1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

Đặc sắc du ký về các vùng biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX: Ý thức chủ quyền đất nước

04/06/2020
Xét trên tổng thể, ý thức chủ quyền đất nước thể hiện ở nhiều cấp độ kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa. Xác định trong phạm vi thể tài văn học du ký, ý thức chủ quyền đất nước được phản ánh trong nhận thức về cương giới lãnh hải biển đảo, truyền thống lịch sử; ý thức về thực trạng và nguy cơ bị xâm lấn, xâm phạm; ý thức về quyền làm chủ, quyền chủ quyền lãnh hải, đặc quyền kinh tế và năng lực phòng thủ, bảo vệ biển đảo; ý thức về sự phát triển đất nước cường thịnh, niềm tự hào về vẻ đẹp và các giá trị tinh thần biển đảo quê hương…

Ý thức chủ quyền biển đảo: Theo nữ sĩ Vân Đài, đảo Cát Bà vốn có tên gọi là đảo Các Bà. 

Sự tái nhận thức các giá trị tinh thần

Tiếp nối ý thức chủ quyền trong truyền thống lịch sử, văn hóa, văn học dân tộc, sự thể hiện ý thức chủ quyền biển đảo trong thể tài văn học du ký giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX chính là sự tái nhận thức các giá trị tinh thần liên quan đến biển đảo. Điều cần nhấn mạnh là các tác giả du ký có khả năng tiếp cận, khai thác, phản ánh nguồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thư tịch, văn bản, truyền thuyết, truyện cổ và khả năng chuyển tải tất cả ký ức tinh thần trong quá khứ và hiện tại về chủ quyền biển đảo trong tác phẩm du ký.

Đương nhiên, ý thức chủ quyền biển đảo đất nước thể hiện trước hết trong tâm thức văn hóa - văn học dân gian, trong hệ thống các thể loại và loại hình Folklore. Nói riêng với thể tài du ký đầu thế kỷ XX cũng đã tích hợp được nhiều nội dung văn hóa - văn học dân gian đề cập tới chủ quyền biển đảo. Ký giả cựu học Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến (1875 - 1941) trong du ký Chơi vịnh Hạ Long đã lược kể về mấy tên đảo, tên núi đá, tên kẽm, tên kênh, tên luồng lạch: “Kia là đò Lá, cống Mương, kia là bãi cát Trương Mô, kia là Hòn Một, kia là Bẩy Giếng, về quá phía trong kia là ghềnh Phướn, kẽm Chùa; trông về phía trước kia là cặp Bìm Bìm, ông Lã Vọng. Lại quá ra nữa là ông thầy Têu, bà Thanh Lảnh. Đó đều là những tên kênh tên núi, mà người mình trông thấy cái hình trạng nó như thế nào thì đặt ngay tên nôm nó là như thế, kể ra thiên hình vạn trạng sao cho xiết được” (Nam phong tạp chí, số 82, tháng 4/1924)...

Đông Châu nhấn mạnh phương thức thi hóa, ca dao hóa các địa danh để có được lối truyền khẩu dễ nhớ, dễ thuộc: “Đêm thanh văng vẳng, lại nghe lái đò hát rằng: Cửa Rỗ lại có hang Luồn,/ Qua sông Bò Lội tới miền Tuần Châu./ Hỏi thăm Cửa Lục nơi đâu?/ Cửa Lục lại có lối thông kênh Đồng… 

Ấy là mấy câu ca hành trình nay ta còn thấy truyền khẩu ở các chú lái đò, chính là cái câu hát để trỏ lối đưa đường đi ra Cửa Lục đó”...

Có những khi chỉ riêng cái tên cũng nói lên được ý thức chủ quyền và ý chí bảo vệ, sở hữu những vùng đất cụ thể. Học giả Trần Trọng Kim (1883-1953) trong du ký Sự du lịch đất Hải Ninh đã kết hợp tư liệu khảo cứu và nhấn mạnh diên cách, sự chia tách địa giới cũng chính là cách thức xây dựng địa bàn phòng thủ đối diện với người phương Bắc vào chính giai đoạn đương thời: “Hải Ninh nay đặt là tỉnh, thuộc về đạo quan binh thứ nhất cai trị. Nguyên trước đây là phủ Hải Đông, thuộc về tỉnh Quảng Yên. Đến năm thứ 17 đời vua Minh Mệnh (1836) mới đổi Hải Đông ra làm Hải Ninh, kiêm lí châu Vạn Ninh và châu Tiên Yên” (Nam phong tạp chí, số 71, tháng 5/1923)…

Khác biệt hơn, nữ sĩ Vân Đài trong Bốn năm trên đảo Các Bà đã truy nguyên tên đảo là Các Bà chứ không phải Cát Bà, đi sâu minh chứng, lý giải cụ thể bằng cả truyền thuyết và ngôi đền: “Tiện đây tôi xin nói qua về cái tên Các Bà, mà nhiều người vẫn gọi lầm là Cát Bà như người ta gọi Cát Hải vậy. Các Bà xưa kia vẫn có một tên mà người Khách gọi là Appovan và người Nam gọi là Các Bà, do lấy tên một ngôi mộ của hai bà nữ thần không tên, chết ở đâu, trôi về và hiển linh tại đấy. Ngôi mộ ấy gọi là ngôi mộ của Các Bà, người ta lập miếu thờ và người ta muốn biểu dương các uy linh của các bà, nên lấy tên Các Bà đặt cho hòn đảo” (Tri tân tạp chí, số 149, ra ngày 6/7/1944)… Tương đồng với tâm thức dân gian và nhận thức kinh nghiệm qua nhiều đời, nữ sĩ Vân Đài còn đánh giá cao vị thế kinh tế và mối lợi nghề cá vùng đảo Các Bà.

