1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

Hồi ức những năm tháng hào hùng

04/05/2021
Trung tuần tháng 4, chúng tôi có dịp đến thăm Trưởng ban Liên lạc Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu Lê Đức Vân (tên thật là Nguyễn Hữu Phúc) tại căn nhà nhỏ trên phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Dù đã ngoài 90 tuổi, nhưng ông vẫn minh mẫn và nhớ như in những năm tháng lịch sử hào hùng, tham gia đấu tranh giành độc lập cho dân tộc…

Trưởng thành từ cái nôi của phong trào giải phóng dân tộc

Theo học trường Bưởi khóa 1939 – 1943, chàng trai trẻ Lê Đức Vân đã được giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng. Ngay từ thời đi học, ông đã tham gia vào Đội Ngô Quyền với quan niệm “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Các thành viên trong đội đều ra sức rèn luyện, học hỏi để có cơ hội góp một phần nhỏ bé của mình giúp đất nước.

Những bức ảnh, kỷ vật trân quý luôn được ông Vân trân trọng, gìn giữ.

“Sau khi vào đội, được tiếp xúc với các học sinh khóa trên, được xem tờ báo Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh, Tờ Giải Phóng của Đảng Cộng sản, tôi nhận ra rằng, phải tham gia hoạt động cách mạng để giành lại độc lập. Rồi khi vào Việt Minh mới biết giải truyền đơn, cách chống Pháp, mít tinh tuyên truyền xung phong, cổ động như thế nào. Qua những việc làm như thế tôi dần trưởng thành hơn”, ông Vân chia sẻ.

Năm 1944, Ban Chấp hành Đoàn thanh niên cứu quốc được thành lập tại nhà ông Vân do đồng chí Vũ Quý chủ trì buổi tuyên thệ. “Mọi người kêu gọi bạn bè, đưa cho xem báo rồi mời vào Việt Minh. Anh em lúc đó hăng hái lắm. Thấy đường lối của Việt Minh là cứu nước, lật đổ Pháp, Nhật ai cũng muốn vào. Dần dần, trở thành một lực lượng đông đảo được nhân dân ủng hộ”, ông Vân nói thêm.

Cuộc họp mà ông Vân nhớ nhất trong suốt quá trình làm cách mạng của mình đó là Quyết định ngày 19/8 - Tổng khởi nghĩa. Bấy giờ, từ tháng 6/1945, tiếng vang của Mặt trận Việt Minh đã lan khắp quần chúng nhân dân qua các cuộc mít tinh ở chợ, ở trường học, nhà hát… Do đó, dưới thời Chính phủ Thân Nhật Trần Trọng Kim muốn tổ chức một buổi mít tinh gồm các công chức, viên chức để cổ vũ tinh thần cho họ để họ làm việc cho Chính phủ. Mục đích của cuộc mít tinh là “lên dây cót” cho tất cả nhân dân và viên chức của Chính phủ bù nhìn yên tâm ủng hộ Chính phủ được tổ chức tại Nhà hát Lớn vào chiều 17/8/1945.

“Chủ trương của ta là phải phá cuộc mít tinh và biến thành của mình, kêu gọi đồng bào ủng hộ Mặt trận Việt Minh, cùng đánh Pháp đuổi Nhật”, ông Vân nhớ lại.

Khi cuộc mít tinh được khai mạc, một đồng chí được giao nhiệm vụ lấy micro và nói “Xin mời đồng bào nghe Việt Minh nói chuyện”. Sau đó, micro được đưa cho đồng chí Từ Trang Anh, thành viên Đội Cứu quốc thành Hoàng Diệu diễn thuyết trong vòng 15 phút về 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh. Tiếp theo, đồng chí Nguyễn Khoa Diệu Hồng, thành viên Đảng Dân chủ đã đọc bản hiệu triệu của Đảng Dân chủ kêu gọi đồng bào ủng hộ Mặt trận Việt Minh tổng khởi nghĩa, giành độc lập. Cùng lúc đó, trong đám đông 2 vạn người tham gia cuộc mít tinh, những lá cờ đỏ sao vàng thấp thoáng giương cao. Những khẩu hiệu hô vang “Đánh đổ Nhật – Pháp”, “Ủng hộ Việt Minh” được đông đảo quân chúng nhân dân hưởng ứng.

