1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Nghệ thuật

Phát huy vai trò báo chí văn học nghệ thuật

22/06/2021
Phát huy vai trò báo chí văn học nghệ thuật
Các đại biểu dự Triển lãm ảnh nghệ thuật “Kết nối các miền di sản” - một hoạt động vô cùng ý nghĩa trong việc gắn kết, xây dựng mối quan hệ giữa các hội VHNT của 5 vùng kinh đô (Phú Thọ - Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế).
Nhìn lại những chặng đường của báo chí văn học nghệ thuật
 
Sau cách mạng tháng Tám thành công, tháng 7/1948, Hội Văn nghệ Việt Nam - một tổ chức hội chuyên ngành của giới văn nghệ sĩ Việt Nam chính thức được thành lập. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), tạp chí Văn nghệ là cơ quan ngôn luận của hội. Ở các vùng miền, liên khu trong cả nước, gắn bó với các tổ chức văn nghệ khu vực và địa phương đó, đã phát hành các báo, tạp chí khu vực như: tạp chí Sáng tạo của Chi hội Văn nghệ Liên khu IV; báo Lá lúa của Chi hội văn nghệ kháng chiến Nam Bộ, rồi Văn nghệ miền Nam; tạp chí Lúa mới của Chi hội văn nghệ Liên khu III, tạp chí Văn nghệ Liên khu V của Chi hội văn nghệ Liên khu…
 
Từ sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở cả 2 miền, tổ chức văn nghệ toàn quốc có sự phát triển mạnh mẽ. Ở miền Bắc, sau Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (2/1957), Hội Văn nghệ Việt Nam đổi tên thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam và triển khai thành lập các tổ chức hội thành viên của Hội Liên hiệp. Đó là các hội chuyên ngành Trung ương gồm: Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Hội Âm nhạc, Hội Kiến trúc sư, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Hội Điện ảnh, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, Hội Nghệ sĩ Múa. Cùng với đó là sự ra đời của các hội VHNT địa phương. 
 
Đi kèm với sự ra đời các hội VHNT chuyên ngành Trung ương và hội VHNT địa phương nói trên là sự hiện diện của các tờ báo, tạp chí VHNT là cơ quan ngôn luận của các hội đó - mỗi hội đều cho xuất bản 1 tờ báo hoặc tạp chí phát hành định kỳ.
 
Ở miền Nam, năm 1961, Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam ra đời, xuất bản tạp chí Văn nghệ giải phóng. Ở các vùng chiến khu giải phóng có thành lập Hội Văn nghệ giải phóng khu vực, địa phương đều có xuất bản báo, tạp chí văn nghệ làm cơ quan ngôn luận của tổ chức (Hội Văn nghệ Thừa Thiên - Huế; Hội Văn nghệ giải phóng đặc khu Sài Gòn - Gia Định; Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ (khu V)).
 
Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, văn nghệ một nhà, tháng 4/1984, tại Hà Nội, Hội nghị thống nhất các tổ chức văn nghệ 2 miền đã họp, thống nhất văn nghệ 2 miền cùng một mái nhà chung là Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam. Ở Trung ương thành lập Hội VHNT chuyên ngành thứ 10 là Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam (12/1989). 
 
Từ ngày thành lập buổi đầu chỉ có một tổ chức là Hội Văn nghệ Việt Nam, đến nay Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đã có 73 hội thành viên, trong đó có 10 hội chuyên ngành Trung ương và 63 hội văn nghệ địa phương, tập hợp hơn 40.000 hội viên đang hoạt động trong các chuyên ngành VHNT (văn học, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc, nhiếp ảnh, điện ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số) trên khắp các vùng miền đất nước.
Từ đó cho đến thời điểm thực hiện quy hoạch báo chí, 10 hội chuyên ngành Trung ương và 63 hội VHNT địa phương ít nhất mỗi hội đều có 1 tờ tạp chí hoặc 1 tờ báo in. Một số hội do điều kiện cho phép còn triển khai xuất bản báo điện tử, trở thành diễn đàn cập nhật công bố tác phẩm mới và trao đổi ý kiến, luận bàn những vấn đề về chính trị, xã hội và nghề nghiệp được các văn nghệ sĩ quan tâm.
 
Một số vấn đề đặt ra cho hoạt động báo chí VHNT hiện nay
 
Tính từ tháng 3/1948 khi số tạp chí Văn nghệ đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời, báo chí VHNT cách mạng đã có lịch sử hình thành và phát triển hơn 70 năm. Báo chí VHNT đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền và quảng bá các tác phẩm VHNT, tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo thống nhất hành động xây dựng nền văn hóa dân tộc...
 
Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với báo chí nói chung trong đó có báo chí VHNT. Trong thời kỳ đổi mới và những năm gần đây, khi mà bối cảnh xã hội và tình hình quốc tế có những biến đổi mạnh mẽ, bên cạnh những mặt thuận lợi nảy sinh nhiều thách thức đòi hỏi phải vượt qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành những Nghị quyết nhấn mạnh việc xây dựng nền tảng tinh thần xã hội của văn hóa, văn nghệ; tính đặc thù của tác phẩm VHNT; sự độc đáo trong cá tính sáng tạo của văn nghệ sĩ; khai thác và phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ; kiện toàn tổ chức và cải tiến sự lãnh đạo, quản lý đối với VHNT trong đó có báo chí văn nghệ để nâng cao hiệu quả của văn hóa, văn nghệ trong sự tiếp nhận của công chúng.
 
Nghị quyết 23/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (6/2008) phê phán tình trạng nghiệp dư các hoạt động VHNT; sự thiếu hiểu biết đầy đủ về vai trò và tính đặc thù của VHNT trong một bộ phận cấp ủy, chính quyền, cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn nghệ; việc đầu tư kinh phí, ngân sách cho VHNT chưa đúng tầm và đúng mức; cần quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực văn học nghệ thuật, bổ sung xây dựng mới các chế độ chính sách đối với văn nghệ sĩ và hoạt động văn học nghệ thuật, xem đầu tư cho VHNT là đầu tư cho phát triển để có thêm nhiều tác phẩm có chất lượng, giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận và nâng cao năng lực thẩm mỹ của nhân dân.
 
Nghị quyết 33 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (6/2014) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã chỉ ra công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế và bất cập đồng thời lưu ý việc điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với tính đặc thù của văn hóa, nghệ thuật.
 
Thực hiện triển khai Nghị quyết 22 và Nghị quyết 33 của Đảng, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị tổng kết công tác, trong đó bàn bạc và thống nhất ý kiến trong các tổ chức hội VHNT các cấp đề nghị các cơ quan cấp trên của Đảng và Nhà nước xem xét kiến nghị của giới báo chí VHNT về việc kiện toàn cơ quan báo chí của các tổ chức VHNT về: bộ máy, nhân sự và hỗ trợ kinh phí thường xuyên hàng năm từ phía Nhà nước. Trên cơ sở đó Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cũng trình dự án lên các cơ quan Nhà nước hữu quan của Chính phủ về việc quy hoạch thống nhất hệ thống cơ quan báo chí ở các hội chuyên ngành Trung ương và Hội VHNT địa phương theo tinh thần mà các hội đã thống nhất trong kiến nghị. Tuy nhiên cho đến nay, đề án về quy hoạch hóa báo chí VHNT của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam vẫn chưa được phê duyệt. Việc quản lý báo chí VHNT cũng như việc chăm lo hoạt động báo chí VHNT về tổ chức, lãnh đạo quản lý, kinh phí được cấp vẫn duy trì như trước. 
 
Do kinh phí cấp cho mỗi hội không nhiều, nên kinh phí từng hội chia cho hoạt động báo chí cũng không đáng kể. Nhiều hội VHNT phải tìm cách giảm nhân sự của bộ máy tòa soạn, giảm kỳ phát hành, giảm số trang mỗi kỳ hoặc liên kết với một số tổ chức khác để xuất bản báo chí, tìm các tổ chức doanh nghiệp bảo trợ. Một số hội thì duy trì cơ quan báo chí trong tình trạng lay lắt hoặc ngừng phát hành hoặc giảm số trang của mỗi kỳ phát hành. 
 
Chỉ cá biệt một số hội VHNT địa phương do có sự quan tâm của chính quyền tỉnh, thành phố, báo chí của hội đã được hỗ trợ thêm một phần kinh phí khá dồi dào, vì vậy các tạp chí này thực hiện in trên giấy đẹp, màu sắc phong phú, tia-ra phát hành cao, nhuận bút trả nhỉnh gấp đôi các tạp chí khác. 
 
