1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Nghệ thuật

Nhà báo - NSNA Trịnh Hải: Suốt đời tận lực với nghề

06/09/2017
Trịnh Hải sinh năm 1932, quê ở thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội. Thời kháng chiến chống Pháp, sau khi công tác tại một số cơ quan Nhà nước, từ năm 1949 ông chuyển sang làm nghề nhiếp ảnh tự do.


NSNA Trịnh Hải

Người thầy dạy cho ông nghề ảnh là một nông dân từng làm công cho một hiệu ảnh ở phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Sau ngày giải phóng Thủ đô, Trịnh Hải trở về Hà Nội. Ông tìm đọc các loại sách về nhiếp ảnh cả tiếng Việt và tiếng Pháp để mở mang kiến thức mà trước đây ông chỉ được truyền nghề theo lối “cầm tay chỉ việc”. Những hiểu biết mới trong quá trình thực hành và nhất là giao du với các bạn nghề ở Hà Nội đã khiến trình độ nghề nghiệp của ông trưởng thành lên rất nhiều.

Nhờ nhà báo Phạm Văn Hảo, nguyên là Giám đốc Nha Thông tin Việt Bắc sau là Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam giới thiệu, ông được về làm ở báo Nhân dân (từ ngày 1/6/1955). Ngày mới về báo, Ban biên tập chưa phân công ông đi chụp ảnh mà giao cho ông hằng ngày vẽ ma-két báo và sang nhà in theo dõi việc thực hiên ma-két đồng thời sửa mo-rát (thời ấy báo mới có 4 trang). Phải qua một năm, ông mới hơi quen việc. Và 5 năm liền mỗi khi làm trang 1 và trang 4, ông phải thức suốt đêm đến 2-3 giờ sáng hôm sau cho đến khi trang báo đưa vào khuôn đúc mới xong việc. Công việc sửa bài vở đã tạo cho ông cơ hội nâng cao trình độ và ý thức tôn trọng kỷ luật, có trách nhiệm trong lao động. Ngoài ra ông còn được làm quen từ viết bài, viết tin đến viết chú thích ảnh. Tuy nhiên, do yêu nghề nhiếp ảnh, trong những năm làm công việc chữ nghĩa ông vẫn tranh thủ thời gian ban ngày giúp ông Hoàng Linh, phóng viên ảnh duy nhất của báo, đi làm ảnh ở một hiệu ảnh quen hoặc đi chụp ảnh ở Hà Nội để minh hoạ cho các tin, bài của phóng viên. Sau 5 năm, Trịnh Hải tham gia một khoá đào tạo phóng viên ảnh do Bộ Văn hoá và Sở Nhiếp ảnh Trung ương (tiền thân của Phân xã nhiếp ảnh TTXVN) phối  hợp  tổ chức, rồi được chuyển về Tổ nhiếp ảnh của báo. Ông tiếp tục tự rèn luyện, học các phương pháp, thủ pháp tạo hình làm cho những bức ảnh thời sự chính trị mang thêm chất nghệ thuật. Ngoài ra, Trịnh Hải còn tham gia hầu hết các cuộc  triển lãm ảnh do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Năm 1963, ông được kết nạp vào lớp  hội viên sáng lập của Hội. Tại Đại hội lần thứ hai và ba, Trịnh Hải được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Ông có hơn 10 năm làm chi hội trưởng Chi hội các báo chí Trung ương và Hà Nội và còn được phân công phụ trách phong trào sáng tác ở ba tỉnh Hà Nam Ninh, Thái Bình,Thanh Hóa…


Tác phẩm “Lửa truyền thống” chụp đêm 2/1/1965 cuộc rước đuốc vũ trang tuần hành biểu dương lực lượng của hằng vạn thanh niên Thủ đô hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sáng” chống Mỹ cứu nước. Giải Nhất (1969) của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Giải đặc biệt (1970) của Hội Văn nghệ Hà Nội.


