1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Tác giả - Tác phẩm

Xuân Diệu: Trái cam xanh vỏ

23/09/2019
Tên thật: Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2/2/1916 (năm Bính Thìn) tại quê mẹ: làng Tùng Ảnh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

 

Noel 1938, xuất bản tập thơ đầu Thơ thơ. Năm 1939, tập văn xuôi Phấn thông vàng. Từ 1940 đến 1943 làm ở sở Đoan Mĩ Tho. Năm 1943, bỏ việc nhà Đoan, ra Hà Nội sống với Huy Cận. Năm 1945, ra đời tập thơ thứ hai Gửi hương cho gió.

Xuân Diệu có 40 năm lao động thơ dưới chế độ mới. Làm thơ, viết văn, dịch thơ và đặc biệt từ năm 1965, ông liên tục nghiên cứu, giới thiệu những nhà thơ cổ điển và viết nhiều tiểu luận thơ.

Đặc sản thơ tình

Sinh thời, Xuân Diệu vẫn coi tình yêu là đóng góp chủ yếu của ông. Những lúc có bạn đến thăm, đem thơ ra “chiêu đãi” Xuân Diệu cũng chỉ chọn thơ tình.

Bài thơ được viết sớm nhất lúc 16 tuổi, in trong tập đầu tay Thơ thơ là một bài thơ tình:

Làm sao sống được mà không yêu

Không nhớ không thương một kẻ nào

Và bài thơ từ tạ cuộc đời để đi vào cái cõi “chẳng mô tê” cũng lại là một lời khẳng định lại:

Hãy để cho tôi được giã từ

Vẫy chào cõi thực để vào hư

Trong hơi thở chót dâng trời đất

Cũng vẫn si tình đến ngất ngư

(Chấp nhận)

Nồng và trẻ là hai vị đặc sắc của thơ tình Xuân Diệu, xuyên suốt cả đời ông. Tình cảm các nhà thơ lớn thường sâu sắc. Nhưng có cái sâu sắc bình đạm lại có cái sâu sắc nồng nàn (có thể so Nguyễn Khuyến với Tú xương để thấy hai dạng thức tình cảm này). Xuân Diệu ưa nồng thắm, dạt dào, bộc lộ. Trước cách mạng, anh đòi hỏi:

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng

Cho chếnh choáng mùi thơm,

cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

(Vội vàng)

Sau cách mạng, vẫn nỗi lòng dào dạt ấy:

Đã hôn rồi, hôn lại

Cho đến mãi muôn đời

Đến tan cả đất trời

Anh mới thôi dào dạt

(Biển)

Sức nồng ấm của tình cảm đã biến những chi tiết bình dị, những phút giây bình thường thành những sự kiện sáng chói của đời người, Xuân Diệu gọi là tạo thần tiên. Ông tạo thần tiên ngay cả khi đọc một lá thư đơn sơ. Chỉ đọc những câu nói thường như: “Ồ, mới nghiêng mình xem nước trong/ Vui mừng em thấy má em hồng”, đã đủ để ông kêu lên:

Em tôi ăn nói vô duyên quá

Em đốt lòng anh em biết không

(Đơn sơ)

Một việc đơn sơ khác là đèo người tình sau chiếc xe đạp tàng. Cảnh ấy vào thơ được đã là giỏi, thế mà lại còn thần tiên nữa:

Không cần nghĩa chữ vẫn nghe hay

Sau xe những tiếng em phơ phất

Cởi hết ưu phiền gửi gió mây

(Giọng nói)

Tình yêu nồng nàn đủ sức làm ấm cả cõi chết. Trong một bài thơ nhan đề Đa tình, Xuân Diệu tạo một tứ thơ độc đáo: sau khi chết, “không xương vóc chỉ huyền hồ bóng dáng”, ông vẫn yêu và tình ông đủ làm đuốc sáng soi rạng cõi âm ti để nhận ra những Tây Thi, Lộng Ngọc, Điêu Thuyền, Tần Nhĩ, Dương Phi... toàn những người đẹp nổi tiếng trong lịch sử nhân loại. Chết lại hóa… hội ngộ, đại hội ngộ:

Hồn đông thế

tôi sợ gì cô độc

Ma với nhau thì

ôm ấp cùng nhau

(…) Kẻ đa tình

không cần đủ thịt da

Khi chết rồi,

thì tôi sẽ yêu ma.

