1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

Đặc sắc du ký về các vùng biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX Kỳ III: Nhận thức về môi trường sinh thái duyên hải, biển đảo

19/06/2020
Vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, việc nhận thức về chủ quyền môi trường sinh thái tự nhiên - xã hội - tinh thần vùng duyên hải và biển đảo đã có một sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, khác với các ngành khoa học kỹ thuật vừa đấu tranh, cải tạo vừa tìm cách dung hòa, hòa hợp với thế giới tự nhiên thì lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn lại thiên về dự báo, cảnh báo và kêu gọi khai thác, phát huy các giá trị sinh thái môi trường bền vững. Vấn đề này đặc biệt gần gũi với các ngành văn học nghệ thuật và thể tài văn học du ký mà ý thức du ngoạn: Đi, chơi và xem trở thành cảm hứng và nội dung chủ đạo.

Đặc sắc du ký về các vùng biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX: Ý thức chủ quyền đất nước

Đặc sắc du ký về các vùng biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX Kỳ II: Nhận diện văn hóa

Các nhà du ký hầu hết đều thể hiện tâm thế ngợi ca con đường hiện đại hóa, khả năng vươn xa bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 

Tươi đẹp, trong lành


 

Về môi trường sinh thái tự nhiên, các tác phẩm du ký chủ yếu nói đến chiều thuận, vẻ tươi đẹp, trong lành của các vùng biển đảo. Khái niệm ô nhiễm hầu như chưa xuất hiện. Con người đến với biển đảo, sống giữa nơi biển đảo cảm thấy yên ấm, hòa hợp với cảnh trời biển bao la. Vào nửa sau năm 1918, học giả Phạm Quỳnh sau hải trình vào Nam đã tường tả chi tiết cảnh quan sinh thái vùng biển Hải Phòng - Hạ Long và dọc dài miền Trung, đan xen những suy tư về mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên, giữa sức người và sức trời không ngừng biến chuyển, vận động, đổi thay trong du ký Một tháng ở Nam Kỳ: “Mấy bữa sau trời vẫn bình tĩnh như vậy, ngày tuy có nóng mà gió bể làm ra ấm áp, đêm thì gió mát trăng thanh. Trừ buổi ngủ buổi ăn, còn các giờ khác ở luôn trên boong, hoặc đi bách bộ, hoặc bắc cái ghế dài ngồi đọc sách, hoặc đứng giờ lâu nhìn mặt trăng soi làn sóng, trước mặt là bể khơi vô hạn, sau lưng là dãy núi Trung Kỳ. Có lúc chợt quay lại, thấy một đám đèn lửa xa xa, lốm đốm như sao sa: tàu bấy giờ vừa đi ngang tỉnh Quảng Ngãi. Nghe người ta nói nếu đi ban ngày mà đi gần bờ thì thấy cái nhà mát của quan cố quận công Nguyễn Thân, xây ngay trên núi, nhìn ra ngoài bể. Nhưng bữa đi vào đêm mà lại xa bờ, đến hồi về thì tới ngang Bình Định trời trở gió, tàu lắc lư, người lảo đảo, nằm rí trong buồng, không cất đầu nổi, còn ra ngắm phong cảnh sao được!” (Nam phong tạp chí, số 17, tháng 11/1918)…

 

