1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Ai về...Thanh Hóa

24/09/2019
Nhà xuất bản Thanh Hóa vừa xuất bản tập sách “Xứ Thanh - người và cảnh một thời” của Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Hà Minh Đức - Một người con xứ Thanh.

GS. Hà Minh Đức

Sách về một địa phương là khó hấp dẫn. Càng khó hơn khi tập sách lại viết về một địa phương quá nổi tiếng là Thanh Hóa. Bởi vùng đất này thời xưa vốn là hậu phương sức người sức của cho các triều đại phong kiến. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 là vùng tự do trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là một điểm tựa quan trọng cho tiền tuyến lớn miền Nam. Văn nhân tài tử, tướng lĩnh kiệt xuất không thiếu. Thông tin về Thanh Hóa tưởng chừng như đã bão hoà.

Nhưng cuốn sách của Giáo sư Hà Minh Đức về Thanh Hoá cho thấy chúng ta vẫn biết quá ít về tỉnh Thanh.

Đầu tiên là những trải nghiệm của một người chuyên nghiên cứu về Văn học Việt Nam hiện đại. Ông đã đưa ra một nhận định về văn nghệ sĩ tỉnh Thanh. Và với nhận định này, nếu ông không phải là người đầu tiên phát hiện, thì cũng là một người sớm khái quát được. Trong bài “Văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo Thanh Hóa - nơi gần chốn xa”, ông nhận xét : Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhất là những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa nổi lên một đội ngũ văn nghệ sĩ kiểu mới, nhất là thơ ca, không có quan hệ gì với thơ mới,… Nổi lên là chủ đề về Tổ quốc, về người chiến sĩ vệ quốc quân, bà mẹ kháng chiến. Trần Mai Ninh mở đầu với hai bài thơ “Nhớ máu”, “Tình sông núi” rất có giá trị về nội dung và nghệ thuật. Viết về bộ đội, nhiều nhà thơ tự nói về mình chân thực sâu sắc. Hữu Loan với bài “Đèo Cả”, “Màu tím hoa sim” có nhiều sáng tạo gợi cảm và ám ảnh người đọc. Hồng Nguyên với “Nhớ” là tiếng thơ gần gũi với đời thường, tươi trẻ mà sâu sắc. Thơ kháng chiến chống Pháp của Thanh Hoá góp phần mở đầu cho thơ kháng chiến chống Pháp về tư tưởng, giọng điệu và có bản sắc riêng… Tiếp nối truyền thống, thơ Thanh Hóa lại đón nhận một tên tuổi mới: Nguyễn Duy. Tác giả là lính thông tin thời chống Mỹ. Cùng với Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ… Nguyễn Duy là cây bút nổi lên trong thơ chống Mỹ.

Nhận xét về đóng góp của Thanh Hóa cho lịch sử thơ ca Việt Nam sau tháng Tám năm 1945 của Giáo sư Hà Minh Đức có thể là gợi ý cho một công trình nghiên cứu lớn, cho một tổng tập văn thơ lớn của Thanh Hóa.

Trong lời nói đầu, Giáo sư Hà Minh Đức tự bạch: Tôi ở làng Nhân Hoà, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc. Dòng sông Mã trôi về biển đến Ngã Ba Bông bỗng chia về hai ngả, một rẽ về Hàm Rồng, một về Đò Lèn rồi đổ ra biển. Trước mặt làng là sông nước mênh mông. Chỉ vẻn vẹn có mấy câu mà gợi nhớ bao điều…

Ông sinh vào đầu thế kỷ XX và sống sang thế kỷ XXI, chứng kiến biết bao đổi thay của đất nước nói chung, của quê hương nói riêng. Bởi thế, những dòng hồi tưởng của ông về quê hương, con người xứ Thanh hôm nay là kết tinh những suy nghĩ, những nếm trải… của một người con đến nay vẫn yêu quê hương nguyên vẹn như thủa ban đầu. Những gì về con người cảnh vật xứ Thanh hôm nay được ông kể với những lời giản dị, mộc mạc, không phải mấy ai cũng có được.

Nhớ về Thanh Hoá là nhớ về một dòng sông: sông Mã. Chuyện kể về những chuyến đò ngang, đặc biệt là “Đò dọc” của Hà Minh Đức là những chuyện kể đáng ghi vào văn học sử nước nhà, bởi vì ngày nay không còn đò dọc nữa, mà những người từng đi đò dọc cũng không còn nhiều. Những cảnh nằm ngồi “úp thìa” trên đò, cảnh chí chóe “tay ải tay ai - chân ải chân ai” cũng không còn. Và những chàng trai lái đò dọc năm xưa với bát cơm nén chặt, chia làm vài ba phần cho tiện đưa vào miệng, cũng không còn. Tôi mường tượng rằng trong đoàn quân Tây Tiến năm xưa, có không ít chàng trai xứ Thanh là dân đò dọc. Cũng như không ít những anh bộ đội “đánh trận Điện Biên” hay dân công hỏa tuyến, vốn là những chàng trai đò dọc năm xưa. Bởi với những chàng trai thấm trong máu thịt dòng nước lớn sông Chu sông Mã, đã làm nên khí phách anh hùng của một Hàm Rồng anh hùng, một Nam Ngạn anh hùng.

