1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Tô Nhuận Vỹ - Có một chân trời phía ấy

10/10/2019
Trong nghệ thuật không có sự tiến bộ lẫn sự suy tàn mà chỉ có những hình thức khác nhau về phong cách. Mỗi hình thức phong cách là hoàn hảo một cách tự mình và tuân theo những qui luật riêng của nó. P.K.Feyerabend

Trong nghệ thuật không có sự tiến bộ lẫn sự suy tàn mà chỉ có những hình thức khác nhau về phong cách. Mỗi hình thức phong cách là hoàn hảo một cách tự mình và tuân theo những qui luật riêng của nó.

 P.K.Feyerabend

Miền quê sáng tác là vùng thẩm mỹ, là chân trời mơ ước của các nhà văn. May mắn hơn, đối với Tô Nhuận Vỹ, cái chân trời phía ấy cũng chính là quê hương ông, miền quê văn hiến Thừa Thiên. Ngoài hàng trăm bài báo, với 3 tập truyện ngắn, 4 tiểu thuyết (trong đó có tiểu thuyết dài tập Dòng sông phẳng lặng), 1 tập tiểu luận phê bình, Tô Nhuận Vỹ đã vượt qua chặng đường sáng tác dài hơn nửa thế kỷ, trải qua các thời kỳ sáng tác trong chiến tranh, thời hậu chiến và những năm tháng đổi mới của đất nước.

1. Đọc Tô Nhuận Vỹ, điều dễ nhận ra đầu tiên là thái độ tích cực, ý thức trách nhiệm của nhà văn trước đời sống và sức bền của ngòi bút văn xuôi. Cũng như nhiều nhà văn thế hệ chống Mỹ, Tô Nhuận Vỹ thác tuổi trẻ của mình vào cuộc chiến đấu rồi từ cuộc chiến đấu sôi động đó thôi thúc ông cầm bút. Tốt nghiệp ngành văn Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, cùng khóa với Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Nghiêm Đa Văn,… ông về dạy học tại Lạch Trường, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Hơn một năm sau, cũng như nhiều người cùng thế hệ có phẩm chất trong sáng thời ấy, ông từ chối việc đi học nước ngoài, tình nguyện về lại chiến trường miền Nam, về chiến khu Trị Thiên – Huế. May mắn ngẫu nhiên làm nên quyết tâm đến với văn học là Tô Nhuận Vỹ bước vào đời sống hầu như được đặt ở điểm nóng, được vùng vẫy trong môi trường sôi động. Hơn một năm dạy học ở Lạch Trường là thời điểm Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc – đặc biệt là Thanh Hóa. Vào chiến khu, chân ướt chân ráo mới mười bốn ngày sau, ông được đi công tác vùng sâu – nơi những căn cứ lõm, những vùng giáp ranh, vùng cài răng lược, đối mặt với kẻ thù. Lăn lộn nhiều năm ở vùng sâu, với tư cách là phóng viên báo Cờ Giải phóng, cán bộ tuyên truyền, có khi tham gia các chiến dịch với các mũi đặc công với tư cách là người lính, bám sát các tuyến nội thành, nằm hầm bí mật hàng tháng trời… Nếu kể đến vùng quê quen thuộc, là chân trời vẫy gọi sáng tác của nhà văn, với Tô Nhuận Vỹ đó là vùng đất phía Nam thành Huế. Đến nay, duy chỉ có truyện ngắn Tiếng súng vẫn nổ và một phần trong tiểu thuyết Vùng sâu, ông viết về vùng Phò Trạch và Hương Trà, những vùng đất phía Bắc Thừa Thiên, còn lại toàn bộ sáng tác, và có lẽ là cả cuộc đời cầm bút của ông đều ném vào chân trời phía Nam Huế và ngay chính trên vùng nội thành của thành phố quê hương. Ấy là vùng chiến trường sôi động, miền đất không yên của một thời tuổi trẻ, nơi cuộc sống đặt vào tay ông ngòi bút, nơi ông chào đời, cũng là nơi sinh ra cuộc đời thứ hai của ông – cuộc đời nhà văn. Có lần, ông tâm sự với bạn đọc báo Văn nghệ: “Chiến trường cho tôi những trang viết (…) Tất cả, đồng đội, anh em, nhân đân, quê hương và cả thằng địch nữa đều giục chúng tôi – những kẻ coi văn chương còn là một cái gì lạ lùng lúc đó – phải viết, không viết không được .