Trong du ký Đi ra Côn Lôn, Trần Đình Khiêm nhấn mạnh sự trải nghiệm vẻ đẹp vùng duyên hải, biển đảo phương Nam: “Cái đảo Côn Lôn này khí hậu điều hòa, phong thổ dễ chịu, đáng lẽ Chính phủ thuộc địa phải làm như Hồng Kông kia vậy, hoặc không nữa thì cũng làm như một miếng đất Đà Lạt chứ nhỉ. Chỗ này để làm chỗ đày tù tội thì là uổng quá. Vả đây không xa gì với Sài Gòn là bao nhiêu thì cái hòn này ta có thể làm trở nên một thành thị lớn được. Ở đây gió biển khi nào cũng thổi đến mát mẻ, gió núi cũng êm ái, có thể làm con người tráng kiện; lại nữa, tuy là nhiều đá ít đất khó khăn làm nghề nông mà cái huê lợi ở đây do sự đánh cá nhiều hơn hết. Cá ở vùng nầy nhiều lắm, đủ thứ, ăn mãi rồi bắt chán. Nhớ mấy năm về trước tôi còn ở Sài Gòn, nhiều khi thèm cá biển mà ăn không biết ngon là vì họ chở nước đá từ ngoài Vũng Tàu về đó” (Công luận, số 1280, ngày 21/5/1929)… Có thể cảm nhận cuộc sống con người nơi đây thực sự hài hòa với thiên nhiên. Biển đảo nơi đây không những tươi đẹp mà còn giàu thủy hải sản, giàu tiềm năng và tác giả đề xuất không nên làm nhà tù mà cần phải phát tiển thành một trung tâm du lịch, thương mại, nghỉ dưỡng và đô thị biển xứng tầm thời đại.

 

Trong tác phẩm sao lục, ghi chép đậm chất du ký Cảnh vật Hà Tiên của của Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm, ngay mục đầu tiên có tên Cảnh đẹp đã nhấn mạnh sắc thái vùng duyên hải, biển đảo miền Tây Nam Tổ quốc một cách cụ thể, chi tiết: “Tỉnh Hà Tiên có nhiều cảnh đẹp, có bãi dài biển rộng, hồ trong núi biếc, mỗi cảnh đều có vẻ đẹp thiên nhiên của tạo hóa… Cảnh bãi biển thì kiêm cả màu trời sắc nước, bãi cát mênh mông, gió nam mát mẻ… Cảnh bãi biển như bãi Kim Dữ, đứng trên đồi trông ra đàng xa những làn sóng nhấp nhô dào dạt trên bãi cát như trăm nghìn con rắn. Về bên kia chân trời  có mấy ngọn núi và cù lao chiu chít, trông nửa mờ nửa tỏ, thấp thoáng chỗ trắng chỗ đen, nhấp nhô trên mặt sóng… Ngoài ra, còn lắm cảnh đẹp nữa như cảnh bãi Mũi Nai, núi Tô Châu, đảo Phú Quốc, núi Thạch Động, Đông Hồ, mỗi cảnh đẹp riêng một thế. Vì ở đây có nhiều cảnh đẹp, có đủ các kỳ hoa dị thảo, nên thuở trước có người tặng cho một tên nữa là Phương Thành” (Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm 1930, Cảnh vật Hà Tiên - Nam phong tạp chí số 130). 

 

Xét cho đúng, Cảnh vật Hà Tiên là tác phẩm đan xen giữa du ký và hồi ức, giữa khảo cứu và điều tra thực địa, có đoạn gần với phong cách ghi chép địa chí. Toàn văn chia thành 23 đề mục phản ánh đầy đủ các phương diện cảnh quan tự nhiên và nhân tạo, môi trường sinh thái và dấu ấn văn hóa. Xem qua các đề mục ấy thì đủ biết đại khái cuộc sống con người, lịch sử, thiên nhiên, danh thắng, cảnh vật và đặc sản xứ Hà Tiên… Cách ghi chép gần như thống kê, mô tả thực trạng sinh quyển tự nhiên, văn hóa, xã hội vùng đảo Phú Quốc và duyên hải Hà Tiên...


 

Ngợi ca con đường hiện đại hóa

 

