1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

A.A FET (1820 - 1892): Đứa con ngoài giá thú của mối tình Nga - Đức

18/11/2020
Afanasy Afanasievich Fet sinh ngày 5 tháng 12 năm 1820 là một trong những nhà thơ lớn nhất của Nga thế kỉ XIX. Ông là con ngoài giá thú giữa một quý tộc người Nga - Afanasy Ivanovich Shenshin và một phụ nữ Đức tên là Charlotta Foeth.
Ông được sinh ra trước khi  cha mẹ kết hôn và mẹ ông đã theo cha về Nga sống. Đến năm Fet 14 tuổi, cuộc hôn nhân của cha mẹ bị vô hiệu hóa vì Giáo hội chính thống ở Nga thời đó không chấp nhận. Bởi vậy, ông phải mang họ Foeth của mẹ. Đây là một nỗi buồn dai dẳng trong suốt cuộc đời nhà thơ vì thực tế Darmstadt Johann Foeth ( chồng cũ của mẹ) đã từ chối thừa nhận ông là con trai mình. Khi đó ông cảm thấy “giống như một con chó đã mất chủ” buồn bã và cô độc. 
 
Suốt cuộc đời mình, ông đã luôn có ý thức dành lại danh hiệu quý tộc nên năm 1985 ông đã tham gia phục vụ trong quân ngũ với danh nghĩa là một sĩ quan. Năm 1873, ông mới được Sa hoàng Alexander II khôi phục họ Shenshin cùng với đặc quyền đặc lợi của giới quý tộc Nga, nhưng nhờ có thơ ca mà cái tên Fet lại nổi tiếng hơn tên họ quý tộc của ông. Ông vẫn ký dưới tên các tác phẩm văn học là A.A.Fet đến cuối đời.
 
Năm 1838, chàng trai 18 tuổi A.A.Fet được cha mình cho vào trường đại học luật ở Moscow nhưng sau đó ông lại chuyển sang học lịch sử và triết học. Và cũng thời kỳ này Fet bắt đầu làm thơ. Những bài thơ đầu tiên của ông được giáo sư sử học Michail Pogodin chuyển tới tay nhà văn Nikolai Gogon và đã nhận được một nhận xét không mong gì hơn rằng đây là “một tài năng không thể nghi ngờ”.
 
Năm 1840, A.A. Fet xuất bản tập thơ đầu tiên mang tên The Lyric Pantheon, sau đó các bài thơ của ông thường xuyên xuất hiện trong các tạp chí Pogodin và Patriotic Notes. Mười năm sau, ông mới xuất bản tập thơ thứ hai và gây được tiếng vang lớn trên báo chí.
 
Nhà phê bình văn học Nga Vasily Botkin viết: “Tôi coi ông Fet không chỉ là một tài năng thơ thực sự, mà là một điều hiếm thấy trong thời đại của chúng ta, đối với tài năng thơ thực sự, ở bất kỳ mức độ nào ông thể hiện, luôn là một hiện tượng hiếm gặp”. Tuy nhiên, chính Fet cũng phải thừa nhận rằng thơ của ông rất kén độc giả và không dành cho đám đông.
 
Ngoài thơ, A.A.Fet còn viết tiểu thuyết, phê bình và dịch các tác phẩm của Heinrich Heine, Johann Goethe, Andre Chenier, Adam Mickiewicz và các nhà thơ khác. Năm 1884 ông dành được giải thưởng Pushkin và năm 1890 ông xuất bản cuốn tự truyện “Hồi ức của tôi”. Ông là một người có ý chí mạnh mẽ, luôn đạt được những gì mình muốn: danh vọng, tiền tài, sự nổi tiếng nhưng nỗi đau của một đứa con ngoài giá thú thuở đầu đời mãi là một vết dao cứa trong tâm hồn đại thi hào Nga.
 
Chủ đề chính của thơ ông là tình yêu và thiên nhiên. Fet là một bậc thầy ngôn ngữ của Nga, ông có nhiều học trò là những nhà thơ Nga nổi tiếng như Valery Briusov, Konstantin Balmont, Andrei Bely và Alexandr Blok. Tác phẩm của những học trò này không chỉ được yêu chuộng ở Nga mà còn được dịch ra nhiều thứ tiếng và được bạn đọc yêu thơ trên toàn thế giới hâm mộ trong đó có bạn đọc Việt Nam. 
 
