1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

Nồng ấm ''Giọt máu hồng''

08/09/2020
"Ngày cha ra mặt trận Gửi yêu thương trong mẹ giọt máu hồng Lời hẹn ngày chiến thắng Sẽ trở về với mẹ, với quê hương…" Từ nhẹ nhàng đến da diết, từ tha thiết đến lắng sâu và đẩy lên cao trào hùng ca. Ca khúc “Giọt máu hồng” vừa mới được giới thiệu đến công chúng, đã rót vào lòng người nghe biết bao tình cảm xúc động, từ đó nhân lên lòng tri ân biết ơn sâu sắc tới các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với cách mạng vì sự bình yên của đất nước.


Liệt sĩ Nguyễn Văn Lưu và vợ Tưởng Thị Diệp (ảnh chụp năm 1963)
 

Bi tráng mà nồng ấm

 

Bắt đầu từ bản phối piano nhẹ nhàng, “Giọt máu hồng” mở ra bằng câu chuyện người con kể về nguồn cội của mình. Ấy là, ngày cha trao gửi cho mẹ giọt máu hồng và từng hẹn: “…ngày chiến thắng/ Sẽ trở về với mẹ, với quê hương”, để gieo niềm hãnh diện, tự hào: “Con cắp sách đến trường/ Tự hào có cha người chiến sĩ tuyến đầu”. 

 

Thật tự hào khi người cha ấy đã cùng đồng đội xông pha: “Diệt quân thù giữa lòng thành cổ”, khi cùng góp mặt ở những trận tuyến ác liệt: “Rồi Tà Cơn/ Khe Sanh, Đường Chín”… Dẫu rằng, “Máu đồng đội cha loang đỏ dòng sông Thạch Hãn” hay “Trận chiến nào cũng bão đạn mưa bom”… Dòng nhạc ở đây cuồn cuộn chảy hào sảng mà bi hùng trong niềm kiêu hãnh của thế hệ trẻ hôm nay về thế hệ cha ông đã hiến dâng tuổi trẻ của mình cho nền độc lập của quê hương, đất nước.

 

Và, trong biết bao chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cho ngày chiến thắng của dân tộc cũng có người cha dũng sĩ ấy. Dẫu rằng: “Mẹ ngã khuỵu bên bờ ruộng lúa/ Gào khóc gọi tên cha giữa cánh đồng” nhưng với người con, nỗi đau riêng ấy đã hóa thành lòng thành kính biết ơn cha mình hay cũng là biết ơn thế hệ đi trước: “Đã ngã xuống cho bình yên đất nước”. Cũng bởi vậy mà: “Bóng hình cha là tượng đài bất tử/ Biết ơn người - cha luôn ở trong tim”. Thế nên, dù “Giọt máu hồng” mang đậm chất bi tráng nhưng luôn hào sảng, nồng ấm; ăm ắp những mất mát nhưng không bi lụy, đau thương. Những ca từ mộc mạc, giản dị giai điệu tự sự ngọt ngào tình cảm và được đẩy lên cao trào ở khổ cuối được ca sĩ trẻ Tường Lâm (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) thể hiện khá thành công qua giọng hát ấm áp và truyền cảm của mình.


 

Gửi gắm những ước mong

 

Thật ngạc nhiên khi được biết ca khúc “Giọt máu hồng” là tác phẩm âm nhạc mới nhất không phải của một nhạc sĩ chuyên nghiệp mà là của một… nhà báo. Đó là nhà báo Tào Khánh Hưng - Phó Tổng biên tập báo  Xây dựng. Lý giải về câu chuyện ghé sang lĩnh vực âm nhạc, nhà báo  Tào Khánh Hưng kể: Anh bắt đầu đến với âm nhạc cách đây 3 năm với sáng tác đầu tay là ca khúc: "Nhớ mẹ", rồi tiếp đến là "Nỗi nhớ", "Tự hào cô giáo trẻ", “Trường Sa yêu thương”, “Nhà báo chúng tôi”, “Áo trắng tuyến đầu” và “Mường Tè quê em”… Với anh, nghề báo là đam mê vì được đi nhiều nơi, nhiều trải nghiệm; nên mỗi chuyến đi công tác ngoài các bài báo viết theo dòng thời sự thì anh luôn chắt chiu những chi tiết, hình ảnh để khi có điều kiện sẽ viết thành ca khúc. 



Ca khúc “Giọt máu hồng” -Nhạc và lời: Tào Khánh Hưng.