Buổi diễn thuyết kết thúc, đồng chí Mai Thiện Chi, thành viên trẻ nhất Đội Danh dự trừ gian, giương cao lá cờ đỏ sao vàng hô to: “Đồng bào theo tôi”. Mọi sự chú ý lúc bấy giờ hướng về phía lá cờ, không ai bảo ai rồi cứ thế đi theo. Đây cũng là người mà ông Vân nhớ nhất.

Cuộc tuần hành hướng qua phố Tràng Tiền ra Hồ Hoàn Kiếm, đến phố Hàng Đào, Hàng Ngang. Đi đến đâu, người dân ở khắp các khu phố nhập vào, trong đó có cả lính bảo an. Cả đoàn người diễu hành qua Phủ toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), nơi Bộ Chỉ huy quân Nhật đóng. Về đến phố Cửa Nam, đoàn quần chúng chia thành nhiều tốp nhỏ đi về các ngả trong thành phố.

Thủ đô đứng lên khởi nghĩa dành độc lập dân tộc

Nhận thấy thời cơ đã đến, tối ngày 17/8/1945, cuộc họp Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội và Thành ủy mở rộng tại thôn Dịch Vọng. Ông Lê Đức Vân vinh dự là một trong 9 người tham gia hội nghị.

Ông Vân kể, sau khi phân tích được tình hình, thống nhất phương thức khởi nghĩa là tổ chức mít tinh vào hồi 11 giờ ngày 19/8/1945. Biến đó thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy, có lực lựng vũ trang yểm trợ, dùng áp lực quần chúng để chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn.

Bức ảnh ông Vân chụp cùng những cán bộ chủ chốt xây dựng phong trào trước CMT8 ở Hà Nội.

Sáng 19/8/1945, lực lượng cách mạng ở ngoại thành do đồng chí Lê Đức Vân lãnh đạo đã tổ chức cuộc mít tinh nhằm xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng lâm thời, thu con dấu, sổ sách, tuyên truyền phổ biến chính sách của Mặt trận Việt Minh và chống đói, chống lụt cho nhân dân. Lực lượng tự vệ xung phong ngoại thành đã làm chủ được tình hình và chiếm Đại lý Hoàn Long. Lúc này, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở ngoại thành đã giành thắng lợi hoàn toàn.

Đến 11 giờ cùng ngày, hơn 20 vạn người đã tập hợp về Nhà hát Lớn tham gia cuộc mít tinh. Đại diện cho Ủy ban khởi nghĩa đồng chí Trần Quang Huy đã đọc lời kêu gọi khởi nghĩa. Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Cuộc biểu tình chia làm 2 cánh, cánh thứ nhất chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Kho bạc, Bưu điện và Sở Cảnh sát. Còn cánh thứ hai có nhiệm vụ chiếm Trại Bảo an binh và Ty Liêm phóng Bắc Kỳ.

Khi bị quân Nhật bao vây, Mặt trận Việt Minh đã cử đoàn cán bộ gặp gỡ, đàm phán tại Tổng hành dinh buộc quân Nhật phải chấp nhận yêu cầu, án binh bất động, không can thiệp vào công việc của Việt Minh, chấp nhận chính quyền cách mạng, đổi lại họ được bảo đảm an toàn… Tối 19/8/1945, các cơ quan quan trọng của chính quyền bù nhìn đã về tay cách mạng, Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố…

“Để có được như ngày hôm nay là kết quả của cách mạng. Mong rằng các thế hệ trẻ có thể duy trì được thành quả và dựng xây đất nước ngày càng giàu mạnh để sánh vai các cường quốc năm châu”, ông Vân nhắn nhủ.

Theo Linh Nhi/Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/hoi-uc-nhung-nam-thang-hao-hung.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)