1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Mưu sinh
  4.  › 
  5. Phát sinh

Công ty XKLĐ TMS Nhân lực: Bài 2 - Bơ vơ xứ người

01/11/2019
Mặc dù phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để được đi xuất ngoại kiếm tiền mong "đổi đời" nhưng cuối cùng người lao động vẫn phải nhận trái đắng. Hiện thực khác xa so với những gì Công ty Cổ phần TMS Nhân lực (trực thuộc TMS Group) đã tư vấn. Tiền thì chẳng thấy đâu, trong khi nợ nần càng ngày càng nặng "lãi mẹ, đẻ lãi con". Công ty phá sản, không việc làm anh phải bơ vơ nơi xứ người lúc nào cũng sống trong nơm nớp lo sợ.

Ác mộng “đổi đời” - Bài 2: Bơ vơ xứ người

Ác mộng đổi đời: Bài 1 - Người lao động kêu trời vì phải đóng hơn 300 triệu đồng đi Nhật?

Ác mộng “đổi đời”: Bài 3 - Công ty Cổ phần TMS Nhân lực thu phí cọc vượt gần gấp đôi quy định

Lao động Nguyễn Danh Khương ở Nhật Bản

Gia đình khó khăn, bố mẹ nay ốm mai đau, vì không có công ăn việc làm ổn định trong nước mà anh đã năn nỉ xin bố mẹ bán đất cát rồi vay nợ ngân hàng để lấy tiền đóng cho Công ty Cổ phần TMS Nhân lực để được đi sang Nhật làm việc. Ai ngờ đây lại là một quyết định sai lầm đưa bước anh chìm vào một cơn ác mộng… lang thang bơ vơ nơi xứ người.

Đấy là hoàn cảnh của lao động Nguyễn Danh Khương sinh ngày 11/05/1986 tại Tân Tiến – An Dương – Hải Phòng mà ở số báo trước chúng tôi đã thông tin. 

Chúng tôi tìm về quê Khương vào một ngày mùa hè nóng như đổ lửa. Tìm mãi mới thấy một ngôi nhà sập sệ nằm gần đường quốc lộ 5 dẫn vào thành phố Hải Phòng. Ngôi nhà im lìm đóng cửa kín mít. Tôi gọi mãi mới thấy một ông già gầy nhom, mặt nhăn nheo khắc khổ. Lâu lâu ông cụ lại giật cái miệng như có ai đó véo vào tai, bị co giật. Trong câu chuyện bập bõm với người đàn ông già yếu ấy, chúng tôi được ông tự giới thiệu tên là Nguyễn Văn Lập bố đẻ của lao động Khương. 

Ông cho biết mình bị tai biến từ lâu rồi, bây giờ trong người cũng nhiều bệnh tật lắm nên chỉ biết nằm nhà. Gia cảnh neo người, cho nên mặc dù ông bị bệnh cũng chẳng có ai ở nhà chăm sóc. Ông phải tự lo cho mình, một nồi cơm nấu một bữa ăn cả ngày. Nhìn ngôi nhà lạnh lẽo vì thiếu hơi người ra vào, trên mấy sợi dây quanh nhà chỗ nào cũng thấy vắt mấy bộ quần áo cũ của người già khiến chúng tôi không khỏi ái ngại.

Bố đẻ của lao động Nguyễn Danh Khương bức xúc trình bày sự việc với phóng viên

Ông tâm sự, thằng Khương nó vất vả lắm các bác à, học xong phổ thông rồi đi bộ đội. Ra quân, về quê không có công ăn việc làm cuộc sống gia đình túng thiếu. Được mấy người giới thiệu nó quen Công ty CP TMS Nhân lực, thế rồi về nhà vận động bố mẹ cho tiền để sang Nhật làm. Nghe người ta nói đi sang đó kiếm tiền dễ dàng và nhiều lắm. Chỉ cần đi mấy năm là về có hàng trăm triệu làm vốn. Lúc đó thì thích học nghề gì chẳng được. Nghe con nói vậy, làm cha mẹ ai chẳng mủi lòng. Thương con, ở nhà không việc làm cứ ra ra vào vào chẳng mấy chốc rồi lại quay về nghèo đói như cha ông. Thôi thì phải đánh liều, bởi vì muốn đi Nhật gia đình phải xoay ra cho bằng được 300 đến 400 trăm triệu đồng. Nhưng vì tương lai con cái, muốn “đổi đời” phải mạnh dạn. Thế rồi ông bàn với vợ bán đất gia đình đi còn thiếu bao nhiêu vay mượn anh em láng giềng và vay ngân hàng. Cuối cùng ông cũng có được số tiền trên 300 triệu đồng đưa vợ mang nộp cho công ty. 