Ngôn ngữ thơ của Fet trong trẻo và tinh khiết, các bài thơ thường ngắn và cô đọng. Thiên nhiên Nga trong thơ ông đẹp đến lạ lùng, ông viết nhiều về những đêm trăng huyền diệu và tình yêu. Những bài thơ tình của Fet mang sắc thái vườn cổ tích: dịu dàng, mê đắm và thánh thiện. Các cung bậc của tình yêu như hồi hộp, sợ hãi, lo âu, bỏng rát và run rẩy… được thể hiện một cách tinh tế trong ngôn từ đẹp và sang trọng khiến người đọc ngộp thở như chính mình đang trong vườn yêu.
 
Mọi người đã ngủ em ơi ra vườn tối
Chỉ những ngôi sao trộm ngắm chúng mình 
Nhưng đàn sao chả nhìn thấy em xinh 
Chả nghe tiếng thì thầm ta lẫn trong vòm lá. 
 
Chỉ có chú họa mi gần đó… 
Nhưng họa mi đang lảnh lót hát ca 
Chỉ có bàn tay và trái tim ta 
Nghe thấy niềm vui ngập tràn trái đất; 
 
Thế gian này bao nhiêu là hạnh phúc 
Bao niềm vui ta mang tới nơi đây 
Và trái tim nghe tiếng nói bàn tay 
về cảm xúc lạ bỏng rát và run rẩy… 
 
Tay dần ấm vì nhịp tim lạ ấy
Vai em nghiêng vô tình chạm vai anh 
Và khu vườn tối sao lấp lánh 
Và tiếng họa mi mọi người đã ngủ rồi…
 
Tuy nhiên thơ ông chỉ nổi tiếng trong các văn nghệ sĩ thời đó, bởi nó không phù hợp với trào lưu chung lúc bấy giờ khi bầu không khí chính trị - xã hội ở Nga mang theo hơi thở của những ngày trước cách mạng. Ông không thích trường phái thơ “xã hội” và thường phản đối trào lưu này. 
 
Trong thời gian phục vụ quân đội tại Ukraina chàng thi sĩ yêu một cô gái xinh đẹp và tài hoa tên là Maria Lazich. Nàng cũng yêu ông say đắm nhưng vào thời gian đó Fet lại chưa muốn lập gia đình cùng nàng. Sau đó Maria Lazich chết vì bỏng nến nhưng có một số giả thuyết cho rằng nàng tự tử vì cuộc hôn nhân không thành. Hình bóng của Maria Lazich luôn trong thơ của Fet dù sau này ông kết hôn với em gái một người bạn. Ông đã từng đau đớn sau cái chết của nàng: 
 
Đừng trốn chạy anh chẳng van lơn
Không lệ rơi không âm thầm đau đớn,
Trong nỗi buồn của riêng mình anh chỉ muốn
Nhắc lại với em rằng: "anh yêu em".
 
Muốn phi thật nhanh bay đến bên em
Như sóng lướt trên mặt hồ bằng lặng
Hôn lên đá hoa cương giá lạnh
Hôn thật nhiều và chết bên em!
 
Sau khi rời quân ngũ nhờ tài kinh doanh bất động sản, gien di truyền của người cha ông mua được rất nhiều đất và trở thành một người giàu có. Ngày 3 tháng 12 năm 1892, Fet qua đời ở Moskva sau một cơn đau tim và trước đó có ý định tự sát nhưng không thành. Ông được mai táng tại nghĩa trang dòng họ Shenshin ở Orlov.
 
Afanasy Fet được đánh giá là nhà thơ trữ tình vĩ đại nhất của nước Nga. Osip Mandelstam coi Fet là nhà thơ Nga vĩ đại nhất mọi thời đại. Thơ A.A. fet giàu chất trữ tình gợi cảm và u uất, thấm đẫm nỗi buồn và bi kịch. Tchaikovsky đã viết: “Fet là một hiện tượng đặc biệt. Không ích gì khi so sánh ông ấy với các nhà thơ hạng nhất khác, hoặc đi phân tích Pushkin, Lermontov, Al. Tolstoy và Tyutchev để tìm kiếm sự tương đồng... Bởi vì trong những khoảnh khắc đẹp nhất Fet rời khỏi ranh giới của thơ và bước vào thế giới của chúng ta. Đó là lý do tại sao khi tôi nghĩ về Fet tôi thường nghĩ đến Beethoven... Giống như Beethoven, ông ấy được ban cho sức mạnh để chạm vào linh hồn chúng ta trên tầm các nhà thơ chỉ bằng thi từ. Không chỉ là một nhà thơ ông ấy là một nhạc sĩ”.
 
