1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Nghệ thuật

Để sân khấu Hà Nội sáng tạo và phát triển

06/02/2020
Với chủ đề “Sân khấu Hà Nội sáng tạo và phát triển” cuộc hội thảo do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức cuối tháng 11 vừa qua là dịp để giới chuyên môn nhìn nhận lại những thành tựu, hạn chế từ đó tìm ra những giải pháp cho sự nghiệp sáng tạo và phát triển của sân khấu Hà Nội hôm nay. Những ý kiến, tham luận tại hội thảo đã góp phần định hướng cho các hoạt động sân khấu bắt kịp với công cuộc đổi mới của Thủ đô và đất nước.

Một cảnh trong vở “Dâu bể một kiếp tằm” của Nhà hát Cải lương Hà Nội - Ảnh: Miên Thảo

Thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao

Theo PGS. TS Trần Trí Trắc - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Sân khấu Hà Nội, trong suốt chiều dài lịch sử, qua những thăng trầm của mình, sân khấu Hà Nội luôn là đỉnh cao mang tính Kinh kỳ so với cả nước. Tuy nhiên phải đến sau Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, sân khấu Hà Nội mới trở thành một nền sân khấu hoàn thiện, hiện đại. Trải qua hơn 60 năm, sân khấu Hà Nội đã sáng tạo để phát triển và phát triển bằng sáng tạo trên tinh thần “phục vụ chính trị”, bám sát hiện thực chiến đấu và luôn có mặt ở các trận địa phòng không nội – ngoại thành Thủ đô. Hàng trăm tác phẩm, hàng trăm NSND, NSƯT cùng đội ngũ hùng hậu tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ… đã góp phần đưa sân khấu Hà Nội khẳng định vị trí của mình.

Bước vào cơ chế thị trường, sân khấu Hà Nội ngày càng trở nên lúng túng, khủng hoảng – đó là thực tế đã được nhiều đại biểu phân tích tại hội thảo. Theo NSND Thanh Trầm – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội, cơ chế thị trường khiến cho đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng năng động hơn, nhưng cũng làm cho đội ngũ này phân hóa mạnh mẽ, chịu những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực. Nghệ thuật sân khấu còn tồn tại xu thế chạy theo đồng tiền đi theo định hướng không đúng, nhiều yếu tố thiếu sự lành mạnh, chính thống. Thực tế cho thấy sân khấu hiện nay vẫn thiếu một đội ngũ tác giả chuyên nghiệp, tác giả có bản lĩnh dũng cảm đi trước công chúng, mạnh dạn trả lời những băn khoăn của thời đại, nêu lên những tấm gương, dự báo những nguy cơ; thiếu những tác giả xông xáo vào những lĩnh vực mũi nhọn của đời sống hiện đại, khắc hoạ tính cách tiêu biểu của con người hôm nay; thiếu những người làm phê bình chuyên nghiệp. Tất cả dẫn đến thực trạng sân khấu không có được nhiều những tác phẩm đỉnh cao.

Đạo diễn Hoàng Thanh Du thừa nhận anh không mấy ngạc nhiên khi thấy người xem hôm nay quay lưng với sân khấu. Điều này được anh lý giải bởi sự hạn chế của kịch bản, cũng như đội ngũ diễn viên, đạo diễn. “Nhiều diễn viên đang sống vất vả bằng đồng lương ít ỏi, phần lớn phải làm thêm nghề thứ hai, để tồn tại sinh sống và làm nghề. Một số đến nhà hát như một địa chỉ đề “cư trú” chứ không phải làm nghề. Vậy thì họ làm sao có thể sáng tạo vai diễn hay được? Số diễn viên có tay nghề thì ngày một già đi, kiến thức của họ ngày một rơi rụng… Vẫn còn những gương mặt sân khấu đang hành nghề mà thiếu những kiến thức cơ bản về sân khấu, thiếu lương tâm và trách nhiệm.” – đạo diễn Hoàng Thanh Du trăn trở.

Để giữ chỗ đứng trong lòng công chúng

Suốt nửa thế kỷ qua, sân khấu Hà Nội đã đóng một dấu son, làm thành cột mốc lớn trên cả chặng đường lịch sử sân khấu Việt Nam. Vậy làm thế nào để sân khấu Hà Nội kế thừa và phát huy các giá trị nghệ thuật sân khấu góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; làm thế nào để sân khấu Hà Nội có được những vở diễn thu hút được sự chú ý của đa số công chúng như mấy chục năm về trước, đó cũng là trăn trở của giới chuyên môn.

Họa sĩ, NSND Lê Huy Quang đau đáu: “Bao nhiêu sự kiện và nhân vật đầy chất bi và hùng, lãng mạn và trữ tình, cao đẹp của những giai đoạn lịch sử hình như vẫn chưa được khắc họa một cách đậm nét và đầy sức sống để khắc thành những dấu ấn của nghệ thuật sân khấu mà chỉ mới ở mức minh họa lịch sử một cách mờ nhạt chung chung. Hình như đã đến lúc chúng ta phải tự nhìn lại mình một cách nghiêm khắc hơn để cùng nhau hướng tới…”.

Theo tác giả Lệ Dung: “Sân khấu Hà Nội phát triển chậm so với thực tế xã hội đang thay đổi. Bởi thế rất cần có sự đổi mới thực sự để thoát khỏi lạc hậu, loanh quanh với những đề tài lịch sử, những mâu thuẫn cá nhân vụn vặt đời thường”.

Đáp ứng nhu cầu của thời đại trong việc xây dựng con người mới hôm nay, nhiệm vụ đặt ra cho sân khấu chính là sự gắn bó, nỗ lực phản ánh chân thực cuộc sống, làm phong phú và sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân văn của văn học, nghệ thuật nước nhà. Với riêng các nghệ sĩ, cũng đòi hỏi sự dấn thân, mạnh dạn phê phán cái xấu, những biểu hiện biến chất, thoái hóa về nhân cách, đạo đức, lối sống, góp phần ngăn chặn xu hướng tiêu cực trong đời sống xã hội.

 Theo NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, để sân khấu Hà Nội phát triển, bên cạnh việc giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật sân khấu cho thế hệ trẻ, cần có chính sách thu hút các tài năng trẻ theo đuổi nghệ thuật sân khấu truyền thống. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá tác phẩm sân khấu; mở rộng hơn các đối tượng đào tạo (quản lý nghệ thuật biểu diễn, tổ chức biểu diễn, maketting nghệ thuật) để nâng cao hơn tính chuyên nghiệp của sân khấu; xây dựng đề án mở một kênh truyền hình cho nghệ thuật biểu diễn để chủ động giới thiệu bản sắc nghệ thuật, chân dung nghệ sĩ, tác phẩm mới sáng tác quảng bá nghệ thuật; đầu tư cơ sở vật chất, rạp hát, nhà hát đầy đủ phương tiện kỹ thuật, tạo sự hứng thú trong sáng tạo, trong thưởng thức và hưởng thụ của người xem…

Có thể nói để có những tác phẩm mang tính đỉnh cao, tạo được chỗ đứng trong lòng công chúng đó là bài toán khó đối với những người làm nghề sân khấu hôm nay. Hy vọng với sự nỗ lực của giới nghề, sự đồng hành của các cơ quan chuyên môn, thời gian tới sân khấu Thủ đô sẽ có một bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần đáng kể vào việc xây dựng, bảo tồn và phát triển một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Gia Phú/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/de-san-khau-ha-noi-sang-tao-va-phat-trien_256906.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)