1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Thơ của người 'lườm nguýt'

18/11/2020
 
Năm 2020 có lẽ là năm “được mùa” của nhà văn chuyên ngành lý luận phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên. Vừa mới đây, ông tung ra gần như là “gối nhau” 3 tác phẩm. Đặc biệt thú vị là cặp “song sinh” thơ “Điều muốn nói” và “Dậy thì Giêng”. Nếu như “Điều muốn nói” gồm 36 bài thơ thế sự thì “Dậy thì Giêng” là 45 bài thơ tình. 
 
 
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, đề từ cho cả hai tập thơ cũng không giấu được bất ngờ: “Bấy lâu nay, khi nhắc đến Đỗ Ngọc Yên, ta cứ hình dung một nhà phê bình tinh nhạy và sắc lẹm. Nói một cách suồng sã thì anh là một nhà “lườm nguýt” chuyên nghiệp. Vậy mà gần đây anh lại xuất hiện với dáng vẻ yểu điệu, nhưng rất vững chãi của một nhà sáng tác, để chúng ta có điều kiện “lườm nguýt” lại anh”. Nhà thơ Trần Quang Quý, trong bài Tựa cho “Dậy thì Giêng” của nhà văn Đỗ Ngọc Yên cũng có cảm trạng tương tự.
 
Tác giả của cặp “song sinh”, nhà văn Đỗ Ngọc Yên thì trải lòng: “Ở tuổi thất thập lần đầu tiên tôi quyết định “sinh đôi”. Một trai, một gái. Trai là tập thơ thế sự có tên “Điều muốn nói”. Gái là tập thơ tình có tên “Dậy thì Giêng”. Có người bảo tôi “liều”, có người bảo tôi “dại”. Vâng. Với tôi, liều hay dại, thắng hay thua, thành hay bại... âu cũng chỉ là một cuộc chơi, hay đúng hơn là một hành trình dấn thân đầy nghiệt ngã nhưng thực sự thú vị”.
 
Gia tài “lườm nguýt” của nhà văn Đỗ Ngọc Yên đến nay đã có 10 tác phẩm. “Dự cảm thu” tiểu luận và phê bình do NXB Quân đội nhân dân in và phát hành là tác phẩm mới nhất, ra mắt độc giả vào tháng 7/2020.
 
***
 
Trong “Điều muốn nói”, Đỗ Ngọc Yên cũng viết về nhiều đề tài. Trước hết, ông viết về bố mẹ, về người chị; đặc biệt có 4 bài thơ về mẹ “Lời ru của mẹ”, “Mẹ tôi”, “Nhớ mẹ chiều nay”, “Ta về bên mẹ mình thôi”. Tình mẫu tử luôn thiêng liêng nhất, ông viết về mẹ nhiều là điều dễ hiểu. Ông viết về bản thân, bạn bè, con người và nhân sinh. Gần như đó là quá trình tìm kiếm để trả lời câu hỏi về bản ngã. Đỗ Ngọc Yên viết về làng quê, đất nước và thế giới. Gần như đó là quá trình để minh định tình yêu với cuộc sống. Yêu đất nước phải bắt đầu từ ngôi làng nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi chôn chặt nhúm nhau của bản thân ông khi từ hạt cát đến với “quán trọ” trần gian.
...
 
Lưng còng phơi giữa nắng hè
Áo nâu tơi tả, nón mê gẫy vành
Bấm tay từ thuở tóc xanh
Vẹt mòn móng cái chẳng thành ấm no
(Ta về bên mẹ mình thôi).
 
Đỗ Ngọc Yên có những câu thơ lục bát về mẹ rưng rức, xúc động, xa xót. Nhà văn Đỗ Ngọc Yên sinh ra ở một vùng quê lam lũ, nghèo đói. Chắc ông đông anh chị em. Quê lam lũ thì bố mẹ sao thoát được phận đời sấp ngửa. “Nhà ta vùng đồng chiêm/ bàn tay cha bong da theo từng mùa vụ”, “bàn tay lợp nhà lo giữ cái nóc/ kẻo mai ngày cột mục kèo hư”, (Bàn tay cha). “Bàn tay ấy/ giờ xạm đi/ sau mỗi mùa gieo cấy/ và dày thêm sạn chai/ bào mòn bay cán cuốc xeo cày”, (Bàn tay chị). Đọc những bài thơ của Đỗ Ngọc Yên về làng quê, người thân, không ai không thương cánh đồng một thời đói khát, thương những giọt mồ hôi chan trên cánh đồng chưa ải. Dẫu vất vả là vậy, nhưng với những người sinh ra từ quê, không có nơi nào đẹp bằng nơi mình sinh ra, không có câu hát nào ngọt hơn lời ru của mẹ. Quê hương nuôi người lớn lên, dẫu bằng gian khó, mẹ mang nặng đẻ đau, vất vả sớm tối mong con mình lớn lên, mang nặng nghĩa nhân.
...
 