Cần có chiến lược và kế hoạch dài hạn về phát triển báo chí VHNT
 
Để báo chí VHNT phát triển thì trước nhất cần lưu ý những giải pháp quản lý báo chí VHNT. Lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương cần tích cực thực hiện đường lối phát triển VHNT và báo chí văn nghệ theo Nghị quyết gần đây của Trung ương đã chỉ ra và Hồ Chủ tịch đã căn dặn từ lâu. Bên cạnh đó, cần có chiến lược và kế hoạch dài hạn về phát triển báo chí VHNT, chú trọng sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt và đội ngũ biên tập viên, phóng viên chủ lực của các cơ quan báo chí VHNT, làm cho báo chí VHNT trở thành diễn đàn của giới VHNT và của công chúng VHNT, quảng bá rộng rãi các tác phẩm về sáng tác, nghiên cứu, lý luận - phê bình, dịch thuật về VHNT, bồi đắp nền tảng tinh thần của xã hội văn minh, hiện đại và nhân văn.
 
Cần coi trọng tính đặc thù của báo chí VHNT, sự đa dạng của phong cách bút pháp và cá tính sáng tạo của văn nghệ sĩ thuộc các loại hình VHNT, chống những biểu hiện hẹp hòi, định kiến, vi phạm quyền tự do sáng tạo trong khuôn khổ tôn trọng pháp luật của văn nghệ sĩ, tôn trọng bản quyền sáng tạo, sưu tầm, nghiên cứu; vinh danh các văn nghệ sĩ, các nhà báo tài năng, đảm bảo cho văn nghệ sĩ và các nhà báo VHNT chuyên nghiệp, tâm huyết và có tài năng có thể sống bằng nghề nghiệp của chính mình.
 
Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động thông tin, nghiên cứu lý luận phê bình về VHNT, đảm bảo sự dân chủ, khách quan, văn hóa trong tranh luận học thuật, trao đổi ý kiến, góp phần định hướng sáng tạo, tiếp nhận VHNT hướng về xây dựng con người mới theo các giá trị của văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại. Có kế hoạch lâu dài đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ lý luận, phê bình một số loại hình VHNT hiện đại còn là mới mẻ ở nước ta: nhiếp ảnh, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, hội họa, kiến trúc, múa. Chăm chút xây dựng các chuyên mục lý luận, phê bình, nghiên cứu về các loại hình nghệ thuật nói trên trên báo chí các hội VHNT chuyên ngành Trung ương và dần dần mở rộng cả tới báo chí VHNT các địa phương tỉnh, thành phố có liên quan.
 
Nhà nước nên có sự đầu tư kinh phí thích đáng cho các hội VHNT để triển khai các hoạt động của mình, trong đó có hoạt động báo chí. Mức kinh phí này được cấp thường xuyên, đảm bảo đầy đủ qua từng năm. Đồng thời khuyến khích chính quyền địa phương theo khả năng của mình, quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí cho các hội VHNT và báo chí VHNT địa phương hoạt động có hiệu quả, qua việc thực hiện các dự án, hoàn thành các nhiệm vụ được giao (đặt hàng). Nhà nước quan tâm tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cần thiết để các hội VHNT và báo chí VHNT triển khai xã hội hóa các hoạt động của mình, không bị thương mại hóa, mà vẫn thu hút được thêm các nguồn kinh phí từ các tổ chức xã hội khác…
 
Trong bối cảnh của xã hội hiện đại, khi văn hóa nghe nhìn, văn hóa mạng, internet, sách điện tử với công nghệ 4.0 rồi 5.0 ngày càng thu hút công chúng, văn hóa đọc đang bị thu hẹp, thì làm thế nào để báo chí VHNT đến được với công chúng không kém các loại hình văn hóa điện tử kia? Thiết nghĩ những người làm báo chí VHNT cần phải quan tâm đến việc quảng bá nội dung tác phẩm sao cho thông điệp nghệ thuật được hàm súc, cô đọng, nghệ thuật trình bày tận dụng được sự hỗ trợ của các thành tựu kỹ thuật công nghệ cao, khiến người đọc bị lôi cuốn, thu hút. 
 
Ngày 3/4/2019, Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo hành lang cho sự phát triển của báo chí, trong đó có báo chí VHNT. Việc sắp xếp lại hệ thống báo chí ở các ngành các cấp, tránh sự chồng chéo, trùng lặp, đảm bảo tinh giản về cơ cấu, bộ máy tổ chức, sự tinh thông về nghề nghiệp theo các chuẩn mực quốc gia, đáp ứng hội nhập vào các yêu cầu của truyền thông quốc tế hiện đại. Báo chí VHNT cần nỗ lực phát huy hơn nữa vai trò của mình, có như thế mới đảm bảo tính chuyên nghiệp, hay và đẹp, có những tác phẩm xứng đáng, để đời, sống lâu bền trong lòng công chúng hôm nay và mai sau.
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/phat-huy-vai-tro-bao-chi-van-hoc-nghe-thuat_266904.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)