Đặt trong tương quan chung, các nhà du ký hầu hết đều thể hiện tâm thế ngợi ca con đường hiện đại hóa, khả năng vươn xa bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Cát Bà, Cù Lao Yến, Côn Đảo, Phú Quốc, Hòn Tre cùng sự phát triển giao thông đường biển, hải cảng và các thành phố, trấn huyện, làng xã vạn chài vùng duyên hải. Đơn cử trường hợp Biến Ngũ Nhy xác nhận sự phát triển mạnh mẽ của một làng chài đã hóa thân thành đô thị cảng biển và nghỉ dưỡng nổi bật: “Vũng Tàu là một cái quận thuộc về tỉnh Bà Rịa. Tuy vậy mà tỉnh thành Vũng Tàu xinh đẹp hơn các tỉnh lỵ miền Đông Bắc xứ Nam Kỳ nhiều. Đã xinh đẹp lại lớn, chẳng kém gì thành thị Mỹ Tho. Tại đây đèn khí có, máy nước có, đường sá rộng lớn và rất sạch sẽ. Dựa theo cửa biển có nhiều đền đài, dinh dải xinh đẹp. Những tay phú hộ Langsa, Hồng Mao, khách trú đều có cất nhà mát tại đó, để hòng lúc rảnh rang đi hóng gió biển. An Nam ta thì thấy ông Lê Phát An cũng có cất một cái nhà mát hai từng xinh tốt… Đứng ngoài mũi núi Ô Cấp dòm vào thành thị thì thấy dài dài theo bãi trước (baie des cocotiers), nhà cửa nguy nga, ngựa xe đông đảo. Trên thì non cao chớn chở, dưới thì cửa biển rộng minh mông, quả là một cảnh sơn thủy đẹp vô cùng, vậy thì nước nhà ta cũng có nhiều nơi thắng cảnh thủy tú sơn kỳ, nào kém chi những cảnh của ngoại bang” (Công luận báo, số 433, ra ngày 6/9/1921)… Cách nhìn nhận, đánh giá kiểu này có thể thấy trong nhiều tác phẩm du ký viết về các vùng duyên hải dọc dài đất nước: Hạ Long - Quảng Ninh, Đồ Sơn - Hải Phòng, Sầm Sơn - Thanh Hóa, Cửa Lò - Nghệ An,  Hoàng Sa và Mỹ Khê - Đà Nẵng, Mũi Né -Phan Thiết, Hà Tiên và Phú Quốc - Kiên Giang…

 

Do đặc thù dòng văn du ký thiên về quan sát, ghi nhận, biểu dương nên đã phản ánh được vẻ đẹp của nhiều vùng sinh thái duyên hải, biển đảo đất nước. Mối quan hệ giữa con người và môi trường sinh thái tự nhiên vùng duyên hải, biển đảo cơ bản cân bằng, hòa hợp. Định hướng cải tạo môi trường sinh thái biển đảo và sự phản tỉnh, dự báo, cảnh báo mới dừng lại ở một số hiện tượng nhỏ lẻ, chưa đặt ra một cách cấp thiết. Dù sao, tiếng nói ngợi ca, hòa hợp và ý thức trách nhiệm trước vấn đề môi trường sinh thái biển đảo bền vững thể hiện trong các tác phẩm du ký cũng là điều đáng ghi nhận, đặc biệt đặt trong sự đối sánh với hôm nay.  


 

Đón đọc kỳ tới: 

Tâm thế du ngoạn

 Đặt trong tương quan môi trường luận và phê bình sinh thái, nhà nghiên cứu R. Kerridge nhấn mạnh vị thế của dòng văn học sinh thái đã tạo nên  chủ nghĩa lãng mạn kiểu mới: “Với các nhà phê bình sinh thái, một phiên bản mới của niềm vui lãng mạn trong sự trầm ngâm về thiên nhiên có thể đem lại cơ hội tốt nhất cho sự gợi cảm và xu hướng khoái lạc mà môi trường luôn cần. Nhưng cái niềm vui lãng mạn này phải được cộng góp với những thực hành có ý thức về sinh thái” (R. Kerridge - Môi trường luận và phê bình sinh thái - Phạm Phương Chi dịch, 2017)... Trên thực tế, cho dù nhận thức về vấn đề môi trường sinh thái chưa trở thành một sự tự ý thức cao song rõ ràng vẫn có thể thấy được những dấu ấn cảm nhận, suy xét, đánh giá trên cả phương diện sinh thái tự nhiên vùng biển Đông cũng như sinh thái tinh thần, con người và xã hội...

PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/dac-sac-du-ky-ve-cac-vung-bien-dao-viet-nam-nua-dau-the-ky-xx-ky-iii-nhan-thuc-ve-moi-truong-sinh-thai-duyen-hai-bien-dao_261546.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)