1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Văn hóa nhà văn và sự phát triển văn học: Kỳ IV Tình yêu tiếng mẹ đẻ - Cốt lõi văn hóa của nhà văn

19/08/2020
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một nhiệm vụ có tính chiến lược văn hóa của không chỉ riêng ngành giáo dục, mà là trách nhiệm và đóng góp của toàn xã hội, trong đó có các nhà văn vốn được tôn vinh là những “kỹ sư tâm hồn”.

Văn hóa nhà văn và sự phát triển văn học: Kỳ III Chiếm lĩnh sự thật - Bản lĩnh văn hóa của nhà văn

Văn hóa nhà văn và sự phát triển văn học: Kỳ II Đến hiện đại từ truyền thống -Tinh thần tiếp biến văn hóa của nhà văn

Văn hóa nhà văn và sự phát triển văn học: Kỳ 1 Tiếp cận văn học từ văn hóa


Nhà văn gây dựng vốn liếng chữ nghĩa từ suối nguồn ca dao. Ảnh: IT
 

Gây dựng vốn liếng từ suối nguồn ca dao

 

Trong phạm trù văn hóa Việt, văn học đóng một vai trò quan trọng, nếu không nói là tất cả (3 danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận đều là 3 nhà văn cổ điển - Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du). Trong lĩnh vực văn học Việt, tiếng Việt (hiểu là Quốc ngữ Nôm trước đây và Quốc ngữ Latinh như hiện nay) đã được các nghệ sĩ ngôn từ lựa chọn, tinh tuyển, đúc kết trong tác phẩm từ văn học dân gian đến văn học thành văn (vẫn thường được gọi là văn học bác học).

 

Văn học dân gian (nằm trong phạm trù Folklore - Văn hóa dân gian) là nguồn sữa vô tận để các nhà văn thời hiện đại học hỏi, khai thác và sử dụng. Nếu văn học là nghệ thuật ngôn từ, nếu ngôn từ có khả năng biểu cảm và diễn đạt cao, sâu (ý tại ngôn ngoại) thì một nhà thơ sáng tác thơ lục bát không thể không học hỏi, gây dựng vốn liếng chữ nghĩa từ suối nguồn ca dao. Lúc nhập môn văn học chúng ta thường được dẫn giải và bình giảng câu ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”. Chỉ một cặp lục bát mà như thấy đầy đủ cả quang cảnh lao động đẹp đẽ, gần gũi (một cô thôn nữ đang tát nước bên đường), thấy cả tình tứ của đôi lứa (chàng trai hỏi, mà không cần chờ câu trả lời, theo lối bông đùa, chòng ghẹo nhưng không hề khiếm nhã). Có cả không gian (thôn làng, ruộng đồng), thời gian (đêm trăng), có con người (cô gái, chàng trai), có khung cảnh (đồng ruộng, xóm thôn, trăng sao) hòa quyện, quấn quýt, lên hương đời. Nhà thơ Ngô Văn Phú đã viết bài thơ/ca dao nổi tiếng “Bông và mây”: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Những cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng”. Đại thi hào Nguyễn Du sáng tác “Truyện Kiều” (bằng chữ Nôm, hình thức thơ lục bát) chắc chắn đã nhập tâm kho tàng lục bát Việt. Xuân Diệu trong tiểu luận “Sự uyên bác với việc làm thơ” viết: “Mấy câu thơ “Vịnh cây mía” của Nguyễn Trãi mà cho tới khi kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi trên thế giới và trong nước xong xuôi đâu đó rồi (1980) hàng năm sau tôi mới khám phá ra và bây giờ mới nói ra: “Ăn nước kìa ai được thú/ Lần từng đốt mới hay mùi”. Thông thường ta ăn cái và uống nước, nhưng vì là cây mía, cho nên Ức Trai nói là ăn nước: đây là Ức Trai dạy chúng ta thái độ đi tìm chân lý: đừng tổng kết vội vàng, phải xuất phát từ từng phần của thực tại cái đã; nếu ăn gốc mía trước, ta sẽ bảo đây là cái gốc tre, nếu ăn ngọn mía trước, ta sẽ bảo là chanh, có chua, ăn đoạn giữa mới là ngọt; huống chi cũng có những đốt ở giữa hẳn hoi, mà không ngọt, phải lần từng đốt thì mới hay mùi” (Xuân Diệu tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.207-208). 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sử dụng thành ngữ, tục ngữ rất nhuần nhuyễn và hiệu quả. Người viết: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” (Hồ Chí Minh - Tác gia, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ, Nxb Giáo dục, 2005, tr.873). Trong trường hợp này  tác giả đã sử dụng câu tục ngữ “sông cạn, núi mòn”, có bổ sung thêm yếu tố “có thể” để tăng thêm sự khẳng định một chân lý khách quan được mọi người thừa nhận.


