1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Văn học
  4.  › 
  5. Lý luận - Phê bình

Tác giả truyện ngắn Kim Lân - thời gian và sáng tạo

10/01/2021
Kim Lân gia nhập làng văn bằng một truyện ngắn đầu tay có tính chất tự truyện: Đứa con người vợ lẽ (Báo Trung Bắc chủ nhật, số 120, ngày 29/7/1942). Nhà văn tự nhận rằng: “Tôi đến với văn học, ban đầu là từ sự say mê, ham thích. Những truyện ngắn đầu tay của tôi như Đứa con người vợ lẽ, Người kép già, Cô Via là những truyện ngắn viết về đề tài xã hội. Đó là những câu chuyện về bản thân tôi, tâm tư và số phận của tôi cũng như những người gần gũi trong làng xóm của tôi”.
Nhà văn Kim Lân. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
 
Lối nẻo riêng…
 
Ông đã chọn lối nẻo riêng vào văn chương - viết về những sinh hoạt có tính cách văn hóa của người dân ở thôn quê và thực tế chứng minh sự lựa chọn của nhà văn là đúng: “Ông Vũ Bằng, khi đọc truyện Đôi chim thành, Đánh vật của tôi đã khuyên tôi nên viết về thú chơi ở thôn quê. Theo ông, tôi viết một loạt truyện các thú chơi ở thôn quê đăng trên báo Trung Bắc chủ nhật và Tiểu thuyết thứ bảy". Như vậy, có thể nói Kim Lân xuất hiện trên văn đàn lúc bấy giờ với tư cách là một nhà văn phong tục có phần giống như Bùi Hiển, Tô Hoài - những người cùng thế hệ. Xứ Kinh Bắc quê hương nhà văn xưa nổi tiếng với những sinh hoạt cổ truyền có tính cách văn hóa của người nông dân như thả chim, chọi gà, đánh vật, đánh võ. Nhà văn tự nhận rằng: "Truyện của tôi thời kì này gần như truyện phong tục [...]. Truyện mang tính chất giải trí nhưng không phải không có giá trị. Những truyện này ghi lại đôi nét sinh hoạt văn hóa của đồng quê". 
 
Cầu đánh vật, Con Mã Mái là những ví dụ tiêu biểu cho truyện phong tục của Kim Lân trước 1945. Trong đó, những trang miêu tả trận chọi gà giữa con Mã Mái của ông Cả Chuẩn và con Hoa Mơ của bác nhà quê trong truyện Con Mã Mái được Kim Lân viết như lên đồng. Được biết, những nhân vật ham chơi trong truyện ngắn chính là hình bóng của nhà văn hay nói cách khác ông không viết những gì mà không có mình trong đó. 
 
Lối viết của Kim Lân trước 1945 có cái vẻ đẹp của sự tỉa tót, nhàn tản, tài hoa nghiêng về những thú chơi có tính cách văn hóa. Văn của Kim Lân trước 1945 là lối văn làm đẹp thêm cho đời sống, một thứ văn “thêm hương thêm hoa" cho cuộc đời thực vốn đã nhiều ngang trái, khổ đau. Vì thế mà sau này nhà văn cũng nhận thấy rằng: "Đương nhiên, không thể nói là những truyện này có hại. Nhưng tầm nhìn, tâm tư tưởng của một nhà văn còn hạn chế". 
 
Thời kì sáng tác mới của Kim Lân bắt đầu từ khi tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc (1943). Tác phẩm đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt trong sáng tác của nhà văn chính là truyện ngắn Làng (Tạp chí Văn nghệ, năm 1948). Nhà văn tâm sự: "… Nói đến tình yêu nước, nghe cảm thấy còn xa xôi, nhưng tình cảm đối với làng thì thật gần gũi, gắn bó. Đối với con người Việt Nam, làng xóm nuôi những con người lớn lên bằng cả vật chất cũng như đời sống tinh thần, tình yêu của tôi đối với làng cũng như đối với cách mạng là nguồn cảm hứng sâu sắc nhất khi tôi viết Làng". 
 