Kết thúc bài “Nỗi nhớ về một dòng sông”, Hà Minh Đức cảm thán “Cuộc đời vẫn xoay vần mà đi lên đã để lại ở phía sau những gì không thể mang theo. Dòng sông đã vắng bóng những con đò ấy. Chỉ còn lại câu hò vang vọng như kỷ niệm và chứng tích một thời qua”.

…Chờ gió lên đưa thuyền về… ớ xuôi/ Đôi bờ sông Mã hoa khoe mầu. Hò ớ hơ/ Quê nhà mến yêu, nắng chiều lưu luyến vương bóng cầu, làng quê thân yêu… Ơ hơ hơ… Ơi sóng vỗ mái chèo, làng thôn quê ta, khuất xa trìu mến… (Hoài Giao)

Chào sông Mã anh hùng… Đọc đến những trang sách này, trong tôi lại ngân nga câu hát của một thời và muốn mời các bạn cùng tôi đọc những trang viết về “người và cảnh xứ Thanh một thời” trong tập sách của Giáo sư Hà Minh Đức. Trân trọng bậc tiền nhân, ông viết về bà Triệu (húy là Triệu Trinh Nương - Nhụy Kiều tướng quân) với câu nói nổi tiếng “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Bà sinh năm 226 và mất năm 248 (sau công nguyên) ở tuổi 23. Lăng mộ và đền thờ bà Triệu hiện vẫn được nhân dân Thanh Hóa và khách thập phương ngày đêm hương khói, ghi nhớ công ơn và khí phách của một người con gái nước Việt đã dấy quân chống lại ách nô dịch của quân xâm lược phương Bắc. Sau bà Triệu là Thập đạo tướng quân Lê Hoàn - vua Lê Đại Hành với chiến công thắng giặc Tống trên sông Bạch Đằng (năm 981). Thanh Hóa còn có Hồ Quý Ly với thành nhà Hồ. Và nổi bật hơn cả là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, đập tan ách thống trị của nhà Minh , giành lại độc lập cho đất nước, lập nên một triều đại vẻ vang trong lịch sử dân tộc.

Lần theo dấu vết của tiền nhân, tra cứu sách vở, tham khảo ý kiến của các nhà sử học nổi tiếng, trong cuốn sách “Xứ Thanh - người và cảnh một thời”, Giáo sư Hà Minh Đức đã cống hiến cho bạn đọc xa gần một cuốn biên niên sử ngắn về đất Thanh Hóa từ xưa tới nay. Ông đã dày công giới thiệu các hiền tài hào kiệt xứ Thanh, ghi lại nhiều huyền thoại và giai thoại đẹp về các miền sông núi tỉnh Thanh. Ông bám sát sự ra đời và hình thành thành phố Thanh Hóa, từ những năm tiêu thổ kháng chiến thời kỳ đầu 9 năm kháng chiến chống Pháp, qua đạn bom phá hoại của giặc Mỹ, cho đến một thành phố Thanh Hóa đang mở rộng và vươn lên thành một đô thị hiện đại nhưng “sơn thuỷ hữu tình”.

Trong bài “Một tỉnh lớn với những khát vọng lớn”, ông nhắc đến “tứ sơn” (Lam Sơn - Bỉm Sơn - Sầm Sơn - Nghi Sơn) của đất Thanh với hy vọng Thanh Hóa sẽ có tầm cao vượt lên, trở thành đỉnh cao của khu vực và tỏ ý lạc quan về hướng đi tỏa sáng của Thanh Hóa trong nay mai.

 

Thật hiếm có một nhà văn hóa lớn nào như Giáo sư Hà Minh Đức in riêng một tập sách về quê hương mình. Tâm sự với bạn bè đồng nghiệp, với các học trò (nhiều người cũng đã là Uỷ viên Trung ương Đảng, giáo sư, tiến sĩ), ông thường kể về những lần về thăm quê, thăm nom người mẹ già, loanh quanh đầu xóm cuối thôn với một giọng bùi ngùi, tha thiết. Trong bài thơ “Mẹ”(mừng thọ cụ tròn 90 tuổi) có trong tập sách này, Hà Minh Đức viết:

Mẹ là người nhà chùa hành khất để nuôi con

Đôi bàn tay khô gầy của mẹ nâng niu từng hạt gạo

Những ngón chân chốc bấm trên mọi nẻo đường

Đường đời cát bụi, và đường của gió mây

Chúng con dâng mẹ lòng kính yêu

Chúc mẹ sống mãi với đất trời

Để sớm chiều mẹ lại ngâm nga:

Trăm năm trong cõi người ta.

Trong tâm tưởng của mình, Hà Minh Đức mong được “làm một cánh diều” để bay trên bầu trời quê hương (bài thơ “Trăng trên sông” in trong tập sách). Ông bồi hồi nhớ:

Một vầng trăng quê hương

Một dòng sông vỗ sóng

Ánh vàng, ánh bạc chảy về xuôi.

Vẫn có trong tôi một dòng kỷ niệm

Vầng trăng muôn đời…

“Ai về sông Mã”… nhớ mang theo cuốn sách của một người con tỉnh Thanh dù xa quê đã lâu nhưng vẫn đau đáu nhớ về cái xóm núi nơi đã nuôi dưỡng mình lớn khôn và hun đúc tâm hồn mình.

“Xứ Thanh - người và cảnh một thời”

(Hà Minh Đức - Nhà xuất bản Thanh Hóa 2019).

GS.Hà Minh Đức/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)