1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Truyện - Chân dung

Người bác sĩ có ''bàn tay vàng''

20/03/2020
Bác sĩ Đinh Xuân Huy - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tim trẻ em, Bệnh viện Tim Hà Nội được các bệnh nhân và người trong nghề yêu mến, khâm phục và vinh danh là vị bác sĩ có “bàn tay vàng”. Suốt 15 năm trong nghề, bác sĩ Huy đã tận tình cứu chữa thành công nhiều ca bệnh phức tạp, hiểm nghèo, trả lại cho các em nhỏ trái tim lành lặn, khỏe mạnh.

ThS. BS. Đinh Xuân Huy, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tim trẻ em, Bệnh viện Tim Hà Nội

Vị bác sĩ tài hoa

Bác sĩ Đinh Xuân Huy sinh năm 1972 tại Hà Đông (Hà Nội) hiền  từ, nhân hậu, được đồng nghiệp yêu mến, đồng thời là ân nhân của rất nhiều người bệnh trên khắp cả nước. Trò chuyện với bác sĩ Huy mới thấy tình yêu nghề, sự thông cảm và thương yêu bệnh nhân thấm đẫm trong ông. Đặc biệt là ông luôn canh cánh nỗi lo về căn bệnh tim bẩm sinh đang ngày một gia tăng với nhiều trẻ em Việt Nam. 15 năm công tác tại Bệnh viện Tim Hà Nội là một quá trình ông tự rèn luyện, nỗ lực và nâng cao hiểu biết không ngừng. Tên tuổi của bác sĩ Huy đã trở nên thân thuộc trong ngành Phẫu thuật Tim và thực sự đã chiếm được tình cảm của nhiều gia đình người bệnh ông từng gặp gỡ và chữa trị. Có nhiều ca bệnh khó, căn bệnh phức tạp, tưởng chừng như y học phải “bó tay”, nhưng bác sĩ Huy vẫn kiên trì vượt qua mọi khó khăn, tìm ra được phác đồ điều trị chuẩn xác nhất và khắc phục được mọi biến chứng.

Bác sĩ Huy chia sẻ, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, (năm 1994), để xin được một công việc là rất khó khăn. Nhiều người bạn của ông phải bỏ nghề. Có những người đã chọn cho mình con đường đi làm trình dược viên để có thêm thu nhập. “Thời đó, làm trình dược viên thu nhập rất tốt, 300 USD/ tháng. Tôi cũng đã rất băn khoăn với việc theo đuổi nghề y hoặc chuyển sang làm trình dược viên. Thậm chí, đã có nhiều lúc xao động, nao núng. Thế rồi cuối cùng, với lòng yêu nghề tha thiết, tôi đã chọn lựa theo trái tim mách bảo, kiên tâm xin vào những bệnh viện công để vừa học vừa làm. Đó là những năm tháng thực sự rất khó khăn, vì làm bác sĩ vừa học vừa làm thì gần như không có tiền để trang trải cuộc sống!”, - bác sĩ Huy nói.

Làm tại một vài bệnh viện công, bác sĩ Huy bắt đầu tìm hiểu và đi chuyên sâu vào ngành ngoại khoa. Đến cuối năm 1996, đầu năm 1997, bác sĩ Huy trở lại Đại học Y và học Cao học về ngoại khoa, đồng thời bắt đầu phát triển các nghiên cứu sâu về tim mạch. “Bước ngoặt lớn nhất đối với tôi để có được tay nghề phẫu thuật tim mạch như ngày hôm nay có lẽ là cuộc gặp gỡ với thầy, GS. Đặng Hanh Đệ - đây cũng là người thầy tôi luôn trân trọng và có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của mình. Tôi gặp thầy năm 2001 khi đi ngoại khóa tại Bệnh viện Việt Đức. Từ thầy, tôi tìm được cảm hứng cho chuyên ngành phẫu thuật tim, dù thời điểm đó phẫu thuật tim rất là khó. Có lẽ chỉ những bác sĩ giỏi nhất của Bệnh viện Việt Đức mới đi theo phẫu thuật tim mạch. Cũng chính năm 2001, Bệnh viện Tim Hà Nội ra đời. Khi đó, tôi cùng vài đồng nghiệp nữa được GS. Đặng Hanh Đệ giới thiệu đến Bệnh viện tim Hà Nội để đào tạo, rồi tiếp nữa, chúng tôi được cử đi nước ngoài học tập”,- bác sĩ Huy chia sẻ. Sau một quãng thời gian tu nghiệp tại rất nhiều nước từ châu Á cho đến châu Âu, năm 2004 bác sĩ Huy mới về Hà Nội và bắt đầu triển khai các phương pháp phẫu thuật tim mạch theo các chương trình đã được đào tạo.  