Nói đến Kim Lân là nói đến Vợ nhặt. Đây là tác phẩm làm nên tên tuổi nhà văn. Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn nhận xét: “Hình như những mẫu người đầu thừa đuôi thẹo ấy đã gửi một đại diện của họ vào văn học và Kim Lân đã làm việc này một cách đàng hoàng chững chạc". Chất liệu cho truyện ngắn này là những gì nhà văn mắt nhìn, tai nghe về cuộc sống của gia đình và của những người xung quanh trong làng mình trước nạn đói 1945. Viết về cái đói nhưng nhà văn lại không có ý định viết về nỗi khổ và cái chết mà cố gắng khắc sâu ý tưởng: dù trong tình huống bi thảm nhưng con người vẫn khao khát sống, hướng về ánh sáng, tin vào sự sống và tương lai, vẫn muốn sống cho ra người. 
 
Những hệ lụy, phiền toái
 
Nếu Làng (1948) và Vợ nhặt (1955) đã tôn vinh Kim Lân như một tác gia truyện ngắn có hạng thì Ông lão hàng xóm (1957) lại đem đến cho nhà văn những hệ luỵ, phiền toái. Bối cảnh của truyện Ông lão hàng xóm là sau cải cách ruộng đất và sửa sai. Bản thân nhà văn cũng là một cán bộ tham gia cải cách ruộng đất, đã chứng kiến những bi kịch của một giai đoạn lịch sử nhiều tháng năm, nhiều người bị sống trong cảnh oan sai. Kim Lân nhận thức về sự kiện này với một tâm huyết, một tinh thần của người đảng viên cộng sản: “Cải cách ruộng đất không sai với tất cả mọi người, nhưng ngay cả khi đúng, nó vẫn để lại một cái gì căng thẳng, bi kịch đối với con người. Truyện Ông lão hàng xóm của tôi khi viết ra bị phê bình khá gay gắt. Nhưng đến nay, tôi thấy truyện này đã nói được sự thật không khí thời gian cải cách ruộng đất [...]. Dù có nói đến sự thật nào, người viết luôn muốn vươn lên một cấp độ cao hơn, đó là nói cái ý nghĩa của sự thật ấy […]. Đoạn kết truyện, tôi đã mở ra một hướng thoát, một hi vọng cho nhân vật cũng như người đọc ở truyện". 
 
Con chó xấu xí (1962) là một tác phẩm có sức nặng của triết lí nhân sinh từ chuyện con vật để nói chuyện con người, chuyện xã hội (kiểu Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài). Kim Lân đã chia sẻ: “Viết truyện Con chó xấu xí tôi gửi gắm rất nhiều tâm huyết của bản thân. Sau Ông lão hàng xóm, tôi muốn viết truyện này cũng là giãi bày tâm sự, tấm lòng của mình, một nhà văn đi theo cách mạng. Truyện gồm hai tuyến sự kiện song song. Tôi có dụng ý xây dựng như vậy để tạo ra một sự đối sánh…”. Con chó xấu xí cũng như Ông lão hàng xóm đã gây tai nạn nghề nghiệp cho Kim Lân, dư luận lúc bấy giờ cho rằng chúng “có vấn đề” về cách nhìn bi quan, yếm thế đối với cuộc sống và con người. Sau truyện Con chó xấu xí, nhà văn có vẻ nản lòng và không hào hứng viết nữa.
 
Xảo thủ viết truyện ngắn
 
Kim Lân là một xảo thủ viết truyện ngắn. Ông cho rằng: “Khi sáng tác truyện ngắn, đối với tôi chi tiết vô cùng quan trọng. Truyện ngắn của tôi đầy ắp chi tiết. Tôi nói bằng chi tiết. Truyện của tôi viết ra không kể lại được […]. Chi tiết trong truyện ngắn của tôi có thể là những chi tiết tôi quan sát được trong cuộc sống hàng ngày. Cũng có thể chi tiết đó sinh ra hợp với những điều tôi muốn nói, muốn giãi bày. Nhiều chi tiết khi viết không được chuẩn bị từ trước, khi viết nhiều chi tiết đến một đoạn mô tả tự nó mới nảy sinh. Ngược lại nhiều ý nhiều đoạn được chuẩn bị kĩ lưỡng khi viết ra lại phải bỏ đi không dùng đến nữa. Chính vì thế, chi tiết từ đời sống mà lại không có thật từ đời sống”.
 