(Đa tình)

Có lần Xuân Diệu tâm sự: Ông muốn làm một từ điển bằng thơ về mọi cung bậc tình cảm trong cõi tình yêu, ông muốn vẽ bản đồ tình cảm của con người. Chúng ta kinh ngạc trước nhiều khám phá tinh tế, những phát hiện bất ngờ, những góc khuất nẻo của tình người. Chúng ta có thể “tra” trong thơ tình Xuân Diệu những nhớ, mong, chờ, được yêu, thất tình, nghi ngờ, chung thủy, tương tư và cả tương tư đơn phương:

Tương tư có nghĩa đôi bờ ngóng

Anh một mình thôi cũng đợi chờ

Thơ Xuân Diệu muốn định nghĩa tình yêu từ những biểu hiện sống động của những cặp người. Ông từ chối định nghĩa tình yêu bằng khái niệm:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu

(Vì sao)

Ông định nghĩa bằng cảm giác, cảm xúc nên thơ tình của ông đã có một không gian hô hấp rộng lớn. Xuân Diệu vốn là nhà thơ nhạy cảm về giác quan, cảm giác. Đó chính là một yếu tố tạo nên cái nồng nàn mê đắm trong phong cách thơ ông. Đó là dấu hiệu của tài năng.

Xuân Diệu nghe cái lạnh từ:  

Những luồng run rẩy rung rinh lá

(Đây mùa thu tới)

nghe thời gian từ:

Dưới gốc nào đâu thấy xác ve

Thế mà ve đã tắt theo hè

Và nghe cái tĩnh lặng:

Ngẩng đầu ngắm mãi chưa xong nhớ

Hoa bưởi thơm rồi, đêm đã khuya

(Buồn trăng)

Ở bài Nguyệt cầm, ông cảm thụ âm nhạc tinh tế đến kinh sợ và khi diễn đạt thì đầy ấn tượng cảm giác:

Đàn ghê như nước: lạnh, trời ơi

Long lanh tiếng sỏi vang vang hận.

Dùng cảm giác làm dấu ấn ghi lại những khoảnh khắc trong tình yêu là một cách vĩnh cửu hóa nó. Thoáng một người đẹp ngang đường, ghi lấy cái chao đảo trời đất:

Một luồng ánh sáng xô qua mặt

Thắm cả đường đi, rực cả đời

(Tình qua)

Một con đường nhỏ, một cành cây nắng nhuộm, qua giác quan Xuân Diệu, sẽ lưu giữ mãi:

Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu

Lả lả cành hoang, nắng trở chiều

Lúc đã cao niên, giác quan Xuân Diệu vẫn nhọn sắc, điều này đã góp phần không nhỏ vào năng lực phân tích, phê bình thơ của ông. Trong thơ tình, nó giúp ông tạo không khí riêng cho từng bài thơ, cho cả đời thơ, giúp người đọc nhập cuộc vào tình ý của câu chữ một cách hồn nhiên, trực giác:

Lâm râm mưa chuyện trên cành

Thầm thì lá nói qua mành nước se

Phòng anh nghe tiếng mưa đi

Em xa chẳng hiểu làm chi giờ này

Khí đêm man mác qua tay

Có mưa thưa nhẹ thêm ngây vị hè

(Mưa)

Thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu không bị bẹt xuống như trong bưu ảnh mà nó động cựa là nhờ cảm giác của ông, ông không chỉ nhìn bằng mắt nghe bằng tai mà bằng cả xúc giác, khứu giác, tổng hợp giác:

Lá bàng non ngon lành như ăn được

hay:

Một trái xoài xanh hai hàng răng trẻ

Cắn phập vô ai thấy cũng phải thèm

(Một vườn xoài)

Trong thư tình, Xuân Diệu rất coi trọng cảm giác, thiếu cảm giác thơ tình yêu thành ra văn kiểm điểm.

