1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

Múa trong hầm pháo ở chiến dịch Điện Biên

15/05/2020

Chân dung nghệ sĩ múa Vũ Thị Lương

Nghệ sĩ múa Vũ Thị Lương năm nay bước sang tuổi 85. 62 năm gắn bó với nghề múa, biết bao ký ức của năm tháng tuổi trẻ nơi chiến trường đã trở thành những kỷ niệm thật khó quên trong bà. Bà nhớ lại, những ngày đầu tháng 3/1954, lúc ấy Vũ Thị Lương trong đội Văn công Đại đoàn 351 pháo binh tiếp cận mặt trận Điện Biên Phủ, đã chứng kiến một quang cảnh kì vĩ trước dòng sông Thao, quân ta tựa như một con rồng khổng lồ gồm nhiều sư đoàn chính quy, đơn vị bộ đội địa phương, dân công, dân quân phục vụ tiến vào Tây Bắc. Đội văn công hành quân bộ hơn 500 km lên Điện Biên Phủ. Các diễn viên phải chịu cảnh đói, khát, sốt rét nhưng không ai rớt lại dọc đường. Đội văn công đi đến đâu, bộ đội, dân công yêu cầu là biểu diễn ngay.

“Xuân trong hầm pháo Điện Biên” - Tranh của họa sĩ Phạm Thanh Tâm vẽ tại hầm pháo số 2

(trong tranh: Diễn viên Vũ Thị Lương đứng chính diện ở giữa)

Ngày 12/3/1954, toàn đội nhận lệnh tiếp cận đơn vị pháo sẽ vinh dự được nổ loạt đạn đầu tiên mở màn chiến dich Điện Biên lịch sử. Đó là căn hầm số 2 của Đại đội pháo 105 ly nằm trên một quả đồi cao. Hầm pháo rộng 14 mét vuông. Khẩu pháo bố trí giữa căn hầm, nòng súng vươn qua lỗ châu mai rộng như một cửa sổ lớn, hướng về phía Điện Biên.

Trong hầm có 5 pháo thủ và 2 cán bộ chỉ huy. Nghe tin có văn công đến phục vụ, anh em vô cùng phấn khởi, tất cả ra cửa hầm đón văn công vào trận địa. Là đơn vị nhận nhiệm vụ đặc biệt mở đầu chiến dịch nên khẩu đội được ưu tiên xem văn công trước giờ nổ súng. Đêm đó, Vũ Lương cùng đồng nghiệp đã biểu diễn một chương trình nghệ thuật phục vụ các chiến sĩ pháo binh trong không khí rộn ràng và vô cùng thiêng liêng.

Văn công diễn tiết mục này đến tiết mục khác cho hết “vốn liếng” để chờ đợi giây phút bắn loạt đạn mở đầu chiến dịch lịch sử. Điệu múa “Lượn” rộn ràng tiếng nhạc từ cây đàn măng-đô-lin hòa trong tiếng hát trong trẻo của Vũ Thị Lương và ba bạn gái vừa múa vừa hát: Ai xui là xui cây lúa chín/ A… lúa nặng trĩu bông i… í… i…/ A… trĩu bông là bông… tính tình/ A… lúa bông nặng trĩu em mong anh về/ Mong anh về gặt lúa giúp em…

Múa sạp - Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị biểu diễn năm 1954

(trong ảnh: Vũ Thị Lương ngồi đầu bên phải)

Quanh nền hầm ngổn ngang những quả đạn, mũ lưới, bi đông. Các chiến sĩ mặc áo trấn thủ ngồi xung quanh vỗ tay. Những gương mặt lính trẻ măng, đầy xúc động, nhưng vẫn biểu lộ tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Khẩu pháo nghiêng nòng hướng về lòng chảo Mường Thanh, hai càng xoải rộng, ở giữa là chỗ văn công đang diễn... Khoảng trời duy nhất, có lẽ cũng là nguồn sáng duy nhất, khi nhìn thấy qua lỗ bắn hé ra vài nhành lá xanh tơ phấp phới, xôn xao trước làn gió nhẹ trên cao. Cuộc biểu diễn này đã được họa sĩ - chiến sĩ Phạm Thanh Tâm có mặt hôm đó đã kí họa ngay tại hầm pháo. Bức kí họa lịch sử này ghi lại tiết mục Múa lượn, hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đem đến bao xúc động cho khách tham quan trong nước và quốc tế.

