1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Mưu sinh
  4.  › 
  5. Phát sinh

Công ty XKLĐ IMS: Trắng tay, bay về nước

09/08/2019
Hơn 6 tháng làm việc tại Angola không có lương, chế độ ăn uống, bảo hiểm y tế... không đúng như hợp đồng ký kết 8 lao động do Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu chuyên gia lao động và kỹ thuật (IMS) đưa đi làm việc tại Angola đã đình công xin về nước.

Thu phí vượt thẩm định?

Theo đơn tố cáo tập thể của 8 lao động gử­i đến báo Người Hà  Nội phản ánh, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, 8 lao động đã tìm đến công ty cổ phần xuất nhập khẩu chuyên gia lao động và  kỹ thuật (gọi tắt là  Công ty XKLĐ IMS) (có địa chỉ tại đường Nguyễn Trãi Thanh Xuân, Hà  Nội) để đi làm việc tại Angola những tưởng sẽ có một khung trời tươi đẹp mở ra ở bên kia nước bạn. Tuy nhiên điều mà  họ nhận lại được ở đất nước Angola là nợ lương và nguy hiểm luôn rình rập.

Theo những lao động này, mức phí Công ty xklđ IMS thu của các lao động vượt quá thẩm định của Cục quản lý lao động Ngoài nước. Cụ thể, công ty IMS đã thu phí của lao động Nguyễn Văn A 5500USD, Mai Văn B là  5500 USD, Phạm Văn C là  5500 USD, Nguyễn Văn D là  112.500.000 đồng, Nguyễn Văn E là  5.300 USD, Nguyễn Viết H là  5.500 USD, Nguyễn T là  112.500.000 đồng, Nguyễn P là  5500 USD.

Chúng tôi không rõ là quy định của Nhà  nước và mức tiền phải đóng để đi xuất khẩu lao động là như thế nào, chỉ nghe cán bộ công ty phản ánh là phải đóng hơn 100 triệu, chúng tôi đã phải đóng hơn 100 triệu. Người thì nộp cho kế toán của công ty tên là  T, người thì nộp cho cò môi giới. Thế nhưng khi nộp kế toán công ty cũng chỉ ghi cho phiếu thu nhận là  73.720.000 đồng, chúng tôi hỏi tại sao số tiền còn lại không ghi họ nói là  không cần thiết, nếu có ai hỏi thì không được nói và  họ nói làm như thế để đi cho nhanh..., lao động D, bức xúc cho hay.

Sau khi hoàn thành xong thủ tục, ngày 23/3 lao động được đưa xuống sân bay Angola, tuy nhiên điều làm những lao động ở đây bức xúc là  khi xuống sân bay họ đều bị Cục xuất nhập cảnh của Angola thu giữ hộ chiếu.

Chỉ có 3 người trong số 16 lao động cùng chuyến bay sang làm việc tại Angola nhanh chân ra ngoài thì không bị thu hộ chiếu, còn lại tất cả chúng tôi đều bị họ thu giữ lại hộ chiếu, đến hôm chúng tôi về nước cũng không được người của công ty IMS phát lại hộ chiếu, họ chỉ làm cho chúng tôi mỗi người một cái giấy thông hành anh ạ..., một lao động bức xúc cho biết.

Cũng theo những lao động này, sau khi tất cả ra khỏi sân bay, họ được một người phiên dịch của công ty IMS tên là  Phong và  giám đốc công ty Giabi đón về công trình nơi sẽ làm việc, lao động yêu cầu được ký hợp đồng, tuy nhiên yêu cầu này của họ bị gạt đi.

Làm việc không lương

Theo tìm hiểu của chúng tôi, theo hợp đồng công ty IMS ký kết với lao động thì mỗi tháng người lao động được cấp 200 USD tiền ăn, hợp đồng là vậy nhưng sau tháng đầu tiên phía công ty Giabi chỉ cung cấp cho lao động 15.000 kuanza (tương đương với 100USD), chế độ ăn uống không đảm bảo người thì ốm đau, người thì bệnh tật, nhiều lần đòi quyền lợi không được lao động vẫn phải tiếp tục làm việc.

Chế độ ăn uống không đảm bảo, tiền lương trả cho lao động cũng không có đến một đồng đã buộc những lao động này phản đối.

