1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Nghệ thuật

Định hướng sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới: Còn đó những băn khoăn

02/09/2019
“Định hướng sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới” là chủ đề của cuộc hội thảo vừa được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức với mục đích chú trọng và tăng cường công tác đào tạo văn nghệ sĩ kế cận, các yếu tố đổi mới trong sáng tác của văn nghệ sĩ Thủ đô trong việc xây dựng con người mới góp phần vào công cuộc xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch. Các tham luận và ý kiến chia sẻ tại hội thảo đã xới xáo nhiều vấn đề nóng cũng như những mong đợi, kỳ vọng vào sự phát triển của văn học nghệ thuật. Đây cũng chính là cơ sở để từ đó định hướng sáng tác cho tác phẩm văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới. Báo xin gửi tới bạn đọc chia sẻ của một số văn nghệ sĩ Thủ đô về những vấn đề này:

NSND Quốc Chiêm: “Thiếu vắng các tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội”

 

Bên cạnh những thành quả đã gặt hái được thì sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật của Thủ đô cũng còn không ít những hạn chế. Tuy số lượng tác phẩm ngày càng tăng nhưng chưa có nhiều tác phẩm dám đi thẳng vào hiện thực, còn thiếu vắng các tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội, tác động tới suy nghĩ nhận thức của công chúng. Chưa có nhiều tác phẩm mang tính cách tân, sáng tạo và thể hiện khuynh hướng sáng tác mới, khai thác thái quá khía cạnh giải trí, bạo lực, kinh dị… hạ thấp tính giáo dục, xa rời bản sắc dân tộc. Trong nhiều năm qua, Thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động mang tính bổ trợ cho công tác phát triển văn hóa nhưng hiện nay kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn. Nghệ thuật truyền thống vẫn mỏi mắt chờ khán giả. Hàm lượng chất xám trong tác phẩm điện ảnh còn hạn chế, văn học thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao, âm nhạc chưa đủ sức vươn ra ngoài biên giới. Tình trạng vi phạm bản quyền còn diễn biến phức tạp. Kinh phí đầu tư cho hoạt động văn học nghệ thuật tuy tăng hàng năm nhưng vẫn ở mức thấp…

 

Nhà thơ Vũ Quần Phương: “Công tác phê bình đánh giá, nhận định bị buông lỏng”

 

Nâng cao phẩm chất hưởng thụ nghệ thuật, nâng cao giá trị thẩm mỹ của các sản phẩm nghệ thuật cho thấy trình độ văn hóa và cả phẩm chất đạo đức và phẩm chất trí tuệ của toàn xã hội. Việc này là việc lớn, khó, nhưng phải làm mà anh em văn nghệ phải là lực lượng đi đầu. Đùn đẩy cho ai được. Các giải thưởng nghệ thuật không có sức thuyết phục, không được công chúng hưởng ứng, họ thờ ơ thậm chí chê cười là do chúng ta bình xét chứ ai. Hội viên phong trào ngập tràn trong các hội chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp, kéo thấp sự sáng tạo là do chúng ta kết nạp chứ ai. Tôn trọng nghề, tôn trọng bạn nghề thì không làm thế. Công tác phê bình cần được chấn chỉnh. Hiện nay có 2 nguy cơ: kiểu phê bình thân hữu tràn ngập và tác giả bỏ tiền thuê người viết. Cố nhiên tham gia thuê viết kiểu này không phải là các cây bút nghiêm túc nhưng khá đông. Đã có hiện tượng đề cao giá trị giả bị phát hiện ở ngay một hội nghề nghiệp lớn. Người phát hiện khi là công chúng nghệ thuật, khi là ban lãnh đạo chuyên môn công tâm và không quan liêu và công tâm trong công việc.

