1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Cơ hội thưởng thức những tác phẩm đồ họa chọn lọc của các nước ASEAN

17/12/2020
Triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN lần thứ ba vừa được khai mạc tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom. Sự kiện do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại các nước ASEAN; Đại sứ quán các nước ASEAN tại Việt Nam tổ chức đã thu hút sự quan tâm của nhiều công chúng yêu nghệ thuật.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông và các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.
 
Cuộc thi và Triển lãm tranh đồ họa các nuớc ASEAN được tổ chức 4 năm một lần là hoạt động văn hóa nghệ thuật ý nghĩa của năm 2020, khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị chủ tịch ASEAN. Lần thứ 3 tổ chức, cuộc thi đã nhận được 345 tác phẩm của 182 tác giả đến từ 10 nước ASEAN. Những tác phẩm gửi dự thi có chủ đề đa dạng phản ánh sinh động về cuộc sống, con người, phong cảnh thiên nhiên, đất nước, đoàn kết, hợp tác, hữu nghị và những vấn đề của cuộc sống đương đại. Thông qua những sáng tác của mình, các nghệ sĩ ASEAN mong muốn mang lại sự mới mẻ, thú vị cho từng tác phẩm, kích thích thị giác người xem với những biểu đạt tinh tế do kỹ thuật in mang lại.
 
Theo BTC, Hội đồng nghệ thuật đã chọn được 117 tác phẩm của 84 tác giả từ 10 quốc gia (Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) bao gồm các thể loại tranh in: tranh in nổi (khắc gỗ, khắc cao su, khắc bìa và các kỹ thuật in nổi khác); tranh in lõm (khắc kim loại, khắc mica, khắc trên phim, khắc lõm cảm quang); tranh in phẳng (in đá, litho trên kim loại, litho trên gỗ); tranh in xuyên (in lưới, in trổ khuôn); tranh in độc bản (collagraph); tranh in các kỹ thuật khác: cyanotype (blue print), gumprint, tranh in kỹ thuật số; tranh in đa chiều (sắp đặt tranh in, book art tranh in, tranh in nhiều lớp). Ngoài ra, Hội đồng nghệ thuật cũng đã chọn ra 11 tác phẩm xuất sắc để trao giải bao gồm 1 giải Nhất (tác phẩm của họa sĩ Thái Lan), 2 giải Nhì (tác phẩm của các họa sĩ Thái Lan và Việt Nam), 3 giải Ba (tác phẩm của các họa sĩ Philippines, Thái Lan và Việt Nam) và 5 giải Khuyến khích.
Tác phẩm đạt giải Nhất của họa sĩ Chakrit Lapaudomloet (Thái Lan).  
 
Đây là dịp để họa sĩ Việt Nam và họa sĩ các nước ASEAN được giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm mới trong sáng tác, giới thiệu các tác phẩm về đất nước, con người mỗi nước, những vấn đề mà các nước ASEAN cùng quan tâm; là cơ hội để công chúng Việt Nam tiếp xúc và thưởng thức những tác phẩm đồ họa chọn lọc của các nước ASEAN đồng thời cũng là dịp để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng.
 
GS.TS, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương, Trưởng khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật khẳng định Cuộc thi và Triển lãm Đồ họa các nước ASEAN lần thứ 3 - Việt Nam 2020 là một điều kỳ diệu, một chiến thắng lớn của nghệ thuật tranh in trong bối cảnh đại dịch Covid-19. “Tất cả quá trình từ khi thông báo, nhận ảnh tới khi chấm giải diễn ra tốt đẹp. Điều đó cho thấy lợi thế và giá trị của tranh in đối với việc giao lưu nghệ thuật trong thế giới ngày nay. So với hai lần tổ chức trước đây, sự mới mẻ của sự kiện lần này nằm ở hình thức tranh in đa chiều qua một số mở rộng thú vị về điểm tiếp xúc của người xem với tác phẩm” - PGS.TS, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương cho hay.
 
Theo GS. Pongdej Chaiyakut - giảng viên Khoa Mỹ thuật, Trường Đại học Chiang Mai, Thái Lan - Ủy viên Hội đồng nghệ thuật, năm 2020 đã chứng kiến một đại dịch toàn cầu, tuy nhiên Triển lãm tranh đồ họa ASEAN 2020 vẫn được diễn ra. Điều này minh chứng rằng BTC và các nghệ sĩ đã rất mạnh mẽ và có một sự gắn kết lớn với nghệ thuật. Tất cả các tác phẩm trong vòng tuyển chọn có chất lượng rất tốt và phát triển hơn so với các cuộc thi trước. Cuộc thi này cũng đã được mở rộng với sự tham gia của nhiều quốc gia hơn. GS. Pongdej Chaiyakut bày tỏ hy vọng cuộc thi Nghệ thuật đồ họa Việt Nam ASEAN sẽ trở thành một tiêu chuẩn của ngành tranh in và là một hoạt động thường xuyên của nghệ thuật đồ họa ASEAN. 
 
Qua các kỳ triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN do Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng xu hướng phát triển về chất lượng nghệ thuật cũng như sự giao thoa văn hóa và kỹ năng kết hợp các hình thức thể hiện tác phẩm của các nghệ sĩ trong khu vực ngày càng độc đáo và đa dạng, đặc biệt các tác giả vẫn giữ được sự nhận diện cá nhân và bản sắc văn hóa dân tộc tương đối cao. Nhà nghiên cứu lý luận và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng - Ủy viên Hội đồng nghệ thuật nhận định, đồ họa hiện đang là thế mạnh của tất cả các nước châu Á, trong đó có Việt Nam nhưng theo ông số lượng và chất lượng các tác phẩm đồ họa quốc tế năm nay có phần không phản ánh đúng thực tế của nghệ thuật. “Thái Lan vẫn là nước dẫn đầu về hoạt động đồ họa cả về số lượng nghệ sĩ, tác phẩm và kỹ thuật thể hiện, sau đó đến Indonesia, còn các nước khác quá ít tranh để đánh giá. Tại Việt Nam, sáng tác dựa trên công nghệ và kỹ thuật số hiện vẫn chưa chính thức được tìm hiểu sâu mà chỉ được đánh giá ở phương diện thiết kế đồ họa nói chung. Cũng bởi thế sáng tác của họa sĩ Việt Nam tương đối nghèo nàn, lạc hậu về cả kỹ thuật và nội dung, hình thức tác phẩm. Đây là điều đáng báo động, khi đồ họa sáng tác rất ít được các nghệ sĩ trẻ chú trọng.” - họa sĩ Phan Cẩm Thượng trăn trở.
 
Người Hà Nội
 
http://nguoihanoi.com.vn/co-hoi-thuong-thuc-nhung-tac-pham-do-hoa-chon-loc-cua-cac-nuoc-asean_263265.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)