Những đòi hỏi này, phải đến Xuân Diệu, thơ Việt Nam mới dám mạnh diễn đạt. Đây cũng là bước nhảy từ tình yêu thần tiên kiểu Thế Lữ “Tiên Nga xõa tóc bên nguồn” đến tình yêu trần thế của Xuân Diệu. Chính vì những giác quan ấy mà Xuân Diệu bám rất chắc vào mặt đất “Hai tay chín móng bám vào đời”. Trong tình yêu, con người ấy rất duy vật, ông không luận về tình yêu, càng không thích triết lí trên chín tầng cao mà quên mất người yêu đang đi chân đất phía dưới. Thơ yêu của ông gắn với tình người, không ngại nói thân thể:

Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực

Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!

Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai

Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt

(Xa cách)

Nồng nàn, say đắm cũng chính là một biểu hiện của sức trẻ. Nhưng nói đến chất trẻ của Xuân Diệu là nói tới cách cảm thụ cuộc sống, cảm thụ thời gian của ông. Trong văn chương Việt Nam chưa có ai yêu tuổi trẻ đến tôn thờ, đến hốt hoảng âu lo như Xuân Diệu:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi

(Vội vàng)

Ông muốn hãm nhịp đi của thời gian để tận hưởng tuổi trẻ, ông từng giục giã:

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ

Em ơi em tình non sắp già rồi

(Giục giã)

Khi ông kêu gọi tuổi trẻ hãy sống hết, hưởng hết cái phần trẻ của mình chính là kêu gọi một cách sống nghệ thuật, khám phá, tràn đầy lòng yêu đời. Xuân Diệu rất lo khi con người vì đói khổ quá chỉ còn đủ sức tìm nhu cầu vật chất mà quên đi nhu cầu tinh thần. Tình yêu, với Xuân Diệu là nhu cầu tinh thần rõ rệt, là nội dung của tuổi trẻ.

Ông có lúc còn mượn lời kĩ nữ để mời gọi, chủ đề bài thơ này rộng hơn phạm trù tình yêu, nhưng xét trong cõi tình yêu nó đã rất sâu sắc:

Chớ để riêng em phải gặp lòng em

Tay ái ân du khách hãy làm rèm

Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng

Tay anh và tóc em, em và anh đủ tạo nên một khoảng không gian hạnh phúc có rèm có võng. Lời mời yêu ở đây có gì xót thương, đó là lời mời của nghệ sĩ trước cuộc đời, người kĩ nữ ở đây là hồn thơ Xuân Diệu đó.

Với Xuân Diệu, sống không có nghĩa là tồn tại mà là phải sống trong tuổi trẻ, trong khát khao mãnh liệt, trong yêu đương mê say:

Ta uống mê vào hơi thở của người

Ta bấu răng vào da thịt của đời

Ngoàm sự sống để làm êm đói khát

Những câu thơ tả bước đi của thời gian thường là những câu thơ cực kỳ tinh vi của Xuân Diệu, ông cảm nghe nó từ mọi phía và bao giờ cũng gây xao xuyến:

- Gió lạnh rồi đây sắp nhớ nhung

Xương the bảng lảng bạc cây tùng

- Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

- Hoa thu không nắng cũng phai màu

Trên mặt người kia in nét đau.

Khi tuổi đã cao, Xuân Diệu ví mình như trái cam sành Bố Hạ, ruột đã chín vàng nhưng vỏ cứ còn xanh, còn cái vị hăng nồng của tuổi trẻ, câu thơ bâng khuâng ao ước:

Tôi ước một bàn tay

Trong vạn trùng yêu nhớ

Bóc cho tôi bâng khuâng

Một trái cam xanh vỏ

(Trái cam xanh vỏ)

Cũng xin nói một chút tới chỗ khác nhau giữa thơ tình Xuân Diệu trước và sau cách mạng. Trước cách mạng, Xuân Diệu đòi hỏi một tình yêu lý tưởng. Ông cần nồng nàn:

Hãy tuôn âu yếm, lùa mơn trớn

Sóng mắt lời môi, nhiều, thật nhiều

(Vô biên)

