1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

“Chiến sỹ áo trắng" Những “thiên thần” hy sinh thầm lặng bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân

13/10/2021
“Cô ơi, Hà Nội ốm rồi! Con Covid dọa cô à? Cô đừng sợ, có con đây rồi!” – Câu nói quá đỗi ngây thơ ấy đã in sâu vào tâm trí cô y tá khoa Nhi của bệnh viện K3 cơ sở Tân Triều, khi nơi đây trở thành ổ dịch Covid – 19 tại Thủ đô Hà Nội hồi đầu tháng 5 vừa qua. Lời động viên của bệnh nhi ung thư ấy dường như đã chạm tới trái tim không chỉ của cô y tá bệnh viện, mà còn là nguồn động lực, là sự tiếp sức mạnh mẽ đến với tất cả các y bác sĩ - những “thiên thần áo trắng” đang căng mình chiến đấu với sát thủ vô hình – đại dịch Covid – 19.

Một cánh tay - ngàn hy vọng

Công tác phòng chống dịch Covid – 19 đảm bảo nghiêm ngặt

Trong cuộc sống, chúng ta không thể biết trước được tuổi thọ của mình dài ngắn thế nào, cũng không thể biết lúc nào giã từ thế giới, nhưng chúng ta có thể làm cho cuộc đời hữu hạn của mình trở nên lấp lánh hơn, ý nghĩa hơn. Với suy nghĩ đó, trong suốt 2 năm đại dịch Covid hoành hành khắp cả nước, hàng ngàn “chiến sĩ áo trắng” tại mọi miền của tổ quốc đã xung phong lên tuyến đầu chống dịch, quyết tâm dấn thân vào vùng tâm dịch cùng các lực lượng đẩy lùi dịch bệnh.

Với trọng trách của một trong những lực lượng tuyến đầu chống dịch, các y bác sĩ luôn là người mang nhiều căng thẳng, mệt mỏi, áp lực và nguy cơ lây nhiễm cao. Thế nhưng với sứ mệnh cao cả và trách nhiệm cứu người của người thầy thuốc - họ không ngại hiểm nguy, xông pha đến các điểm nóng, ngày đêm chạy chữa cho người dân nhiễm Covid – 19. Có thể nói, một cánh tay của “chiến sĩ áo trắng” dang rộng sẽ tiếp thêm cho người dân hàng ngàn hy vọng – hy vọng được sống, hy vọng vào sự bình yên, dịch Covid - 19 được đẩy lùi, bình yên sẽ lại trở về.

Bác sĩ đặt ống thở cho bệnh nhân nhiễm Covid - 19

TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai khi đi chi viện chống dịch tại tỉnh Bắc Giang đã chia sẻ: “tôi đã tham gia chống dịch lần thứ 4 rồi, từ ổ dịch Bạch Mai, Đà Nẵng, Hải Dương và hiện tại là tỉnh Bắc Giang. Khi phải đối mặt với đại dịch tới 4 lần, điều đó không còn khiến cho người đi chống dịch có cảm giác hoang mang nữa. Mỗi đợt dịch có đặc thù riêng. Tôi cho rằng đợt sau, bao giờ cũng khó khăn hơn vì chủng virus lần này có tốc độ lây lan mạnh hơn, do xuất hiện thêm biến chủng mới, số lượng người mắc tăng, phạm vi rộng hơn và mức độ nghiêm trọng của bệnh nhiều hơn. Nhưng đổi lại, chúng ta lại có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề phòng, chống điều trị bệnh nhân từ những đợt dịch trước.”

Với sự hỗ trợ nhiệt tình của hàng nghìn cán bộ y tế, nhiều ổ dịch tại Việt Nam đã được kiểm soát. Ngoài việc nhanh chóng xét nghiệm, sàng lọc bệnh nhân, tổ chức tiêm vaccine, các chuyên gia y tế cùng Ban thường trực phòng, chống dịch Covid Bộ y tế các địa phương cũng gấp rút thành lập nhiều Bệnh viện dã chiến để đảm bảo nơi chữa trị cho bệnh nhân Covid – 19 khi dịch bùng phát.

Bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn nhận hỗ trợ từ các bác sĩ

Tháng 5/2021, ổ dịch bệnh viện K3 cơ sở Tân Triều bùng phát với hơn 5.000 người liên quan đến các ca nhiễm Covid – 19, trong đó có 1.700 cán bộ công nhân viên y tế, trên 1.600 bệnh nhân. Đặc biệt, đây là nơi chữa trị cho rất nhiều bệnh nhi ung thư. “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn biết ngủ, học hành là ngoan”. Thế nhưng, các bệnh nhân nhỏ tuổi nội trú khoa Nhi ở đây lại không được làm những điều ấy. Cuộc sống của các em luôn gắn liền với các ống truyền dịch, những đợt chạy thận, lọc máu khiến cơ thể kiệt sức. Nhưng, cũng chính những gương mặt quá đỗi ngây thơ, trong sáng ấy lại trở thành niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho rất nhiều cán bộ y tế của bệnh viện K3 Tân Triều. “Hà Nội ốm rồi, cô đừng khóc, cô đừng sợ, có con ở đây rồi!”. Chỉ một câu động viên ấy thôi, cùng với sự chấp hành nghiêm túc tuyệt đối trong khu phong tỏa, toàn bộ y bác sĩ và gia đình bệnh nhân đã thành công dập dịch tại khu phong tỏa, lấy lại kiểm soát, không để sát thủ vô hình ấy “xâm chiếm” thêm nữa. Đối với rất nhiều bệnh nhi ở đây, các y bác sĩ, các cô chú điều dưỡng, y tá luôn là những “thiên thần áo trắng” thường trực bên cạnh bảo vệ các bé chống lại căn bệnh nan y bám riết, hơn nữa còn trở thành tấm rào chắn để Covid không thể xâm nhập vào các em.

