1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

Kỳ 1: Huyền bí việc 'luân hồi chuyển kiếp' ở Hòa Bình

31/03/2020
Chuyện những đứa trẻ, thậm chí cả người lớn tuổi bỗng nhận một người xa lạ làm bố mẹ, anh em không chỉ nằm trong câu chuyện, truyền miệng dân gian mà đó là hiện tượng thực tế ở thị trấn Mai Châu (Hoà Bình).

Nhận bố mẹ “tiền kiếp”

Giữa cái tiết trời hơi se lạnh, mưa phùn của những ngày trung tháng 3, chúng tôi đã tìm về bản Chiềng Châu, thị trấn Mai Châu (Hòa Bình) để tìm lại câu chuyện “đầu thai” khiến nhiều người không khỏi tò mò, “nửa tin nửa ngờ”.

Vừa đặt chân tới bản Chiềng Châu, chúng tôi vẫn nghe được mọi người “rỉ tai nhau” về câu chuyện của chị Hà Thị Mai Anh (SN 1995), con của anh Hà Văn Bái và chị Hà Thị Tý ở xóm Chiềng Châu, thị trấn Mai Châu có duyên “tiền kiếp”.

Để hiểu rõ hơn về câu chuyện huyền bí trên, chúng tôi đã tìm gặp ông Hà Văn Cươm, người quen của gia đình ông Bái, bà Tý. Ông Cươm kể lại: “Anh Bái và chị Tý lấy nhau từ năm 1990 nhưng hiếm muộn, mãi 5 năm sau mới sinh được Mai Anh. Do hiếm muộn, nên anh Bái, chị Tý yêu chiều con lắm. Từ lúc mới sinh cho tới khi Mai Anh 4 tuổi, mọi sinh hoạt đều bình thường như những đứa trẻ khác.

 Cụ Hà Thị Lệ (áo xanh) và cụ Hà Thị Sung kể chuyện con “đầu thai"

Trong một lần đi đám cưới người quen ở trên xã Na Mèo (Mai Châu), vợ chồng anh Bái bận làm giúp cỗ cưới nên để Mai Anh cho mọi người trông giúp. Sau khi xong việc, vợ chồng anh Bái tìm con thì thấy con gái mình đang chạy theo một người phụ nữ lạ, khóc gọi “Mẹ ơi”. Tưởng con nhầm mẹ, chị Tý vội chạy ra gọi con, nhưng Mai Anh vẫn như không nhìn thấy mẹ đẻ và tiếp tục chạy theo người phụ nữ lạ. Thấy vậy, mọi người mới xúm vào hỏi thử: “Vậy bố mẹ cháu tên là gì, nhà ở đâu?” Thì Mai Anh nói rằng: Mình là con của ông bà Lường Văn Tuấn - Hà Thị Ân ở xóm Nhót (Na Mèo), có anh trai tên Lường Văn Tú, còn bản thân mình tên là Lường Văn Hải.

Người phụ nữ lạ nghe cháu nhỏ nói vậy thì giật bắn người, vì bà chính là Hà Thị Ân và Hải là tên cậu con trai đoản mệnh của bà đã mất khi lên 4. Bà Ân vội xin phép đưa Mai Anh về nhà. Khi về đến nhà bà Ân, kỳ lạ thay, Mai Anh gọi tên chính xác từng ông bà, cô bác tới chơi, cháu còn nhận ra quần áo, nơi mà “trước đây” cháu Hải từng nằm ngủ.

Hiện, cháu Mai Anh đã đi lấy chồng. Trước khi lập gia đình, cháu Mai Anh cũng chào hỏi, xin phép bố mẹ “tiền kiếp” ở bản Nhót. Từ ngày cháu Mai Anh nhận bố mẹ bên ấy, nhà anh chị Bái – Tý và nhà bên kia thân thiết như những người trong gia đình. Mai Anh vẫn sống với bố Bái mẹ Tý, nhưng có thêm một bố mẹ nữa, có thêm một gia đình nữa để đi lại, thăm nom, coi như bố mẹ đỡ đầu của mình”.

“Đầu thai” đến bây giờ vẫn còn!

Ông Cươm kể tiếp, việc “đầu thai” ở Mai Châu từ thuở xưa đến bây giờ vẫn có, đây là những câu chuyện tâm linh mà cả các bậc cao niên đến chính quyền, cơ quan chức năng cũng chưa giải thích được. Như trường hợp con gái của ông Hà Văn Tun ở bản Văn là Hà Thị Tiên mới được 5 tuổi thì mất sau một tai nạn, khiến vợ chồng ông Tun thương nhớ khôn nguôi.

Câu chuyện “đầu thai” vẫn đang là một huyền bí chưa có lời giải

Bỗng một ngày, nhà ông Tun có khách, là cặp vợ chồng ở xóm Bướt, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ (Sơn La) cách bản Văn khoảng 30km đưa con gái nhỏ đến chơi. Cô con gái nhỏ tên Nhung lúc đó chừng 3 – 4 tuổi vừa bước vào nhà ông Tun đã cất tiếng gọi bố mẹ, rồi bắc ghế để lấy mác lẹ (mác lẹ tên một loại quả rừng có vỏ cứng, tròn và dẹt – PV) được giấu trên cột tre làm xà nhà và nói rõ tên của bố mẹ, anh chị em trong nhà. Cô bé còn đòi cả những đồ chơi trước đây vẫn thường thích chơi, rồi chạy tung tăng trong nhà như đã quen thuộc lắm. Trong lúc vợ chồng ông Tun nước mắt lưng tròng nhìn ngắm Nhung mà ngỡ tưởng con gái nhỏ đã về, thì vợ chồng người khách cũng đành bàng hoàng xác nhận, Nhung là “đứa con” của gia đình ông Tun “lộn” về nhà họ.

Theo đó, cặp vợ chồng lạ kể, khi Nhung được 3-4 tuổi có nói với ông bà rằng nhà bố mẹ đẻ ở trong bản Văn. Thấy lạ, bố mẹ đẻ của Nhung gặng hỏi rõ tên địa chỉ của gia đình ông Tun ở đâu, làm gì và người như thế nào. Nửa tin nửa ngờ, bố mẹ Nhung liền đưa Nhung xuống bản Văn và tìm đến nhà ông Tun. Để rồi từ đó, hai nhà thân thiết, gắn bó với nhau như ruột thịt.

Xác nhận câu chuyện này, cụ Hà Thị Lê (80 tuổi ở bản Chiềng Châu) nói: “Chuyện con đầu thai ở đây có lâu lắm rồi, không phải giờ mới có, ở Mai Châu này cũng đã có nhiều trường hợp như vậy rồi. Ngay như anh trai cả của tôi đây, cũng lấy vợ có con rồi mới đi nhận bố mẹ “tiền kiếp” cũng từ những vật dụng như đồ chơi, quần áo... mới nhận ra nhau. Bây giờ anh trai tôi mất rồi, con cái hai nhà vẫn đi lại, thăm nom nhau bình thường như người thân thiết và sống vui vẻ với nhau”.

Còn tiếp…

Phan Tú/Việt Hồng/ Môi trường & Xã hội

http://moitruongvaxahoi.vn/ky-1-huyen-bi-viec-luan-hoi-chuyen-kiep-o-hoa-binh-549553045.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)