Thời kỳ đầu Tô Nhuận Vỹ viết nhiều thể loại như thơ, ký, ghi chép, các mẫu chuyện ngắn, có khi chỉ dừng lại ở một bài báo giàu chất văn hoc: Người xóm sông, Mùa xuân thắng lớn ở mặt trận phía Nam, San bằng quận lỵ Phú Thứ… chủ yếu là những ghi chép tư liệu cho những trang viết sau này. Không phải chỉ “đi thực tế” như chuồn chuồn đáp xuống mặt hồ tĩnh lặng của đời sống cách mạng, mà nhà văn tham gia các chiến dịch, các trận đánh, không chỉ là người chứng kiến, mà còn là người trong cuộc, người chiến sĩ, gặp gỡ, tiếp xúc, ghi chép tường tận đến từng chi tiết. Đối với người viết văn xuôi không có chi tiết nào của đời sống mà không quan trọng. Được đặt đúng chỗ, mỗi chi tiết đều có thể ánh lên vẻ sáng rực rỡ của một viên kim cương. Quan tâm đến chi tiết, là phẩm chất, là bản năng của người viết văn xuôi.

Bắt đầu từ truyện ngắn Chuyến tuần tra đầu tiên, ba tập truyện ngắn lần lượt ra mắt bạn đọc: Người sông Hương (1970), Em bé làng đảo (1971), Làng thức (1975), là sự chuẩn bị, dọn đường cho những trang viết dài hơi về sau của Tô Nhuận Vỹ. Truyện ngắn “ghi nhanh” một cách trực tiếp những chuyện xảy ra ở chiến trường. Truyện những người mẹ đào hầm nuôi dấu cán bộ (Đêm Tam Giang, Bà mẹ Viễn Trình, Giận nhau); truyện những thiếu niên tham gia công tác cách mạng, những anh hùng không đợi tuổi (Chuyến tuần tra đầu tiên, Em bé làng đảo, Quả trứng vịt); những người mẹ, người chị đảm đang, những cán bộ đường dây, những trinh sát gan dạ (Những người tham gia trận đánh, Còn trẻ, Phút yên tĩnh của trận đánh, Đượng lên đèo, Làng thức)… Nhân vật trung tâm trong các truyện ngắn là những ông già, phụ nữ, trẻ em. Nếu có xuất hiện hình tượng người lính cũng chỉ để làm nền cho nhân vật trung tâm. Vợ chồng mẹ Hương, mẹ Lành, chị Hai, cô Hồng, cô Bòng, cu Việt, cu Tèo… những người dân vùng ven thành phố, vùng giáp ranh, vùng biển phá Tam Giang thật thà chất phác, những người bình thường làm nên những sự tích anh hùng, những người là nền tảng của cuộc chiến tranh nhân dân. Ngay cả trong những tập truyện ngắn đầu tiên này, Tô Nhuận Vỹ đã tập trung vào chủ đề ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là chất liệu thẩm mỹ khai thác từ trong đại dương mênh mông là nhân dân. Ngoài Bạn bè tôi, ông viết về kỷ niệm thời thơ ấu pha chất hồi ký, còn lại đều hướng về phía nhân dân, một nhân dân anh hùng và nhân hậu.

Điều đáng ghi nhận về bước chuyển trên chặng đường sáng tác của Tô Nhuận Vỹ lại là nhược điểm về thể loại, thể hiện rõ trong hai truyện ngắn Bạn bè tôi và Làng thức. Đó là sự kéo dài, tản mạn nhồi nhét một dung lượng hiện thực không phù hợp và thiếu chọn lựa, kết cấu truyện không chặt chẽ, cho thấy nhu cầu bức thiết phải đổi thay; là dấu hiệu / gạch nối chuyển từ truyện ngắn sang tiểu thuyết. Chiến trường đánh Mỹ những năm đầu bảy mươi là thực tế sôi động, dồn nén một không khí âm ỉ trước cơn giông, báo hiệu sự bùng nổ. Sáng tác trong môi trường ấy, không thể chỉ nhẩn nha với vài ba truyện ngắn. Cũng như Nguyễn Thi, Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng… thời kỳ chuẩn bị, thăm dò đã qua, Tô Nhuận Vỹ bắt tay vào viết bộ tiểu thuyết dài ba tập Dòng sông phẳng lặng (1979-1982), với suy nghĩ: “Sau tập truyện ngắn đầu tay và một số tập khác, tôi tập trung viết về giai đoạn tổng tấn công Mậu Thân ở Huế. Đó là giai đoạn để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong đời tôi về sự kỳ vĩ của cuộc kháng chiến, về tấm lòng của nhân dân. Tôi bị ngợp khi viết những truyện ngắn hoặc những chương tiểu thuyết về giai đoạn này. Thực ra mà nói tôi đã liều làm một việc quá sức. Tôi thấy người ta viết về cái tết lịch sử ấy ở Huế quá ít” .

