1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Người Hà Nội

Vượt qua bóng tối

14/10/2021
Bị khiếm thị từ năm 15 tuổi nhưng không hề cam chịu số phận mà với trí tuệ và ý chí đã anh vượt lên, tiếp tục theo đuổi việc học cho tới hết đại học. Anh là Trần Trung Hiếu, sinh ngày 25/2/1962 tại Hà Nội hiện là Giám đốc Trung tâm Dạy nghề thuộc Hội Người mù Hà Nội.
Vượt qua bóng tối
Chân dung Giám đốc Trần Trung Hiếu

 

 

 

Bước ngoặt cuộc đời, bước vào… bóng tối

 

 

Anh Hiếu là con thứ sáu trong một gia đình đông anh em ở Hà Nội. Anh cho biết: Năm 1977, trong một vụ tai nạn kíp nổ, anh bị thương nặng. Mặc dù đã được gia đình đưa đi cứu chữa nhưng anh đã vĩnh viễn mất đi đôi mắt. Một cậu thanh niên đang tuổi học sinh với bao mơ ước hoài bão còn dang dở bỗng thành người mù. Người xưa thường nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Từ đây, cuộc sống của anh sẽ gắn với màu đen trước mắt, ngày cũng như đêm. Nó là một bước ngoặt lớn trong đời anh. Một bước ngoặt đi xuống, bước vào… bóng tối. Những ngày đầu không nhìn thấy xung quanh mọi thứ với anh gần như sụp đổ. Nhiều lúc chán nản như buông xuôi tất cả anh không biết sẽ phải tiếp tục cuộc sống từ đâu. Đặc biệt vào những năm 70 thế kỷ trước tình hình thông tin và các cách thức hỗ trợ cho người mù hòa nhập cuộc sống còn thiếu thốn. Nhưng được mọi người trong gia đình động viên, anh dần tỉnh ngộ và bắt đầu làm quen với thực tại. Dạo đấy gia đình anh thường làm các nghề truyền thống thủ công; lúc sáng mắt anh vẫn làm. Bây giờ anh lại lần mò làm những việc đó nhưng trong bóng tối. Khi đó, tâm tư chỉ gói gọn trong mấy bức tường, anh không còn sự lựa chọn nào khác cho nên bắt buộc phải kiên trì làm quen. Về sau những việc đó lại trở thành niềm vui lớn đối với anh. Từ cách làm quen lại công việc hàng ngày, anh bắt đầu nghĩ làm sao tiếp tục học chữ. Anh được giới thiệu vào Hội người mù để tiếp cận với chữ nổi. Sau khi học xong phổ thông, anh lại thi đỗ vào ngành Luật Kinh tế - Trường Đại học Mở Hà Nội. Con đường từ một cậu thanh niên khiếm thị đến với giảng đường đại học thật lắm chông gai nhưng cũng mang nhiều hạnh phúc. Ngày anh ra trường  cũng là lúc niềm vui như vỡ òa. Bao nhiêu gian khổ anh trải qua đã được đền đáp xứng đáng. Học xong anh xin về Hội người mù thành phố làm việc để có cơ hội giúp đỡ những phận đời khác như mình vượt qua số phận.

 

 

 

Mặc dù là người bị hỏng mắt từ khi còn rất trẻ nhưng, bằng nghị lực phi thường anh vẫn cố gắng học tập, rèn luyện để giống như người sáng mắt. Về Hội người Mù công tác, anh làm gần như tất cả các việc. Với nguyên tắc không để việc chờ, anh tham gia các hoạt động xã hội do Hội tổ chức. “Tôi cảm thấy mình không có hạn chế nào so với người sáng mắt. Tôi phát triển các các lớp dạy nghề rồi định hướng công việc cho các em… Trong các hoạt động hướng đến cộng đồng ấy tôi đã có duyên gặp một người con gái kém tôi 7 tuổi. Mặc dù em là người bình thường nhưng lại đồng cảm với hoàn cảnh của tôi. Năm 1995, chúng tôi quyết định kết hôn về cùng một nhà. Hiện vợ chồng tôi có một cháu đã học xong đại học. Đây là hậu phương vững chắc để tôi yên tâm công tác cống hiến nhiều hơn cho các hoạt động xã hội”- anh Hiếu xúc động.