Mẹ như thân cò lặn lội bờ sông
Bắt tép nuôi con lời ru cũng ướt
Tháng ngày mẹ sống cùng sông nước
Chẳng khi nào làm vẩn đục lời ru
(Lời ru của mẹ)
 
Chắc Đỗ Ngọc Yên cũng như nhà thơ Xadax Gamzat, bố của nhà văn Raxun Gamzatop “Ông yêu làng Xada của mình và không bao giờ đổi nó lấy bất cứ một thủ đô nào trên trái đất này”, (Dadghexxtan của tôi). Đến lượt Raxun Gamzatop “Trên mỗi bước đi tôi gặp lại mình, gặp lại thời thơ ấu của tôi, gặp lại những mùa xuân, những cơn mưa, những bông hoa và những chiếc lá rụng mùa thu của tôi”, (Sách đã dẫn). Không gì đổi được làng.
 
Không chỉ đằm thắm da diết nỗi lòng, Đỗ Ngọc Yên còn hết sức “thế sự” trong những bài thơ về thế cuộc “Thất Thủ Thiêm”, “Thế giới này”... Những sự kiện nóng hổi ập vào trái tim ông làm trái tim thổn thức, bật lên thành thơ. Dù viết về thời cuộc trong nước hay thế giới thì Đỗ Ngọc Yên luôn tìm lời giải cho thân phận. “Cụ già/ còng lưng/ chậm bước/ thúng đội đầu/ khách qua đường/ ngó nghiêng” và “Sáng mai/ chân cột đèn/ cạnh thúng ngô/ có người đắp mặt/ manh chiếu vắt ngang...”, (Tiếng rao đêm). Xã hội đã có những chuyển động tích cực nhưng bên cạnh người có cuộc sống khá giả, giàu sang còn không ít người nghèo, những người lang thang cơ nhỡ, bất hạnh vì nhiều lý do. Đọc bài thơ “Tiếng rao đêm” của ông, không thể không nhớ đến bài thơ “Người đàn bà Pê ru của tôi” của nhà thơ Nga vĩ đại Yevgeny Aleksandrovich Yevtushenko. 
 
Em cười mãi với cuộc đời, còn tôi khóc với riêng em
Điều mới nghe tưởng chừng như vô lý
Một nụ cười đi qua hàng thế kỷ
Để lại mỗi cuộc đời một tiếng khóc riêng
(Về bức tranh Nàng Monaliza)
 
***
 
Nhà thơ Trần Quang Quý trong bài Tựa với tiêu đề “Những mùa yêu Đỗ Ngọc Yên” cho “Dậy thì Giêng” đã đọc ra nhân vị Đỗ Ngọc Yên. Đang “dậy thì” nên trái tim nhà văn Đỗ Ngọc Yên lao xao cả 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Ông dành cho mùa xuân 11 bài, mùa thu 18 bài... và nhân vật trữ tình “em” 5 bài. Nhà thơ Trần Quang Quý gọi là “yêu không mùa”, nói cách khác là cảm thức xuyên mùa của nhà văn Đỗ Ngọc Yên. Tuy nhiên, thơ tình Đỗ Ngọc Yên chỉ là ước lệ, sự phân định thơ tình trong “Dậy thì Giêng” và thơ thế sự “Điều muốn nói” chỉ là ước lệ. Nhiều bài ở cả 2 tập có “2 trong 1”. Tôi đọc bài “Dậy thì Giêng”- được lấy làm tên chung cho tập thơ thì hoá ra ông nấp sau “dậy thì” để nói về thế cuộc:
...
 
Trẻ con bây giờ nó thế
Người kêu tăng trọng lắm vào
Đất trời đảo điên nào biết
Giống nòi suy kiệt ai đau?
 
“Giêng, Hai đã dậy thì” thì quá bất bình thường. Cuộc sống đang “nháp” vào mỗi người nhiều dị bản, dễ thấy trong bài thơ “Nháp”: “Hàng sấu Phan Đình Phùng giờ bặt tiếng ve đêm/ ngày nghiến nát mùa hè tuổi thơ tinh nghịch/ em ngang qua một bóng hình tịch mịch/ thăm thẳm sâu chốn ấy nháp vào tôi?”. Ông nêu ra một giả định nếu như tất cả ai cũng là “bản nháp”, bản ảo, không thực, cái bản ngã bị tước đoạt.
 
