1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

Nghệ nhân làng lụa bên sông

19/06/2020
Tôi biết làng ấy bởi thơ, ngày tôi đến mà như trở lại. Dòng sông Đáy hiền hòa, đứng bên này chỉ thấy ngô mà chẳng còn thấy dâu, bến sông hẳn đã vắng người giặt lụa? Nghề tằm tang, có từ xa xưa, đem danh tiếng về cho làng Phùng Xá - xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Nghề lụa có thời đã khiến cả khúc sông Đáy này nhộn nhịp, giờ vẫn tiếng thoi đưa nhưng gấp gáp hơn, vì dệt máy và thành phẩm không chỉ có lụa tơ mà phần lớn là khăn mặt bông. Ngõ làng đã lát, chợ đã xây cầu, bờ sông bên làng đã kè đá… người Phùng Xá vẫn hồn hậu như xưa nhưng làng Phùng Xá đã khác đến từng nếp nhà.


Những sợi tơ sen cũng trở thành “nguyên liệu” dệt của nghệ nhân Phan Thị Thuận.

Ngõ cận sông, nhà nghệ nhân Phan Thị Thuận thường đông khách - có khi đông khách nhất làng. Người phụ nữ có dòng dõi mấy đời tằm tang này đã thu hút bao người bởi những tấm lụa tơ tằm đẹp như nắng trời, mềm như cánh hoa với những sắc màu của thiên nhiên tụ lại. Bà chứng kiến khi nghề thịnh, vui lắm. Con trẻ trong làng cũng phải học nghề và làm không hết việc. Như bà, 8 tuổi đã thạo đường tơ, cửi. Thế nhưng, đời bà cũng lại chứng kiến nghề suy. Người làng dỡ khung cổ vứt đầy, bà xót xa bảo chở đến nhà bà, cái nào dùng sẽ lắp lên, còn hẵng cứ để đấy mong có ngày nghề thịnh trở lại. Người làng lắp máy dệt khăn mặt, đóng cho chủ hàng xuất theo công - ten - nơ đi nước ngoài. Người làm công thì có việc, ông chủ thì có lãi. Nghề tằm tang của làng có nguy cơ thất truyền. Bà nghĩ lắm, có duyên với con tằm, bà không thoát khỏi tơ vương này, nên có nghèo cũng quyết giữ nghề. Bà vẫn tơ sợi, từ cái khăn cho đến tấm áo, từ lụa cho đến thô đũi. Bà đi đúng lối xưa từ hoa cho đến màu. Chả mấy làng nghề giữ được nếp xưa, nên bà mong giữ cho bằng được.

 

Xu hướng thời trang phong phú hơn xưa, hàng thủ công được chú ý hơn, hi vọng cũng nhen lên trong bà. Quả đúng như thế, lụa Phùng Xá có tiếng, người xa gần lác đác tìm về, tìm thấy bà, như thể tìm thấy cả một vùng tằm tang tưởng chừng đã xa khuất. Đôi người mua làm quà tặng, đôi người mua buôn về Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, có người lại muốn lụa này giữ hồn cốt mà mang dáng hình khác. Bà Thuận không ngần ngại xắn tay áo, tay dệt, đầu nghĩ suy xem sản phẩm mới sẽ hình thành và sống trong thị trường như thế nào?

 

Một mình không đặng, bà gọi chị em trong làng cùng tìm tòi đáp ứng được thị trường mới, rồi cũng mạnh dạn tham gia các hội chợ lớn, nhỏ. Lụa Phùng Xá dần dần vững vàng hơn. Xưởng có tiếng thoi, nong kén chật lối. Nhiều khung cửi không còn phải lặng thinh mà rộn ràng trong xưởng. Khăn lụa hồng đào, khăn hoa hiên, áo lụa màu xác pháo, áo màu tím hồng có cả. Người ta tìm về làng nhiều hơn, chị em có tiền chi tiêu cũng yên tâm giữ nghề.

 

Đặc biệt năm 2010 nghệ nhân Phan Thị Thuận còn sáng chế ra để con tằm tự dệt tấm chăn. Ấy là, tạo đúng kích thước mình cần, để lứa tằm lên đó, kê kích thước cao để tằm “đủ sợ”. Tằm cứ mải miết nhả tơ vàng, tự dệt theo khuôn thước đã định tấm tơ, và độ cao “đủ sợ” kia khiến các con tằm quay lại, không rơi xuống. Khoảng 20 - 20 ngày “công thợ” tằm ngày đêm dệt xong tấm chăn. Chả gì bằng tận dụng công ấy, thế nên trong các mặt hàng của Phùng Xá ngoài tơ đũi còn có loại chăn cao cấp trứ danh này. Nói tưởng dễ, nhưng cái khoảng vuông để cho tằm tự dệt kia phải kín bưng, không ồn ào, không có tiếng động mạnh, sợ tằm giật mình… cùng những sự “chiều chuộng” bí quyết nhà nghề nữa thì mới có được cái ruột chăn tơ tằm tự nhiên. Sau đó mới lại chần tay, mất mấy công thợ khéo, mới ra cái chăn tằm.