Chỉ tính trong phạm vi văn xuôi vào thời điểm đó, không tính những tác phẩm viết trong vùng tạm chiếm có tính chất đối đầu và ít nhiều có sự xuyên tạc của Nhã Ca (Tình ca trong lửa đỏ, Giải khăn sô cho Huế, Tình ca cho Huế đổ nát), bên cạnh những tập ký viết về cuộc tấn công lịch sử này như Cửa thép (1972) của Nguyễn Khoa Điềm, Ngôi sao trên đỉnh Phu Vân Lâu (1976) của Hoàng Phủ Ngọc Tường (năm 1979 mới có thêm một số mẫu hồi ký Huế những ngày nổi dậy của nhiều tác giả và năm 1987 mới có tiểu thuyết Huế mùa mai đỏ của Xuân Thiều), thì Dòng sông phẳng lặng của Tô Nhuận Vỹ là tác phẩm khá chững chạc viết về chiến trường địa đầu giới tuyến này, và cho đến nay vẫn là một trong số rất ít những tiểu thuyết viết về cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968 ở chiến trường miền Nam.

Hơn một nghìn trang, cuốn tiểu thuyết chứa một dung lượng hiện thực khá lớn, khái quát quát từ năm 1967, với “công việc chuẩn bị cho chiến dịch bên ngoài có vẻ yên ả như dòng sông phẳng lặng, nhưng bên trong là một cuộc vật lộn, một sự trăn trở đến nhức nhối” (t.I, tr.214), đến thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973. Dòng sông phẳng lặng đã chứng minh sức mạnh kỳ diệu của cuộc chiến tranh nhân dân do Đảng lãnh đạo trong thời kỳ cao trào ở Huế. Với chủ đề tập trung là khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bộ tiểu thuyết không chỉ dừng lại ở việc phản ánh những vấn đề của một vùng đất, một thời điểm lịch sử mà còn mở ra những vấn đề cốt tử của cách mạng trong nhiều thời điểm khác nhau, đề cập đến nhiều lớp người, nhiều loại nhân vật khác nhau: những người lính như Trung, Mùi, Hòa, những cán bộ nòng cốt của phong trào như anh Thất, chị Hạnh, Cúc, những quần chúng đi về phía cách mạng như Diệu Linh, Hồng, Thục Nguyên… những con người mà cuộc đời được liên kết thành một khối, ghìm chặt trước cơn lốc của chiến tranh. “Từ xưa đến nay chưa có một cuộc đánh nhau nào huy động đến tận cùng con người và làng xóm họ như cuộc chiến tranh của chúng ta, là tính tập thể, tính liên kết ở họ chăng? Và vì thế thằng địch ở đâu cũng lấy việc phá vỡ đặc điểm ấy làm mục tiêu hàng đầu” (t.II, tr.321).

Có người cho rằng, nhân vật thành công nhất của Tô Nhuận Vỹ trong bộ tiểu thuyết này là chị Hạnh – người tiêu biểu cho lớp cán bộ kháng chiến thời chống Pháp, có lòng căm thù giặc sâu sắc, yêu nước và tình sâu nghĩa nặng đối với cách mạng. Tôi cho rằng, loại nhân vật như chị Hạnh, anh Hòa, anh Thất được nhà văn vo tròn, ổn định công thức một cách thiếu sinh động, một hình mẫu có thể bắt gặp trong các nhà văn lớp trước như Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thành Long và nhiều người khác nữa. Nhân vật quen thuộc, thường lui tới chuyện trò trong tác phẩm với Tô Nhuận Vỹ, và cũng là nhân vật thành công nhất của ông là kiểu nhân vật trung gian như Diệu Linh, Nguyễn Khoa Bảo, Phi Hùng, Hồng… Bước đường đến với cách mạng của họ, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau: Nguyễn Khoa Bảo và Diệu Linh là con nhà gia giáo, có nguồn góc quý phái, sùng đạo Phật, còn Phi Hùng là người Bắc “theo Chúa” di cư vào Nam, Hồng là cô gái nông thôn nghèo khó, đi ở cho nhà giàu, nếu không làm chiếc lá xanh héo quắt trong bão lửa của chiến tranh, họ phải can dự vào, nhanh hay chậm họ cũng đi về bến bờ của cách mạng.