Có cả một quá trình lâu dài

Ngược về phương Nam, Trần Đình Khiêm trong du ký Đi ra Côn Lôn lại xác định chủ quyền đất nước có cả một quá trình lâu dài và đang từng bước tiến vào thời hiện đại: “Côn Lôn trước kia là một cái hòn đá trơ trơ giữa biển Đại Thanh, là nơi bọn Tàu Ô trú ngụ, ghe bầu đi gần vùng đó cũng không dám ghé. Ông Nguyễn Ánh chạy giặc Tây Sơn vào Nam ghé lại Côn Lôn. Khi nội loạn, bọn Tàu Ô đã dời đi ra ngoài Hòn Khoai trong vịnh Xiêm La nên hồi binh Pháp tới đó thì chỉ có một vài người đi chạy giặc ra trú ngụ đó, tối sớm lo đi lưới cá bắn chim mà ăn chớ không còn cái kế sinh nhai gì khác nữa. Quan Thủy sư Đề đốc Pháp xem địa thế Côn Lôn hằng nói với đức Cao Hoàng rằng, nơi đó có thể làm trở nên một thành thị tốt hoặc là làm chỗ đồn binh. Sau khi giặc Tây Sơn tan rồi, triều Nguyễn cũng để Côn Lôn như trước, cũng có một vài người khách bên Tàu đi qua đó lấy tổ én. Đến khi ký lên tờ Hòa ước nhường 3 tỉnh Định Tường, Biên Hòa, Gia Định ngày 5 Juin năm 1862 rồi thì Chính phủ Bảo hộ lo bàn bạc sửa sang Côn Lôn lại. Về sau không biết do nói lời xin ông Nghị nào mà Chính phủ định làm chỗ gửi tù tội ra đó. Rồi bắt đầu từ đó mới thành ra Côn Lôn bây giờ” (Công luận, số 1284, ra ngày 25/5/1929)

Đồng thời, tác giả nhấn mạnh sự chiếm hữu Côn Đảo với chứng dẫn từ đội thủy binh của Quang Trung Nguyễn Huệ và trực trị của quân đội Pháp Nam từ thế kỷ XVIII đến đương thời: “Chỗ này cũng là chỗ binh Pháp đến đây lần thứ nhất, bắt đầu từ khi chiến hạm ghé ở đây mà hôm nay cái cảnh ngôi cả Đông Dương mới ra như thế này. Nghĩ tới đó tôi ngậm ngùi bồng chút mấy trương sử ký nước nhà lại đi thoảng qua trước mắt (...) Nguyễn Huệ là tay làm tướng có danh nước mình, vì cảnh ngộ mà phải dấy nghĩa binh, có đi thuyền tới đảo Côn Lôn này để thám thính coi binh Pháp nhiều hay ít. Ấy, cứ theo mấy lời tự thuật của quan Thủy sư Đề đốc Bonnard trong một tạp chí bên Pháp. Người xưa thường gọi là thời thế tạo anh hùng, Nguyễn Huệ không phải một đấng tuyệt thế anh hùng ư!... Dòm vô đảo Côn Lôn trong trí tưởng tượng nói lấy mình rằng: Đây là tàu chiến bên Pháp qua đậu, đây là chỗ Nguyễn Huệ ghé thuyền đi thám thính, vì ai có đọc qua một lần lời tự thuật của quan Thủy sư Đề đốc, thấy ngài vẽ cảnh khéo cũng đều tưởng tượng được như tôi hết”… Thêm nữa, đoạn văn cũng cho biết thông tin “cứ theo về mấy lời tự thuật của quan Thủy sư Đề đốc Bonnard trong một tạp chí bên Pháp” thì có thể theo đó truy tìm lại tài liệu này làm giàu cho kho tư liệu chủ quyền biển đảo Việt Nam…

Có thể nói, hoạt động sưu tập, khai thác các nguồn tài liệu lịch sử - văn hóa - văn học về ý thức chủ quyền biển đảo Việt Nam cả ở trong nước và nước ngoài vẫn còn là công việc ở phía trước.

Đón đọc kỳ tới: Nhận diện văn hóa

PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/dac-sac-du-ky-ve-cac-vung-bien-dao-viet-nam-nua-dau-the-ky-xx-y-thuc-chu-quyen-dat-nuoc_261391.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)