1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Hà Nội
  4.  › 
  5. Người Hà Nội

Có nên thay thế loa phường?

02/12/2018
Sau hơn 1 năm lấy ý kiến và triển khai thí điểm bỏ loa phường thay thế bằng thiết bị thông minh tại một số quận trong nội thành Hà Nội, Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội tiếp tục khảo sát lấy ý kiến người dân về loa phường. Việc lấy ý kiến được thực hiện trên cổng Giao tiếp điện tử TP. Hà Nội, bắt đầu từ 5/10 đến ngày 25/10/2018.
Có nên thay thế loa phường?
Loa phường tại bốn quận cũ đã dừng phát hàng ngày, chỉ phát các nội dung thông báo khẩn cấp. 
 
Có nên bỏ loa phường?

Là địa bàn triển khai thí điểm của quận Cầu Giấy, phường Yên Hòa được trang bị và triển khai thí điểm tại 50 điểm loa (thiết bị thông minh - PV) tại 50 hộ gia đình. Thiết bị thông minh có tên là M - GATEWAY do nhà mạng Mobiphone cung cấp, lắp đặt, có hình dáng, kích cỡ giống như một chiếc modem wifi giúp người dân có thể nhận được thông tin của địa phương, các chương trình tuyên truyền của thành phố, quận và phường dưới dạng âm thanh tương tự như loa phường. 
 
Bà Trần Hải Yến - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cho biết: “Hiện nay, thông tin của phường phát qua hệ thống thông minh hàng ngày các buổi sáng thứ hai, thứ tư, thứ sáu còn lại là các buổi sáng trong tuần với thời lượng là 15 phút. Trong giai đoạn thí điểm, qua khảo sát có đến hơn 2/3 thường xuyên hoạt động. Đa số là nhân dân đồng tình, còn lại số ít hộ gia đình vì lý do công việc, có lúc tắt thiết bị”. Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cũng cho biết thêm, hệ thống loa phường hiện nay còn 10 cụm loa, để sử dụng vào các đợt cao điểm tuyên truyền như phun thuốc diệt muỗi, chi trả lương…
 
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Cán bộ phụ trách phát thanh UBND phường Thành Công, quận Ba Đình cho biết, sau 1 năm thí điểm, thiết bị thông minh đã cho thấy ưu điểm so với loa phường cũ. Nhiều người dân trên địa bàn phường khẳng định, công tác thông tin theo hình thức này tạo thuận lợi cho họ trong việc tiếp nhận thông tin cơ sở và tích hợp được nhiều hình thức trao đổi hai chiều. Đồng thời, khi phát sóng, UBND phường cũng có thể kiểm tra được hộ nào đang mở máy hoặc hộ nào tắt máy. Cơ bản nhân dân đồng thuận ủng hộ thiết bị thông minh và bỏ loa phường…
 
Theo ông Phạm Gia Ngọc - Cán bộ văn hóa UBND phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP. Hà Nội, hiện nay phường còn 66 điểm loa được chia làm 12 cụm, chỉ sử dụng để thông báo các trường hợp khẩn cấp như phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh… Ông Ngọc cho biết đa số người dân trên địa bàn phường đều mong muốn bỏ loa phường vì thiết bị này không phát huy được hiệu quả, thông tin không còn tính thời sự, đặc biệt cán bộ văn hóa phường kiêm nhiệm phụ trách làm bản tin không được chuyên nghiệp như báo chí, truyền hình. Theo ông hiện nay mạng intenet đã phổ biến, nhiều người sử dụng smartphone, nhà nhà kết nối internet, thậm chí tivi và nhiều đồ gia dụng khác cũng được kết nối mạng bởi vậy thông tin cũng được người dân cập nhật liên tục.
 
Thiết bị thông minh chưa phát huy hết tác dụng
 
Bà Nguyễn Thị Mai Hồng -  trú tại ngõ 18, tổ 16, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cho biết, thiết bị thông minh truyền đạt thông tin từ trên phường xuống địa bàn khu dân cư rất kịp thời nhanh chóng. Tuy nhiên theo bà một số nhà trong ngõ sâu nên chất lượng âm thanh bị hạn chế, mặt khác do không có nút điều chỉnh âm lượng nên người dân muốn âm thanh to nhỏ cũng khó. 
 
Có nên thay thế loa phường?
Thiết bị thông minh thay thế loa phường được thí điểm tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.
 
Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cho rằng hệ thống thiết bị thông minh được lắp miễn phí bởi vậy sau giai đoạn thí điểm, nếu xã hội hóa cung cấp thiết bị cho dân được thì tốt bởi nếu thiết bị đắt tiền thì không phải hộ gia đình nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua.
 
Tại buổi làm việc của lãnh đạo Thành ủy Hà Nội với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vào cuối tháng 9/2018, một số đại biểu đề nghị cần sớm đánh giá khách quan việc sắp xếp loa phường vì trên thực tế đang nảy sinh nhiều vấn đề. Ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin: “Người dân phản ánh thiết bị thay thế loa phường được treo ở góc tường nhà và họ không bao giờ sờ đến, không hiệu quả, trong khi đó lúc cần tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, một số nơi phải bắc loa vào xe đạp". Ông Quý đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đánh giá cụ thể chi tiết đến tận từng phường.
 
Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu: "Thực tế hơn một năm qua, thiết bị thay thế không phát huy tác dụng, có nơi thuê ông bán báo dạo, giao cho chiếc băng cassette rồi nhờ ông đạp xe phát thông tin về phòng chống dịch bệnh". Ông Phong đề nghị tính toán kỹ lại việc sắp xếp loa phường "không thể chủ quan duy ý chí", không đơn giản chỉ là phương tiện kỹ thuật mà phải đặt nó trong tình huống phát triển xã hội. "Tôi rất băn khoăn vì gần đây nhiều cán bộ các cấp, từ ông trưởng thôn trở lên đều nói đến 4.0. Tôi rất sợ kiểu tư duy 4.0 có nghĩa là Hà Nội đang ở 3.0 và chỉ ngày mai là chuyển sang 4.0. Trên thực tế không phải như thế, chúng ta có nhiều cấp độ, trình độ, điều kiện, khả năng sử dụng và thích nghi cũng rất khác nhau" -  Ông Phong nói. 
Đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết, lần lấy ý kiến lần này để rà soát hiệu quả sau 1 năm thực hiện việc sắp xếp hệ thống loa phường tại một số quận nội thành, đồng thời khảo sát lấy ý kiến về Đề án 5133 (Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hà Nội”). Nội dung khảo sát, lấy ý kiến tập trung vào 2 nhóm chính: Thực hiện giảm số lượng loa và cụm loa tại các phường thuộc quận; Triển khai thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường. Qua đợt khảo sát lấy ý kiến này sẽ là những căn cứ thực tế để Sở TT&TT Hà Nội tham mưu UBND thành phố xem xét, phê duyệt “Phương án sắp xếp đài truyền thanh xã, phường, thị trấn”, “Phương án triển khai thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường” và “Quy chế hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.

Đăng Chung/NHN

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)