 

“Nhà văn là triệu phú chữ”

 

Nhà văn có ý thức trau dồi ngôn ngữ sẽ tìm đến học cách viết của các bậc trưởng lão làng văn cùng thời, cùng thung thổ văn hóa (trong đầu họ có nhiều “bồ” chữ). Nhà văn Tô Hoài (1920 - 2014) là người rất có ý thức “điền dã” để lắng nghe lời ăn tiếng nói người bình thường (ở Thủ đô). Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể lại một kỷ niệm làm báo với nhà văn Tô Hoài (Tổng Biên tập đầu tiên của báo Người Hà Nội): “Có lần tôi đưa nhà văn Tô Hoài duyệt bài “Số nhà trong thành phố” mà tôi vừa viết xong. Bác đọc và lấy bút xóa ngay chữ “thành”, chỉ còn là “Số nhà trong phố”. Bác nhìn tôi cười: “Chỉ là số nhà thôi chữ “thành phố” của cô hơi to chuyện quá phải không?”. Tôi gật đầu khâm phục. Bác chỉ cần xóa đi một chữ, mà bài báo nhỏ của tôi bỗng giản dị nhưng chính xác hơn rất nhiều” (Báo Người Hà Nội, số 18+19/2020). 

 

Nhà văn Nguyễn Tuân (1910 - 1987) trong bài “Về tiếng ta” có nhấn mạnh một ý, khi viết đã vận dụng “cả năm giác quan mới phát huy tột cùng hiệu năng của tiếng Việt”. Nhà văn đã kể lại cho nhà phê bình văn học Ngọc Trai nghe chuyện ông “cãi” nhau với nhà văn Tô Hoài về cái tên sách “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”. Nhà văn Tô Hoài: “Ông là lôi thôi lắm, cứ để cái tên “Hà Nội đánh Mỹ” nó cũng đầy đủ rồi, cần gì phải dài dòng thế”. Nhà văn Nguyễn Tuân: “Tôi nói “Hà Nội ta” là Hà Nội của chúng ta đây! Hà Nội của ta đây! Tôi tự hào với cái Hà Nội của ta, thế có được không? Thế còn “đánh Mỹ giỏi” thì phải nói rõ ra là đánh Mỹ giỏi chứ chỉ nói đánh Mỹ thì ai biết ta đánh Mỹ như thế nào? Một cái tên sách, nó cũng là cái tên sách của tôi, sao ông cứ bắt tôi phải giống mọi người?” (Ngọc Trai: Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tuân, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tr.11). Theo cách diễn đạt của Nguyễn Tuân thì “chữ” cũng thể hiện phong cách nhà văn (như cách hiểu mỗi nhà văn có một “vân chữ” như mỗi người có một vân tay). Văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn đã nói, đại ý, từ khi loài người sinh ra chữ thì quỷ thần trong núi cũng phải than khóc. Hay với nhà văn Ma Văn Kháng thì: “Nhà văn là triệu phú chữ”. Những ý kiến này đều nói về sức mạnh của chữ trong tay nhà văn. 