2. Gần mười năm sau ngày thống nhất đất nước, Tô Nhuận Vỹ đưa những mũi khoan để tìm những vỉa tầng hiện thực mới, dưới góc nhìn hậu chiến. Được sống và chứng kiến, cùng tham gia vào những đổi thay trên thành phố quê hương, nhà tiểu thuyết tập trung bút lực khoanh vùng, tự giới hạn trong những không gian nhỏ hẹp, nơi chứa đựng những vấn đề nóng bỏng của đời sống. Một vùng ngoại ô, một chân đồi dưới chân núi Ngự, nơi gắn liền với những con người có số phận hắt hiu như ngọn đèn trước gió (Ngoại ô, 1984); vùng cửa Thuận An, một vùng biển mà lịch sử đã đi qua còn in lại những âm vang của sóng dữ, với những cuộc vượt biên để đi tìm những chân trời ảo vọng (Phía ấy là chân trời, 1987); hoặc quanh một công trình đang xây dựng trên dòng sông quê hương (kịch bản sân khấu Gió vẫn thổi trên dòng sông, 1987) diễn ra trong những năm đầu đất nước thống nhất, bên cạnh không khí sục sôi xây dựng vẫn diễn ra bao điều nhức nhối của thời hàn gắn vết thương chiến tranh.

Tiểu thuyết của Tô Nhuận Vỹ luôn từ điểm để nói diện, từ gần mở ra tầm nhìn xa, không chỉ dừng lại ở việc trình bày sự việc diễn ra ở một vùng, trong một thời điểm, mà có khả năng soi rọi đến nhiều nơi, gợi sự liên tưởng đến những năm tháng quá khứ, nhìn thấy bước đi của tương lai. Khác với Dòng sông phẳng lặng, lần này mỗi tiểu thuyết chỉ tập trung vào vài ba nhân vật, nhưng câu chuyện không chỉ là của họ, mà là của nhiều người ở nhiều tầng lớp, nhiều hoàn cảnh khác nhau – chủ yếu là thanh niên – đánh thức cả những người đã “chết nhưng chưa hề khuất, những cuộc đời tình cờ ta biết đến, những cuộc đời vật vã để thắng sức kéo lùi, trồi trụt không giống nhau và tiến thoái chẳng y nhau, nhưng tất cả đều sống một cuộc sống không bình thường của một tuổi trẻ không yên, dưới áp lực và bàn tay người Mỹ” (Ngoại ô, tr.440).

Bút pháp mới của nhà văn ở những tiểu thuyết này là dường như không chủ tâm miêu tả tỉ mỉ những góc cạnh dữ dội, những qui mô to lớn, mà bằng những phác thảo chuẩn xác, gợi cho người đọc hình dung được bối cảnh của quá khứ. Ông có miêu tả chiến tranh, nhưng không phải bằng những trận đánh, những chiến công mà bằng sự chống chọi âm thầm và dữ dội của con người trước bóng đen của chiến tranh. Thông qua đó, làm nổi rõ chân dung những con người mà số phận của họ chịu sự tác động mang tính chất quyết định của cuộc chiến, lý giải sự biến đổi, chỉ ra con đường đi đến với cách mạng của tuổi trẻ.