Mệnh lệnh nổ súng vào mờ sáng ngày 13/3/1954, các trận địa pháo gầm lên dữ dội, đập nát tiền đồn Him Lam, mở đường cho các đơn vị bộ binh xông lên tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch. Cửa ngõ phía Đông của mặt trận đã được mở. Tin chiến thắng truyền đến căn hầm số 2. Văn công và chiến sĩ ôm nhau hò reo vang một góc rừng. Sau khi sang hầm pháo khác biểu diễn phục vụ, Vũ Thị Lương và các diễn viên nhận được một bài thơ mô tả lại buổi biểu diễn nghệ thuật của đội tại căn hầm số 2 do một chiến sĩ gửi tặng:

Sân khấu nhỏ xinh xinh/ Nằm giữa hai càng pháo/ Chiến sĩ ngồi xếp chéo/ Cánh gà là vách hầm/ Điệu hò đầu thân mật/ Nghe sao mà êm tai/ Cơ động thật là hay/ Một người cũng ra múa/ Ghi mãi vào trí nhớ/ Đôi dáng Lượn say sưa/ Tà áo thân đu đưa/ Thắm hình hài dân tộc/ Màu nâu non mộc mạc/ Nhưng duyên dáng vô cùng/ Đem vào trong hầm súng/ Một không khí tưng bừng/ Nhớ những ngày quê hương/ Trong tháng mùa mở hội/ Bao giờ thì trở lại/ Đồng chí văn công ơi!/ Dù đi đâu xa xôi/ Nhớ vào đây nữa nhé/ Ngày mai chúng tôi sẽ/ Lấy máu của quân thù/ Tô thắm thêm lời thơ/ Bài ca và điệu múa…

Đây là tín hiệu cuối cùng của khẩu đội căn hầm số 2. Mấy ngày sau, Vũ Thị Lương và các diễn viên trở lại thăm khẩu đội, thì không còn một ai! Quả đạn địch chui đúng vào lỗ bắn, quét sạch cả pháo lẫn người. Vũ Lương và ba bạn gái còn đang bần thần không tin vào sự thật đau xót này thì có người nhắc đừng đứng áp vào vách hầm, chỗ ấy còn sót lại mảng thịt chiến sĩ chưa bóc ra. Cả đội lên đồi viếng thăm mộ. Bảy người con trai nằm đó! Vũ Thị Lương và các bạn bật khóc: “Sao các anh không trở dậy để chúng em múa hát cho mà xem, như trong câu thơ các anh đã hẹn chờ?”. Một cái gì trong tim Vũ Lương đang dày lên, chai lại.

Sau hôm ấy Vũ Lương cùng đồng nghiệp tiếp tục nhiệm vụ biểu diễn, tuyên truyền chính trị, tư tưởng cho bộ đội, dân công, tham gia làm đường, chuyển đạn phục vụ chiến dịch. Đêm mồng 6/5/1954, các diễn viên văn công không ngủ được, họ hồi hộp, thao thức, đợi chờ giờ phút thiêng liêng sáng ngày mồng 7/5 lịch sử, để chứng kiến những dàn hỏa tiễn Ca-chiu-sa của quân ta trút lửa xuống lòng chảo Điện Biên, tiêu diệt những ổ đề kháng cuối cùng của địch.

Ngày 10/10/1954, Vũ Thị Lương trở về tiếp quản Hà Nội quê hương yêu dấu, hòa cùng đoàn quân nghệ thuật tham gia Đại hội văn công toàn quốc và sau đó chính thức trong biên chế diễn viên múa Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị (Ca múa Quân đội). Những năm làm diễn viên múa, nghệ sĩ Vũ Thị Lương đã tham gia biểu diễn hàng chục điệu múa trên sân khấu trong nước và nước ngoài nhưng sân khấu trong hầm pháo năm nào vẫn là một trong những kỷ niệm sâu đậm nhất trong cuộc đời nghệ sĩ của bà.

Những năm tuổi 80, bà vẫn lên sân khấu biểu diễn. Bà nhiệt tình đóng góp tiết mục cho phong trào văn nghệ ở địa phương và đặc biệt bà còn tham gia biểu diễn ba điệu múa truyền thống trong chương trình nghệ thuật “Cảm xúc tháng 10” vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ghi nhận sự cống hiến đối với nghệ thuật múa và tham gia tiếp quản Thủ đô, bà cùng 4 đồng nghiệp đã được Thành ủy Hà Nội trao tặng phần thưởng và bằng khen ngay tại sân khấu. Đến nay dẫu đã ở tuổi 85, bà vẫn là một trong những hội viên cao tuổi nhất tích cực hoạt động trong Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội.

Đinh Mạnh Cường/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/mua-trong-ham-phao-o-chien-dich-dien-bien_260164.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)