Trong 15 năm làm nghề, bác sĩ Huy đã cứu sống hàng nghìn bệnh nhân, mang lại cuộc sống tươi đẹp cho rất nhiều em nhỏ. Trong đó, có những bệnh nhân đã được bác sĩ Huy giành lại mạng sống mong manh từ tay “tử thần”. Chẳng vậy mà chỉ cần đến Bệnh viện Tim Hà Nội, hỏi về bác sĩ Huy thì nhiều người có thể kể những câu chuyện - những ca bệnh hiểm nghèo, thậm chí, có những ca bệnh tưởng chừng không thể chữa được nhưng, bằng niềm tin, bản lĩnh vững vàng và tay nghề tinh thông, bác sĩ Huy đã mang đến phép nhiệm màu cho gia đình các bệnh nhân.

Giành lại sự sống từ bàn tay tử thần

Năm 2018, bác sĩ Đinh Xuân Huy cùng kíp phẫu thuật đã thực hiện ca phẫu thuật hy hữu cho bé Trần Gia Lộc, vừa mới sinh, nặng 2,9 kg, nhưng bé đã mắc bệnh tim bẩm sinh hiểm nghèo. Sau khi sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh nhi được chuyển ngay sang Bệnh viện Tim Hà Nội cấp cứu.  Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành nong ống động mạch và truyền thuốc để duy trì ống động mạch. Tuy nhiên, hiệu quả của nong ống động mạch không đạt như mong muốn, dẫn tới trẻ suy tim nặng hơn và các biến loạn trong cơ thể rất nặng, toan chuyển hóa sâu. Trước lựa chọn sinh tử, Ban Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo phải phẫu thuật đặt lại vị trí hai đại động mạch cho bệnh nhi. Ca phẫu thuật lớn này có thể nói là hy hữu từ trước tới nay ở Việt Nam, khi bệnh nhân còn quá nhỏ.

Về trường hợp này, bác sĩ Đinh Xuân Huy nhớ lại: “Bé Gia Lộc được chẩn đoán từ trước sinh - bệnh tim bẩm sinh nặng, chuyển vị đại động mạch. Thông thường sẽ phải để chậm lại, tránh một cuộc đại phẫu, chờ cháu được 1 - 2 tuần tuổi thì mới phẫu thuật. Nhưng với trường hợp đặc biệt này, chúng tôi phải quyết định mổ ngay. Khi lên bàn mổ cháu mới được 21 giờ tuổi, bởi nếu để muộn hơn, bé sẽ không còn có thể sống được”. Điều kỳ diệu đã xảy ra, sau khi được đại phẫu một tháng, bé Trần Gia Lộc đã có thể được xuất viện, về trong vòng tay của ông bà, bố mẹ.

Năm 2016, bác sĩ Huy cùng các đồng nghiệp cũng đã phẫu thuật thành công một ca rất khó khác cho một bệnh nhi 9 ngày tuổi, nặng 1,47kg. Đây là ca mổ cho bệnh nhi tim mạch có cân nặng nhỏ nhất từ trước đến nay tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Bệnh nhi này là một trong hai bé sinh đôi sinh ở tuần tuổi 37 không may mắc phải bệnh còn ống động mạch. Bé được chuyển đến Bệnh viện Tim Hà Nội trong tình trạng da tái xanh, nhịp tim không bình thường. Theo bác sĩ Huy, khó khăn lớn nhất khi thực hiện ca này là việc gây mê hồi sức. Lúc đó, do cháu bé có cân nặng thấp, nên các trang bị, dụng cụ mổ yêu cầu phải rất đặc biệt. Riêng việc chọc ven cho bé rất khó, đặt xông tiểu thì không đặt được... Sau khi lên các phương án, chuẩn bị rất công phu, bác sĩ Huy đã mổ cắt khâu thành công ống động mạch, đưa quả tim cháu bé trở lại bình thường.