 

Phải yêu nghề, phải thấu hiểu nghề tằm tang lắm, bà Thuận và người làng mới có và theo đuổi thành công những phát kiến như mơ này.

 

Chưa hết, khi có dự án dệt tơ sen do đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đưa về bà Thuận lại 1 lần nữa mất ngủ. Đành rằng anh chị em làm dự án cũng nhiệt tình, song kinh phí không nhiều. Mọi thứ phải bắt đầu từ “tay làm đầu suy nghĩ”. Bao nhiêu cuống sen để se thành sợi, sợi giăng mắc thế nào để dệt nên khăn? 

 

Năm 2017, bà đã xin trồng sen khắp các ao làng, để đến mùa chọn cuống đúng độ bánh tẻ, vì bà nghĩ chỉ thời điểm này cuống sen mới cho tơ nhiều nhất, già hơn, tơ sẽ tiêu hết… Những tưởng cuống sen để tàn, đợi mùa mới, đôi người sang thu tìm hồ sen chụp bức ảnh mùa đi. Thế mà cuống ấy, đúng độ đem về làng, tay rút tơ, tay se sợi, tay mắc cửi, tơ sen đã thành vải… Chỉ có những đôi bàn tay người mới làm nổi, chưa có máy móc nào hỗ trợ được việc này. Điều tưởng như không thể kia đã thành sự thật, chiếc khăn từ sợi tơ sen đã được dệt nên, với mức giá thật xứng đáng với công sức của bà bỏ ra. 

 


Nghệ nhân Phan Thị Thuận tận tình chỉ bảo cho các thế hệ sau kỹ thuật dệt.

 

 Máy móc, điện sáng cần lắm cho công nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhưng với việc dệt tơ sen phải làm bằng tay. Chưa thể có máy nào rút sợi tơ mềm như khói kia ra được, rồi trải xuống mặt bàn ướt, miết vặn chúng lại thành một thứ tơ sợi dài, bó nọ, nối bó kia. Rồi xâu lỗ giăng mắc, sợi dọc, dệt sợi ngang, chân đạp, mắt nhìn, tay đưa… Cái khăn ra đời thơm mùi sen, mùi nắng, thấm đẫm tình cảm, tấm lòng người dệt. 2 năm qua đi, từ mới chỉ biết Myanmar, Philippines dệt được tơ sen, thì sau dự án này và bằng bàn tay khéo léo, sự tận tâm của bà Thuận, vải tơ sen Việt Nam đã được biết đến. Thế mới thấy, sự sáng tạo của con người là vô tận, những tưởng không thể, không bao giờ mà lại thành sự thật, hiển hiện trước mắt. Không những thế trong xu hướng hiện đại tìm về sự khôi nguyên, tìm về với thiên nhiên… thì những sản phẩm thủ công, có nguồn gốc tự nhiên được đề cao và lụa Phùng Xá, tơ sen Phùng Xá đã dần dần tìm được chỗ đứng trong thị trường Việt Nam và nước ngoài. Người tiêu dùng thích rồi mê mẩn những mềm mượt, xù xì thơm mùi nắng gió, của lụa tơ xứ này mà tìm về. 

 

Bà Thuận nhìn vào đống khung cửi hàng xóm phá đi, xếp đống ven tường xưởng buồn rầu: Vì nhiều lẽ, mà người làng không theo nghề được nữa, dệt khăn mặt lại yêu cầu dàn máy khác, nên họ dỡ khung cửi, tôi xót xa, đem về đây, mong là sau này nghề phát triển, mở rộng, lắp lại như xưa. Vẫn nhiều người yêu thủ công mà.

 

Tôi cũng chỉ chung mong ước thế. Mong rằng bến sông lại giặt lụa như xưa. Bãi kia lại xanh thẫm dâu tằm. Phùng Xá lại lách cách thoi đưa. Khách đường xa lại tìm lối về làng mua lụa, mua khăn, mua cái chăn con tằm tự dệt. Người Phùng Xá bán hàng xong và dẫn khách đi chụp ảnh bãi sông, vãng cảnh di tích đình chùa làng, đi mua quà nơi chợ gần sông…

 

Gần gụi mà như kí ức. Những rêu phong còn đây, đôi câu chuyện làng được kể từ thời xa lắc. Chuyện nghề tằm tang không mất mà tơ sen lại được sản xuất từ làng, vui lắm! Bà Phan Thị Thuận - nghệ nhân của làng cứ mải mê khoe từ cái khăn, cho đến màu lụa, bà đã tìm thấy hạnh phúc cho mình trong niềm đam mê với nghề, giữ nghề. Thế mới thấy, trời chẳng phụ lòng người, còn ước mơ, là còn tất cả. Gặp bà rồi, ước mơ của tôi dường như cũng mạnh dạn hơn. Tôi học được ở bà nhiều điều trong nét cười đôn hậu.

 

Thêm một câu chuyện ở đời cho hành trang của mình, cơ hồ đó là của cải. Tôi nghĩ thế và gom góp.

 

Nguyễn Minh Hoa/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/nghe-nhan-lang-lua-ben-song_261551.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)