 

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: “Tác phẩm muốn có giá trị đổi mới trước hết phải hay”

 

Chúng ta đều biết là hiện nay, hàng tháng, riêng Thủ đô Hà Nội đã có tới hơn 100 tập thơ, phần lớn là thơ của các câu lạc bộ có ở khắp các phường, xã, quận, huyện. Đó là chưa kể các tập tản văn, truyện ngắn, cả tiểu thuyết và sưu tầm nghiên cứu. Văn thơ là tình yêu lớn của chúng ta. Việc sáng tác để ghi lại dấu ấn thời đại mình đang sống, hi vọng là kỷ vật cho con cháu đời sau là một mong muốn đáng quý và rất cao đẹp. Nhưng để ngoài con cháu chúng ta ra, có ai còn đọc tác phẩm của chúng ta nữa không lại là một điều khác. Tôi nghĩ, văn nghệ sĩ muốn đóng góp cho Thủ đô, cho xã hội, cũng phải có những tác phẩm mang đậm dấu ấn của bản thân người viết, đồng thời mang được hơi thở của thời ta đang sống. Và quan trọng là phải được mọi người đón nhận, đọc ngay vì thấy hay. Viết về những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống, có thể hôm nay chưa được chấp nhận nhưng nếu nó chân thành và ấn tượng, nhất định sẽ được mọi người yêu thích và truyền tay nhau thưởng thức.

 

Nhà biên kịch Giang Phong: “Sân khấu ngày càng khủng hoảng về vở diễn, khán giả”

 

Thời chống Pháp, hòa bình ở miền Bắc, chống Mỹ và giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, văn học nghệ thuật khá phát triển với những tên tuổi, tác phẩm khẳng định được phẩm chất cao đẹp của người Việt Nam. Nhưng càng về sau này, khi nền kinh tế bước vào cơ chế thị trường thì tình hình phát triển văn học nghệ thuật bị chững lại, trống, vắng, thiếu những tác phẩm hay. Sân khấu ngày càng khủng hoảng về vở diễn, khán giả. Mỗi đoàn, mỗi năm, hoặc dăm năm mới có một vở phục vụ chính trị, diễn xong rồi đắp chiếu để đấy, rồi đi tìm trò khác, cốt truyện khác mùi mẫn để nuôi sống nhau, thường là những vở truyện cổ ngày xưa, lịch sử ngày xưa, những ông hoàng bà chúa, những văn nhân võ tướng của thời phong kiến. Những nhân vật, con người hiện đại của ngày hôm nay đâu? Đó là những Đảng viên, những tri thức, những doanh nhân trong sáng, đang làm giàu cho đất nước, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, sao vẫn không có mặt trên sân khấu? Các nghệ sĩ đều có tài năng, giải pháp có rồi, sao vẫn không có tác phẩm hay, tác phẩm xứng tầm thời đại như chúng ta thường mong mỏi?

 

NSND Ứng Duy Thịnh: “Muốn định hướng cần phải nhận diện lại thực trạng”

 

Nói định hướng sáng tác văn học nghệ thuật nhưng không có nghĩa là thủ tiêu vai trò sáng tạo của mỗi cá nhân văn nghệ sĩ. Căn cứ vào đặc thù của từng loại hình nghệ thuật mà có những định hướng cho các cây bút, các tác giả của Thủ đô. Tuy nhiên, muốn định hướng thì cũng cần phải nhận diện lại thực trạng của từng loại hình nghệ thuật một cách khách quan, khoa học, công bằng. Chúng ta cần có một đội ngũ giám sát, thẩm định được các hiện tượng văn học nghệ thuật đã và đang xảy ra. Cách đây không lâu Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Nghệ thuật múa Việt Nam thực trạng và giải pháp” nhằm nhận diện lại thực trạng của nghệ thuật múa Việt Nam. Chỉ tính trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây cũng đã thấy có bao vấn đề chi phối, tác động đến các văn nghệ sĩ, các tác giả. Nhắc lại để thấy đội ngũ những người làm lý luận phê bình có vai trò rất quan trọng trong công việc nhận diện thực trạng đời sống văn học nghệ thuật, nhưng thực tế hiện nay lực lượng này lại rất ít ỏi. Một vấn đề mà tôi muốn đề cập nữa đó là cần phải có một sự đầu tư tương xứng, đúng “địa chỉ” cho các văn nghệ sĩ để có được những tác phẩm chất lượng cả về giá trị nghệ thuật nội dung tư tưởng…

Thanh Bình/Người Hà Nội

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)