1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Trên đường tiếp nhận ''Truyện Kiều'': Kỳ 1 Từ ''Truyện Kiều'' tìm đọc ''Kim Vân Kiều truyện''

21/09/2020
LTS: Kỷ niệm 255 năm ngày sinh (1765 - 2020) và tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020), báo Người Hà Nội trân trọng giới thiệu chuyên đề “Trên đường tiếp nhận Truyện Kiều” của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học). Chuyên đề gồm 6 nội dung, hy vọng sẽ góp thêm những tư liệu mới cũng như góc nhìn thú vị về “Truyện Kiều” - một kiệt tác của nền văn học dân tộc.


Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều. Ảnh: IT

 

Nỗi niềm canh cánh…

 

Tôi quê ở xứ rừng Mai Sưu, phía Tây Yên Tử, thế mà từ nhỏ đã được nghe các bác và mẹ tôi bàn luận về “Truyện Kiều”. Nhớ mãi bác tôi dẫn giải câu thơ: “Sẵn Quan Âm các vườn ta,/ Có cây trăm thước có hoa bốn mùa”, thì “cây trăm thước” đây không phải là cây thật, cũng không phải mượn ý trong kinh Phật “Bồ đề bách xích thụ” (Bồ đề cao trăm thước) mà ý nói khói cây hương trong chùa tỏa cao trăm thước. Chẳng biết có đúng không nhưng tôi chưa đọc thấy cách giải thích nào như thế…

 

Năm 1983 thuộc thiên kỷ trước, tôi về công tác ở Viện Văn học. Từ bấy giờ mới có dịp đọc hết cả “Truyện Kiều” và dần dà đọc các công trình nghiên cứu. Lại đến cuối tháng 11/ 1989 mới được theo dự Hội thảo khoa học “Qui hoạch, giữ gìn, tôn tạo và phát huy khu di tích Nguyễn Du” tại thành phố Vinh, khi ấy còn thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh. Lại nhớ lần ấy có các cụ Huy Cận, Đỗ Văn Hỷ, Trần Lê Văn, Phạm Tú Châu… Xe chạy từ 6 giờ sáng mà sẩm tối mới tới Vinh. Nhớ lắm. Ca sĩ trẻ Hồng Năm ríu rít bên nhà thơ Huy Cận. Khi lên ngâm thơ trích đoạn “Truyện Kiều” mới thấu rõ thần thái nghệ sĩ, một Hồng Năm khác hẳn: “Cỏ non xanh tận chân trời…”.

 

Đọc “Truyện Kiều”, chẳng hiểu sao tôi cứ canh cánh muốn tìm xem bản gốc tiểu thuyết chương hồi “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) mà Nguyễn Du dựa vào vốn như thế nào. Mãi rồi tôi cũng biết được “Kim Vân Kiều truyện” đã từng có bản dịch của Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung (1925. Tái bản, 1928 - 1929 và 2006), bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm (1971. Tái bản, 1991, 1999). Riêng bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Nguyễn Khắc Hanh đã được dịch và in rôneo từ 1962, lưu trữ trong kho tư liệu dịch ở thư viện Viện Văn học. Nghe nói ngày ấy đã có ý định xuất bản, nhất là dịp kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du (1765 - 1965) ở cả trong nước và tầm Hội đồng hòa bình thế giới, thế nhưng có ai đó lại chỉ đạo không nên in, cho rằng in ra thì “Truyện Kiều” mình thất thế lắm. 

 