Phải nói rằng, với “Dậy thì Giêng”, không gian, thời gian 4 mùa gắn với tâm trạng tạo xung lực sáng tạo cho nhà thơ. Một năm bắt đầu từ mùa xuân nên dễ hiểu chính mùa xuân là thời khắc bắt đầu tích tụ phồn thực và bung tỏa rực rỡ bốn mùa. “Gió đè/ vật vã/ hôn thảm thiết/ cây ngả lòng/ đợi mưa, đón nước/ trăng ngu ngơ chẳng hề hay biết/ dưới trần gian/ đâu cũng phồn thực xuân”, (Phồn thực xuân).
 
Là nhà lý luận phê bình, chuyên gia “lườm nguýt” thiên hạ như cách nói của nhà thơ Trần Đăng Khoa nên Đỗ Ngọc Yên ý thức rõ về thơ mình. Thơ ông đa thi pháp, đa thể tài, thậm chí “thi pháp dân gian” là lục bát cũng được ông sử dụng, bày tỏ cảm xúc trong trường cụ thể. Tuy nhiên, với những bài thơ tự do, đa phần ở cả 2 thi tập, Đỗ Ngọc Yên rất chú ý về ngắt câu, nhịp điệu, thi ảnh, liên tưởng. Thơ Đỗ Ngọc Yên vì thế nhịp điệu bật, nẩy. 
 
“Em đến với tôi/ cánh đồng hạn khô/ tuếch toác vết thương/ tím bầm gan ruột”, (Em đến). “Em đi/ để lại tôi/ và/ bầu trời vần vũ bão giông/ tối sầm mặt đất/ ánh chớp lập lòe/ tìm đâu gương mặt thật/ tình yêu”, (Em đi). Cả khi “Em đến” và cả khi “Em đi” tạo cho người đọc một sự tò mò ngay trong nhịp điệu. Mặt khác, Đỗ Ngọc Yên hay dùng điệp từ/ điệp ngữ nhấn nhá tạo ra hiệu ứng uyển chuyển của cảm xúc, làm tăng sức gợi hình, gợi cảm trong câu thơ. Ông cũng là người chuyển “trạng thái” trong thơ mình từ tính từ sang động từ tạo ra hiệu ứng khác của thơ hậu hiện đại, nhất là gợi tính về phồn thực.
 
Những mùa yêu của nhà thơ Đỗ Ngọc Yên không chỉ xuyên thời gian mà còn xuyên không gian. Ông viết từ “Chợ tình Khau Vai” cho đến các vùng miền khác của đất nước. Đọc “Dậy thì Giêng” hẳn người đọc sẽ thắc mắc, ông dậy thì từ miền núi đến miền xuôi, đồng bằng đến ven biển. Đặc biệt, ông dành cho Nha Trang đến 4/45 bài trong tập. Đỗ Ngọc Yên viết về mùa thu 18/45 bài trong tập, hóa ra ông dù “Dậy thì Giêng” tức là đầy sức sống, chồi, nõn nhưng tâm hồn chỉ là “Hồ thu”. Vì thế, mà ông nhìn Nha Trang cũng có mùa thu, dẫu Nam Trung bộ chỉ hai mùa mưa, nắng. “Chiều như ngắn hơn dưới gót chân thiếu nữ/ đêm khớp hờ/ bờ môi hoang vỡ/ Nha Trang mùa này như thể chỉ để yêu”, (Thu này Nha Trang). Ở tuổi thất thập, con người không mấy can đảm bước vào tình yêu, nhưng cảm xúc luôn mơn trớn như trái tim Đỗ Ngọc Yên cũng là phần quà tặng của riêng ông.
 
Nhà văn Đỗ Ngọc Yên đã “dậy thì thành công” bước vào “mùa yêu” với nhiều nỗi niềm, trăn trở. Đọc thơ Đỗ Ngọc Yên người ta không thể hoài nghi về độ “thanh tân” của chàng trai ngoài bảy mươi. Ông yêu đến cháy đỏ câu thơ, không muốn chỉ “mơ hồ”: 
...
 
Anh là dòng sông nham nhở 
Phù sa có đâu bồi bờ
Còn đây trái tim cháy dở
Sao khuya rụng vỡ mặt buồn
(Mơ hồ)
 
Người Hà Nội
 
http://nguoihanoi.com.vn/tho-cua-nguoi-luom-nguyt_262960.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)