 

Riêng với ca khúc “Giọt máu hồng” được anh sáng tác sau chuyến đi công tác tỉnh Quảng Trị tháng 7 vừa qua. Trong chuyến đi này, anh đã đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường Chín; đến thăm những địa danh nổi tiếng ác liệt mưa bom trong chiến tranh khói lửa như sân bay Tà Cơn, thăm trận địa Khe Sanh, làng Vây, dâng hương hoa tại thành cổ Quảng Trị và dừng lại bên dòng sông Thạch Hãn… Những địa danh ấy ngày bé anh chỉ nghe trên đài báo, giờ được đến tận nơi nên trong lòng dâng trào biết bao cảm xúc. Đặc biệt, trong sâu thẳm, anh còn có một nỗi niềm riêng khác. Đấy là những nghĩ suy, nhớ thương về người cha - liệt sĩ Nguyễn Văn Lưu (cha vợ - PV); những niềm tự hào khi trong những ngày khói lửa ác liệt nhất, đó là những năm 1966, ông đã có mặt tại đây cùng đồng đội tham gia những trận đánh oanh liệt trong thành cổ Quảng Trị, Khe Sanh , Tà Cơn… và ông đã hy sinh anh dũng. 

 

Với tình cảm đặc biệt ấy, nhà báo Tào Khánh Hưng nghĩ mình phải làm một việc gì đó để tri ân các liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống vì sự bình yên đất nước để rồi viết liền một mạch 4 bài thơ: “Cha ở đâu?”, “Mẹ vẫn đợi”, “Cha về miền cực lạc” và “Giọt máu hồng”. Trong đó, bài thơ “Giọt máu hồng” còn được anh chắp thêm đôi cánh âm nhạc; để ca từ được bay cao, bay xa. Đó cũng là niềm tự hào, lòng kính trọng của những người con, người mẹ về những người thân yêu của mình đã ngã xuống hoặc bỏ lại một phần xương thịt trong công cuộc kháng chiến cứu nước. Máu đỏ của các liệt sĩ ấy đã tô hồng non nước.

 

Ngoài ra, thêm một lý do khác nữa: “Mẹ tôi (bà Tường Thị Diệp - mẹ vợ - PV) đã 80 tuổi, bà vẫn còn khỏe, trí nhớ minh mẫn luôn kể lại ngày bà tiễn ông lên đường nhập ngũ. Cho đến bây giờ bà vẫn không tin là chồng mình đã hy sinh. 

 

"Ở quê nhà mẹ mỏi mắt 

ngóng trông         

Chiến tranh đã qua; 

sao cha không trở lại?

Bến sông xưa, con đò… 

mẹ vẫn đợi

Lưng đã còng, cạn nước mắt 

mẹ khóc cha…"

 

Bà bảo: "Con đò trên bến sông xưa vẫn còn đây mà người thì đi mãi mãi không về: Ngày tiễn ông lên đường nhập ngũ cũng là ngày chia tay không một lần gặp lại. Và với tình cảm yêu thương ấy, ông đã để lại cho bà giọt máu hồng là tài sản duy nhất. Người con gái ấy chưa một lần biết mặt cha, khao khát gọi một tiếng cha ấy giờ cũng đã lên chức "bà" (Chị Nguyễn Thị Lan đang công tác tại một Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng - PV) 

 

Tôi và gia đình bao năm trời đau đáu trong lòng một điều là muốn tìm thấy hài cốt của cha để đón về quê hương. Nhưng có lẽ chúng tôi khó lòng làm được điều ấy vì đạn bom ác liệt của trận chiến mà cha tôi bị trúng bom nên không còn hài cốt nữa. Trong hơn hai mươi ngàn bia mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường Chín cũng không có tên ông.

 

Mỗi khi đến ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), ngày Tết Độc lập 2/9 và Tết cổ truyền của dân tộc; chúng tôi thắp nén hương  thơm cầu mong cho linh hồn cha siêu thoát. Và trong nhiều năm gắn bó với nghề báo, tôi luôn mong muốn một điều là đi thật nhiều để có cơ hội mong tìm thấy hài cốt của cha.

 

Tôi nghĩ, trên dải đất hình chữ S này, cuộc chiến dù đã qua mấy chục năm nay nhưng còn nhiều gia đình khác cũng như gia đình tôi chưa tìm thấy mộ của người thân. Để lan tỏa lòng biết ơn tri ân với các Anh hùng liệt sĩ, các thương binh, mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình có công với cách mạng, tôi đã phổ bài thơ “Giọt máu hồng” thành ca khúc cùng tiếng lòng bay xa chạm tới trái tim của người nghe” - nhà báo Tào Khánh Hưng chia sẻ. 

 

Báo Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/nong-am-giot-mau-hong_262454.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)