1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

Thư viện miễn phí: ''Mai mối''... tình yêu sách

04/06/2020
Ngôi nhà có ô cửa màu xanh dương ở số 66, phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, bấy lâu nay đang trở thành “điểm hẹn” đặc biệt cho những người yêu sách ở Thủ đô Hà Nội. Cũng bởi, nơi đây có một thư viện miễn phí với mong muốn “mai mối” cho những... tình yêu sách.


Thư viện miễn phí ở 66 Chùa Láng đang là điểm đến của nhiều độc giả trẻ. Ảnh: Hoàng Anh
 

Miễn phí sách và... trà


 

Thư viện miễn phí “tọa lạc” trên gác hai của ngôi nhà có ô cửa màu xanh dương ấy. Có lẽ nên gọi đấy là một thư viện mi ni vì nó chỉ có một phòng đọc không rộng, chừng hai chục mét vuông. Dường như nó càng trở nên nhỏ hẹp thậm chí có phần chật chội khi giá sách vây quanh tường, cùng 8 chiếc bàn và 20 chiếc ghế gỗ nhỏ xinh chiếm kín mặt sàn. Để có thể bước vào chỗ ngồi phía trong, không ít người phải khẽ khàng len chân.

 

Thêm một phiền toái nữa, vì không có chỗ để xe nên nếu đến thư viện bằng xe đạp hay xe máy, độc giả phải gửi sang Trường Đại học Ngoại giao số 69 Chùa Láng hoặc Trường Đại học Ngoại thương số 91 Chùa Láng, cách khoảng 50m. Ấy thế nhưng, những điều phiền toái đó không hề khiến độc giả ngần ngại. Được mở cửa từ 9 - 21 giờ, mỗi ngày thư viện đón khoảng 30 lượt độc giả, trong đó, có nhiều độc giả lưu lại ở thư viện từ sáng tới chiều hoặc từ đầu giờ chiều tới đêm. 

 

Hễ có thời gian rảnh trong ngày là Hà Thương - cô sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Ngoại thương cuốc bộ sang thư viện từ đầu giờ chiều cho tới tận 20 giờ tối để tìm kiếm và đọc những cuốn sách hay về kinh tế, văn hóa, kỹ năng sống... Hay như Nguyễn Bá Chung - sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Công đoàn thì ngay sau ca làm thêm buổi sáng liền bắt xe buýt ghé sang thư viện đến khoảng 17 giờ 30 không chỉ để đọc sách mà còn tranh thủ học bài... Với cả Thương và Chung, sức hấp dẫn của thư viện mi ni này không chỉ vì được miễn phí từ sách cho đến trà, kẹo, café, hoa quả... mà còn vì ở đây có một không gian tĩnh lặng giúp mọi người tập trung vào việc đọc sách cũng như học bài, làm việc. 

 

“Bàn đọc không lớn, ghế ngồi khá nhỏ và thấp nên nếu ngồi lâu sẽ bị “mỏi gối, chồn chân”. Mỗi bàn có một chiếc quạt nhỏ, vào ngày hè, phòng đọc khá nóng... Thế nhưng, tôi vẫn luôn tranh thủ sau giờ làm thêm là đến đây để ngồi đọc, ngồi học. Cũng vì, ở đây mọi người sẽ không phải nghe những bước chân vội vã giống như trong một thư viện trường hay thư viện quốc gia nên cảm thấy được thư thái, tĩnh tâm tập trung vào việc đọc, việc học” - bạn Bá Chung nói. Còn Hà Thương thì chia sẻ rằng cô đã vô cùng bất ngờ khi tìm được ở thư viện cuốn sách “Hành trình về phương Đông” của tác giả Baird T. Spalding. Trước đó, được cô giáo dạy môn triết học giới thiệu, Hà Thương đã đi tìm ở nhiều nhà sách nhưng không thấy. Những tưởng sẽ đành phải chờ sách được tái bản dịp khác, thế nhưng, Thương không ngờ đã không chỉ tìm thấy cuốn sách ở thư viện mi ni mà còn được đọc miễn phí.

 

“Mai mối” từ lan tỏa


 

Được mở cửa từ tháng 9/2019 nhưng thư viện miễn phí mới thực sự đón độc giả khoảng 5 tháng. Cũng vì dịch Covid-19 nên sau lịch nghỉ Tết, thư viện không thể mở cửa. Đến tháng 5, vừa mở cửa trở lại, độc giả đã “í ới” rủ nhau ghé tới vì “thấy nhớ quá” (như Hà Thương bày tỏ), vì “được bạn bè mách thì tới thử xem sao” (như Bá Chung chia sẻ). 

 

Thư viện miễn phí này được tổ chức bởi những cán bộ trẻ của Công ty Authentic Store. Theo chị Vũ Thị Hà, thành viên sáng lập và trưởng ban truyền thông của Công ty Authentic Store, mọi người trong công ty đã lên ý tưởng rồi gom góp sách, gom góp công sức, tự tay trang trí, sắp xếp, chuẩn bị những kệ sách... để có được một phòng đọc nhỏ xinh... dành cho những người yêu sách. Mới hôm nào những kệ sách có phần trông trống thì giờ đây chúng đã ăm ắp với 400 - 500 đầu sách. Sách được xếp theo từng lĩnh vực như: Kinh doanh, tài chính, y học, nhân sự, marketing, chiến lược, kỹ năng, văn học, văn kinh phật, sách thiền...