 

Tuy nhiên, hiện nay đang có xu hướng (nhất là giới trẻ) tôn sùng tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh, coi tiếng Việt là “quê kiểng” (!?). Trong thế giới phẳng/mở tinh thần và tâm thế hội nhập kích thích một thế hệ mới phấn đấu trở thành “công dân toàn cầu”. Điều đó hoàn toàn chính đáng. Nhưng một người Việt Nam nói giỏi tiếng Anh, Pháp… song lại yếu kém tiếng Việt thì tình hình sẽ như thế nào? Hơn thế, nếu một nhà văn nhưng lại không giỏi tiếng mẹ đẻ thì tình hình lại càng đáng bi quan. Không nhiều người lưu tâm một thực tiễn: Tiếng Việt (tiếng mẹ đẻ) là sự khúc xạ rõ ràng nhất tâm hồn, tính cách của người Việt và cũng là ánh phản của văn hóa Việt. 

 

Cùng với đó, đọc sách văn học Việt đương đại, chúng tôi không khỏi băn khoăn trước thực trạng và tương lai của tiếng Việt. Đấy là việc nó đang bị “báo hóa”, nghĩa là nặng về thông tin theo phong cách thông tấn, giảm thiểu phẩm chất mỹ cảm vốn có của nghệ thuật ngôn từ (con số hơn 800 ấn phẩm báo chí giấy cũng giúp hình dung về tương quan giữa báo và văn). Thông tin mà tác phẩm văn học đem tới cho người đọc là “thông tin thẩm mỹ”, vì thế không thể biến ngôn ngữ báo chí thành ngôn ngữ văn học. Các cây bút trẻ lại thích tạo nên lối văn hiện đại theo phương Tây (kiểu câu “tác phẩm được viết bởi tác giả trẻ”). Không ít nhà văn khi viết (có thể chiều theo thị hiếu người đọc hôm nay thích chất bình dân) nên đưa nguyên xi lời ăn tiếng nói vào tác phẩm, lẫn lộn giữa văn nói và văn viết, tạo nên một “món mới” là “khẩu văn” (có người cho rằng đây là kiểu “ngôn từ không vô trùng” để so sánh/ đối lập với “ngôn ngữ trong chân không”). 

 

Nằm trong quỹ đạo của văn hóa đại chúng (đem sản phẩm đến mọi nhà, mọi người nhanh nhất, đơn giản nhất, hiệu quả nhất) không ít tác giả đã thích thú với cái gọi là “công nghệ viết văn” (có một số mẫu cốt truyện, mẫu câu thoại, mẫu mở đầu và kết thúc với thể loại truyện). Cổ nhân thường gắn chữ với nghĩa (chữ nghĩa). Một chữ ít nghĩa, hoặc kém nghĩa sẽ trở thành “xác chữ”.

 

Trong bài thơ “Tiếng Việt”, nhà thơ Lưu Quang Vũ viết: “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói/ Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ/ Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ/ Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát/ Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh/ Như gió nước không thể nào nắm bắt/ Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh/ Dấu hỏi dựng suốt ngàn năm lửa cháy/ Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn/ Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối/ Tiếng heo may gợi nhớ những con đường/ Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận/ Vẫn tiếng làng, tiếng nước của riêng ta/ Tiếng chẳng mất khi Loa Thành đã mất/ Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già”. Một đoạn trích  bài thơ Tiếng Việt được dùng làm đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, năm 2016, gây tranh cãi xung quanh câu “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Một số ý kiến cho rằng chữ bùn đã hạ thấp giá trị của tiếng Việt, nhưng đa số ý kiến đồng tình và khen tác giả tìm ra chữ “bùn” là đắc địa (gợi nhớ bài ca dao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng/ Nhị vàng, bông trắng, lá xanh/ Gần bùn, mà chẳng hôi tanh mùi bùn”). Nhạc sỹ Phạm Duy đã sáng tạo nhạc phẩm “Tình ca”, trong đó dành phần lớn ngợi ca vẻ đẹp của tiếng Việt, đã đi vào lòng người thẩm âm nhiều thế hệ.


 

Đón đọc kỳ cuối: 

Tiếp thu tinh hoa của văn hóa thế giới -một phương diện tài năng nhà văn

   

Bùi Việt Thắng/Báo Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/van-hoa-nha-van-va-su-phat-trien-van-hoc-ky-iv-tinh-yeu-tieng-me-de-cot-loi-van-hoa-cua-nha-van_262236.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)