1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

Đặc sắc du ký về các vùng biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX Kỳ II: Nhận diện văn hóa

02/07/2020
Việc nhận diện cơ sở văn hóa - xã hội và tầm nhìn về biển đảo trong tác phẩm du ký đồng nghĩa với việc xem xét mối liên hệ cơ hữu của độc giả về tiểu loại du ký biển đảo cũng như khả năng tương tác hai chiều, quy định lẫn nhau giữa đời sống xã hội và sự phát triển thể loại, thể tài… Câu hỏi đặt ra là tầm nhìn văn hóa biển đảo trong tác phẩm du ký, ghi chép có điều gì đồng dạng với các thể loại thơ ca và văn xuôi hư cấu?

Đặc sắc du ký về các vùng biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX: Ý thức chủ quyền đất nước


Lễ hội cầu ngư của ngư dân Quy Nhơn (Bình Định).
 

Và hẹp hơn, có điều gì khác với các chủ đề khác. Chẳng hạn du ký, ghi chép về các vùng dân tộc, miền núi; vùng biên giới lục địa; thăm các ngôi chùa và tham dự lễ hội; về du ngoạn đến các điểm du lịch, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, sinh thái tự nhiên và văn hóa khác…? Bên cạnh cơ sở kinh tế, điều kiện kỹ thuật, giao thương hàng hải phát triển thì chính hiện thực vấn đề biển đảo cũng góp phần quan trọng thúc đẩy ý thức công dân, tinh thần dân tộc và tư duy sáng tạo về loại đề tài đặc biệt này. Năng lực tự ý thức về chủ quyền biển đảo trong các sáng tác văn học về biển đảo bao trùm ở tất cả các thể loại thơ ca, tiểu thuyết, truyện ký, trong đó đương nhiên có tiểu loại du ký, ghi chép… 
         

Trung thành với hiện thực

 

Có thể điểm danh ba tác phẩm tiêu biểu thuộc dòng văn chương hư cấu, tưởng tượng như các tiểu thuyết dã sử Quả dưa đỏ (1925) của Nguyễn Trọng Thuật (1883 - 1940), Kho vàng Sầm Sơn (1940) của TchyA Đái Đức Tuấn (1908 - 1969) và thơ trữ tình Vọng hải đài của Phạm Hầu (1920 - 1944) thì loại tác phẩm du ký, ghi chép về các vùng duyên hải, biển đảo lại bám sát hiện thực, trung thành với hiện thực, phản ánh những điều tai nghe mắt thấy. Có thể nói đây là điểm khác cơ bản giữa thể tài phi hư cấu, du ký, ghi chép với các thể loại hư cấu liên cùng hướng đến đối tượng vùng duyên hải và biển đảo.
 

Không phải ngẫu nhiên mà cảm hứng được tới các vùng biển đảo xa xôi nhờ các phương tiện tàu thủy gắn liền với kỹ nghệ hiện đại đã đem lại cho người viết những xúc cảm mới lạ, hấp dẫn. Nhu cầu ĐI (thời gian, cách thức, phương tiện) và XEM (xem gì, khả năng nhận thức và chiều sâu hiểu biết, khám phá về xứ sở du lịch) đã kích thích mạnh mẽ tâm thức sáng tạo của các nhà du hành... 
 

Khảo sát các du ký, ghi chép chuyên về vùng duyên hải và biển đảo có thể thấy khả năng thu nạp nhiều phong cách thể loại, bao quát nhiều nội dung hiện thực khác nhau và phân loại, dẫn giải thành mấy đặc điểm chính. Trước hết, có một dòng du ký biển đảo mang tính quan phương, sự vụ, công vụ. Kiểu du ký này thường do các trí thức, ký giả quan lại ghi chép như Lược thuật cuộc hành trình ngự giá Bắc tuần (N.P), Một tuần ở đảo Hoàng Sa (Vĩnh Phúc), Tôi ăn Tết ở Côn Lôn (Khuông Việt),... lại thực sự có giá trị sử liệu để xem xét nhiều sự kiện văn hoá - xã hội và định vị hoạt động tổ chức hành chính của giai tầng công chức thượng lưu dưới thời thực dân phong kiến… 
 

Du ký… “vượt biển”     

 