Một câu chuyện nữa là bé Lãnh Quang Huy. Năm 2005, khi bé Huy 4 tuổi, được gia đình đưa tới Bệnh viện Tim Hà Nội khám và phát hiện bị hạch khít dưới van động mạch chủ (ĐMC) và van bị dị dạng bẩm sinh. Khi đó, cháu được một giáo sư người Pháp, cũng là người thầy của bác sĩ Đinh Xuân Huy phẫu thuật. 7 năm sau, bệnh nhi Huy lại được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Tim Hà Nội trong tình trạng suy tim độ 4, tim to bằng người trưởng thành, hẹp van 2 lá, chênh áp 125/70mmHg, nếu không mổ cầm chắc sẽ tử vong. “Sau khi kết luận tình trạng của bệnh nhân, tôi vừa buồn vừa thương cháu. Tôi suy nghĩ rất nhiều vì nếu không mổ thì cháu sẽ chết, mà mổ rồi không có van thay thì cháu cũng không thể sống. Nếu bình thường cũng còn có thể lấy van động mạch phổi ghép sang van tim, nhưng ở bệnh nhân nhỏ này lại không thể thực hiện nổi, vì van đã hở ba phần tư, suy tim độ 4, lại đã từng mổ 7 năm trước rồi, nên càng không thể lấy được” - bác sĩ Đinh Xuân Huy nhớ lại. Cuối cùng, sau khi cân nhắc kỹ, bác sĩ Huy vẫn quyết định phải mổ, với một hy vọng mong manh là dù hở van 2 cánh thì vẫn có thể sửa chữa được. Thay van đối với trẻ nhỏ là lần đầu tiên bác sĩ Huy thực hiện từ ngày ra trường và đó cũng là ca thay thế rất khó đầu tiên mà Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện. Cả kíp mổ ngày hôm ấy đã trải qua cuộc “vật lộn” kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ để giành lại sự sống cho cháu Huy. Ca mổ đã thành công vượt mong đợi. Sau hơn một tháng nằm tại khoa hồi sức, cháu Huy đã được xuất viện.

Qua thực tiễn điều trị ở Bệnh viện Tim Hà Nội, với niềm đau đáu khôn nguôi về những trẻ em không may sinh ra đã bị bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ Huy đã cùng các đồng nghiệp của mình thường xuyên tổ chức các chuyến công tác đi đến mọi miền Tổ quốc, từ biên giới cho đến hải đảo, để khám và phát hiện những ca bệnh nhi có các biểu hiện liên quan đến tim. Nếu phát hiện những hoàn cảnh nào quá khó khăn thì Bệnh viện Tim Hà Nội sẽ phối hợp với các nhà tài trợ để chữa trị miễn phí. Với cách làm ấy, mỗi năm, các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội cũng đã mổ miễn phí được gần 100 trẻ em mắc các bệnh về tim, nhất là bệnh tim bẩm sinh ở các gia đình nghèo trên cả nước, không có điều kiện đưa về các bệnh viện ở Trung ương chữa trị. Đó là một nỗ lực sáng tạo phi thường của Bệnh viện Tim Hà Nội.

Năm 2018, với những thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn, bác sĩ Đinh Xuân Huy đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen. Đối với bác sĩ Huy và tập thể cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội, món quà lớn nhất là sau phẫu thuật, các bệnh nhân nhi đều sẽ trở thành đứa trẻ bình thường, lớn lên khỏe mạnh và ra đời học tập, công tác mà không còn di chứng của bệnh tim bẩm sinh…

Hiền Trần/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/nguoi-bac-si-co-%E2%80%9Cban-tay-vang%E2%80%9D_256975.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)