị ngân nga mãi:

Ô hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! vàng rơi! thu mênh mông!

Hoài Thanh, trong Thi nhân Việt Nam, cũng dè dặt: Tôi chưa thể nói nhiều về Bích Khê. Tôi đã đọc không biết mấy chục lần bài Duy Tân. Tôi thấy trong đó những câu thơ thực đẹp. Nhưng tôi không dám chắc bài thơ đã nói hết cùng tôi những nỗi niềm riêng của nó. Hình như vẫn còn gì nữa...  Một nửa thế kỷ trôi qua, năm 1988, mở đầu thời kỳ Đổi mới, khi viết lời giới thiệu khá dài cho tập Thơ Bích Khê lần đầu được xuất bản đầy đủ, gồm cả Tinh huyết  lẫn Tinh hoa, Chế Lan Viên nhấn mạnh công lao duy tân của Bích Khê.

Chế Lan Viên và Hàn Mạc Tử là hai người hiểu Bích Khê nhất và có ảnh hưởng tới thơ Bích Khê. Bạn đọc trước cách mạng từng nhập Bích Khê vào với Hàn và Chế,  gọi họ là Trường thơ loạn. Loạn, vì Hàn có thơ điên, Chế có thơ kinh dị. Bích Khê có cả điên, lẫn kinh dị, nhưng nhiều hơn là mộng mị hư ảo. Chế Lan Viên ở năm 1988 hết lời biểu dương Bích Khê, nhưng bằng kinh nghiệm một thi sĩ lớn ông phân biệt: Hàn Mặc Tử bị thơ làm và Bích Khê thì đã làm thơ, làm trên chữ, trên câu, trên trang giấy, trên các yếu tố năng lực của tâm hồn mình, rồi thì các cái ấy làm anh trở lại. Làm thơ, gia công thơ, phải tỉnh táo để thao tác, và những thao tác ấy đã kiến tạo nên Bích Khê. Còn bị thơ làm thì như lên đồng, bị thánh ốp, mình không kiểm soát được mình.

Tôi nghĩ đó là một nhận xét thâm thúy và đầy yêu mến những nỗ lực tìm cái mới, làm phong phú hình thức câu thơ Việt Nam của Bích Khê và cũng nói được chỗ hạn chế của Bích Khê. Bích Khê đã lao động cật lực để trong sáu tháng quyết thành thiên tài (Thực tế thì từ lúc bị Hàn gửi trả tập bản thảo đầu tay với lời chê khá nặng, Bích Khê chỉ mất có ba tháng để viết xong tập Tinh huyết). Bích Khê có công lớn trong việc tạo cảm giác cho câu thơ Cây du dương, lâu đài song sóng là có cả thính giác lẫn thị giác trong một hình ảnh cây. Ô hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! vàng rơi! thu mênh mông là có cả ảo giác ở bên trong. Âm điệu, hình ảnh đầy mê hoặc, nghĩa chữ mơ hồ và gợi cảm. Bích Khê có nhiều câu thơ hay một cách ma quỷ như vậy. Nhưng khi xét toàn bài, những kỹ xảo về chữ, về câu, về hình, về nhạc được chăm chút quá lại làm hại hơi thở tự nhiên của cảm xúc và gò cả tư tưởng của thơ lại. Bài thơ như một sự chơi kỹ thuật, diện kỹ thuật. Diện thế, người ta dễ quên ngắm nhan sắc mà chỉ thấy áo quần. Nhược điểm của thơ Bích Khê lại chính là những ưu điểm quá đà của ông. Ông sáng tạo một cách nhìn mới vào tạo vật, ông thần tiên hoá con người, ông vẽ chân dung không chỉ bằng thị giác, mà kết hợp được cả thính giác, khứu giác, xúc giác và cả ảo giác. Khi kết hợp hài hòa ông tài năng như tạo hóa:

Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm

Nàng là hương hay nhan sắc lên hương

Mắt ngời châu rung ánh sáng

nghê thường

Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc

Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc

Vài chút trăng say đọng ở làn môi

Ông không thành công khi những kết hợp đó quá cầu kỳ, khiên cưỡng, hiện thực trở nên méo mó, khó tiếp nhận. Bài thơ khi ấy nhiều chữ lạ, chữ hay nhưng bản thân chúng lại không dính được vào với nhau. Lời thơ thành lời mơ, tối nghĩa. Ngay những thanh bằng giúp ông tạo những câu thơ du dương kỳ ảo, khi bị lạm dụng cũng làm ông mất tự do (mà ông không tự biết), thành ra ông tự nhốt hồn mình vào cái lồng chữ do chính ông hào hứng đan lên. Làm thơ, cố nhiên, phải lao động câu chữ. Coi thường câu chữ, coi thường hình thức diễn đạt, coi thường thể cách không thể có thơ toàn bích. Nhưng thơ lại trọng phẩm cách, trọng nông nỗi trong cõi tâm hồn, tâm trạng của con người. Giọng thơ cứ hồn nhiên như hơi thở mà đụng đến sâu xa tâm và trí người đọc.