Theo hợp đồng thì 7 ngày đầu tiên của tháng kế tiếp chúng tôi sẽ được trả lương, mức lương cụ thể ở đây là 800 USD mỗi người. Số tiền này sẽ được công ty IMS gử­i vào tài khoản của người nhà lao động, giấy trắng mực đen ký kết. Vậy nhưng sau 3 tháng làm việc chúng tôi vẫn không nhận được một xu nào, buộc chúng tôi phải cho người nhà ra trụ sở công ty IMS đòi tiền, thế nhưng công ty cũng chỉ ứng cho mỗi lao động chúng tôi được 30.000.000 đồng. Аồng thời, phía công ty thông báo tất cả chúng tôi phải tiếp tục làm việc không được bãi công..., lao động phản ánh.

Theo những lao động, trước vi phạm nghiêm trọng về hợp đồng họ vẫn tiếp tục làm việc không lương đến 5 tháng 15 ngày công thì lao động quyết định nghỉ việc, đồng thời đề nghị công ty đưa về nước.

Ngày 8/9, người phiên dịch của công ty IMS và giám đốc công ty Giabi đến hứa sẽ mua vé máy bay cho tất cả lao động về nước, thế nhưng đến gần cuối tháng 9, họ vẫn không nói gì, buộc chúng tôi tiếp tục điện cho người nhà ra trụ sở công ty IMS phản đối đề nghị phía công ty can thiệp đưa chúng tôi về. Chúng tôi được phía công ty IMS hứa đưa về trong khoảng thời gian 1/10 đến tối đa là ngày 15/10 thế nhưng cũng phải đến 25/10 chúng tôi mới được đưa về nước..., nội dung đơn thư phản ánh.

Vê đến sân bay chúng tôi mới tin mình còn sống, chúng tôi như người từ cõi chết trở về, bởi điều kiện bên đó quá khắc nghiệt. Chúng tôi đi làm về cử­a phòng lúc nào cũng phải đóng kín mít bởi tình trạng cướp bóc, trấn lột, việc cướp mang súng vào nhà  đánh đập, cướp bóc công nhân lao động diễn ra thường xuyên ở Angola. Tôi từng bị cướp vác súng đuổi theo nhưng may mắn thoát chết..., H một trong 3 lao động từng bị cướp chĩa súng vào người cho biết.

Chúng tôi đều là  những lao động chân lấm tay bùn, thấp cổ bé họng việc chúng tôi phải về nước là  điều không mong muốn nhưng trước tình hình nợ lương của công ty nếu ở lại thì ngày càng bi đát. Nay chúng tôi về nước phía công ty IMS chỉ hứa sẽ trả số tiền lương tương đương với gần 6 tháng chúng tôi làm việc, số tiền chúng tôi phải đóng cho công ty để đi Angola là hơn 100 triệu đồng nếu trả công ty IMS trả như thế chúng tôi biết lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng. Mặt khác việc công ty đưa chúng tôi đi làm Angola vào đúng công ty yếu kém, với kiểu đem con bỏ chợ thế này, phía công ty phải đền bù thỏa đáng cho những ngày công lao động và  nên trả lại phần phí đã thu của chúng tôi..., tập thể 8 lao động cho hay.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi công ty Gia bi đưa 16 lao động đi làm việc tại Angola hiện 9 lao động đã về nước, hiện còn 7 lao động tại Angola một số vì lý do nợ lương, một số lao động vì lý do khác đã bỏ trốn ra ngoài làm.

Liệu việc công ty IMS đưa lao động đi làm việc với đối tác công ty Giabi tại Angola đã có thẩm định của Cục quản lý lao động ngoài nước?. Việc công ty IMS đưa lao động đi làm việc tại Angola nhưng không có lương trả cho lao động buộc lao động phải về nước sẽ xử­ lý như thế nào?. Chúng tôi đề nghị Bộ lao động Thương binh và  Xã hội, Thanh tra Bộ lao động Thương binh và Xã hội, Cục quản lý lao động ngoài nước vào cuộc xác minh, làm rõ trả lại quyền lợi cho người lao động.

Ngay sau khi tiếp nhận đơn thư của bạn đọc, chúng tôi đã liên hệ làm việc với lãnh đạo Công ty IMS và được một người xưng tên là Vũ Danh Thắng - Trưởng phòng Xuất khẩu lao động ra tiếp. Vị đại diện công ty này nói gì, sẽ được chúng tôi tiếp tục thông tin trong bài viết thứ 2.

Bạn đọc có thắc mắc gì về lĩnh vực xuất khẩu lao động xin gọi vào số điện thoại đường dây nóng: 0988 200 599

Báo Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)