 

Dù không gian không rộng nhưng phòng đọc miễn phí ấy không gây ra cảm giác bức bối mà lại rất đỗi thảnh thơi bởi màu xanh mát tỏa ra từ lọ cây thủy sinh đặt trên bàn đọc. Đặc biệt, dòng chữ “biết ơn vì bạn đã ở đây” được gắn trang trọng trên bàn như càng thúc giục mỗi người hãy dành thời gian để đến và được thư viện lan tỏa rồi “mai mối”... tình yêu sách.

 

Chẳng thế mà, đã quá 5 giờ chiều, hai sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Ngoại thương - Thu Hương và Hà Thương vẫn say sưa bên những trang sách. Ngừng lại giây lát chuyện trò, cả hai bạn trẻ đều ví thư viện miễn phí này như một “bà mối”, mới có mấy tháng mà đã không chỉ “xe” cho họ biết bao cuốn sách chuyên ngành bổ ích mà còn “xe” cho họ những tình bạn đẹp với những người bạn ở các trường khác như Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Đơn giản thôi, mọi người cùng đến đọc sách, học bài rồi thư giãn thưởng thức những tách trà, nhâm nhi viên kẹo... kết nối những tình bạn từ đây.
 

Không chỉ thế, với riêng Thu Hương mỗi lần đến thư viện là một lần được... về nhà. Được biết đến thư viện qua Facebook, ban đầu, Thu Hương đến thư viện với tâm lý có phần e ngại bởi hai chữ miễn phí. “Thế nhưng, tôi đã bị hấp dẫn khi vừa bước chân vào thư viện thì đã được dòng chữ “Well come home” mời gọi nên cứ ngỡ như được trở về nhà. Cảm giác ấy tăng lên khi tôi ngồi đọc sách trên những chiếc bàn mộc mạc rồi ngước nhìn ra cửa sổ màu xanh; khi tôi thưởng thức tách trà, viên kẹo và cần phải dọn dẹp gọn gàng. Cũng từ không gian ấy, tôi không chỉ được đọc những cuốn sách mình mong muốn mà còn được gợi ý rất nhiều cuốn sách hữu ích khác nữa” - Thu Hương nói.

 

Sự “mai mối” này không bị khuôn trong không gian nhỏ xinh của thư viện mà còn “mai mối” đến cả cộng đồng. Không ít độc giả đã dành lời ngợi khen đây là một mô hình rất hay, góp phần kết nối tri thức cũng như chia sẻ những cuốn sách hay, lan tỏa văn hóa đọc sách trong cộng đồng. Từ đó, không ít độc giả đã “ngỏ ý” với bộ phận quản lý thư viện “xung phong” đồng hành bằng việc góp sách có khi trực tiếp mang đến, cũng có khi gửi qua bưu điện, shipper.... Như độc giả Nguyễn Kiên Cường ở Khu đô thị Nam Thăng Long - Ciputra, Tây Hồ đã nhắn tới anh Đỗ Thảo - thành viên sáng lập và quản lý thư viện chuyện độc giả này đã giữ lại thùng sách của hàng xóm định bán đồng nát để quyên góp cho thư viện. Với nguồn sách dồi dào ấy, sau khi lựa chọn, phân loại, thư viện đã dành hẳn một kệ chứa những đầu sách có nhiều cuốn và tặng lại cho độc giả cần. Ngoài ra, không ít độc giả còn gợi ý việc nhân rộng mô hình này không chỉ ở Hà Nội mà cả ở Sài Gòn...  

 

“Từ văn hóa phục vụ của Authentic Store cũng như niềm mong muốn lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, chúng tôi quyết định mở thư viện miễn phí này. Thư viện có kẹo, trà, cà phê... phục vụ miễn phí với mong muốn đem đến cho độc giả những giây phút thư giãn thú vị khi đọc sách, học bài tại không gian này. Kinh phí vận hành thư viện không nhiều, chủ yếu do nhân viên và ban quản lý dự án ủng hộ, đóng góp. Dù không có thủ thư và miễn phí tất tần tật nhưng chúng tôi đã xây dựng được ý thức tự quản của độc giả. Ngoài việc “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, mỗi độc giả đến với thư viện còn cùng chung tay giữ gìn thư viện xanh, sạch, đẹp. Chúng tôi rất vui mừng vì được độc giả không chỉ ở Hà Nội mà ở các nơi khác cũng quan tâm, ủng hộ. Vì vậy, trong tương lai, chúng tôi mong muốn sẽ mở thêm các điểm thư viện miễn phí khác để có thể lan tỏa hơn nữa tình yêu sách tới cộng đồng, nhất là các bạn trẻ” - chị Vũ Thu Hà nói.

 

Hoàng Anh/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/thu-vien-mien-phi-mai-moi-tinh-yeu-sach_261401.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)