Nhiều cán bộ y tế xung phong lên đường chống dịch tại các vùng đỏ

Cuối tháng 8/2021, hàng trăm y bác sĩ Đại học Y Hà Nội “Nam tiến” với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid - 19. Đây đã là đợt “xuất quân” lần thứ 4, một việc làm cấp thiết trước diễn biến dịch bệnh vô cùng phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Có không ít cán bộ y tế mang tâm trạng hồi hộp, lo lắng, thế nhưng tất cả những cảm xúc ấy không thể chiến thắng nổi “mệnh lệnh từ trái tim của những người chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch”. Không thể phủ nhận rằng, thời điểm này là lúc đất nước cần toàn bộ lực lượng y tế và Nhân dân đoàn kết nhất, đồng lòng nhất, tuyên chiến “trực diện” với đại dịch Covid mang tính toàn cầu này.

Thành phố thức – những ngày không quên

Hình ảnh y bác sĩ dù kiệt sức vẫn bám trụ chống dịch

Áp lực, kiệt sức, làm việc thâu đêm không ngừng nghỉ là những hình ảnh không thể nào quên khi nhắc đến lực lượng y tế nơi tuyến đầu chống dịch. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi mướt mải, những “chiến sỹ áo trắng” ấy luôn tất bật với hàng loạt mẫu xét nghiệm, quay cuồng trong vòng xoáy của công việc, miệt mài chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ của bệnh nhân, giành giật sự sống bên cửa tử cho những ca bệnh nhiễm Covid - 19 nặng. Y tá Lê Thanh Tâm – nhân viên y tế tại Hà Nội đi tăng cường chống dịch cho Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “chúng tôi phải làm việc hết công suất, lấy mẫu khoảng 200 người mỗi giờ mới có thể kịp xét nghiệm cho rất nhiều người dân. Nhiều lúc mệt mỏi muốn gục ngã, nhưng nghĩ đến gia đình, nghĩ đến dịch bệnh vẫn hoành hành, chúng tôi chỉ kịp nghỉ ngơi cho lại sức, rồi lại lao vào tiếp tục làm việc”.

Trong căn phòng chứa đầy mẫu thử, những đôi mắt đỏ hoe thiếu ngủ vẫn chăm chú phân loại từng mẫu xét nghiệm, đôi bàn tay thoăn thoắt sắp xếp ghi chép để đạt kết quả chính xác nhất. “Bằng mọi giá, đêm hôm cũng phải cố gắng làm. Ai cũng có gia đình, có nỗi niềm riêng nhưng cần phải gác lại, thậm chí Tết sắp đến rồi nhưng phải nghĩ tới cái lớn hơn là vì xã hội. Sự nỗ lực của chúng ta sẽ giúp sớm kiểm soát được dịch bệnh. Gia đình là một phần của xã hội, giúp được xã hội là giúp được gia đình”- ông Nguyễn Nhân Duy (chuyên gia sinh học phân tử) tăng cường cho vùng dịch Hải Dương khẳng định.

Làm việc thâu đêm để kịp tiến độ

Do tính chất công việc vô cùng căng thẳng và mệt mỏi, đã có không ít cán bộ y tế làm việc quá sức đến gục ngã. Thật không khó để nhìn thấy những bữa cơm vội vàng, những đôi chân gấp gáp qua lại, hay hình ảnh một bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ ngồi ngủ gục trên thềm cầu thang, thậm chí ba điều dưỡng viên nằm nghỉ ngay giữa đường bởi quá cực nhọc, quá vất vả. Tất cả đều phải gác lại nỗi niềm riêng, đặt gia đình sang một bên để trở thành hàng rào bảo vệ vững chắc cho Nhân dân trước sự hoành hành của đại dịch. Có những bác sĩ đã không may nhiễm bệnh trong quá trình làm việc. Nhưng ngay khi được chữa khỏi, họ đã xung phong tiếp tục ở lại vùng dịch để phục vụ Nhân dân, cùng các y bác sĩ đồng cam cộng khổ, vơi bớt gánh nặng cho đồng nghiệp của mình. Có thể nói, đó là nghĩa cử vô cùng cao đẹp, những việc làm cao cả, những sự hy sinh thầm lặng của những “thiên thần áo trắng” mà bất kì ai nhìn thấy cũng cảm động.

Gấp rút xử lý mẫu xét nghiệm để có kết quả nhanh, chính xác nhất

Trong suốt hai năm qua, những tháng ngày căng mình phòng, chống dịch Covid - 19 đã trở thành khoảng thời gian không thể nào quên của người dân cả nước. Chưa bao giờ tinh thần đoàn kết dân tộc lại được dâng cao đến thế. Chắc chắn rằng, sự đồng lòng của Nhân dân cùng lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch chính là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta, từng bước thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình yên. Cảm ơn những “chiến sĩ áo trắng” đã không quản ngại ngày đêm hết lòng phục vụ Nhân dân, phục vụ đất nước, cảm ơn vì những hy sinh thầm lặng, sự nhiệt huyết, tận tâm, biến đau thương trở nên ý  nghĩa, cao cả hơn.

Theo Hà Ninh/Doanh nghiệp & Thương hiệu

https://doanhnghiepthuonghieu.vn/chien-si-ao-trang-nhung-thien-than-hy-sinh-tham-lang-bao-ve-cuoc-song-binh-yen-cho-nhan-dan-p34527.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)