1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

Những dòng nhật ký thấm đẫm chất văn của người liệt sĩ trung kiên

16/08/2020
Đó là lời giới thiệu trong quyển nhật kí khá đặc biệt của một chiến sĩ mãi mãi ở tuổi thanh xuân. Ông là liệt sỹ Hoàng Thế Vinh , sinh ngày 2/10/1955, quê ở xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Học hết lớp 7 (tương đương tốt nghiệp THCS bây giờ), ông đã vào Nam chiến đấu, nghe theo tiếng gọi non sông, cất bước ra đi. Sau khi góp phần chiến thắng vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975, ông tiếp tục lên đường đi chiến đấu ở biên giới. Đến ngày 4/11/1977 Hoàng Thế Vinh đã ngã xuống tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Thuộc đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4. Chức vụ Tiểu đội trưởng. Lúc ông hi sinh vừa tròn 22 tuổi.

Năm 1978, gia đình  nhận được giấy báo tử của ông. Như bất kì ai có con cháu hi sinh khác, ông bà, cha mẹ và anh chị em của ông đau khổ biết chừng nào. Một người con trai cả với bao nhiêu hi vọng được mọi người mong ngóng, chờ đợi. Bà Hoàng Thị Bình, chị gái của liệt sĩ kể lại: “Hoàng Thế Vinh không những là người thông minh mà còn rất khôi ngô, lại có nhiều tài lẻ như thổi sáo giỏi, hát hay. Mỗi lần nhắc đến ông, mọi người trong gia đình và hàng xóm láng giềng vẫn nhắc đến các tài lẻ ấy. Sau này ông đi chiến đấu là người có tài bắn súng rất giỏi. Đồng đội, đồng chí cùng đi chiến đấu với liệt sỹ Hoàng Thế Vinh kể rằng ông bắn súng chỉ thua Trung đoàn phó mà thôi. Điều đó cũng được ghi trong quyển nhật kí và qua mấy lá thư viết cho em trai là ông Hoàng Xuân Quang”.

Trên tay tôi là quyển nhật kí rất dày. Nửa trước được liệt sĩ ghi những chặng đường, nơi ông và đồng đội đã đi qua. Nỗi nhớ khôn nguôi về người vợ chưa cưới, về gia đình, làng xóm, về những gì thân thuộc, nơi có tuổi thơ cùng bạn bè chơi trong đêm trăng thanh gió mát cùng nhau ra biển ngắm trăng. Những vần thơ ứa lệ được ông thể hiện khi người bạn tri kỷ của mình hi sinh trong trận đánh ở Xuân Lộc, trên đường tiến đánh quân thù... Tất cả như ùa về trong tim của người chiến sĩ, làm cho người lính chiến càng nhớ da diết

Bên cạnh những bài thơ đầy ắp chất trữ tình lãng mạn của một chàng trai mới lớn, luôn yêu cái đẹp và biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một cô gái Lào, cánh đồng lúa chín, dòng sông Bến Hải, cao nguyên Bô lô ven với vẻ đẹp hùng vĩ.... thì không ít lần liệt sỹ đã ghi lại những khoảnh khắc mình và đồng đội gặp gian khổ trong hành trình chiến đấu. Điều đó cũng được ông ghi lại bằng những tâm tư đầy xúc động: “...vừa xắn ống quần lên vuốt một cái là bầy nhầy những sên. Gớm quá! Càng ngồi nó lại đến càng đông. Sên chui vào cả cổ, cả lưng. Sên bò lên mặt nghe buồn buồn. Ban đầu thì cố sức mà bắt, nhưng sau vì mệt quá thì kệ nó. Cho chúng mày cắn tự do. Lúc hành quân không có thì giờ đứng lại mà bắt vì hễ hở ba lô của người đi trước thì y như lạc còn khi nghỉ được 10 phút thì không sức nào mà bắt cho lại nó. Bắt được chân này thì chân kia chúng đã bu lại như đỉa đói. Nhiều quá. Sên bò rào rào trên lá khô, bắn lách tách trên cành lá. Thật là một đêm đầy kinh khủng hãi hùng”. Còn đây là cảm xúc khi ông và đồng đội chiến đấu, giáp mặt kẻ thù: “Xung quanh tôi lại thêm rất nhiều đồng đội hi sinh. Có người bị pháo hất tung lên 5, 6m, có người bị mảnh pháo cắt đứt đôi chân. Lòng căm thù trào dâng cao độ. Tôi bất chấp súng đạn địch cứ tiến, không còn nghĩ đến chết là gì nữa...”.

 Mặt sau của nhật kí, ông  ghi lại những trang văn, bài thơ, bài hát, những câu nói nổi tiếng trong nước và thế giới...

Điều nổi bật trên những trang nhật kí và trong các lá thư gửi cho em trai, liệt sỹ Hoàng Thế Vinh luôn hướng về quê hương, hướng về làng Cổ Đạm, cái nôi của làn điệu Ca trù, nơi ông cất tiếng khóc chào đời với niềm hân hoan của dòng tộc, của ông bà, cha mẹ; nơi có những câu Kiều thân thuộc  mà ông đã nhắc đến trong nhật kí, nơi Uy Viễn tướng công một thời ngang dọc với đời. Những lần hành quân luôn mệt mỏi nhưng người con yêu nước, yêu quê ấy vẫn luôn hướng về quê, nghĩ và nhớ về quê. Niềm nhớ thương đau đáu ấy ngày càng được ông bộc lộ rõ theo năm tháng. Chàng thanh niên mới mười chín, hai mươi tuổi mà thâm trầm, sâu sắc. Lúc nào cũng lo cho cha mẹ, lo cho các em và mọi người ở quê  đói rét. Liệt sỹ Hoàng Thế Vinh dặn em trai rằng khi ông đi chiến đấu ở biên giới không được nói với gia đình biết mà nên ghi thư về động viên cha mẹ thường xuyên. Những lời hỏi thăm, chỉ bảo, an ủi, động viên mỗi lúc em trai  gặp khó khăn trên chặng đường vừa nhập ngũ, những lời tâm sự của ông Vinh giống như lời của người cha với con trai mình vậy.

Liệt sỹ Hoàng Thế Vinh đã hi sinh vì Tổ quốc, vì thế hệ trẻ chúng ta. Ngày nay, đất nước đang đổi mới. Chúng ta không còn cảnh sống lầm than, gian khổ nữa. Cho nên, đọc những dòng nhật kí này, tôi và không ít bạn trẻ không khỏi giật mình bởi nhiều lúc mình cảm thấy chán nản trước những khó khăn trong cuộc sống. Đôi khi vất vả trong cuộc hành trình mưu sinh ta gần như có suy nghĩ tiêu cực, chán nản, buông xuôi, nhưng khi được đọc những dòng nhật kí này, một sức mạnh vô hình nâng bước tôi đi. Lòng tự hào về quá khứ của cha ông, niềm tự tin để mình cất bước trên những chặng đường mới. Đó là nhờ vào linh hồn bất tử mà liệt sĩ Hoàng Thế Vinh đã thắp lửa. Những dòng chữ ấy được liệt sỹ viết ra bằng tất cả tâm huyết, vượt những khó khăn, gian khổ trên chặng đường hành quân và nó được trộn lẫn với mồ hôi, nước mắt, máu, tuổi thanh xuân và chính mạng sống của mình.    

Phan Bích Hồng/ Môi trường & Xã hội

http://moitruongvaxahoi.vn/nhung-dong-nhat-ki-tham-dam-chat-van-cua-nguoi-liet-si-trung-kien-440962397.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)