Những vấn đề trọng tâm của tiểu thuyết Tô Nhuận Vỹ thường được chứa đựng trong nhân vật. Hay nói đúng hơn, diễn biến của số phận nhân vật làm hằn nổi lên vấn đề của đời sống cần được giải đáp. Như tên của tác phẩm, những con người sống ở ngoại ô cuộc đời như Bửu Sanh, xuất thân từ một gia đình hoàng tộc sa sút, lớn lên chỉ biết ăn học, tránh né cuộc đấu tranh xã hội, run rẫy và lùi dần, lùi dần đến chân tường rồi bị cái ác túm gáy ném vào cuộc. Từ sự nhu nhược của mình, Bửu Sanh mất cả người yêu, đi dần đến bên bờ của tội ác và kết thúc bằng cái chết bi thảm. Huệ chính là cái bóng của Bửu Sanh. Cũng như anh, cô sống bàng quan, né tránh mọi vấn đề xã hội, cô lùi mãi để rồi cuối cùng tiếp tay cho bọn xấu tiêu thụ cần sa, ma túy; cô không biết rằng “sự nhu nhược có bước chân ngắn song để nó đi mãi rồi nó cũng đến đích của tội ác”, cô trở thành kẻ phá hoại cuộc sống mới nếu không có sự xuất hiện của Thạch. Tuổi trẻ của anh em cô và tuổi trẻ của Thạch là hai cảnh đời trái ngược nhau và hai con đường đi khác nhau. Là con một bác thợ già, nhà nghèo, học cùng lớp với Bửu Sanh, nhưng sớm trưởng thành trong phong trào sinh viên tranh đấu. Đau đớn trước nỗi đau của nhân dân, anh nhìn ra được tất cả những ung nhọt của xã hội mà nguyên nhân chính là sự xâm lược của kẻ thù. Anh là con người hành động chứ không phải là con người suy tưởng. Khác với thái độ chạy biên, lập lờ, trôi nổi ngoài lề, anh nhập cuộc, bước vào trung tâm của ngọn trào nóng bỏng, trở thành chiến sĩ hoạt động nội thành rồi lên chiến khu, sau ngày thống nhất đất nước trở về làm chủ tịch xã ngoại ô, trở thành người trực tiếp xoa dịu bao nỗi đau của nhân dân. Đây là con đường tương đối phổ biến của một số thanh niên trong các đô thị miền Nam. Có lẽ vì thế mà tác giả hơi giản đơn, chưa dồn hết bút lực cho nhân vật này. Mặt khác, do thiên kiến về quan điểm giai cấp thô thiển, quan điểm thẩm mỹ dung tục, nên thường cho rằng nhân vật tiêu biểu cho lý tưởng thẩm mỹ phải xuất thân từ giai cấp công nhân, là con bác thợ già như Thạch?

Phía ấy là chân trời là sự tiếp tục một cách tập trung, rõ rệt và mạnh mẽ hơn, phê phán thái độ cầu an, lập lững của những con người “tồn tại đó mà sao tồn tại như chiếc bóng”. Đó là Vĩnh, trung úy biệt kích Mỹ, một con người tốt đi đến cái xấu bằng đôi chân của sự nhu nhược chập chờn, lúc tốt lúc xấu, rồi trở thành phản bội. Lần đầu tiên nhân vật trung tâm của truyện là nhân vật xấu. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, cha mẹ mất sớm, nhờ sự đùm bọc của gia đình Thư (người hàng xóm, người bạn từ thuở nhỏ, sau này trở thành “người con gái thân yêu nhất của đời anh”). Cha mẹ Thư chết vì bom Mỹ, quê hương bị tàn phá, Thư và Vĩnh lên cửa Thuận tìm kế sinh nhai. Anh cố từ chối mọi sự lôi kéo của bạn bè, của guồng máy chiến tranh Mỹ và muốn sống cuộc đời lương thiện, dành dụm tiền để cưới Thư. Nhưng cuộc chiến tranh không để ai yên cả. Hoàn cảnh đầy tai ương và nguy cơ rình rập, buộc Vĩnh phải phải chọn lụa: hoặc theo chú Bảo về làng, lên chiến khu, hoặc trở thành tay sai cho Mỹ. Vĩnh đã không cương quyết và vì món tiền dành dụm lâu nay, anh quay lại lấy và thác mình theo cái xấu, quay lưng lại với cuộc sống của mọi người, của Thư, để rồi trở thành trung úy biệt kích Mỹ. Càng cố sửa chữa lỗi lầm anh càng rơi vào vực thẳm, để rồi “lần đầu tiên anh nhận ra chân dung của chính mình chảy dài trong dòng nước mắt tủi hổ khôn cùng: Vĩnh là một kẻ phản bội! Phản bội tất cả, phản bội với cha mẹ đã qua đời, phản bội cuộc sống mới, phản bội cả thằng Tếch lẫn anh Thái, phản bội cả gã chuẩn úy lẫn anh Trừng, phản bội tình yêu thiêng liêng và máu thịt nhất của một đời người con trai và cuối cùng, phản bội chính những gì cho là sâu xa nhất của phẩm chất con người trong chính mình”.