Lại nói sau chuyến dự hội thảo về Nguyễn Du ở Vinh (1989), tôi mượn bản in rôneo “Kim Vân Kiều truyện” do hai bậc túc nho Nguyễn Khắc Hanh và Nguyễn Đức Vân dịch, thấy thú quá mới thuê đánh máy lại toàn bộ, có thêm các chú giải tên người, địa danh, câu chữ, nghĩ rằng sớm muộn thế nào cũng tìm cách in được. Nhân đọc tham luận “Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch” của bậc thầy Phạm Tú Châu (đại khái nói rằng nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành (Trung Quốc) đã hiểu sai khi so sánh “Truyện Kiều” với “Kim Vân Kiều” bởi đã dựa theo bản dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Trung (1959) vướng nhiều chi tiết sai lệch của Hoàng Dật Cầu), tôi càng nung nấu viết bài nghiên cứu so sánh theo hướng của mình. Đại thể, tôi nhấn mạnh rằng những sự kiện, chi tiết được coi là "rườm rà" thực chất lại là đặc điểm và thế mạnh riêng của “Kim Vân Kiều truyện”. Những sự kiện, chi tiết đó chính là thuộc tính, yêu cầu và sức mạnh của lối văn xuôi tự sự vốn thiên về tả thực, được trình bày theo tuyến tính biên niên sử của tiểu thuyết chương hồi. Thử hỏi nếu lại lược bỏ đi những sự kiện, chi tiết cụ thể thì thử hỏi thiên tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” này còn lại những gì? Dẫn giải như thế để thấy rõ hơn tính hợp lý của những chi tiết, sự kiện được thể hiện trong “Kim Vân Kiều truyện” và nó chỉ được coi là "rườm rà", “dài dòng” khi đặt trong tương quan với “Truyện Kiều” và nhìn từ đặc trưng nghệ thuật “Truyện Kiều”. Trên thực tế, nếu sự so sánh chỉ coi trọng tư duy văn xuôi tự sự, coi trọng tuyến cốt truyện, sự kiện, nhân vật, chi tiết và "Nguyễn Du đã in dấu ý thức chủ quan của mình cho một số nhân vật, làm tổn hại sự hoàn chỉnh và thống nhất về tính cách của những nhân vật ấy ở mức độ nhất định" thì tất yếu sẽ dẫn đến cách nhìn đơn giản hóa “Truyện Kiều” như nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành (1986). Ngược lại, nếu bình điểm, qui chiếu “Truyện Kiều” bằng thước đo nội dung trữ tình và từ đặc trưng nghệ thuật thể loại truyện thơ thì lại thật khó xác định đúng mức giá trị tự thân của tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện”. Trên tinh thần chung, tôi nhấn mạnh giá trị kiệt tác “Truyện Kiều” nhưng xác định khi so sánh thì cần nhận rõ đặc điểm, ý nghĩa riêng biệt của mỗi tác phẩm chứ không nhằm so đo hơn kém. 

 

Lại nói về tập bản thảo “Kim Vân Kiều truyện”, sau này tôi chỉnh lý nhan đề thành “Truyện Kim Vân Kiều” cho được Việt hóa (!), thêm lời giới thiệu và đưa in ở Nhà xuất bản Hải Phòng (1994. Tái bản 1999). Trong lời giới thiệu, sau những dẫn giải về nhân vật, cốt truyện từ các sách “Minh sử liệt truyện”, “Minh sử kỷ bản mạt”, “Trù Hải đồ biên”, “Kiến chỉ biên đến hý khúc Thu hổ khâu” của Vương Lung, “Hổ phách thi” của Diệp Trĩ Phỉ, hý kịch “Song Thúy viên” của Hạ Bỉnh Hoành, trải qua “Vương Thúy Kiều sự tích” của Mao Khôn, “Vương Thúy Kiều truyện” của Dư Hoài rồi hoàn chỉnh ở “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (1521 - 1593)…


 

Cần công bằng khi so sánh

 

Vấn đề đặt ra ở đây là khi so sánh “Truyện Kiều” của Nguyễn Du với “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân trên tất cả mọi phương diện như về cốt truyện, hệ thống nhân vật, nội dung xã hội, màu sắc triết lý, các phân đoạn và thứ tự biến động của các chi tiết, tình tiết... đều thấy sự khác biệt là không đáng kể. Quả thực, ở “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có giản lược tên một số nhân vật phụ. Chẳng hạn nói về nhà họ Chung chỉ nêu:

 

“Họ Chung có kẻ lại già,/ Cũng trong nha dịch lại là từ tâm” thì trong “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân có giới thiệu rõ người đó là Chung Sự, có con trai là Chung Cần, con gái là Tô Nương. Song sự khác biệt đó không làm thay đổi cốt truyện, cũng không phải là dấu hiệu sự khác biệt trong lý tưởng thẩm mỹ giữa Nguyễn Du và Thanh Tâm Tài Nhân. 

