1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Mưu sinh
  4.  › 
  5. Phát sinh

Công ty XKLĐ HOGAMEX ‘''vượt rào'', thu phí vượt quy định: Bài 2 - ''Có thể kiểm tra, xử lý doanh nghiệp vi phạm''

01/09/2019
Liên quan đến nội dung bài viết "Công ty HOGAMEX "vượt rào", thu phí vượt quy định?" phản ánh về tình trạng Công ty Cổ phần XNK 3-2 Hoà Bình (Công ty HOGAMEX) chuyên cung cấp dịch vụ XKLĐ sang thị trường Nhật Bản và có dấu hiệu thu phí vượt quá quy định. Để làm rõ thêm những thông tin liên quan và cung cấp các quy định về XKLĐ cho người lao động, PV Báo Người Hà Nội đã có cuộc trao đổi với luật sư Lương Danh Tùng - Giám đốc Công ty luật Hà Nội Trường An (Đoàn Luật sư Hà Nội).

Công ty HOGAMEX "vượt rào": Bài 1- thu phí vượt quy định?

Phóng viên: Thưa luật sư, việc xuất khẩu lao động (XKLĐ) hiện nay cần phải tuân thủ những quy định nào?

Luật sư Lương Danh Tùng: Người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài nói chung và việc xuất khẩu lao động nói riêng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của các quy định tại Luật số: 72/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội khóa 11 về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị định số: 126/2007/NĐ-CP ngày 01/08/2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Thông tư số: 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08/10/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật số: 72/2006/QH11 và Nghị định số: 126/2007/NĐ-CP đã nêu trên.


Nhân viên Công ty Hogamex đang tư vấn về XKLĐ Nhật Bản cho ứng viên tại văn phòng công ty.

Ngoài ra việc xuất khẩu lao động còn phải tuân thủ một số các quy định tại các văn bản dưới luật khác liên quan về đào tạo người lao động; dịch vụ đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động.

Phóng viên: Đối với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ XKLĐ phải đáp ứng những yêu cầu gì?

Luật sư Lương Danh Tùng: Các tổ chức sự nghiệp và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động  phải có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có vốn pháp định ít nhất là 5 tỷ VNĐ và phải trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Phóng viên: Việc thu phí của người lao động khi đi XKLĐ nói chung và XKLĐ sang Nhật Bản nói riêng cần thực hiện như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư Lương Danh Tùng: Doanh nghiệp được thu tiền môi giới và tiền dịch vụ từ người lao động như sau:

- Tiền môi giới là khoản chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho bên môi giới để ký kết và thực hiện hợp đồng cung ứng lao động. Doanh nghiệp phải chi trả tiền môi giới, sau đó người lao động sẽ hoàn trả cho doanh nghiệp số tiền này. Mức trần tiền môi giới cho các thị trường không quá một tháng lương/người lao động cho một năm hợp đồng.

Tuy nhiên cần lưu ý là trường hợp đối tác nước ngoài không có yêu cầu về tiền môi giới thì doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không được thu tiền môi giới của người lao động.

- Tiền dịch vụ là khoản chi phí mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp để thực hiện hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mức trần tiền dịch vụ không quá một tháng lương hoặc tiền trợ cấp tu nghiệp theo hợp đồng cho một năm làm việc. Doanh nghiệp không được thu tiền dịch vụ  của người lao động vượt quá ba tháng lương theo hợp đồng/người/hợp đồng.

Ngoài ra doanh nghiệp còn được thu tiền dạy tiếng nước ngoài cho người lao động.

Đối với thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản thì Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản số: 1123/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 06/04/2016 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp chấn chỉnh đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản. Nội dung văn bản số 1123/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 06/04/2016 đã nêu rõ các khoản phí mà doanh nghiệp được phép thu từ thực tập sinh là không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm; không quá 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm. Cần lưu ý là doanh nghiệp chỉ được thu các khoản phí theo quy định sau khi thực tập sinh đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và doanh nghiệp đã ký hợp đồng đưa thực tập sinh sang thực tập tại Nhật Bản với thực tập sinh.

Đối với học phí đào tạo tiếng Nhật cho người lao động thì doanh nghiệp không được thu quá 5.900.000 đồng/khóa tiếng Nhật có thời lượng tương ứng 520 tiết/khóa học.

Phóng viên: Thưa luật sư, đối với những tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ XKLĐ sang Nhật Bản mà thu vượt mức phí quy định đối với người lao động thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Lương Danh Tùng: Đối với hành vi thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 33 khoản 2 điểm b Nghị định số: 95/2013/NĐ-CP ngày 22/08/2013 của Chính phủ quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với số tiền phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Phóng viênTrong trường hợp phát hiện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ XKLĐ vi phạm trong việc thu phí đối với người lao động thì cơ quan nào sẽ có trách nhiệm kiểm tra, xử lý?

Luật sư Lương Danh Tùng: Đối với hành vi của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động vi phạm quy định về thu phí của người lao động thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước có thẩm quyền kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp.

Phóng viên: Chân thành cảm ơn luật sư Lương Danh Tùng!

Báo sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc 

Bạn đọc có thắc mắc gì về Xuất khẩu lao động xin gọi số điện thoại đường dây nóng: 0988 200 599.

Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)