1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn nghệ
  4.  › 
  5. Nghệ thuật

''Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung''

23/05/2020
Hơn 200 tài liệu, tư liệu ảnh, hiện vật và tranh cổ động đặc sắc được lựa chọn từ kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh và Cục Lưu trữ - Văn phòng Trung ương Đảng vừa được Bảo tàng Hồ Chí Minh giới thiệu tới công chúng trong trưng bày chuyên đề: “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung”. Trưng bày là một hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).

Một kỷ vật của Bác được giới thiệu tại trưng bày.

Được chia làm 6 phần, trưng bày “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” đã đưa người xem trở lại với cuộc đời của vị lãnh tụ từ khi còn là một cậu bé ở làng Sen (Phần I: Nguyễn Sinh Cung - Cậu bé giàu nghị lực). Tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, cùng cực của đồng bào, những tội ác của thực dân Pháp và thái độ bạc nhược của triều đình nhà Nguyễn, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã miệt mài học tập, hoạt động sôi nổi trong phong trào yêu nước và bắt đầu nuôi ý chí ra đi tìm đường cứu nước. Trên suốt chặng đường bôn ba, Nguyễn Tất Thành vượt qua bao gian khó, tranh thủ mọi cơ hội để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Từ một Người thanh niên yêu nước tiến bộ (phần II), Nguyễn Tất Thành đã trở thành Nguyễn Ái Quốc - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung (phần III). Nội dung trưng bày phần IV và V lần lượt làm sáng tỏ chân dung Hồ Chí Minh - nhà lãnh đạo thiên tài và nhà văn hóa lớn. Trong phần VI của trưng bày, những tư liệu hình ảnh, hiện vật phong phú tiếp tục làm nổi bật Chân dung đời thường của Hồ Chí Minh.

Trưng bày thu hút đông đảo công chúng.

Điều đáng nói, tại trưng bày có rất nhiều hiện vật, hình ảnh đặc biệt được giới thiệu như: trang sổ lương của Văn Ba (Nguyễn Ái Quốc) tháng 6/1911; bộ dụng cụ tập thể thao của Chủ tịch Hồ Chí Minh; mũ len Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho giáo sư vật lý người Pháp Pierre Biquard ngày 2/1/1969 khi ông cùng đoàn phong trào hòa bình Pháp thăm Việt Nam. Đặc biệt là bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà tù Côn Đảo lần đầu tiên được bảo tàng Hồ Chí Minh giới thiệu tới công chúng.

Phát biểu tại lễ khai mạc trưng bày, ông Vũ Mạnh Hà – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thông qua những góc nhìn khác nhau về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trưng bày đã khắc họa hình ảnh một vị lãnh tụ vĩ đại, tận tụy quên mình hiến dâng cả cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc nhưng lại giàu lòng bác ái sống thanh bạch, dung dị và gần gũi trong cuộc sống đời thường. Nhân cách cao đẹp của Người đã tạo nên những giá trị nhân văn cao cả, có sức lan tỏa trong lòng mỗi người dân Việt Nam và trong trái tim nhân loại…”.

Song song với trưng bày “Hồ Chí Minh những nét phác họa chân dung”, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn giới thiệu đến công chúng 130 tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến của 55 tập thể và 75 cá nhân trong triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Đây là những điển hình đã được Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Cục Công tác Đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) lựa chọn từ hơn 400 tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Mỗi hình ảnh và bài viết là một câu chuyện cảm động về các tập thể và những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, hết lòng, hết sức vì lợi ích của cộng đồng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ chính là những tấm gương sáng trong phong trào thi đua Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại trên các lĩnh vực: Xây dựng và phát triển kinh tế, Văn hóa - xã hội và Xây dựng Đảng, quốc phòng và an ninh. Trong các phong trào thi đua đó, hàng ngàn tập thể và cá nhân ở khắp mọi miền Tổ quốc đã ra sức thi đua trong lao động, sản xuất và chiến đấu, góp phần vào việc xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như Bác Hồ hằng mong muốn.

Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” góp phần quan trọng vào việc cổ vũ kịp thời những tấm gương “Người tốt, việc tốt” trên khắp mọi miền đất nước, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đại diện Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, trưng bày chuyên đề: “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” và triển lãm: “Những tấm gương bình dị mà cao quý” mở cửa đón khách tham quan từ ngày 7/5/2020. Ngoài ra, trưng bày chuyên đề và triển lãm cũng sẽ được tổ chức tại các đơn vị thuộc hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số bảo tàng địa phương và trường đại học trên cả nước.

Thanh Bình/Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/ho-chi-minh-nhung-net-phac-hoa-chan-dung_260154.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)