 

 

 

Người “thuyền trưởng” gương mẫu

 

 

 

Nói về công việc hiện tại trong khi dịch bệnh Covid 19 đang hoành hành, anh chia sẻ rất tự hào: “Lĩnh vực tẩm quất ngoài sử dụng kỹ năng thì kiến thức lý thuyết rất quan trọng như học viên phải biết ứng xử, giao tiếp với khách, am hiểu học thuyết âm dương, ngũ hành, những mạch trên cơ thể ảnh hưởng đến sức khỏe… Vì vậy, hiện nay Trung tâm của tôi vẫn có 03 nhóm lớp học viên theo học bằng hình thức trực tuyến. Mỗi nhóm lớp khoảng hơn mười học viên. Cán bộ giáo viên vẫn dạy đều từ thứ hai đến thứ sáu. Học viên của Trung tâm quyết tâm học tập, rèn luyện để lấy đó làm “vũ khí” để chống dịch và cũng là món quà tinh thần gửi tới những người ở trên tuyến đầu chống dịch. Tôi xác định đào tạo nghề tẩm quất cũng phải dựa trên những kiến thức khoa học làm nền. Vì vậy, các bạn học xong ở trung tâm ra đều có việc làm ổn định. Trung tâm thực sự đã trở thành một thương hiệu về dạy nghề cho người khiếm thị”.

 

 

 

Để có kết quả ấy, không ai biết những ngày đầu mới mở, Trung tâm gặp vô vàn gian khó đòi hỏi người “thuyền trưởng” như anh phải bản lĩnh mới có thể vượt qua. Anh nhớ lại: “Tháng 11 năm 2012, tôi được UBND Thành phố giao giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm. Thời điểm đó Trung tâm mới được thành lập, chưa có Quy chế tổ chức hoạt động, chưa có đội ngũ cán bộ nhân viên, chưa có các chương trình giáo trình dạy nghề cho người khiếm thị, cơ sở vật chất hầu như không có gì đáng kể. Với nhiệm vụ được giao, ngay từ những ngày đầu, tôi đã nỗ lực bắt tay vào việc xây dựng Quy chế tổ chức hoạt động của Trung tâm, từng bước thành lập bộ máy cán bộ làm việc của Trung tâm; tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, ủng hộ của Ban thường vụ Hội Người Mù Thành phố và các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước… Sau 2 năm đầu củng cố từ năm 2015 bộ máy tổ chức và cán bộ Trung tâm đã dần được hoàn thiện và đi vào ổn định. Hiện nay, Trung tâm có 5 cán bộ có đủ năng lực, trình độ chuyên môn theo quy định, trong đó trình độ sau đại học có 01 người; Đại học có 03 người; trình độ trung cấp chuyên nghiệp 01 người; 100% cán bộ và giáo viên của Trung tâm đã có chứng chỉ sư phạm dạy nghề, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ theo quy định”- Anh khẳng định.

 

Năm 2020 Trung tâm đã triển khai tuyển sinh và đào tạo các khóa dạy nghề cho người khiếm thị như: Triển khai dự án “Nâng cao năng lực chuyên môn giảng dạy cho đội ngũ giáo viên dạy nghề Tẩm quất và Kỹ năng marketing dịch vụ tẩm quất” do Quỹ Abilis Phần Lan tài trợ cho 10 học viên đạt hiệu quả cao. Trung tâm tổ chức đào tạo 03 lớp dạy nghề trong đó có 01 lớp tẩm quất nâng cao cho 20 người; 01 lớp nghề Tẩm Quất cơ bản cho 10 người; 01 lớp Công tác xã hội cho 10 người. Bên cạnh đó Trung tâm cũng hợp tác với nhóm “Chung tay vì người mù” tổ chức 02 lớp “Kỹ thuật Xoa bóp bàn chân cho người khiếm thị”, nâng cao tay nghề cho 60 học viên khiếm thị tham gia. Trung tâm còn tổ chức và tham gia một số hoạt động: Tổ chức quay video bài giảng dạy chương trình nghề tẩm quất cho 10 giáo viên khiếm thị, tiếp tục hoàn thành bổ sung chương trình, giáo trình dạy nghề tẩm quất, thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid 19 theo chỉ đạo của Thành phố. Trung tâm tổ chức lớp “Khởi sự doanh nghiệp” cho 30 người khiếm thị nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý kinh tế, kiến thức khởi sự doanh nghiệp của người khiếm thị Hà Nội, tham gia tập huấn dự án “Khởi nghiệp dựa vào nội lực” Do Quỹ Abilis Phần Lan tài trợ. Đặc biệt, Anh còn tham gia đăng ký 02 sáng kiến với chương trình Én Xanh – Tôn vinh sáng kiến kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững do tổ chức VCCI, UNDP, CSIP phối hợp tổ chức và được Chương trình ghi nhận với sáng kiến “Phát huy giá trị nghề Tẩm quất và tạo việc làm bền vững cho người khiếm thị”. Để công tác dạy nghề được triển khai sâu rộng trên địa bàn thành phố, Trung tâm cũng luôn xây dựng mối quan hệ tốt và thường xuyên liên lạc, phối hợp với Hội Người Mù 30 quận/huyện của Hà Nội... Với những thành tích đã đạt được, anh đã được Chủ tịch UBND Thành phố tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2020.

Trần Chung/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/vuot-qua-bong-toi_269875.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)