1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

Vượt qua số phận, gieo những yêu thương

30/04/2020
Tuổi 28 khi trong tay đang có một gia đình hạnh phúc, một công việc ổn định, thì tai nạn giao thông ập tới đã khiến cuộc đời của chị Lê Hà (Trưởng Ban Kiểm tra Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, Hà Nội) chìm trong bóng đen u tối. Khi số phận thử thách làm cho đôi chân của chị không thể vận động được thì đồng thời cũng gieo vào chị một nghị lực vươn lên. Không chỉ sống lạc quan, chị còn lan truyền tình yêu và niềm tin mạnh mẽ với cuộc sống của mình tới cộng đồng bằng nhiều việc làm ý nghĩa.

Một buổi tham vấn của chị Lê Hà với sinh viên khuyết tật trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Ngã rẽ cuộc đời

Ngày 8/3/2003, khi trên đường về quê chồng ở Bắc Giang thì bất chợt chiếc xe ô tô vượt đèn đỏ đâm vào xe máy của 2 vợ chồng chị Hà. Cả hai vợ chồng đều phải vào bệnh viện cấp cứu, nhưng chấn thương của chị Hà nặng hơn vì bị đứt tủy 3 đốt sống lưng, vỡ lá lách và gãy 6 xương sườn, dập nát cánh tay trái. “Sau 5 ngày mê man, khi tỉnh dậy tôi thấy xung quanh toàn dây rợ, máy móc và bao phủ một màu trắng toát. Hai tháng nằm trong bệnh viện Việt Đức, tôi vừa nhớ vừa thương con đến phát khóc vì khi đó cháu mới có 7,5 tháng tuổi. Lúc ấy đang là dịch SARS, người nhà không thể đưa cháu vào thăm mẹ, nên tôi cũng chẳng được nhìn thấy con. Thương em, anh trai tôi đi mượn điện thoại đem đến bệnh viện để gọi về nhà nghe con ê a cho đỡ nhớ.” – chị Hà kể lại.

Cứ nghĩ sau vài tháng sẽ bình phục, nhưng rồi khi ra viện đi khám lại thì chị Hà mới biết mình không thể đi lại vì đã bị chấn thương cột sống. Từ một người bình thường, đang có công ăn việc làm ổn định bỗng dưng trở thành người khuyết tật phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt ăn uống đều phải nhờ người hỗ trợ, và nhất là không thể chăm sóc đứa con thơ, chị Hà như rơi xuống vực thẳm. Không biết bao đêm chị úp mặt trên gối khóc thầm. Có những lúc cùng quẫn chị nghĩ đến cái chết để giải thoát nỗi đau đớn. Nhưng rồi, nghĩ đến bố mẹ, đến người con thơ dại, đến những người trong gia đình chị đã quyết tâm không chịu đầu hàng số phận. Hàng ngày, chị kiên trì tập luyện với sự hỗ trợ của những người thân. Từ chỗ nằm liệt giường chị đã có thể ngồi trên xe lăn, túc tắc những công việc vặt, chơi với con rồi dạy con học…

Tháng 4/2008, khi sự mặc cảm và tự ti chưa kịp nguôi ngoai thì nhà thơ Đặng Hiển – thầy giáo dạy văn cấp III của chị Hà đến nhà thăm. “Kể từ ngày bị tai nạn tôi gần như khép mình, không còn giao du với ai trừ vài người thân thiết. Ấy vậy mà khi biết hoàn cảnh của tôi, thầy đã nhờ anh trai tôi đưa đến nhà thăm cô học trò năm nào. Nhìn tôi trên chiếc xe lăn, giọng thầy ấm áp: “Ngày xưa em học giỏi văn như thế sao bây giờ em không viết, em có thể sống bằng nghề viết mà”. Sau lần gặp gỡ ấy, cứ thi thoảng thầy lại qua nhà gửi sách, gửi truyện cho tôi đọc. Lời động viên, an ủi và khích lệ của thầy đã truyền cho tôi một động lực. Tôi dồn tiền mua máy tính và bắt đầu viết để gửi cho thầy. Truyện ngắn đầu tay đăng trên tạp chí Tản Viên Sơn (cuối năm 2008), rồi bài cảm nhận về cuộc sống đăng trên tạp chí Một thế giới (đầu năm 2009) như một liều thuốc tinh thần giúp tôi rũ bỏ đi cảm giác mình là người vô dụng. 6 năm sau ngày bị tai nạn, tôi mới cầm được đồng tiền do mình làm ra, số tiền nhuận bút tuy ít ỏi nhưng lại vô cùng ý nghĩa với tôi khi ấy”.  - chị Hà nhớ lại.

18 năm kể từ ngày đôi chân không thể bước đi cũng là 18 năm chị Hà nhận được biết bao yêu thương của bạn bè thầy cô và những người thân trong gia đình. Cho đến bây giờ, trong ký ức của chị vẫn chẳng thể quên hình ảnh người cha dù đi đâu hay bận gì cũng về nhà nhóm bếp nấu thuốc cho con, bóng dáng người mẹ già ngồi xoa bóp chân cho con mà thỉnh thoảng lại quay mặt đi giấu những dòng nước mắt, hay người anh trai đầu đã hai thứ tóc mà vẫn tận tụy hàng ngày đến giúp đỡ em, rồi những yêu thương lo lắng của con trai khi mẹ ốm đau, những ân tình trĩu nặng của bạn bè… Chính sự yêu thương và cảm thông ấy đã tạo nên động lực cho chị Hà vươn lên mỗi ngày và còn lan tỏa tinh thần ấy đến với mọi người.