Có một dòng du ký biển đảo có tính viễn du - những chuyến du hành vượt biên giới, đòi hỏi cả nguồn kinh phí, yêu cầu công việc và ý chí của người ham hoạt động, ham xê dịch. Đặt trong bối cảnh văn hóa - xã hội đương thời thì các du ký này quả đã mở ra những chân trời nhận thức mới, đưa lại niềm phấn khích bởi những trang ghi chép, miêu tả sống động của người trong cuộc, người trải nghiệm, chứng nghiệm. Đó là những du ký dài hơi, phong phú, hấp dẫn như Pháp du hành trình nhật ký (Nam phong tạp chí, in 27 kỳ), Thuật chuyện du lịch ở Paris của Phạm Quỳnh kể về chuyến đi trong sáu tháng, từ khi dời thành phố cảng Hải Phòng vượt biển vào Sài Gòn, rồi từ ngày 15/3/1922 tiếp tục những ngày lênh đênh trên biển và ở lại thăm thú nước Pháp văn minh hoa lệ, cho tới ngày 11/9 ngược về tới cảng Hải Phòng. Ngoài ra các du ký Ngự giá Âu du tổng thuật (N.P), Học sinh An Nam ở bên Pháp (Thôn Đảo), Trên đường Nam Pháp (Tùng Hương) cũng nhiều ít có phát biểu cảm tưởng và diễn tả cảnh quan liên quan tới biển đảo... Về cơ bản, các tác phẩm du ký này phản ánh các chuyến “vượt biển” giao lưu với thế giới phương Tây rộng lớn, trong đó chủ yếu sử dụng thể tài ký, ghi chép người thật việc thật, tuân theo trật tự thời gian tuyến tính. Tuy nhiên, ở từng tác phẩm du ký viết về các vùng biển đảo cụ thể, mức độ dung nạp, đan xen các thể loại cũng khác nhau: có khi mở rộng biên độ hình thức với việc xuất hiện hàng chục bài thơ Đường luật; có khi gia tăng tiếng nói trữ tình ngoại đề, độc thoại nội tâm, hồi ức, kỷ niệm; có khi nhấn mạnh lối viết khảo tả địa lý - hành chính; có khi mở rộng dung lượng khi vận dụng rộng rãi hình thức ghi nhật ký chính xác với tổng thuật lịch sử, phác thảo chân dung con người và cuộc sống thực tại…
 

Có một dòng du ký biển đảo thiên về khảo cứu danh nhân văn hóa, truyền thuyết và sự tích liên quan tới một địa điểm cụ thể. Loại du ký này thường là kết quả sau một chuyến du ngoạn giới hạn trong thời gian ngắn, kiểu như: Sự du lịch đất Hải Ninh của Lệ Thần Trần Trọng Kim, Nam du đến Ngũ Hành Sơn của Nguyễn Trọng Thuật, Cảnh vật Hà Tiên (Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm)... Với ý nghĩa là vùng đất biên viễn Hải Đông có lịch sử lâu đời nhưng lại mới được khai mở, phát triển từ đầu thế kỷ nên xứ Quảng Ninh đã sớm thu hút, hấp dẫn du khách... Lại có một dòng du ký biển đảo mà yếu tố “vị nghệ thuật” chiếm phần quan trọng, ở đó người viết chấm phá một vài nét phong cảnh thiên nhiên, cuộc sống đời thường bình dị hay thoáng qua niềm vui văn hoá lễ hội, đình đám qua các du ký Thăm đảo Phú Quốc (Đông Hồ), Chơi Phú Quốc (Mộng Tuyết), Tết chơi biển (Trúc Phong)...
 

Hệ thống tác phẩm du ký, ghi chép giai đoạn đầu thế kỷ XX cho thấy tính tương đồng trước hết là sự hình thành tư duy du ngoạn, du lịch, giải trí, khám phá, tìm đến những nơi danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa và những vùng đất mới về các vùng duyên hải và biển đảo. Chính đây là điều kiện hình thành các sự giao thoa giữa các thể loại văn chương (căn bản là hư cấu, tưởng tượng) và nét riêng đặc sắc của thể tài du ký, ghi chép về biển đảo (căn bản là sự thật, điều tai nghe mắt thấy). Trên một phương diện khác, có thể coi các tác phẩm du ký này là những bảo tàng ngôn từ nghệ thuật về chủ quyền biển đảo đất nước cũng như về hệ hình văn hóa, sắc thái văn hóa vùng miền, di tích lịch sử và cảnh quan môi trường sinh thái theo vùng duyên hải và biển đảo trong cả nước.

Đón đọc kỳ tới: 
Nhận thức về môi trường sinh thái duyên hải, biển đảo

PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/dac-sac-du-ky-ve-cac-vung-bien-dao-viet-nam-nua-dau-the-ky-xx-ky-ii-nhan-dien-van-hoa_261452.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)