Năm 1974, Trịnh Hải được cử sang CHDC Đức để nâng cao nghiệp vụ. Ông dành nhiều thời giờ đi chụp ảnh và cố học bằng được phương pháp chụp thời sự ngoại giao toàn cảnh bằng cách chụp chắp phim với ống kính góc rộng, một cách chụp độc đáo chưa thấy bao giờ. Qua một năm học tập, ông được đăng gần 200 ảnh trên báo Neues Deutschland (Nước Đức mới) của Đảng Xã hội thống nhất Đức và được tặng bằng khen của Ban Biên tập.

Về nước làm việc, từ những kinh nghiệm có tính chất tìm tòi về chụp ảnh chơi khi còn ở Đức, ông là người đầu tiên chụp những ảnh thời sự quốc tế quan trọng qua máy thu hình, kịp thời đăng báo Nhân dân (Nếu chờ xin ảnh tê-lê-phô-tô của TTXVN cũng chậm ít nhất hai ngày). Cách chụp ảnh đăng báo này có lẽ thế giới không đâu làm, vậy mà báo Nhân Dân áp dụng suốt từ năm 1980 đến khi có internet truyền ảnh mới thôi.

Hai năm 1983,1988 Trịnh Hải lại được cử sang Cam-pu-chia) sau khi chế độ diệt chủng Pôn Pốt bị tiêu diệt, làm chuyên gia đào tạo phóng viên và tổ chức phòng nhiếp ảnh cho báo Cam-pu-chia và báo Pra-chia-chuôn (báo Nhân dân).

Sau 40 năm công tác nhiếp ảnh, năm 1992 Trịnh Hải cập bến hưu, thấm thoắt tới nay đã 25 năm (2017). Với công lao đóng góp của mình, ông được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, các Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam, Vì sự nghiệp báo Nhân dân, nhiều Huy chương khác của giới Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng như Hà Nội và Huy hiệu Vì  nghĩa vụ quốc tế. Ông cũng đã được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phong các tước hiệu: Nghệ sĩ nhiếp ảnh (A.VAPA), Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất  sắc (E.VAPA), Nghệ sĩ nhiếp ảnh có cống hiến xuất sắc (ES.VAPA), Nghệ sĩ nhiếp ảnh danh dự  (Hon.VAPA) và còn được nhận nhiều giải thưởng tại các cuộc thi ảnh trong nước và ngoài nước. 


Tác phẩm “Đêm hồ Gươm”

Niềm say mê sáng tác nhiếp ảnh như ngấm sâu vào máu thịt của ông khiến ông không thể ngừng hoạt động. Suốt 25 năm nghỉ hưu, Trịnh Hải vẫn tham gia hoạt động sôi nổi, có hiệu quả từ Ban liên lạc cán bộ hưu trí báo Nhân dân đến CLB nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội với cương vị Chủ nhiệm CLB suốt 15 năm liền.

Ở cái tuổi chậm hiểu mau quên, vậy mà ông còn mầy mò vào lĩnh vực tin học. Ông sử dụng thành thạo máy vi tính để tra cứu tư liệu, soạn văn bản, gửi thư từ và sửa ảnh qua photoshop vừa nhanh vừa đẹp. Năm 2016, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 của mình, ông in 150 cuốn sách ảnh “Trịnh Hải – những góc nhìn” gồm trên 200 trang với hơn 300 bức ảnh chỉ để biếu tặng. Cuốn sách được một số học giả, nhà văn hoá lớn, nhà báo nổi tiếng và đồng nghiệp có uy tín viết bài đánh giá cao và được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trao giải thưởng Tác phẩm xuất sắc năm 2016.

Gặp gỡ và trò chuyện với ông ở quán cà-phê, Trịnh Hải chia sẻ đầy hồ hởi: “Tuổi cao và hoạt động có nhiều hạn chế nhưng tôi vẫn tìm cơ hội đi theo các bạn trẻ. Dù xa xôi mấy tôi vẫn không ngại lên đường sáng tác. Nhiếp ảnh với tôi giờ không chỉ là tình yêu mà còn là động lực đối với cuộc sống trong quãng đời còn lại”. Mong rằng ông sẽ luôn tìm được niềm vui từ công việc, từ tình yêu với nhiếp ảnh mà ông đã bén duyên và gắn bó suốt bao năm qua.

Nguồn: Cao Thọ/Báo Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)