 

Chính vì lẽ đó mà cách giải thích việc Nguyễn Du không mô tả chi tiết sự kiện Tú Bà truyền dạy “bảy chữ tám nghề” cho nàng Kiều, hay đoạn trừng phạt bọn Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Ưng, Khuyển một cách tàn khốc là bởi thi hào đã lược bỏ đi những đoạn miêu tả có tính chất tự nhiên chủ nghĩa và có hại đối với mỹ cảm của người đọc... rõ ràng chưa thật thuyết phục, chưa tính đến đặc trưng về mặt thể loại khi so sánh giữa hai tác phẩm thuộc về hai phương thức thể hiện khác biệt nhau. Đương nhiên trong cách nhìn của người hiện đại và nhìn theo một hướng nhất định thì sự mô tả những chi tiết cụ thể đó thường bị quy là thiếu mỹ cảm song nếu xét trên phương diện tư duy nghệ thuật thì chúng lại hết sức có ý nghĩa, nhất là khi đặt chúng trong tương quan với nền văn học dưới thời phong kiến vốn hết sức kiêng kỵ những đề tài “thấp”, trần trụi, bản năng và hướng về cái cao thượng, sùng bái những biểu tượng, điển cố, lối diễn đạt từ chương thanh nhã… Ở đây, khả năng thẩm thấu qua tấm màng lọc mỹ học Nho giáo, khả năng tái tạo hiện thực, phản ánh đời sống trần tục, hướng về đời thường là ưu thế của tác phẩm văn xuôi tự sự cần được lưu ý khi xem xét “Kim Vân Kiều truyện”. Điều quan trọng hơn, chính vì “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân thuộc về thể tài văn xuôi tự sự thiên về mô tả sự kiện, nó có điều kiện đi sâu miêu tả thực tại, khắc họa chân dung nhân vật một cách cụ thể, chi tiết hơn qua việc phối hợp các hình thức đối thoại - kể chuyện - phân tích tâm lý một cách tương đối tự do, linh động. Còn đối với “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được thể hiện bằng văn vần, toàn bộ câu chuyện được tái hiện bằng ngôn ngữ thơ, vừa thông qua cảm xúc chuyển dịch của chủ quan nhà thơ trên cơ sở một tác phẩm cũ, vừa liên kết, xây dựng văn bản mới với nguồn mạch cảm hứng trữ tình có nhiều thay đổi, đồng thời lại vừa phải tuân theo quy luật vần điệu, nhạc tính, hình ảnh và thể cách của thể thơ lục bát. Chính sự khác biệt này đã góp phần quy định việc Nguyễn Du lược bỏ những chi tiết dài dòng và tái hiện toàn bộ nội dung đó theo hướng chọn lọc, bay bổng, giàu hình ảnh, nhạc điệu, phù hợp với đặc trưng tư duy của thơ ca.

 

Ngay dưới thời trung đại, “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân đã được dịch và lưu truyền ở Mãn Châu, Nhật Bản, Việt Nam theo nhiều phương thức khác nhau. Từ thực tế tiếp cận “Truyện Kiều”, tôi cho rằng một số nhà nghiên cứu Việt Nam đã không chú ý đầy đủ tới văn bản nguồn gốc, còn những ý kiến kiểu Đổng Văn Thành lại chỉ so sánh trên phương diện nội dung và các tín hiệu nghệ thuật chung nhất. Những ý kiến này  không chú ý tới sự khác biệt đặc trưng thể loại, không chú ý đầy đủ tới tâm lý tiếp nhận của dân tộc Việt Nam đối với ngôn ngữ “Truyện Kiều” và hồn thơ tiếng Việt, với thể thơ lục bát truyền thống. Đồng thời không lý giải được thực tế vì sao “Truyện Kiều” lại phổ biến tới khắp mọi miền quê, vừa là lời ru vừa trở thành một loại kinh sách để có thể bói Kiều, tập Kiều, lảy Kiều và thực sự là một kiệt tác.

 

Đón đọc kỳ tới: Bàn về văn bản “Truyện Kiều”

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn/báo Người Hà Nội

http://nguoihanoi.com.vn/tren-duong-tiep-nhan-truyen-kieu-ky-1-tu-truyen-kieu-tim-doc-kim-van-kieu-truyen_262403.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)