Đối với nhân vật trong truyện, Kim Lân nhất quán trong quan điểm: “Cũng do sự hạn chế về độ dài mà chi tiết trong truyện ngắn phải tập trung thể hiện chủ đề và tính cách nhân vật, số lượng nhân vật trong truyện ngắn cũng hạn chế hơn". Khi phân tích nhân vật trong truyện ngắn Kim Lân, chúng tôi chú ý đến quan niệm của nhà văn: “Thực chất, viết văn, trước tiên tôi viết cho mình, cho những ước mơ, gửi gắm của chính mình", hoặc: “Trong văn phải có tâm. Tôi chỉ muốn thể hiện một cách rõ nét con người tôi qua trang viết, […]. Nghiệm từ sáng tác của tôi, những truyện còn để lại đôi chút dấu ấn đối với người đọc đều là viết về chính mình".  Nguyên tắc xây dựng nhân vật truyện ngắn được Kim Lân đề lên: “Chính mình là người khác. Mình hóa thân vào người khác, khi là một chàng trai, khi là một ông già, khi là một cô gái... Tôi gửi gắm những mong mỏi khát khao, gửi gắm chính tôi vào những nhân vật và những dòng chữ”. 
 
Kim Lân còn là một điển hình của người “thợ chữ”. Ông luôn ý thức nghiêm túc về lao động câu chữ: “Ngôn ngữ trong truyện ngắn phải tinh tế hơn, gạn lọc hơn, kĩ hơn và phải có ý tứ bên trong... Do đó tôi xem văn như người. Văn tôi giống tôi trước hết là cách nói, cách nghĩ, cách xử sự”.
 
Đặc biệt, Kim Lân có biệt tài phác họa khung cảnh và con người. Khả năng quan sát đời sống (khung cảnh, con người) một cách rất gần và từ bên trong đã làm cho ngôn ngữ văn chương trong truyện ngắn Kim Lân có hình khối, đường nét - khả năng tạo hình của ngôn ngữ văn chương rất hiệu quả trong bàn tay tài hoa của nhà văn. Ông cũng là nhà văn mạnh về trực giác và có khả năng ướm mình vào nhân vật để kể, để tả. Có một nhà văn Kim Lân của những người khốn khổ như anh cu Tràng trong Vợ nhặt, ông chắt Dư, anh Đoàn trong Ông lão hàng xóm… Viết về những kiếp người như thế nhà văn đã sử dụng một thứ ngôn ngữ văn chương “ròng ròng sự sống” - đó là tính chất tươi nguyên, tính chất tạo hình có ma lực dẫn dụ người đọc nhập vào không khí của truyện và mỗi nhân vật do ông tạo nên như có thể “sờ mó” được. Kim Lân thổi hồn sống vào ngôn từ, bắt mỗi câu mỗi chữ phải là lửa, là nước, là gió, là mặt trời. Ngôn ngữ văn chương của Kim Lân có khả năng khuấy lên trong người đọc sự không yên tĩnh và không thể thờ ơ đến mức người đọc có thể cùng khóc, cùng cười với nhân vật. 
 
Ngoài ra, Kim Lân cũng rất quan tâm đến việc tìm tình huống khi viết truyện ngắn: “Hoàn cảnh, tình huống chính là mảnh đất để thể hiện tính cách nhân vật”. Đọc truyện ngắn Kim Lân ta thấy nhà văn thường tạo ra những tình huống bất thường, điển hình như truyện Vợ nhặt, Bố con ông gác máy bay trên núi Côi Kê…  
 
Nhà văn Kim Lân có một vị thế quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông viết ít nhưng phù hợp với quy luật của nghệ thuật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Một Tuyển tập Kim Lân ở dạng khá đầy đủ do Nhà xuất bản Văn học in năm 1996, chỉ hơn 600 trang sách. Các thế hệ nhà văn sau 1945 đều khâm phục Kim Lân - coi ông như một bậc thầy ngang với Nam Cao, Nguyễn Công Hoan trong lĩnh vực truyện ngắn. Nhà văn Nguyễn Khải viết: “Về văn xuôi, là cái nghề của tôi, trước sau tôi thuần phục có ba người là các ông Nguyễn Tuân, Nam Cao và Kim Lân. Sau này viết lách được cái gì thường cũng lấy văn của ba ông làm chuẩn… (Dẫn theo Lữ Huy Nguyên - Lời giới thiệu Tuyển tập Kim Lân, Nxb Văn học, 1996).
 
------------
* Ý kiến của nhà văn Kim Lân sử dụng trong bài viết được dẫn theo cuốn sách “Nhà văn nói về tác phẩm”, Nxb Văn học, 1988. 
 
Người Hà Nội
http://nguoihanoi.com.vn/tac-gia-truyen-ngan-kim-lan-thoi-gian-va-sang-tao_263452.html
 

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)