Nhưng “yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ” vì ông lại “muốn vào dò xét giấc mơ em". Ông đã không làm nổi, bất lực vì không đi hết được hồn người khác nên vẫn “cứ nghĩ hoài, hay ghen bóng gió”. Mỗi hồn người là một vũ trụ bí mật, không kiểm tra tài sản được cái vũ trụ đó, Xuân Diệu cho là mình chưa có nó, chưa có được một tình yêu tràn đầy. Vì vậy không bao giờ ông đạt được tới hạnh phúc, hay chính xác hơn, hạnh phúc ở nơi ông bao giờ cũng có vị cay đắng. Lúc gắn bó nhất với người yêu ông thấy vẫn là xa cách:

(…) Khắng khít nhất những cặp môi

gắn chặt

Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng

Cảm tạ cuộc đời

Đọc thơ Xuân Diệu, người ta bắt gặp một tâm hồn, một cá thể xúc cảm, cụ thể và khác biệt với những gì đã có của thơ Việt Nam trước đó. Tâm hồn ấy được diễn tả trực tiếp trên trang giấy, vượt qua mọi khuôn khổ, mọi quy ước, mọi thói quen của người làm thơ lẫn người đọc thơ hồi đó. Có người chê ngô nghê, chê Tây... nhưng ai cũng nhận thấy rằng đây là một tiếng thơ thành thật. Thành thật trong mọi khát khao ham mê, thành thật ở những cái rất thấp và những cái rất cao. Thành thật trong sự táo bạo đắm say. Sau này thành nhà thơ cách mạng, Xuân Diệu đổi thay nhiều trong cách cảm, cách nghĩ, nhưng sự thật thì vẫn nguyên vẹn. Có lẽ vì vậy trong mỗi câu thơ, mỗi dòng văn, thậm chí ngay trong những bài phê bình của Xuân Diệu người đọc như nghe được cả cái hơi thở rất gần, rất gấp của người viết, như đụng được vào cá tính của một con người, không có gì cách bức che giấu. Xuân Diệu đã viết khoảng 1000 bài thơ, nghĩa là hàng vạn câu thơ, vậy mà ở mỗi câu thơ số vạn ấy vẫn còn như run rẩy, luống cuống thuở ban đầu. Ông như muốn phá cái vỏ kết cấu quen thuộc của ngôn ngữ để diễn đạt cho kì được, cho đến đáy cái cảm giác, cái ý nghĩa mà ông phát hiện trong việc đời. Ông ngạc nhiên trước những việc rất ít người còn ngạc nhiên, như việc một chú bé ra đời:

Bỗng tự đâu sang cu cháu Thạch

Mẹ mày mang ấp, bố mày sinh

Bé thằng lững trững lăng xăng bước

Câu thơ “Bé thằng lững chững lăng xăng bước” thuộc loại câu mà Hoài Thanh nhận xét là như trẻ con tập nói. Thật ra là nó muốn chộp lấy sự sống, câu thơ cựa quậy, dùng sự xô lệch của ngôn ngữ để dựng cảm giác dậy. Đôi lúc Xuân Diệu có những câu thơ rất mộc, mộc đến nỗi những ai quen bóng bẩy du dương không khỏi giật mình, có khi phản đối. Ấy là khi tâm hồn đang bay bổng với bông lau tím bạc hoa, bỗng rơi bộp với cái bu gà thô tháp lam lũ:

Hỡi những bông lau tím bạc hoa

Hỡi xe đang chạy với bu gà

(Thăm Hòa Bình)

Nhưng cuộc đời vốn là vậy. Hài hước và cảm động.

