1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Phóng sự - Ký sự

Xót thương cụ bà 38 năm nhặt ve chai sống dưới chân cầu Long Biên thì 3 lần gãy chân, 2 lần gãy tay

21/05/2020
Căn phòng trọ rộng chưa đầy 8 mét ở xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên của cụ Nguyễn Thị Phải được bao bọc toàn những túi rác thải nhựa, bìa carton…Suốt 38 năm, từ ngày đặt chân đến Thủ đô hoa lệ là ngần ấy năm Bà sống một mình nuôi con bằng nghề nhặt ve chai.

Chúng tôi đến khu xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên vào một buổi trưa nắng gắt giữa tiết trời tháng 5, khu nhà trọ lụp xụp này là nơi người lao động khắp các tỉnh về sinh sống, thậm chí có những người không có người thân thích nên đã phải bám trụ tại đây hàng chục năm trời...

Khu xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên.

Căn phòng trọ mà cụ bà Nguyễn Thị Phải, tên thường gọi là cụ Sinh (77 tuổi, quê gốc ở thôn Cơ Phi, xã Vạn Phải, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) ở xóm trọ nghèo dưới chân cầu Long Biên đang ở rộng chưa đầy 8 mét được bao bọc toàn những túi rác thải nhựa, bìa carton được cụ nhặt về. Cụ cho biết, cụ đến Hà Nội từ năm 1977, cụ sống một mình nuôi con bằng nghề nhặt ve chai.

Căn nhà đầy những vật dụng, đồ sinh hoạt cũ

Bước ra trong căn nhà lụp xụp, chứa đầy quần áo và đồ sinh hoạt cũ không khác gì “ổ chuột”, cụ Sinh vui vẻ đón tiếp chúng tôi. Nói về hoàn cảnh của mình, cụ nghẹn ngào kể: Cụ có một người con gái lấy chồng ở Bắc Giang năm nay đã 43 tuổi, làm nghề rửa bát thuê ở Hà Nội. Ngày đó, bố mẹ Cụ mất sớm nên cụ Sinh sống cùng với anh trai, do cuộc sống khó khăn nên cụ bị người chị dâu ép lấy chồng. Người ta làm mối cho Cụ một chàng trai cùng thôn, tuy đã một đời vợ nhưng chịu khó làm ăn. Nhưng nào ngờ sau khi kết hôn Cụ mới phát hiện người chồng mắc bệnh về thần kinh.

Cụ Nguyễn Thị Phải, 77 tuổi

Rưng rưng nước mắt cụ kể tiếp, suốt 9 năm trời cụ không thể sinh con, thấy vậy mẹ chồng hà khắc, không ít lần đánh đập và đuổi đi. “Tức nước vỡ bờ” sau một lần cụ Sinh bị mẹ chồng nắm tóc ghì đầu ấn xuống ruộng lúc đang cấy lúa. Cụ uất ức và không thể nhẫn nhịn, chịu đựng được nữa nên quyết định bỏ nhà chồng và ra đi. Cụ nói rằng: Tôi vẫn còn may mắn, vì sau khi bỏ đi tôi được nhận vào làm ở một nông trường chè, được người dân xung quanh cho ở nhờ trong nhà kho.

“Hai tháng sau khi bỏ đi, cụ biết mình đã mang thai. Sinh và nuôi con một mình, cụ lấy niềm vui và động lực là người con gái để tiếp tục sống và vượt qua những khó khăn trong hoàn cảnh không nhà, không người thân chăm sóc. Nhiều đêm khi nghe tiếng con khóc cụ chỉ muốn chết đi cho xong, nhưng cũng vì tiếng con khóc cụ đã thức tỉnh và phải càng cố gắng mạnh mẽ hơn nuôi con khôn lớn, trưởng thành”, cụ kể.

Sau khi con đầy tháng, được lời mách bảo của những người buôn chè và được sự giúp đỡ động viên của những anh chị em làm ở nông trường trồng chè. Cụ quyết định đi buôn chè, chuyến từ Thái Nguyên đi Hà Nội cụ đi 4 chuyến thì bị lừa mất một chuyến, mất hết. Cụ quyết định không trở về Thái Nguyên nữa, cụ và con gái đã ở lại Hà Nội luôn.

Căn nhà Cụ ở

Nước mắt lưng tròng, cụ bồi hồi nhớ lại: Năm đó, khi con biết ngồi, ba năm cụ đi bắt ốc ở Hồ Tây. Lúc con biết đi, cụ lại đi gánh hàng thuê và bị gãy chân lần đầu tiên. Nhiều năm sau đó khi con gái lớn hơn cụ đã chọn nhặt ve chai là “nghề của mình”. Từ đó, cụ gãy thêm 2 lần ở chân cũ và gãy tay 2 lần khi đang đi làm.

Lau vội giọt nước mắt, cụ tâm sự: “Ba năm nay, sức khỏe ngày một yếu, mắt mờ đi theo năm tháng, tôi không thể đi nhặt ve chai được nữa. Tiền sinh hoạt trang trải cuộc sống hàng ngày phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi từ công việc rửa chén thuê của cô con gái. Nhưng con gái vẫn còn có gia đình, cuộc sống cũng rất khó khăn, không ít lần cụ bị con rể mình hắt hủi và đối xử không đúng chuẩn mực’’.

Cụ Sinh nghẹn ngào khi nói về cuộc đời mình

“Chúng tôi có thể nghèo về vật chất nhưng lại rất giàu về tình cảm. Hàng xóm ở đây tốt với tôi lắm, lúc con gái tôi tan ca muộn, các chú các bác hàng xóm nấu thêm phần cơm cho cả tôi”, Cụ nói.

Cụ bà 77 tuổi tâm sự: “Thương hoàn cảnh của tôi chủ nhà đã giảm bớt tiền trọ. Ở đây sợ nhất là những lúc nắng nóng, có nhiều hôm nắng gắt, ở trong nhà mà cứ ngỡ như ở trong lò nung. Chiếc quạt điện nhỏ mà tôi được cho cũng không thể vơi đi cơn nóng gắt. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề cũng thành quen. Cuộc sống đã an bài thế rồi không tránh được. Tôi bây giờ cũng đã gần đất xa trời, tôi không có sổ hộ khẩu, nên lúc chết cũng không có chỗ mà chôn”.

Mong muốn lớn nhất của cụ Sinh hiện tại là có sức khỏe tốt, đôi mắt sáng hơn để có thể yên tâm mưu sinh kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày như những gì mà cụ đã làm hàng chục năm nay, mà đáng lẽ ở cái tuổi xế chiều của cụ thì phải được sống vui, sống khỏe với con cháu mà không cần lo nghĩ điều gì!

Lê Tú- Thanh Lịch- Thu Phương/ Môi trường & Xã hội

http://moitruongvaxahoi.vn/xot-thuong-cu-ba-38-nam-nhat-ve-chai-song-duoi-chan-cau-long-bien-thi-3-lan-gay-chan-2-lan-gay-tay-1692582802.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)