Lúc mới đi nó hồ hởi lắm. Nó thường bảo tôi: Tiền vay bố không phải lo vì con mà sang đấy thì chẳng mấy chốc sẽ trả hết nợ rồi còn có cả tiền gửi về cho bố mẹ dưỡng già nữa chứ. Có nhiều tiền sau này về quê con lấy vợ cũng chưa muộn. Nghe con nói vậy mình cũng vui trong lòng. Ai ngờ bây giờ nó lại lang thang ở xứ người. Lúc nào cũng sống trong lo sợ, rõ khổ thân con tôi. Tiền vay mượn bố mẹ nợ đầm đìa. Nói đến đây mặt ông cụ biến sắc nước mắt bắt đầu giàn giụa. Cả ngôi nhà như lạnh toát bởi mùi thuốc Tây, thuốc Bắc. Chốc chốc ông lại ho sặc sụa. Ông cho biết, hiện nay chủ yếu có mình ông ở nhà bởi bà Liên vợ ông đang phải nằm viện triền miên vì bệnh hiểm nghèo. Trời đã quá trưa tôi xin phép ông ra về mà day dứt hình ảnh ông già lật đật ngồi bên cánh cửa nhìn xa xăm ngóng đợi con về.


Hợp đồng của lao động Nguyễn Danh Khương

Từ Nhật bản, lao động Khương đã liên lạc về tòa soạn báo Người Hà Nội. Trao đổi với phóng viên, Khương cho biết: Em sang Nhật ngày 24/11/2011. Em ở nghiệp đoàn 1 tháng, ngày 24/12 em về Công ty ở tỉnh MiE. Em làm ở Công ty này đến khoảng tháng 6/2012 công ty này bất ngờ bị phá sản, hết việc làm. Lúc bấy giờ chúng em bị một thời gian hụt hẫng, hoang mang bởi sự việc xảy ra ngoài suy nghĩ. Đây chính là thời điểm đáng sợ nhất, bởi vì trước khi đi em không bao giờ nghĩ rằng mình sang Nhật công ty bên này lại bị phá sản, không có việc gì để làm. Trong khi trước khi đi, Công ty Cổ phần TMS Nhân lực khẳng định sang đây việc làm ổn định, lương cao tới 14.000.000 VNĐ/1 tháng; làm ngành xây dựng. Để giải quyết tình thế nghiệp đoàn chuyển em đến một công ty khác ở tỉnh Chi Ba. Chính vì đến công ty này làm việc do bất đắc dĩ nên chúng em bị ép làm việc vô cùng vất vả; nhiều lúc quá sức chịu đựng. Trong khi mức lương nhận được lại không đáng bao nhiêu. Cho đến bây giờ, cuộc sống vô cùng cơ cực việc làm không ổn định lúc nào cũng sống trong sợ hãi. Trong khi khoản tiền khổng lồ tới hơn 300 triệu đồng của gia đình vẫn chưa trả hết. 

Công ty bị phá sản ban đầu là Okamota daisetsu ở tỉnh MiE (Nhật Bản). Khi Công ty bị phá sản thì Công ty môi giới TMS không có tác động gì để động viên những lao động đang chân ướt chân ráo ở Việt Nam mới sang như em càng làm em nản lòng.

Từ những thông tin, tài liệu do người lao động cung cấp, chúng tôi sẽ bóc, tách từng vấn đề có dấu hiệu vi phạm quy định Nhà nước của Công ty TMS Nhân lực. 

Bạn đọc có thắc mắc gì về Xuất khẩu lao động xin gọi số điện thoại đường dây nóng: 0988 200 599

 Bài 3: Công ty Cổ phần TMS Nhân lực thu phí cọc vượt gần gấp đôi quy định

Điều tra của Nhân Thịnh/báo Người Hà Nội Cuối tháng

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)