Hòa nhập và lan tỏa yêu thương

Năm 2010, tình cờ đọc câu chuyện trên báo về anh Vũ Anh Tuấn - một người người khuyết tật tứ chi đầy nghị lực đã thôi thúc chị Hà tìm hiểu về những rào cản cũng như cách thức để người khuyết tật có thể hòa nhập cuộc sống. Chị trực tiếp gọi điện đến Trung tâm Sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội - một tổ chức phi lợi nhuận và dựa vào cộng đồng để đăng ký xin được hỗ trợ cá nhân. Khi đã trở thành thành viên của trung tâm, chị nhận được sự hỗ trợ của các bạn sinh viên, được tập huấn và nâng cao kỹ năng sống, tuyên truyền và tư vấn về sống độc lập. Và cánh cửa cuộc đời cũng đã mở ra khi chị được nhận công việc bán hàng online tại phòng vé Triệu Diệp. Mức thu nhập dù không cao nhưng với một người đã từng học qua hai trường đại học (Đại học Ngoại giao và Đại học Ngoại ngữ) thì đó cũng là một niềm an ủi vô cùng.

Không đầu hàng số phận, chị Hà luôn nỗ lực để vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Những kiến thức và kỹ năng về sống độc lập sau này cũng đã được chị phát huy tối đa khi trở thành tham vấn viên cho người khuyết tật. Gần 9 năm làm tham vấn viên cho người khuyết tật ở Trung tâm Sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội, chị Hà vẫn nhớ như in bao số phận, bao cảnh đời. Chị nhớ lần về Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, khi tư vấn cho anh Phạm Đình Thanh khuyết tật vận động và  trí tuệ, khó khăn về giao tiếp chị như lặng người nghe chàng trai nói “trong cuộc đời gần 30 năm chưa bao giờ có ai lắng nghe em cả”; nhớ lần đến Thanh Xuân tư vấn cho chị Sinh nghe chị tâm sự “20 năm đây là ngày vui nhất của đời tôi” mà trào nước mắt; nhớ chị Thành (Thạch Thất) nhờ tham vấn mới chịu mở lòng để hòa nhập cuộc sống, chị Hậu ở Kiến Hưng (Hà Đông) qua tham vấn mà nay đã tự tin hòa nhập, có việc làm để tự nuôi sống bản thân…; nhớ cả những chuyến đi Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng với mong muốn truyền đi thông điệp sống độc lập cho người khuyết tật. 

Không chỉ tham vấn, khuyến khích người khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, phát huy tiềm năng của mình ngay tại gia đình và cộng đồng, chị Hà còn tích cực cùng các thành viên của trung tâm tham gia vận động xã hội đảm bảo quyền của người khuyết tật được tiếp cận nhà ở, việc làm, giao thông, giao tiếp, các phương tiện giải trí, các dịch vụ y tế và dịch vụ xã hội một cách bình đẳng như những người không khuyết tật…

Từ năm 2018 với vai trò là phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chấn thương cột sống Việt Nam (CLB tập hợp những người chấn thương cột sống trên toàn quốc với mục đích tạo ra sân chơi giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng), chị Hà còn thường xuyên cùng các thành viên trong ban chủ nhiệm tổ chức các buổi gặp gỡ giao lưu chia sẻ những kinh nghiệm sống, những phương pháp phòng chống các bệnh liên quan đến chấn thương cột sống, giới thiệu những công việc phù hợp giúp người khuyết tật có thêm thu nhập tự nuôi sống bản thân. Ngoài ra chị còn kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp đỡ, tương trợ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn đi viện điều trị hoặc trang bị các phương tiện học nghề để giúp họ hòa nhập vươn lên trong cuộc sống như trường hợp của Hoàng Khải (Nam Định), Lê Ngọc Vinh (Bình Định), Phan Văn Chiến (Hà Giang), Nguyễn Duy Thi (Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Hằng (Ba Vì - Hà Nội), Huỳnh Ngọc Binh (Bình Định), Lê Văn Đông (Quảng Ngãi), Cao Xuân Mạnh (Sóc Sơn - Hà Nội)…

Anh Lê Việt Cường - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông cho biết, nhiều năm qua với vai trò là Trưởng Ban Kiểm tra Hội Người khuyết tật quận Hà Đông chị Lê Hà luôn nhiệt tình và tham gia tích cực các hoạt động của Hội. Chị còn đồng hành cùng Hợp tác xã Vụn Art (nơi đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật làm sản phẩm bằng vải vụn) với các bài viết giới thiệu sản phẩm, hoạt động của hợp tác xã, tham gia tư vấn, kết nối người lao động khuyết tật cho Vụn Art…

Với những người lành lặn, giúp đỡ, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn không phải ai cũng dễ dàng làm được. Vậy mà với người khuyết tật như chị Hà, thì chuyện đó chẳng có gì là khó. Chị bảo, là người khuyết tật chị hiểu và càng thông cảm với họ và điều gì có thể làm được thì chị đều nỗ lực hết sức để có thể giúp đỡ họ. Dẫu ngày ngày phải di chuyển, làm việc trên chiếc xe lăn, dẫu chỉ có thể gõ bàn phím, nấu ăn dọn nhà bằng một bàn tay nhưng trong gian nhà nhỏ ở phố Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), chị Hà vẫn tràn đầy lạc quan và tin yêu cuộc sống. Và niềm lạc quan tin yêu ấy cũng đã được chị tỏa lan trong những trang viết, trong các hoạt động của những người khuyết tật. Với chị cho đi cũng là nhận lại, cho đi cũng là để thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn.

Thanh Bình/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/vuot-qua-so-phan-gieo-nhung-yeu-thuong_259011.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)