Cột neo giữ cuộc đời Vĩnh trong những khi sóng dữ là Thư, người con gái dịu dàng, trung thực, bảo vệ những nguyên tắc đạo đức chuẩn mực đến độ khắc nghiệt. Sớm có ý thức căm thù giặc, cô lao về phía nhân dân, phía cách mạng, cô thoát ly lên rừng buông lỏng dây neo, sau ngày thống nhất trở lại làm phó chủ tịch xã kiêm hiệu trưởng trường trung học cơ sở, cô mới nhận ra rằng, sự sa ngã của Vĩnh, người cô yêu quý như một đám cháy lớn khó mà dập tắt nổi. Sớm mồ côi cha mẹ, ở Thư có sự thơm lành của bàn tay người mẹ, người chị, có sự nghiêm nghị, vững vàng của một người cha, người anh, có sự yếu mềm của cô gái đang yêu, có sự mẫn cán, tận tụy của người cán bộ xuất thân từ nhân dân, là có một phần tiếp tục đường đi của Cúc (Dòng sông phẳng lặng), lại có một phần của Cúc – nhân vật trong tiểu thuyết liên hoàn Miền cháy và Những người từ trong rừng ra của Nguyễn Minh Châu, sáng tác cùng thời điểm.

3. Sau Phía ấy là chân trời (1987), phải đến hai mươi lăm năm sau, ông mới cho ra đời tiểu thuyết tiếp theo là Vùng sâu (2012) rồi sau đó là tập tiểu luận Bản lĩnh văn hóa (2014), nhằm đúng vào thời gian diễn ra công cuộc đổi mới. Nhưng khác với nhiều tác giả, Tô Nhuận Vỹ tỏ ra nhất quán về cảm quan hiện thực và giọng điệu văn chương trong suốt quá trình sáng tác. Vì vậy, việc sáng tác chậm không phải là do quá trình đổi mới làm ảnh hưởng đến tâm thức sáng tạo, mà do tác động của những yếu tố nằm bên ngoài văn học. Chính nhà văn cũng đã từng khiêm tốn thừa nhận rằng: “Cống hiến của tôi cho tới nay đối với văn học là bình thường. Lẽ ra tôi có thể có sự cống hiến khác hơn cho quê hương tôi và cho văn học, nhưng công việc hành chính, sự vụ đã bẻ vụn thời gian và bẻ vụn tất cả năng lực của tôi” .

Bản lĩnh văn hóa sưu tập những bài báo ngắn của Tô Nhuận Vỹ viết về các danh nhân và kỷ niệm với các nhân vật như Phạm Quỳnh, Trần Độ, Lê Bá Đảng, Thanh Hải, Hải Bằng, Đặng Nhật Minh… trong đó đáng chú ý là mấy tiểu luận viết về mối quan hệ nhà văn và văn chương hai nước Việt – Mỹ như Nhà văn Việt Nam và vấn đề hội nhập, Con đường văn học Việt Nam vào Hoa kỳ, Con đường từ trái tim, Cầu nối giữa hai bờ đối nghịch, Nhà văn Việt Nam: đổi mới và hội nhập. Đúng như tên gọi của tập sách, bằng những lập luận sắc sảo và chặt chẽ, tư duy đổi mới và trung thực, thẳng thắn, không thiếu tinh thần dũng cảm, tác giả đã khẳng định vai trò tiên phong của văn học trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước sau một cuộc chiến tranh dài. Nhưng đáng chú ý và cũng là thành công, khẳng định sự nổ lực và bản lĩnh của nhà tiểu thuyết, là Tô Nhuận Vỹ trở lại với Vùng sâu.

