1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

Niệm khúc

30/04/2020
Con nghe bài hát "Đời mình là một khúc quân hành" giữa những ngày tháng Tư lịch sử. Dòng nước mắt mặn mòi, nỗi nhớ về cha nghẹn ngào!

Con nghe bài hát "Đời mình là một khúc quân hành" giữa những ngày tháng Tư lịch sử. Dòng nước mắt mặn mòi, nỗi nhớ về cha nghẹn ngào!

Kí ức ngày thơ bé là tiếng hát của cha vào mỗi sáng, chiều, bất cứ khi nào cha thấy vui. Tiếng hát đâu hay, chẳng điêu luyện nhưng sôi nổi của người lính năm xưa thường đứng trong "bè" dàn đồng ca cùng đồng đội. Từ ngày đó con đã thuộc và yêu thích lời ca bài "Nhạc rừng", "Lá đỏ"... từ những buổi nghe cha hát như thế. Con nhớ nhất mỗi khi chiếc đài bán dẫn cất lên tiếng nhạc của bài "Cô gái Sầm Nưa" hay "Anh lính tình nguyện và cô gái Lào", cha lại dẻo tay điệu múa Lăm Vông rất nhịp nhàng. Trong lời kể trầm ấm, hào hứng con được biết đến cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, đồng sả hun hút trong chiều tím thẫm, điệu múa của cô gái Lào bên bếp lửa bập bùng... Tuổi trẻ của cha đã để lại nơi chiến trường, những năm tháng hào hùng xanh màu lá của bộ đội tình nguyện trên nước bạn láng giềng...

Người lính của con luôn giữ phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ khi về giữa đời thường. Cha chẳng nề hà bất kì việc gì để chăm sóc gia đình, giúp đỡ họ hàng, bà con láng giềng. Hội cựu chiến binh phường từ khi có cha và các bác cựu chiến binh đã khởi sắc, hoạt động thật sôi nổi, ý nghĩa. Ngày lễ, cha nghiêm trang trong bộ quân phục, lấp lánh huân huy chương trên ngực, rồi bận rộn tập văn nghệ, thổi sáo, múa khèn. Con thấy trước mắt mình hình ảnh những chàng trai cô gái rạng ngời như trẻ lại, đang được sống những ngày "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" năm nào. Đứa trẻ là con quá bé để hiểu niềm vui, hạnh phúc của những con người từng vào sinh ra tử, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước và giờ đây vẫn được hát khúc quân hành giữa thênh thang hòa bình. Tiếng hát từ kí ức, cho hiện tại và tương lai.

Những ngày nằm trên giường bệnh, chiếc đài là người bạn đặc biệt của cha. Giữa cơn đau, khi tỉnh táo cha vẫn mò mẫm tìm công tắc để nghe chương trình quân đội nhân dân. Các ca khúc nhạc đỏ vẫn vang lên cả trong bệnh viện, nhưng không còn tiếng hát phụ họa của cha. Cha nằm im lặng, thấm thía những ca từ trong từng thớ thịt, hơi thở nhọc nhằn. Tiếng hát đã giữ cha ở lại, bồi đắp niềm tin để cha chiến đấu với bệnh tật, trải qua 13 năm vật vã sau hai lần tai biến. Diệu kì thay!!!

Cha biết không, hôm thanh minh về thăm cha, con đã dừng lại rất lâu nơi cây gạo già đầu xóm. Cây gạo đứng đó từ khi con nhấp nhổm ngồi sau xe cha về quê ngày Tết, là cọc tiêu để đứa trẻ sinh ra ở thị thành không quên dấu dẫn về quê nội. Từ thân cây nứt nẻ, khô sần đã bật lên những bông gạo đỏ thắm thiết tha. Loài hoa rụng xuống vẫn còn nguyên sắc, chẳng bị úa màu. Con nghĩ về cha, người lính của con như thân cây ngỡ già nua, vẫn thao thiết chảy nguồn nhựa sống thiết tha xanh khúc ca với cuộc đời. Chúng con may mắn và tự hào là con của người lính, cha ơi!

Tháng Mười/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/niem-khuc_259009.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)