Thơ của Fet chưa được dịch nhiều ở Việt Nam, nhưng lại là chất gây nghiện cho những người đã một lần được tiếp xúc với nguyên tác. Các bài thơ của ông thường không có tiêu đề, để phân biệt Nguyệt Vũ lấy một câu thơ  đầu tiên làm tiêu đề. Nhân dịp 200 năm ngày sinh của đại thi hào xin được tưởng nhớ ông bằng những bài thơ:
 
Trong ánh trăng 
 
Nào cùng em lang thang
Trong ánh trăng huyền ảo
Liệu tâm còn sầu não
Trong thinh lặng của đêm!
 
Ao lấp lánh như thép,
Những đám cỏ u sầu
Sông, cối xay, rừng sâu
Trong ánh trăng huyền ảo.
 
Liệu có thể đau buồn,
không sống trong mê đắm?
Hãy nhẹ nhàng lang thang
Trong ánh trăng huyền ảo!
 
Anh đến chào em
 
Anh đến chào em buổi sớm mai,
Để nói rằng mặt trời đã dậy,
cùng tia nắng ấm đang run rẩy
trên từng chiếc lá đón bình minh;
 
Để nói rằng cả cánh rừng đã tỉnh,
Bởi từng cành cây động giấc nồng,
Bởi từng con chim đang vỗ cánh,
và mùa xuân đầy ắp khát khao;
 
Để nói rằng cùng với si mê
Như ngày hôm qua anh lại tới
Rằng tâm hồn anh vui phơi phới
Và sẵn lòng cung phụng em yêu;
 
Để nói rằng ở khắp mọi nơi
Tràn ngập trong anh niềm hạnh phúc
Anh chẳng biết điều gì mình sẽ hát 
Nhưng lời ca ấp ủ lâu rồi.
 
Và chẳng trốn khỏi nỗi buồn 
 
Đêm yên lặng đầy sao
Trăng phập phồng chiếu sáng
Đôi môi mềm ngọt lắm
Trong đêm yên lặng trắng sao trời.
 
Trong ảo huyền đêm em của tôi!
Làm sao nén nỗi buồn được nhỉ?...
Em như tình yêu rạng ngời đến thế
Trong đêm yên lặng trắng sao trời.
 
Anh yêu những vì sao em ơi
Và chẳng trốn khỏi nỗi buồn muôn thuở…
Em với anh còn đáng yêu hơn nữa
Trong đêm yên lặng trắng sao trời.
 
Tôi về lại khu vườn của em
 
Tôi về lại khu vườn của em
Con hẻm nhỏ dẫn tôi về chốn cũ
Ở nơi đó mùa xuân và hai đứa
Lang thang hoài chẳng dám nói cùng em
 
Trái tim đập rụt rè bẽn lẽn
Hy vọng trào dâng sợ hãi âu lo
Một chiếc lá non trong vườn khi đó
Đâu có nhiều bóng mát cho ta.
 
Giờ tán lá trong vườn râm mát
Và hương thơm hoa cỏ dâng đầy
Nhưng mà sao lại im ắng vậy
Mà sao yên lặng đến mơ hồ!
 
Có một chú họa mi đơn lẻ
Ẩn trong bóng tối hót rụt rè
Và dưới vòm cây tươi tốt thế
Chim kiếm tìm ai vô vọng ánh nhìn.
 
Đêm huyền ảo
 
Đêm huyền ảo. Vườn ngập tràn trăng sáng
Trăng dưới chân ta trong phòng khách không đèn.
Piano mở các phím đàn xao động
Như trái tim ta vì bài hát của em.
 
Em đã hát đến bình minh lả đi trong nước mắt,
Rằng em là tình yêu duy nhất, không hơn,
Và muốn sống để dư âm không mất,
Để được yêu được khóc được ôm anh.
 
Bao năm qua mệt nhoài và nhàm chán,
Lại nghe giọng em trong thinh lặng của đêm
Lẫn trong tiếng thở dài lời ca ngày ấy
Rằng em là cả cuộc đời là duy nhất tình yêu.
 
Chẳng có số phận tủi hờn đau khổ trong tim.
Vẫn đích ta đi đời không bế tắc
Chỉ cần tin những âm thanh thổn thức
Được yêu được khóc được ôm em! 
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/a-a-fet-1820-1892-dua-con-ngoai-gia-thu-cua-moi-tinh-nga-duc_262961.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)