1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Cuốn sách 'Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm'- Như một lời tri ân sâu sắc...

02/11/2020
Tiếp sau cuộc hội thảo khoa học “Vai trò của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với dân ca ví, giặm” được tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An ngày 19/10/2019, một cuốn sách mang tên "Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm" do Nhà xuất bản Văn học ấn hành cũng đã được ra mắt bạn đọc. Lễ ra mắt sách vừa được tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 24/9/2020.

Cuốn sách như một lời tri ân sâu sắc, một sự ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đối với kho tàng dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh và nền văn hóa xứ Nghệ.
 

"Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong: Tác giả - tác phẩm" dày hơn 500 trang được chia thành 2 phần: Phần I giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu, còn nguyên gốc của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong như: “Ép duyên”, “Cô gái sông Lam”, “Cô gái thôn Đông”, “Ngọc nữ giáng trần - Thấu tận thiên đình”, "Khi ban đội đi vắng", "Lòng mẹ”, “Ngọn lửa không bao giờ tắt”, “Giữa vụ cấy”. Trong số đó, vở chèo "Cô gái sông Lam" ra đời năm 1961 đã gây được tiếng vang lớn trên sân khấu cả nước, đưa ông trở thành một tác giả sân khấu chuyên nghiệp; còn vở kịch “Khi ban đội đi vắng” trong đó có điệu hát Giận mà thương đã được lan tỏa rộng khắp, trở thành đề tài cho nhiều nhạc sĩ sáng tác về xứ Nghệ.


Cuốn sách như một lời tri ân sâu sắc với nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong.
 

Phần 2 có tiêu đề “Nguyễn Trung Phong – Huyền thoại ví, giặm” bao gồm những bài viết, bài tham luận của các nhà khoa học, nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa đã trình bày tại hội thảo "Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong với nền kịch hát dân ca ví, giặm". Qua mỗi bài viết, bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong - một con người hội tụ Đức – Tâm - Trí đã để lại cho đời những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, để lại trong lòng bè bạn, gia đình một hiền tài, yêu thương gần gũi với mọi người.

Nhà thơ Nguyễn Trung Hợi cho hay để có được cuốn sách này ông và nhà báo Nguyễn Minh Đức (cháu ruột của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong) đã dày công sưu tầm, tuyển chọn những tác phẩm kịch bản tiêu biểu của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong cùng những bài viết của các tác giả về ông.
 

Ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc NXB Văn học phát biểu tại buổi lễ giới thiệu sách.
 

Tại lễ ra mắt sách, nhà báo Nguyễn Minh Đức – Tổng biên tập báo Kinh tế đô thị, đồng chủ biên cuốn sách cũng đã chia sẻ thêm về quá trình sáng tác cùng những đóng góp nổi bật của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong. Nhà báo Nguyễn Minh Đức khẳng định: "Tác phẩm của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đã khắc họa thành công hình tượng người chiến sĩ cách mạng những năm 30-31; khắc họa đời sống văn hóa tinh thần thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Một số tác phẩm của ông đã nhen nhóm xây dựng con người mới, trong một xã hội mới và đấu tranh cho cái cũ, nghèo nàn, lạc hậu. Với vai trò nhà quản lý nghệ thuật sân khấu, ông là người dẫn dắt, đào tạo và tạo ra một thế hệ tài năng cho các văn nghệ sĩ xứ Nghệ...”.

Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng dấu ấn lớn nhất của nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong đó là ông đã sống trọn một đời cho đam mê nghệ thuật. Ông chính là người đã góp phần đưa dân ca Nghệ Tĩnh lên thành kịch hát dân ca, là người đã sáng tác thêm nhiều làn điệu mới làm giàu cho dân ca xứ Nghệ, mà thành công nhất phải kể tới làn điệu “Giận mà thương”. Ngoài sáng tác, ông còn là người dày công sưu tầm kho tàng dân ca cổ để nghiên cứu làm mới làn điệu dân ca xứ Nghệ; phát hiện đào tạo, hướng dẫn cho nhiều nghệ sĩ, diễn viên, góp phần tạo dựng một đội ngũ những thế hệ kế tiếp cho nền móng kịch hát dân ca vừa truyền thống vừa hiện đại”.

NSND Lê Tiến Thọ hi vọng, cùng với cuốn sách này, trong thời gian tới nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong sẽ được trao giải thưởng Nhà nước – một giải thưởng xứng đáng cho những đóng góp của ông trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong (1929 – 1990) sinh ra trong gia đình nho học thuộc thuộc chi họ Nguyễn Trung, dòng họ Nguyễn làng Vân Tập, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, một dòng họ có truyền thống hiếu học. Năm 1950, ông tham gia hoạt động cách mạng và cũng từ đó bắt đầu sự nghiệp cầm bút. Gần 40 năm với vai trò nhà viết kịch, ông đã để lại hơn 30 tác phẩm kịch bản sân khấu ở các thể loại chèo, cải lương, kịch hát và hoạt cảnh dân ca Nghệ Tĩnh. Nhắc đến nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong là nhắc đến một người con cả cuộc đời dành tâm huyết, tận hiến sức lực, trí tuệ cho dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh nói riêng, cho văn hóa Nghệ Tính nói chung. Ông đã góp phần rất lớn để đưa dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại vào ngày 27/11/2014.

Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/nhu-mot-loi-tri-an-sau-sac_262745.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)