 Với Vùng sâu, nhà văn trở lại với vùng thẩm mỹ, nơi chân trời đã làm nên sự nghiệp văn chương của mình hơn nửa thế kỷ qua. Cũng khung cảnh ấy, cũng môi trường ấy, xoay quanh những nhân vật trí thức, những người lao động và những chiến sĩ mang lý tưởng cao đẹp ấy, nhà văn đi sâu hơn, luồn sâu hơn ngòi bút của mình vào một vấn đề nhức nhối của thời hậu chiến : số phận những trí thức tham gia phong trào cách mạng, bị bắt bớ tù tội trong nhà lao đế quốc, không chỉ bị tra tấn dã man, mà còn bị bôi đen, bị vô hiệu hóa, bị chính đồng đội nghi ngờ là phản bội cách mạng, là do địch cài lại theo kế hoạch hậu chiến. Đó là những anh em từng tham gia phong trào và một bộ phận quần chúng lao động ở các đô thị miền Nam, những người như Phước, Thảo, Thu, Hương Cần... những nhân vật trung tâm của tác phẩm, thể hiện cảm hứng chủ đạo của tác giả và tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm, những người góp phần làm nền tảng của cuộc chiến tranh nhân dân và chính vì họ mà tác giả sáng tạo nên tác phẩm. Ở một phương diện nào đó, còn có thể kể thêm những người như Hoài, Trinh, Phương, những nhân vật mang vẻ đẹp lý tưởng đã chiến đấu không biết mệt mỏi vì lẽ sống con người, đã tiếp tục chiến đấu với cuộc chiến sau chiến tranh, để chống lại chiến lược hậu chiến của kẻ thù và cả những phần tử xấu nhân danh cách mạng trục lợi cho cá nhân như “Hắn” một người lợi dụng bóng ma chiến tranh và chức quyền ban ơn để “tống tình” đồng chí đồng đội, sau chiến tranh “ thực tế đã tiếp tay kẻ thù thực hiện âm mưu hậu chiến phá nát nội bộ chúng ta” (tr.321), đã leo lên đến chức vụ phó bí thư tỉnh ủy và có nguy cơ lên cao hơn nữa, nếu những con người chân chính tỏ ra mệt mỏi, nản lòng, không dám đấu tranh. Thậm chí, Trinh còn bay sang tận Mỹ để đấu tranh trực diện với kẻ thù. Với họ, dường như cuộc chiến tranh chưa hề kết thúc. Có thể nói, toàn bộ ý tưởng của Tô Nhuận Vỹ nhằm bênh vực cho một bộ phận không nhỏ những anh em hoạt động trong phong trào đô thị sau chiến tranh trở thành nạn nhân của chiến lược hậu chiến của kẻ thù, nạn nhân của chính đồng đội đồng chí và cái lý tưởng cao đẹp mà mình tôn thờ và theo đuổi. Điều đó, là sự tiếp tục phát triển và nâng cao niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người, được lặp đi lặp lại nhiều lần, đan cài lấp lánh xuyên suốt các tiểu thuyết lâu nay của ông. Ngược lại, về nhân vật ông tránh được sự rập khuôn, lặp lại, theo kiểu vừa tốt vừa xấu, như thường thấy lâu nay.

Về kết cấu, Vùng sâu có 28 chương, với gần 340 trang, có xoay chiều, hồi tưởng về quả khứ, ngước nhìn tương lai, nhưng chủ yếu vẫn là câu chuyện tự sự được trần thuật một cách mạch lạc theo trình tự thời gian của lối viết truyền thống một cách đơn giản, nhưng không hề đơn điệu. Bởi vì bàng bạc trong từng trang sách, ken dày giữa những con chữ là tư tưởng nhân văn và niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người, được trình bày thông qua những xung đột tiểu thuyết được đẩy đến mức cao trào: địch - ta, thiện - ác, tốt - xấu, cao cả - thấp hèn... Sự xung đột không chỉ diễn giữa hoàn cảnh và tính cách, giữa tính cách và tính cách, mà còn trong từng ý tưởng, từng vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh, ngay cả những vấn đề gai góc nhất: “Không thể có một nhà chính trị dễ mủi lòng. Không thể có một nhà chính trị không biết khi cần thì phải hành xử ác. Nhà chính trị đâu phải là một nhà văn. Mà ngay nhà văn, nếu không ác thì cũng không có những tác phẩm “dễ sợ” được” (tr.331). Tầm vóc vấn đề không lớn, nhưng sức vóc của chỉnh thể nghệ thuật được trình bày trong ý nghĩa toàn vẹn của một tư duy tiểu thuyết còn ở độ sung sức, tuy có lúc có nơi ông chưa đi đến cùng của ý tưởng, một vài tính cách còn đậm chất lý tưởng hóa, một vài gặp gỡ ngẫu nhiên chỉ nhằm phụ thuộc vào ý chí của nhà văn...

Điều đáng ghi nhận ở Vùng sâu, không phải là ở những vấn đề đã được phản ánh, mà chính là năng lực tâm hồn của nhà tiểu thuyết. Đọc từng trang sách, ta dễ nhận ra sự vận động của tư duy tiểu thuyết, tuy vẫn trung thành với lối viết truyền thống, nhưng đã chuyển đổi hệ hình tư duy sang phạm trù của tiểu thuyết hiện đại. Cũng vẫn là vùng đất cũ, những con người trong chiến tranh gian khó, nhưng cảm quan hiện thực đã hoàn toàn mới. Ông trở lại vùng sâu, nơi trở thành nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, nhưng không hề lặp lại những vấn đề đã cũ, cũng những con người cũ nhưng tính cách hoàn toàn mới, ông thủy chung toàn vẹn với miền quê sáng tác của mình, nhưng vẫn tạo ra được những nội dung mỹ cảm mới mẽ, thu hút người đọc cho đến cuối sách. Nhưng quan trọng hơn, những đổi mới nghệ thuật không làm thay đổi phong cách của nhà tiểu thuyết, vẫn là giọng điệu đa thanh, nhiều cung bậc, khi sôi nổi lúc điềm đạm, lại có cả những chì chiết đến đau đớn trước những nỗi đau, những oan trái cuộc đời.