Một đêm ở Thái Bình, ông lắng nghe và kinh ngạc nhận ra:

Thỉnh thoảng ếch kêu trội hơn tiếng khác

Nhất là chó sủa văng vẳng hay hay

Nói xóm làng nhà cửa đêm nay

(Đêm ở Thái Bình)

Đấy chính là một đặc sắc của Xuân Diệu, một cách tìm chất thơ trong đời thường, đời thực. Ông phát hiện ra tiếng chó sủa tạo nên cái hồn của làng mạc lúc đêm khuya, còn văng vẳng hay hay nói được cái ngạc nhiên của ông thành phố về làng. Chính cái chất ấy tạo lên sự thấm thía nhân tình trong thơ ông. Còn khi cần du dương, ông đủ sức để cực du dương:

Sương nương theo trăng ngừng lưng trời

Tương tư nâng lòng lên chơi vơi

(Nhị hồ)

Cái kỳ lạ nhất trên đời này, lí lẽ nhiều khi không cắt nghĩa được, khoa học cũng bất lực, ấy là lòng yêu thương. Yêu thương đến đâu thì hiểu biết đến đấy. Quy luật thơ là vậy. Thấy lũ trẻ hái những quả si chín, mời nhau ăn và rối rít khen si ngọt. Nhà thơ xin một quả và nếm. Không có vị gì trên lưỡi cả. Nhưng cái vị để lại trên lòng ông lại rất sâu:

Thương yêu các cháu lắm các cháu ơi

Các cháu thấy ngọt ngào một cái quả

nhạt thôi

Đây là phép thần thông trong tâm hồn

các cháu

(Cho chú xin một quả si)

Phục cái tâm hồn ngây thơ giàu tưởng tượng và đau nơi trái tim của phận làm cha làm mẹ:

Là cho các cháu được ăn những quả

ngon hơn

Không phải khen trái si là có vị như đường.

Cái lối cảm thụ cuộc đời như vậy làm ông dễ thương cảm những ai thiệt thòi nghèo khổ. Nhìn núi đừng nhìn xa. Nhìn xa thì “Thấy núi yên như một miếng bìa”. Nhưng sống lặn vào cuộc sống của núi, là cả một thế giới thân phận hiện ra:

Chim hôm run rẩy trong tim nhỏ

Thỏ sợ giơ tai hứng tiếng ồn.

Có lẽ ông tiều sống giữa cây

Đêm nay hồn lạnh đã theo mây;

Gió rừng có lẽ tuôn muôn gốc

Có lẽ mưa im xối đã đầy…

(Núi xa)

Xuân Diệu không phải là người quan liêu với cuộc đời. Ông lãng mạn nhưng không tháp ngà, ông lãng mạn với nguyên bụi bặm trần gian. “ta là quán tha hồ muôn khách đến”. Ông lẫn hồn mình với gió mây. Nhưng hãy lắng lại cùng ông, nghe trong tiếng gió “Có nhiều lúc gió bấc kêu thê thiết quá”. Nghe tiếng gió mà:

Gợi bóng hình những thân thể cơ hàn

Với môi tím, với cảnh nghèo vạc mặt

Và trong bài Đất nước, một chất trữ tình thân gần bắt nguồn từ nguồn cội của dân tộc:

Những là chè, là mít, những là cau

Những là chòm, là xóm đẹp như nhau

Quay bốn phía chỉ một màu: đất nước

Thoang thoảng hương cau lồng phía trước

Rập rờn lá mít ánh đằng sau

Những sân con liên tiếp những vườn rau

Những mái rạ bền lâu như vạn thuở…

Nửa thế kỷ cầm bút, trong hồn đã trải qua bao nhiêu cung bậc tình cảm, bao nhiêu dâu bể của việc đời, Xuân Diệu vẫn giữ được đôi mắt xanh non để khám phá lại những yêu thương vĩnh cửu trong dáng vẻ mới của đời. Ông nói với thằng cu cháu mới sinh, như một sự giãi bày:

Tuổi bác ngần này hơn sáu mươi

Song le bác có hiểu chi đời

Nó mênh mông lắm, sâu xa lắm

Ngọn lửa muôn đời bốc chẳng ngơi

(Thương cái tình cha)

Xuân Diệu trù tính viết một cuốn hồi ký đời mình ở tuổi 70, một cuộc tổng giãi bày. Ông đặt tên trước cho cuốn sách: Tôi cảm tạ cuộc đời. Ý nguyện này đã không thành hiện thực. Ông đột ngột ra đi ở tuổi sáu mươi chín trong một cơn đột quỵ ngày 18/12/1985.

Vũ Quần Phương/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)