Hồn nhà thơ gắn với đời thì cái nhìn có hư ảo, bút pháp có kỳ ảo câu thơ vẫn cứ thấm thía ruột gan. Bích Khê đã có những câu, những bài như thế Gió về mang cả mùi lăng tẩm hư ảo nhưng là hồn thực của Huế. Lắng hồn mình để nhập vào hồn cảnh thì nhận ra hương cũ của lăng xưa. Cũng thế:

Nơi đây rụng đổ lá vàng

Lăng vua xa lắm dặm đàng nhạt xanh

Xa lắm là xa trong thời gian. Ký ức như rải ra mà nhập vào hồn lịch sử, tạo không gian hoài niệm cho bài thơ. Người đọc dễ cảm nhận Bích Khê hơn khi ông hư ảo từ cõi thực, thực của lòng hay thực của cảnh, và khi ông lãng mạn, dù lãng mạn tới mấy cấp, nhưng chỗ khởi hành là hiện thực. Bài thơ Làng em, lãng mạn 100% nhưng chi tiết mấy nàng lai khách, sắc như trong phóng sự, làm tăng ý vị những chi tiết kỳ ảo vốn không khó viết với tạng thơ Bích Khê.

Bích Khê hoài bão cách tân hình thức thơ. Ông muốn hướng thơ vào cõi mộng Bàn cân nhân sự sao bằng mộng mơ. Chất liệu tạo nên thơ ông ở trong sách vở nhiều hơn trong đời thực. Nó là hồng nhạn đưa thư, là ngựa hồng nghỉ dặm quan sơn, là hội bàn đào, rèm châu tuyết phủ, là Ngọc nữ, Kim đồng, Bao Tự, là Người như Trang Đạo Uẩn/ Ta như khách Tô Tần. Sự tích mượn bên Tàu. Bút pháp học bên Tây, không chỉ âm, sắc, hương thơm hòa hợp như Beaudelaire mà ông chủ trương hòa hợp tất cả, tạo một tương ứng hỗn độn Một hỗn hợp đẹp xô bồ say dậy.

Bích Khê đắc ý thể hiện các thủ pháp đó trong Duy Tân, Ngũ Hành Sơn (tiền và hậu). Câu chữ tung hoành, ảo rồi ảo nữa, lạ rồi lạ hơn. Chế Lan Viên khen Bích Khê vừa làm thơ vừa đẩy lịch sử thơ ca tiến lên, nhưng cũng thấy rõ: ông chưa mang về được mùa bội thu lương thực, mà ý nghĩa là ở trong tay ông có những hạt giống mới, ông đang ở giai đoạn gieo, ông chưa vào mùa gặt hái (trong bài giới thiệu Chế Lan Viên viết năm 1988 cho tập Thơ Bích Khê, Nghĩa Bình xuất bản). Có lẽ vì thế, Hoài Thanh, ngay ở thời ấy, đã dè dặt khi đánh giá Bích Khê. Đến lứa chúng tôi, khi được đọc Bích Khê thì ông mất đã lâu. Đời sống đổi thay, có những nhu cầu thúc bách khác, thơ cũng đòi khác trước. Có lúc cái nhu cầu chân chân chân thật thật thật lấn át phần mơ mộng, chuộng cõi tỉnh mà xao lãng cõi say, vốn không thể thiếu của thơ.  Khuynh hướng ảo và mơ của Bích Khê, do vậy một thời ít được phổ cập.

Ba mươi năm nay, thơ Bích Khê trở lại thi đàn. Bạn đọc có điều kiện thấy rõ hơn những hạt giống mới ông đang gieo trên cánh đồng thơ hồi ấy.  Cũng thấy rõ ở những nơi nào ông quá say, quá ham thủ pháp lạ, bắt tình ý phải chạy theo câu chữ hình ảnh, đuổi đời ra khỏi mộng, thì thơ ông bị vơi đi sức đồng cảm của độc giả. Nhiều nhận xét, từ thời ấy cũng như bây giờ, thấy tập sau Tinh Hoa có giá trị hơn tập đầu Tinh Huyết. Riêng tôi, tôi cũng thấy vậy. Tinh Hoa  hay hơn vì gần đời hơn. Cách nói hư nhưng hướng nỗi thực, bay tung hoành những đâu, nhưng khi tụ lại, lại về đời. Không phải tất cả các bài đều đã thế, nhưng hướng ấy rõ dần. Ý kết ở bài Ngũ Hành Sơn cho thấy Bích Khê như ông vua từ long sàng thơ bước xuống cười ha hả với trời, nhưng rồi cũng chỉ để:

Trở lại giữa bạn bè

Vỗ hai bàn tay trắng   

Trong bệnh tật hiểm nghèo, ông hiểu cái tình thế giữa khát vọng của thơ ông với hiện thực khắc nghiệt của đời ông:

Đây em gượng khúc tranh này

Mới lên trục gấm nét mày đã cau

Em ơi nhấn mạnh thì đau

Em ơi nhấn nhẹ khôn lau nét buồn

Bích Khê là người tạo nên sức mê ma quái, tinh vi, diễm ảo cho câu thơ Việt. Nhưng sức ma hay sức tiên, sức thánh của thơ thì cũng cốt động lòng trần bạn đọc. Chất tâm hồn ấy, thi pháp ấy nếu được nhập bền dai với đời, nếu phải trả lời những câu hỏi thúc bách sống chết của con người chắc chắn sẽ bật ra nhiều biến hoá, mở ra nhiều hướng đi, có khi làm thay đổi diện mạo cả nền thơ. Chế Lan Viên đã có hơn Bích Khê 40 năm để làm việc đó và ông đã thành công. Với Bích Khê, qua hướng phát triển của Tinh Hoa, Những tờ thơ nát đầy hơi hám. Hơi người, hơi hám của cõi người. Ông đang đi về phía ấy bằng những bước đi có cánh. Đóng góp của ông đã rõ nhưng vẫn còn trong chặng khởi hành. Bích Khê có ít thời gian quá. Tiếc lắm!

Vũ Quần Phương/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/dac-sac-bich-khe_256705.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)