Làm sao để con người trở nên tốt hơn là tư tưởng – nghệ thuật xuyên suốt sáng tác của Tô Nhuân Vỹ: “Con người ai cũng có thể sống tốt hơn” (Dòng sông phẳng lặng). Niềm tin lạc quan một thời chiến tranh, bỗng lung lay và có nguy cơ sụp đổ khi bước sang thời hậu chiến: “Lẽ nào không tin vào con người?” (Ngoại ô); “Lẽ nào anh không tin rằng con người ta ai cũng có thể sống tốt hơn hay sao?” (Gió vẫn thổi trên dòng sông); “Tại sao anh không phải là con người tốt?” (Phía ấy là chân trời),… Những dấu hỏi, những tự vấn lặng lẽ, niềm băn khoăn day dứt, nỗi ám ảnh trở thành hữu thức của nhà văn, gặp một thực tế cay đắng và phủ phàng hơn là sự tha hóa, phản bội, tráo trở từ trong hàng ngũ của chính những quan chức cấp cao, giữ các cương vị lãnh đạo, nhưng bản chất thiên lương của con người không thể rời xa lý tưởng thẩm mỹ, đành phải chấp nhận thực tế và mỗi một con người, đã là con người phải luôn tâm nguyện rằng “cuộc đời dù có gập ghềnh, mưa nắng thất thường nhưng phải luôn sống cho tốt, luôn là một con người, cái đích ấy trọn vẹn do nơi mình quyết định, cái đích ấy có ai cướp được của mình đâu mà chán nản” (Vùng sâu, tr.48).

Lâu nay chúng ta quen phân định rạch ròi những phạm trù phẩm chất, nhân cách, một sự đối chọi dễ thấy: trắng đen, nóng lạnh, thiếu sắc độ trung gian, hòa lẫn âm thầm, kín đáo thường thấy ở con người. Là nhà văn luôn có ý thức nhìn nhận cuộc sống trong cả một quá trình, muốn làm sáng tỏ hành động con người từ những động cơ, những nguyên nhân, Tô Nhuận Vỹ đẩy nhân vật của mình trôi theo giữa hai bờ thiện ác, tốt xấu và không ngừng vật vã đấu tranh để cập bến bờ hoàn mỹ. Những thử thách, những nghịch lý cuộc đời chỉ là chất kiểm màu, làm sáng tỏ thêm phần tốt ở mỗi người. Có thể nói rằng, mỗi trang viết của ông đều thể hiện sự tự tìm tòi, tự nghiên cứu đời sống, để tạo dựng một cách lập ngôn đầy trách nhiệm. Mỗi nhân vật đều đặt trước vấn đề cốt tử của thời đại: sự chọn lựa, từ đó mà quyết định đường đời, số phận của họ. Ông đặc biệt thành công trong việc xây dựng nhân vật trung gian. Có thể tìm thấy một đường dây nối từ Nguyễn Khoa Bảo, Diệu Linh, đến Bửu Sanh, Huệ hoặc Vĩnh, Nhi rồi đến Phước, Trinh… con đường phát triển tính cách liên hoàn, trong từng thời điểm khác nhau. Tất nhiên, sẽ không tránh khỏi sự lặp lại mình như hình tượng mụ Béo (Dòng sông phẳng lặng) và mụ Lép (Ngoại ô), cu Buồn (Ngoại ô) và cu Ri (Phía ấy là chân trời)… đến Vùng sâu, tác phẩm đạt giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV của Hội Nhà văn Việt Nam (2011-2015) đã có những thay đổi rõ rệt, không chỉ vì tác giả đã đi sâu khai thác những vấn đề ưu tư, oan trái sau chiến tranh đối với những trí thức sinh ra, lớn lên ở miền Nam đi theo cách mạng, mà còn vì sự vận động của tư duy tiểu thuyết, chuyển dịch hệ hình thước đo giá trị, từ tiền hiện đại (lấy việc soi rọi hiện thực đời sống làm mục tiêu) sang chiều kích mới (lấy hiệu ứng thẩm mỹ thông qua hình thức tác phẩm làm mục tiêu) của nghệ thuật tiểu thuyết.

Theo tập “Những chân trời xanh thẳm” Phạm Phú Phong/NXB Hội Nhà văn, tháng 12- 2018

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)